Luật Quốc phòng mới của Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực
Họp báo của thủ tướng Shinzo Abe ngày 29/03/2016 tại Tokyo.Reuters
Bộ Luật Quốc phòng từng bị nhiều phản đối trong dư luận, được Quốc Hội Nhật Bản thông qua cuối năm ngoái, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 29/03/2016, cho phép Lực Lượng Phòng Vệ Nhật triển khai quân tham chiến ở nước ngoài để hỗ trợ đồng minh.
Hôm nay tại Tokyo, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tổ chức họp báo thông báo bộ luật Quốc phòng mới đi vào hiệu lực.
Bất chấp sự phản đối dữ dội của đa số dân chúng, dự luật Quốc phòng mới, dựa trên khái niệm « phòng vệ tập thể », đã được Quốc Hội Nhật thông qua hồi tháng 9 năm 2015. Do không thể sửa đổi được điều khoản Hiến pháp cấm quân đội Nhật can dự vào mọi cuộc xung đột quốc tế, thủ tướng Shinzo Abe đưa Quốc Hội thông qua luật Quốc phòng sửa đổi, một cách thức diễn giải khác nội dung chủ hòa của Hiến pháp.
Mặc dù vẫn vấp phải sự phản đối của dư luận, từ giờ trở đi Luật Quốc Phòng mới cho phép Nhật Bản, trong những điều kiện nhất định, gửi quân hỗ trợ các nước đồng minh. Nói một cách khác luật mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội Nhật trong những chiến dịch quốc tế duy trì hòa bình hoặc trong các hoạt động cứu hộ nhân đạo ở nước ngoài.
Trước các nhà báo hôm nay, phát ngôn viên chính phủ Nhật Yoshide Suga giải thích : « Bộ luật này là cần thiết để bảo vệ an ninh và hòa bình trong lúc tình hình xung quanh nước Nhật ngày càng căng thẳng ».
Đại diện chính phủ Nhật nhắc lại các vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên trong những tuần qua, đồng thời ông nhấn mạnh « Nhật sẽ tiếp tục chủ trương hành động ôn hòa thông qua con đương ngoại giao ».
Liên tục trong những ngày qua và cả trong ngày hôm nay, nhiều cuộc biểu tình phản đối bộ luật mới đã diễn ra tại Tokyo. Tuy nhiên, cũng như từ khi còn là dự luật, áp lực của dư luận không làm thay đổi quyết tâm tăng cường sức mạnh quốc phòng của thủ tướng Shinzo Abe.
Lý giải cho lập trường của mình, ông Abe cho rằng quân đội Nhật cần phải tăng cường khả năng hành động nhằm bảo vệ nước Nhật trước sự bành trướng của Trung Quốc ở các vùng biển lân cận và để đối phó với đe dọa thường trực của Bắc Triều Tiên.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment