Thursday, August 27, 2015

Kỳ tuyển sinh 2015

Kỳ tuyển sinh 2015

Chân Như, phóng viên RFA
2015-08-26
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Hướng dẫn viết phiếu đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng 2015
Hướng dẫn viết phiếu đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng 2015
 Screenshot
<
audio controls>
Vừa qua sự kiện kỳ tuyển sinh 2015 được toàn nước nhắc đến vì đây là kỳ thi đầu tiên của Việt Nam được ghép hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học vào thành một. Theo bộ giáo dục và đào tạo là nhằm làm giảm áp lực thi cử và tránh gây lãng phí cho xã hội.  Tuy nhiên, với lần thử nghiệm này đa số người dân cho là hoàn toàn thất bại.  Ngay chính ông bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận đã lên tiếng nhận trách nhiệm về những bất cập trong đợt xét tuyển đại học đầu tiên gây phiền hà, tốn kém cho người dân.  Trong diễn đàn bạn trẻ kỳ này, Chân như và các bạn trẻ khách mời sẽ cùng chia sẻ về đề tài này.
Chân Như: Các bạn nhận xét thế nào về đợt 1 kỳ tuyển sinh đại học – cao đẳng vừa qua ? thành công hay thất bại ? Vì sao bạn nhận định như vậy ?
Lâm Duy: Đây là một kỳ thi cải cách gộp 2 kỳ thi vào thành một và theo bộ trưởng bộ giáo dục đào tạo hiện hành Phạm Vũ Luận gọi ví vọn đây là kỳ thi “là trận đánh lớn”.  Đã là trận đánh, theo mình thì ắt phải có nạn nhân hay thương vong và nếu ví von kỳ thi này là trận đánh thì theo tôi nạn nhân năm nay đó là các em thí sinh và phụ huynh của các em.  Kỳ thi đã không đạt được những mục tiêu rất là cơ bản như đã được định trước về giảm tải áp lực của thí sinh và phụ huynh. Về bản chất, mục đích thì  thi tốt nghiệp trung học phổ thông nó khác với thi đại học. Trong khi đề thi đại học mang tính sàn lọc cao và phân tầng thí sinh, thì tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ đánh giá thí sinh có đủ kiến thức cơ bản để tốt nghiệp hay không mà thôi.  Vì vậy, gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học cao đẳng vào làm một thì tất nhiên nó sẽ không làm tròn được cả hai mục đích của kỳ thi này.  Và theo tôi đây là một thất bại.
Nguyên Lê: Cũng như bạn Lâm Duy chia sẻ thì năm nay là năm đầu tiên của Việt Nam trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng đại học với kỳ thi trung học phổ thông để rút ngắn thời gian. Theo quan điểm của em, nó hoàn toàn thất bại khi bác bộ trưởng không có một tầm nhìn xa hơn là những vấn đề phía sau của nó. Thí sinh còn phải chạy rút đi nộp hồ sơ trong khi đó những năm về trước chia làm hai kỳ thi thì khi thi đại học cao đẳng có tính sàng lọc cao; Khi thi xong rồi thí sinh chỉ ở nhà chờ đợi kết quả của nhà trường chứ không chật vật như tình hình hiện nay chạy tới chạy lui.  Như một vị giáo sư của Việt Nam có chia sẻ mùa tuyển sinh đại học 2015 của Việt Nam là hoàn toàn thất bại, hoàn toàn hỏng.
Gia Bảo: Em cũng đồng quan điểm với 2 bạn. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng 2015, bộ giáo dục  nhắm đến những ưu điểm ví dụ như gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học cao đẳng lại với nhau có thể giảm ngân sách của nhà nước cho việc tổ chức thi và chấm thi. Hơn nữa cơ hội đậu đại học của các bạn thí sinh sẽ cao hơn so với việc tách riêng hai kỳ thi tốt nghiệp vào đại học như trước.  Tuy nhiên, có lẽ bộ không nhìn thấy được khuyết điểm lớn của kỳ thi này là cách thức làm việc quá rườm rà khiến nhiều người trở nên mệt mỏi: quy trình nộp hồ sơ theo dõi rồi rút, rồi lại nộp sẽ làm tăng thêm áp lực cho thí sinh và gia đình rất nhiều; rồi lại bày vẽ thêm các đợt tuyển sinh bổ sung. Trong khi đợt tuyển đầu kết thúc thì các trường gần như tuyển đủ chỉ tiêu rồi như vậy em thấy phương án gộp 2 kỳ thi lại nó không có khả quan và đó được coi như là  thất bại.
Thí sinh xếp hàng dài chờ rút hồ sơ tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng 10-8.
một xã hội thờ ơ với những quyết định có liên quan tới cuộc sống của họ; Họ cứ thờ ơ mặc cho các vấn đề đó như cá nằm trên thớt. Họ hầu như không giám sát, không ý kiến và hiện tại chỉ than thân trách phận thì lỗi hẳn là do chính chúng ta chứ không phải là do bộ giáo dục và đào tạo
Lâm Duy
Chân Như: Trong bài viết phản biện ý kiến của cậu bé Tường Minh – người nhận xét giáo dục Việt Nam “quá thối nát”, Nhà văn Trang Hạ có nói một ý rằng “Nếu cuộc đời bạn thất bại, sao lại đổ lỗi cho Bộ trưởng Giáo dục?”. Theo các bạn thì việc nhiều thí sinh điểm cao phải vật lộn nộp hồ sơ, vẫn có nguy cơ trượt đại học, thì việc này nên đổ cho thí sinh hay ngành giáo dục?
Lâm Duy: Nói qua về phát biểu của cậu bé Tường Minh, mình khá bất ngờ khi mà cậu bé đã nói ra điều mà ít có đứa trẻ nào ở độ tuổi của em nhận thức được, và nói ra điều mà không phải người lớn nào cũng dám công khai nói thẳng. Cậu bé này đã quan tâm đến vấn đề nhức nhối mà ít có người lớn nào quan tâm đúng mức, đó là về giáo dục nói chung.  Và có khá nhiều người ném đá lời phát biểu của nhà văn Trang Hạ, nhưng cá nhân mình thì mình lại nghĩ phát biểu theo hướng khác.  Tôi lấy ví dụ như giá cả xăng dầu đi chẳng hạn, giá bán hiện tại của Việt Nam là gần 20 ngàn, tức là nó đã gấp đôi giá nhập khẩu chỉ là chưa tới 9 ngàn và cộng thêm nhiều khoản thuế phí cao một cách vô lý. Tuy vậy, người tiêu dùng ở Việt Nam vẫn sẵn sàng chi trả cho giá xăng bất hợp lý đó. Bởi do người ta không có nhận thức được là người ta có những quyền công dân để giám sát các hoạt động của nhà nước và quyền phản đối công khai nhưng trong ôn hoà những điều người ta cho là bất hợp lý. Vì thế, giáo dục nói chung hay là kỳ thi tuyển sinh quốc gia lần này cũng vậy: đó là một xã hội thờ ơ với những quyết định có liên quan tới cuộc sống của họ; Họ cứ thờ ơ mặc cho các vấn đề đó như cá nằm trên thớt. Họ hầu như không giám sát, không ý kiến và hiện tại chỉ than thân trách phận thì lỗi hẳn là do chính chúng ta chứ không phải là do bộ giáo dục và đào tạo. Theo mình nghĩ câu phát biểu của nhà văn Tranh Hạ theo hướng như vậy.
Gia Bảo: Em cũng có xem đoạn clip của bé Tường Minh có phát biểu. Theo quan điểm của em, bé rất dũng cảm khi nói lên những bức xúc của chính bản mình, và đó cũng chính là những bức xúc của  hàng triệu thế hệ học sinh sinh viên Việt Nam nói chung.  Không thể phủ nhận việc dạy và học của nền giáo dục Việt Nam đã tạo quá nhiều áp lực cho cả học sinh lẫn phụ Huynh. Thậm chí, các em còn đánh mất tuổi thơ của mình ở các lớp học thêm còn phụ huynh phải nai lưng ra làm để kiếm tiền đóng học phí.  Còn về phản biện của nhà văn Trang Hạ em thấy đây là một ý kiến không có tính nhân văn cho lắm bởi vì đây không phải là việc đỗ lỗi như cách của nhà văn Trang Hạ nói mà đây là sự kêu gọi mọi người có quyền lên tiếng và đấu tranh cho tương lai của họ hoặc là cho con em của mình. Cá nhân của em thì không đổ lỗi cho ai cả, muốn thành công thì dĩ nhiên các thí sinh phải nỗ lực hết mình cho việc học tập rồi. Thế nhưng việc em muốn nói ở đây là bộ giáo dục hãy xem lại cách làm việc của mình, vì khi cả nước lên tiếng thì đó không còn là vấn đề các vị có thể làm lơ được.
Chân Như: Theo các bạn, để cải cách phương thức thi cử - tuyển sinh, giải pháp nào là hiệu quả nhất ?
Gia Bảo: Em không phải người có chuyên môn trong lãnh vực giáo dục nên ý kiến của em  có thể đúng cũng có thể sai. Theo như em nghĩ thì bộ hãy để cho các trường giáo dục được tự đưa ra các phương thức tuyển sinh của riêng họ, thí sinh nào cảm thấy phù hợp thì nộp đơn vào trường đó. Bộ đừng can thiệp  quá nhiều vào những việc này.
Theo như em nghĩ thì bộ hãy để cho các trường giáo dục được tự đưa ra các phương thức tuyển sinh của riêng họ, thí sinh nào cảm thấy phù hợp thì nộp đơn vào trường đó. Bộ đừng can thiệp quá nhiều vào những việc này
Gia Bảo
Lâm Duy: Thật ra ý kiến của bạn Gia Bảo cũng là một trong những cái ý kiến của mình. Mặc dù về phương thức tự chủ trong tuyển sinh cũng đã được bàn khá nhiều, nhưng hiện tại ở Việt Nam  vấn đề là rất nhiều trường đại học chưa được kiểm định chất lượng giáo dục, thì những cách thức tự chủ trong tuyển sinh có thể là nó chưa có được hiệu quả hay đáng tin cậy lắm.  Trên thế giới, hiện nay, có nhiều những mô hình thành công ở những nước có nền giáo dục tiên tiến khác và bài học về sự thành công trong các nền giáo dục trên thế giới là nhiều vô kể. Mình nghĩ không khó để cải cách theo các bài học ấy, nhưng cái khó là sự thiếu quyết tâm và tư duy bảo thủ từ lãnh đạo mà ra.  Ở Mỹ, người ta chỉ xét tuyển dựa trên các tiêu chí của từng trường.  Những trường đại học của Mỹ thì được tự chủ phương thức tuyển sinh và người ta dùng rất nhiều phương pháp để tuyển sinh đại học có thể kể tới như kỳ thi đánh giá năng lực tư duy, phân tích vấn đề như kỳ thi SAT. Bên cạnh đó người ta kết hợp giữa điểm SAT với thành tích học tập ở trung học chẳng hạn, hay là phỏng vấn, chuyên sâu trực tuyến hay là viết luận tư duy logic vân vân.  Cách thức tuyển sinh như vậy cùng với sự tự chủ của từng trường sẽ đánh giá toàn diện thí sinh dựa trên năng lực tư duy chứ không phải kiến thức học thuộc lòng. Ở Việt Nam trong tương lai nếu muốn cải cách theo cách đó thì bắt buộc bậc giáo dục trung học phổ thông cũng phải được cải cách theo hướng là định hướng nghề nghiệp, các em học trung học phổ thông phải phân bang, sẽ định hướng nghề nghiệp ngay từ khi còn ở trên ghế trung học phổ thong. Theo định hướng đó mà các em đi vào chọn những trường đại học hay cao đẳng hay những trường nghề thích hợp thì mình nghĩ cách thức tuyển sinh đó nó sẽ có hiệu quả hơn.
Chân Như: Với những vấn đề hiện nay của ngành giáo dục, với tư cách là người dân, các bạn nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của những người làm chính sách và lãnh đạo của Bộ này? Những người đó phải nhận trách nhiệm bằng hình thức nào cho thỏa đáng?
Nguyên Lê: Theo em về trách nhiệm thì hiện giờ bộ giáo dục nên đưa ra một hướng giải quyết cần thiết ngay lập tức để giải quyết vấn đề còn lại cho đợt tuyển sinh kỳ hai, để cho các bạn sĩ tử khỏi chật vật hơn nữa.  Về hướng giải quyết thì em nghĩ là  bộ trưởng bộ giáo dục nên thôi việc về hưu sớm, nhường chỗ lại cho những người trẻ hơn để có cách làm việc tốt hơn, chứ các bác ở vị trí này rất là lâu mà không có một hướng giải quyết nào tiến triển hết, toàn là theo chiều hướng đi xuống. Mỗi lần làm sai thì cứ nói là xin lỗi người dân rút kinh nghiệm , nhưng rút cả chục năm nay mà không có tiến triển gì hết, thì em nghĩ các bác nên về hưu sớm.
Gia Bảo: Theo cá nhân của em, em nghĩ ở đây là môi trường giáo dục, mình đào tạo ra một con người cho nên khi có một phương án hoặc cải cách nào đó thì bộ trưởng hoặc các ban ngành có liên quan phải xem xét mọi góc độ ở nhiều khía cạnh, xem phương án đó hay là cách cải cách đó nó có những điểm mạnh nào và những khuyết điểm nào. Chúng ta đang thử nghiệm trên con người cho nên chúng ta không thể nào tùy tiện hoặc chủ quan, hoặc đưa ra những đánh giá không mang tính thiết thực  nên em thấy việc này mình phải cân nhắc rất kỹ càng trước khi đưa ra một phương án nào đó.  Còn về phần trách nhiệm thì rõ ràng như chúng ta đã biết kỳ thi đại học cao đẳng năm 2015 này đã thất bại hoàn toàn. Người chịu hậu quả sâu sắc nhất ở đây đó chính là các thí sinh của năm nay và dù gì thì hậu quả cũng đã xảy ra rồi bây giờ em chỉ mong là vào những năm sau bộ giáo dục sẽ có những cách làm tiên tiến và hay hơn, không làm cho thí sinh bị thụ động và gặp nhiều khó khăn như năm nay.  Và bộ giáo dục phải công khai nhận trách nhiệm và cúi đầu xin lỗi các thí sinh cùng gia đình trên sóng truyền hình trực tiếp của các đài truyền hình lớn, theo em chỉ có việc đó thì mới xoa dịu được tất cả những bức xúc và những khó khăn của thí sinh trong năm nay.
Lâm Duy: Nói về vấn đề trách nhiệm thì mình cũng chợt nhớ tới một bài báo đã đăng tin một gia đình thí sinh ở Hà Tĩnh đã mướn một chiếc xe cấp cứu chạy một mạch từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để rút hồ sơ để chuyển nguyện vọng sang trường khác. Đây là một truyện thật mà như đùa, và nó cũng nói lên tình trạng chung của tất cả các thí sinh và phụ huynh trong tâm lý rất áp lực và căng thẳng trong kỳ thi năm nay.  Có một số lời kêu gọi bộ trưởng Phạm Vũ Luận sau khi (ông) nhận trách nhiệm rồi, hay xin lỗi rồi thì nên từ chức  nhưng cá nhân mình thấy ông Luận cho dù có từ chức đi nữa( mặc dù đây không phải là tiền lệ nó được thấy nhiều của lãnh đạo Việt Nam) thì cũng không giải quyết được điều gì vì cái cần thay đổi ở đây là tư duy của lãnh đạo chứ không phải một người từ chức sau đó có một người lên thay với tư duy y như cũ.  Cải cách giáo dục đã được nói tới từ rất là nhiều năm nhưng rõ ràng nền giáo dục Việt Nam đang loay hoay trong một mê cung mà mỗi năm con em chúng ta làm những con chuột bạch để chứng tỏ cho sự thất bại của các đợt cải cách ấy. Và cái mê cung vẫn chưa có thấy được lối ra.  Mình đề nghị bộ giáo dục nên quay về cách tuyển sinh đại học “3 chung” như cũ, tại vì trong 2 cái tệ thì ta nên chọn cái cách ít tệ hơn.  Đó là ý kiến của mình, trước khi bộ giáo dục đưa ra một phương án tuyển sinh mới. Còn mình nghĩ hậu quả của đợt kỳ thi trung  học phổ thông quốc gia lần này (lỗi) không phải hoàn toàn của bộ giáo dục và đào tạo mà cũng cần phải nhắc tới trách nhiệm của toàn xã hội, những công dân đã thờ ơ trước những vấn đề có liên quan tới lợi ích chính đáng của con em chúng ta, để rồi mặc ai muốn làm sao thì làm và chúng ta thì chỉ biết than thân trách phận. Cái cần thay đổi phải là tư duy của chúng ta, tức là chúng ta phải ý thức được những cái quyền giám sát và nêu ra ý kiến để thay đổi những vấn đề có liên quan trực tiếp tới quyền lợi của chúng ta và con em của chúng ta.
Xin cám ơn ba bạn Lâm Duy, Gia Bảo và Nguyên Lê đã giành thời gian cho diễn đàn tuần này.

No comments:

Post a Comment