Tranh cãi về cuộc diễu binh 2/9
- 6 giờ trước
Dự kiến sẽ có 30.000 người tham gia diễu binh mừng Quốc khánh 2/9 tại Hà Nội. Trước đó, việc cấm đường để diễn tập hôm 29/8 gây nhiều bức xúc trên mạng xã hội.
Hôm 29/8, báo Người Lao Động đưa tin việc cấm xe diễn ra ‘ở 40 tuyến phố’.
Báo này tiết lộ dự kiến sẽ có 30.000 người tham gia lễ diễu binh, diễu hành vào sáng 2/9.
Hàng nghìn cảnh sát giao thông, cơ động, đặc nhiệm công an Hà Nội cùng nhiều tổ công tác trấn áp tội phạm khủng bố, đua xe... cũng được huy động.
Theo các báo, đoàn diễu binh bắt đầu đi từ quảng trường Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi chia theo hai hướng qua các tuyến phố: Nguyễn Thái Học - Kim Mã - Liễu Giai và Nguyễn Thái Học - Tràng Thi - Hàng Khay - Tràng Tiền - Nhà hát Lớn - Trần Khánh Dư.
Trước đó, hôm 12/8, VnExpress cho biết 21 phát đại bác sẽ được bắn ở Hoàng thành Thăng Long ngày 2/9.
"Quy mô của lễ diễu binh lần này sẽ lớn hơn lễ diễu binh kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng được tổ chức trên tinh thần tiết kiệm, đẹp, trang nghiêm và hoành tráng", báo này dẫn lời Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái.
Tuy vậy, VnExpress cũng cho hay ‘đến nay chưa tính được tổng kinh phí đầu tư cho sự kiện này’.
‘Chỉ những người lười lao động mới thấy phiền’
Hôm 31/8, trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt, bà Nguyễn Ngọc Phương, giáo viên của một trung tâm Yoga trên đường Láng Hạ, Hà Nội, cho biết ‘rất háo hức chờ diễu binh vì đó là sự kiện gơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc’.
“Tôi nghĩ có nhiều người giống như mình, trông đợi tận mắt thấy diễu binh. Việc sự kiện này quy tụ 30.000 người và 21 phát đại bác được bắn là hoàn toàn xứng đáng”, bà Phương nói.
Khi đề cập về những bất tiện mà người dân Hà Nội gặp phải trong ngày cấm đường 29/8 để tổng duyệt diễu binh, bà Phương có phần gay gắt:
“Chỉ có những người lười lao động, ích kỷ mới thấy phiền khi bị cấm đường. Để tổ chức một sự kiện ý nghĩa như vậy, cấm đường là chuyện bình thường”.
Trong khi đó, một facebook có nick Biên Nguyễn ở Hà Nội tỏ vẻ bức xúc về chuyện cấm đường:
"Về cơ bản, mình chẳng hiểu cấm mấy tuyến phố đấy làm gì? Có thể là chặn dân ra Phan Đình Phùng, nhưng tại sao chặn từng khúc một trên cả con phố dài và chặn cả lối vào những nơi quan trọng như bệnh viện.
Thứ nữa, mình chẳng thích diễu binh và chả quan tâm đến sự háo hức vô bờ bến của các bác vào những đợt diễu binh, chỉ cảm thấy dân bị lùa đi như những đàn bò.
Một người dân có nói một câu với công an mà mình thấy hay: "Ông cha chúng tôi đấu tranh giành độc lập để chúng tôi được hạnh phúc chứ không phải bị cấm cả vào bệnh viện thăm người thân như thế này! Các anh không thấy phi lý à?".
Từ Philippines, blogger Nguyễn Anh Tuấn lên tiếng trên Facebook:
“Để có được mấy dòng tự do, hạnh phúc trên khẩu hiệu thì phải đổi bằng tự do thật (đi lại) và hạnh phúc thật (về sớm với gia đình). Ai cho phép làm rối loạn giao thông thế này? Căn cứ pháp luật nào để bạ đâu cấm đấy thế này? Những người nắm quyền đang coi thủ đô như mảnh đất trong vườn nhà họ hay sao mà tùy tiện như vậy? Đã thử hỏi ý kiến người dân xem họ đồng thuận không? Hay thực ra đang muốn chứng tỏ quyền lực? Ảo tưởng quyền lực?”.
Hôm 31/8, nhiều facebooker tán đồng ý kiến đề nghị Hà Nội thay diễu binh bằng giúp 48.000 người thoát nghèo.
“Theo truyền thông báo chí, có khoảng 30.000 người luyện tập từ bốn tháng nay để phục vụ ‘ngày hội lớn’ 2/9.
Nếu tính đổ đầu thu nhập của mỗi người là 5 triệu đồng/tháng, thì bốn tháng, thu nhập của 30.000 người sẽ là 600 tỷ đồng.
Hiện tại, 50 triệu là một ‘cần câu’ cho một hộ nghèo để thoát nghèo. 600 tỷ đồng sẽ là 12.000 cần câu giúp 12.000 hộ nghèo thoát nghèo. Nếu trung bình mỗi hộ có bốn nhân khẩu thì sẽ có 48.000 người được thoát nghèo.
Thay vì diễu binh mà có 48.000 nhân khẩu thoát nghèo nhân dịp 2/9 thì đích thị đó là ‘ngày hội lớn’ vô cùng nhân văn không thể chối cãi. Và chắc chắn một điều không người Việt Nam có lương tâm nào bác bỏ hay không đồng thuận", facebook có tên tắt là N.V.H được dẫn lời trên mạng xã hội.
No comments:
Post a Comment