Bật mí vũ khí lợi hại nhất của các CEO
- 26 tháng 8 2015
John C Bogle, giám đốc điều hành nay đã nghỉ hưu của quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, Vanguard Group, Hoa Kỳ, từ lâu vẫn giữ một bản sao bài thơ Ozymandias cạnh bàn.
Tác phẩm của Percy Bysshe Shelley nói về một bức tượng đổ nát của một pharaoh Ai Cập, đứng một mình giữa sa mạc.
Bogle nói bài thơ nhắc nhở ông “hãy hạ thấp sự kiêu căng của mình, bởi những gì ta dựng nên sẽ không tồn tại mãi mãi. Không có gì tồn tại mãi mãi”.
Bogle cũng yêu thích tác phẩm của nhiều nhà thơ khác, như Alfred Tennyson.
Thơ giúp ông xem xét nội tâm, ông nói qua một email sau một cuộc phỏng vấn tại nơi làm việc của mình, và giúp ông cân bằng tất cả những nhu cầu của một công ty đang phát triển.
“Con người rất quan trọng, và việc quan tâm đến những người mà làm việc chung, và những người mà chúng ta phục vụ, phải là trọng tâm của bất cứ định chế nào.”
“Tôi đoán là Ozymandias có lẽ đã không quan tâm lắm đến người khác, ngoại trừ bản thân ông ta và sự nghiệp của mình.”
Bogle đã thành lập Vanguard, một công ty phi lợi nhuận, với một cơ cấu khác thường, theo đó lợi nhuận thu được không thuộc về Bogle lẫn công ty mẹ. Thay vào đó, lợi nhuận được trả ngược về cho các nhà đầu tư dưới dạng chi phí thấp hơn.
Công ty, với tổng giá trị tài sản khoảng 3,3 triệu đôla và có khách hàng ở trên 80 nước trên thế giới, có mức chi phí thấp nhất trên thị trường, theo hãng nghiên cứu Morningstar Inc và khoảng 46.000 người dõi theo nguyên lý đạo đức cũng như sự chỉ dạy về đầu tư của Bogle trên diễn đàn internet Bogleheads.
Có lẽ bạn sẽ nghĩ thơ là một thứ nghệ thuật xa vời với kinh doanh, nhưng Bogle không phải là người duy nhất tìm thấy giá trị trong những vần điệu thi ca.
Rất nhiều CEO nói chúng giúp họ rất nhiều.
Trong một thế giới hỗn loạn, đầy rẫy sự cạnh tranh, thi ca mang lại một lối thoát, họ nói.
Với thứ ngôn ngữ sinh động, với khả năng làm lắng đọng những ý tưởng phức tạp, thơ ca giúp các CEO áp dụng những cách nghĩ nhất định về các ý tưởng, các thách thức và những cơ hội lớn hơn mà họ phải đối mặt mỗi ngày.
“Đây là việc làm sao để quản lý được sự mơ hồ,” Clare Morgan, giám đốc chương trình viết sáng tạo tại Đại học Oxford, nói. “Thơ là thứ bạn có thể cảm nhận, khám phá, tìm hiểu và liên tục đấy tiếp những giới hạn của nó.”
Âm nhạc của khối óc
Morgan, tác giả cuốn ‘Thơ mang lại những gì cho kinh doanh’, thường tổ chức các cuộc hội thảo cho các CEO, những người muốn dùng thơ để làm sáng tỏ các ý tưởng của mình.
Ý tưởng này trở nên thịnh hành giữa các CEO đến nỗi Morgan phải bắt đầu từ chối khách hàng, kể từ khi cuốn sách của bà được xuất bản vào năm 2010 (bà cũng viết tiểu thuyết và dạy cách sáng tác).
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Exeter, Anh Quốc đang nghiên cứu cách não bộ phản ứng trước thơ và gọi đây là ‘âm nhạc của khối óc’.
Nghiên cứu của họ cho thấy thơ giúp kích thích các vùng của não liên quan đến nội quan, và những tác phẩm đầy cảm xúc tác động đến não bộ một cách mạnh mẽ cũng giống như âm nhạc, gây cảm giác ‘lạnh sống lưng’.
Một nghiên cứu khác cho thấy việc đọc tiểu thuyết làm tăng sự thông cảm.
Một khảo sát vào năm 2006 của Quỹ Thơ, ở bang Illinois, Hoa Kỳ, cho thấy 90% trong số những người đọc thơ nói họ thích thơ vì chúng giúp họ hiểu người khác tốt hơn.
Các CEO yêu thích thơ không chỉ vì chúng giúp giải trí và tăng tính sáng tạo như tất cả chúng ta, mà quan trọng hơn, thơ giúp họ có được cái nhìn nội tâm.
Những CEO thích thơ nói họ có những câu thơ mà họ thỉnh thoảng hay tìm lại.
Việc diễn giải ý nghĩa của thơ giúp họ có những góc nhìn sáng tạo hoặc những góc nhìn mới về các thách thức phải đối mặt khi vận hành một bộ máy phức tạp.
Ví dụ như Bogle nhận được một bằng tiến sỹ danh dự tại Princeton vào năm 2005 và được yêu cầu phát biểu. Thay vì phát biểu, ông đọc bài thơ Ulysses mà ông thuộc nằm lòng, tạm dịch:
“Trái tim trở nên yếu mềm trước thời gian, trước số phận, nhưng lại được ý chí mạnh mẽ giúp vươn lên, để biết kiếm tìm và chẳng bao giờ bỏ cuộc,” ông dẫn bài thơ để nói về những cá tính cần thiết với một CEO.
Một trong những cá tính cần thiết, theo Bogle, là sự dũng cảm để xem nhẹ lợi nhuận ngắn hạn và trung thành với tầm nhìn dài hạn của mình.
Bogler đã từng từ chối những cơ hội kiếm tiền ngắn hạn.
Seth Goldman, người sáng lập Honest Tea, một công ty con thuộc Coca-Cola Co, đặt tại Maryland với hơn 130 triệu đôla doanh thu thường niên, nói ông thường đọc đi đọc lại bài thơ Thức tỉnh (The Waking) của Theodore Roethke, vốn nói về mối liên hệ giữa con người và thế giới xung quanh.
“Tôi học bằng cách đi đến những nơi phải đến,” ông dẫn bài thơ trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của Honest Tea.
“Đoạn thơ này diễn tả một cảm nhận về phương hướng, vốn kết hợp giữa vận mệnh và những cái bất định,” ông nói thêm trong một email về sau.
“Đối với tôi, câu ‘sự rung chuyển này khiến tôi vững vàng’ nói lên những gì tôi đã trải qua khi làm một doanh nhân,” ông nói.
Các CEO cũng dùng thơ để giúp họ chắt lọc những dòng suy nghĩ và kết nối với các văn hoá khác nhau, Morgan nói.
Tại một hội thảo ở Nhật Bản với công ty tư vấn Boston Consulting Group, bà đã giúp các nhà điều hành đến từ các vị trí khác nhau trong các công ty thảo luận về xã hội dân sự thông qua bài thơ Dừng chân bên rừng trong một đêm tuyết bay (Stopping By the Woods on a Snowy Evening) của Robert Frost.
“Nếu bạn ngồi xuống và thảo luận một vấn đề phức tạp như trách nhiệm hay niềm tin, mỗi người sẽ đưa ra những quan điểm khác nhau,” bà nói.
“Thế nhưng khi bạn đề nghị người khác bàn luận về thơ, điều đó mang lại ít rủi ro hơn, vì chúng không có giới hạn nào.”
Một nghiên cứu cho thấy thơ liên kết với các vùng trong não liên quan đến ký ức, không chỉ nội tâm.
Thơ có thể nhắc nhở các CEO lý do vì sao họ phải làm việc vất vả. Đây là điều rất giá trị với họ, những người thường cảm giác như một ngày luôn dài vô tận, với vô số trách nhiệm.
Ammar Aker, CEO của Paltel Group, một công ty viễn thông ở Bờ Tây Palestine, với 3.000 nhân viên và doanh số hơn 500 triệu đôla, luôn tìm đến một câu trong bài thơ hiện đại, Mahmoud Darwish, tạm dịch là “Chúng ta có trên Trái Đất này những thứ khiến đời đáng sống”.
Ông nói đoạn thơ này phù hợp với ông, và thơ và nghệ thuật giúp ông thoát ra khỏi sự bận rộn của công việc.
Trên máy bay, ông thường đọc sách về kinh doanh.
Thế nhưng khi đến dự một trong các buổi trình diễn âm nhạc hay ngâm thơ ở Ramallah thì ông muốn giúp đỡ những người phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn ở Palestine.
“Tôi muốn đảm bảo rằng Paltel là một hình mẫu công ty… mang lại cho thế hệ trẻ hy vọng để hướng tới phía trước.”
Bản gốc bài viết đã được đăng trên BBC Capital
No comments:
Post a Comment