Wednesday, March 30, 2016

Vị trí số 1 Đông Nam Á, phải là Việt Nam?

Vị trí số 1 Đông Nam Á, phải là Việt Nam?

(Doanh nghiệp) - Bản chất của năng lực cạnh tranh quốc gia là năng lực vận hành nền kinh tế có hiệu quả, với chi phí hợp lý nhất.

Phát biểu của ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp”, sáng 26/3.
Từ phía doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nêu thực tế có thể cần 20 năm nữa thu nhập bình quân đầu người VN mới bằng mức thu nhập bình quân của thế giới, đồng thời cảnh báo tình trạng “thương mại hóa quan hệ với nhà nước” với một số những ưu đãi ngầm.
Vi tri so 1 Dong Nam A, phai la Viet Nam?
Ảnh minh họa
Điều này, theo ông Đoàn, khiến các lợi ích kinh tế chỉ đạt được nhờ quan hệ “thân tín” với cơ quan công quyền, chứ không phải năng lực và nỗ lực của doanh nghiệp. “Điều này cũng làm cho doanh nghiệp tư nhân rất khó phát triển, ngay cả khi họ hoạt động hiệu quả”- ông Đoàn nói.
Thừa nhận điều này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ thẳng ra: “Chi phí chính thức cao, phi chính thức càng cao là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp VN không thể lớn được”.
"Liệu có làn sóng đầu tư mới vào VN và trả lời "tin chắc làn sóng đó sẽ xảy ra nếu có làn sóng khác", đó là làn sóng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở VN", ông Lộc nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Quốc Toản, Phó Chánh Văn phòng Ban kinh tế trung ương nhắc lại hồi ký của ông Lý Quang Diệu “nếu có vị trí số 1 ở Đông Nam Á thì đó phải là VN mới xứng đáng”, đồng thời nêu tại Hàn Quốc, Chính phủ dành ưu tiên đặc biệt, đầu tư khoảng 4 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp kinh doanh mạo hiểm.
Ông Toản cho rằng VN cần quan tâm, đầu tư hơn cho khởi nghiệp, tạo các “quỹ đầu tư thiên thần” hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp triển vọng.
“Tuy nhiên, với VN, quỹ đầu tư mạo hiểm ngoài vốn nhà nước nhất định cần có vốn tư nhân, kể cả vốn nước ngoài” - ông Toản nói.
Bỏ lỡ nhiều cơ hội
Trước đó, tại buổi giới thiệu ra mắt cuốn sách Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam của Giáo sư Trần Văn Thọ, Giáo sư kinh tế học Đại học Waseda, Tokyo đã chỉ đích danh 3 nguy cơ của kinh tế Việt Nam trong vòng 10 năm tới, đó là nguy cơ chưa giàu đã già, nguy cơ chuyển sang thời đại hậu công nghiệp quá sớm và nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình thấp.
Đó là, Việt Nam chưa trải qua một thời đại "phát triển với tốc độ cao mặc dù đã ở trong giai đoạn dân số vàng. Với lợi thế của dân số vàng và lợi thế của nước đi sau, nhưng chưa có thời kỳ nào cả tỷ lệ đầu tư và TFP đều cao.
Đó là, công nghiệp hóa còn ở giai đoạn thấp nhưng có nguy cơ sớm chuyển sang thời đại hậu công nghiệp. Trào lưu mậu dịch tự do sẽ làm cho khuynh hướng đó mạnh hơn.
Nỗi lo lớn nhất mà ông Thọ dành nhiều dữ liệu để phân tích, đó là chỉ còn khoảng 10 năm là chấm dứt giai đoạn dân số vàng mà thu nhập đầu người còn rất thấp. Vị giáo sư cảnh báo, thời gian không chờ đợi ai. Theo ông, nhiều nước ở Đông Á chỉ cần trên dưới 15 năm đã chuyển hẳn vị thế của đất nước trên bình diện quốc tế. Việt Nam sau 30 năm đổi mới, dưới con mắt nhìn nhận của các nhà kinh tế học, đã không tạo ra được kỳ tích phát triển như những nước khác.
Theo GS Thọ, Việt Nam phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài quá nhiều. FDI chiếm tới 50% tổng sản phẩm công nghiệp, chiếm 70% xuất khẩu của Việt Nam, một tỷ lệ rất cao. Đáng báo động là mảng này ngày càng mạnh lên, còn các công ty quốc doanh, tư nhân trong nước ngày càng ít.
Đáng lo hơn, Việt Nam cũng nhận và phụ thuộc nhiều vào viện trợ từ nước ngoài. So sánh với Hàn Quốc, họ chỉ nhận ODA trong 20 năm, thời gian đó ODA/đầu người là 10 USD, bây giờ họ là nước chủ nợ, cho vay. Còn Việt Nam từ năm 1993 đến nay đã 22 năm (chưa kể thời gian trước đó nhận viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc) mà bây giờ ODA tiếp tục tăng, nợ tính trên đầu người là 45 USD, so với Hàn Quốc là quá cao.
Tiếp thu tinh thần Minh Trị Nhật Bản, GS. Trần Văn Thọ cho rằng lãnh đạo chính quyền cần có quyết tâm xây dựng Việt Nam thành một quốc gia thượng đẳng. Muốn đột phá thì bộ máy hành chính phải thay đổi quy trình tuyển chọn và đề bạt quan chức. Những quan chức nào không đủ năng lực, đạo đức, tự trọng thì không đưa vào bộ máy hành chính.
GS Thọ cũng cho rằng Việt Nam cần xây dựng đội ngũ tư bản dân tộc, sớm "tốt nghiệp" ODA, không vay và xin viện trợ nước ngoài nữa, ngay từ bây giờ phải chuẩn bị cho sự thoát khỏi viện trợ nước ngoài, chấm dứt xuất khẩu lao động.
An An (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment