25/08/2015
Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (18/08/2015)
Nguyễn Thế Phương
Maginot là một phòng tuyến kiên cố của người Pháp được xây dựng trong những năm 1930 nhằm chống lại nguy cơ tấn công từ phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai. Công trình được mệnh danh là đỉnh cao của nghệ thuật phòng thủ thế giới thời bấy giờ. Thế nhưng Maginot đã nhanh chóng trở nên “vô dụng” khi quân Đức đi vòng qua nước Bỉ trung lập để tránh phòng tuyến của người Pháp. Kết quả là nước Pháp bị bất ngờ và thủ đô Paris bị phát xít Đức chiếm ngay sau đó. Thất bại đó, một phần xuất phát từ chính sự tự tin của người Pháp vào sức mạnh phòng thủ không gì phá nổi của Maginot.
Đánh giá về chiến lược phòng thủ của Trung Quốc, hai tác giả Robbie Gramer và Rachel Rizzo nhận định vành đai phòng thủ ven biển và ngoài khơi mà Bắc Kinh đang cố gắng xây dựng chẳng khác gì phòng tuyến Maginot năm xưa. Bài học về Maginot vẫn còn nguyên giá trị đến thế kỷ 21 và nó đang ứng nghiệm đúng với Trung Quốc. Robbie Gramer hiện là Phó giám đốc Sáng kiến An ninh Xuyên Đại Tây Dương thuộc Hội đồng Đại Tây Dương. Rachel Rizzo là trợ lý chương trình Sáng kiến Chiến lược thuộc Hội đồng Đại Tây Dương.
Chiến lược Chống xâm nhập/Chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc nhằm buộc quân đội Hoa Kỳ phải hoạt động ở khoảng cách càng xa Trung Quốc đại lục càng tốt. Trong đó, tên lửa phòng thủ bờ biển được xem là thành tố quan trọng trong tổng thế chiến lược A2/AD. Kết hợp với máy bay và radar, các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ tạo thành một mạng lưới phòng không, chống đổ bộ, bảo vệ các căn cứ hải quân Trung Quốc. Thêm vào đó, việc Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo trên biển Đông khiến Hoa Kỳ lo ngại Trung Quốc có thể mở rộng không gian cho chiến lược A2/AD. Điều đó đồng nghĩa với việc Washington sẽ bị đẩy ra xa Trung Quốc đại lục hơn trước. Nhưng nếu như vậy, Bắc Kinh sẽ phải củng cố lực lượng, tập trung những công nghệ phòng thủ tiên tiến và lệ thuộc vào những hòn đảo cố định này. Điều này giống như cách mà người Pháp đã làm với Maginot: trang bị những vũ khí phòng thủ tốt nhất cho một phòng tuyến kiên cố và ngồi chờ.
Tất nhiên, Hoa Kỳ không muốn xảy ra chiến tranh với Trung Quốc. Và trong giai đoạn còn chưa xảy ra xung đột, các chiến lược quân sự của Washington dường như được thiết kế nhằm chọc thủng “vành đai Maginot” của Bắc Kinh. Cho đến thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ vẫn chọn biện pháp “cứng” là đối đầu trực tiếp với các hệ thống phòng thủ của Trung Quốc. Washington không chọn cách “đi đường vòng” nhằm tránh những thế mạnh của đối phương như người Đức đã từng làm với Pháp. Ví dụ, nếu Trung Quốc sở hữu một loại tên lửa chống hạm mới, Hoa Kỳ sẽ trang bị cho các tàu chiến hệ thống tác chiến và gây nhiễu điện tử hiện đại hơn.
Câu hỏi đặt ra là, trong trường hợp xảy ra xung đột, Hoa Kỳ cần làm gì để giành được ưu thế quân sự trước phòng tuyến Maginot của Trung Quốc? Đặt trong bối cảnh hiện tại, nhiều khả năng xung đột giữa Bắc Kinh và Washington sẽ là cuộc chiến giành quyền kiểm soát mặt biển và bầu trời hơn là chiếm lãnh thổ đối phương. Có ít nhất 3 cách giúp Hoa Kỳ có được lợi thế quân sự trước Trung Quốc nếu xảy ra xung đột:
- Thứ nhất: Biến phòng tuyến Maginot của Trung Quốc trở nên vô dụng bằng cách sử dụng chiến thuật bầy đàn máy bay không người lái (UAV). Việc triển khai một số lượng lớn UAV sẽ khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc xác định mục tiêu thật sự cần tấn công. Thêm vào đó, chiến thuật bầy đàn UAV lại tỏ ra hiệu quả và tiết kiệm hơn so với việc triển khai đến chiến trường một phi đội chiến đấu cơ đắt đỏ.
- Thứ hai: Đi vòng tuyến phòng thủ ven biển bằng máy bay ném bom chiến lược. Trong thời gian sắp tới, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ dự định sẽ chế tạo máy bay ném bom chiến lược tầm xa thế hệ mới (LRS-B). Cùng với lực lượng LRS-B sẵn có, các LRS-B thế hệ mới của Hoa Kỳ có thể tiến vào nội địa Trung Quốc từ phía tây sau khi xuất phát từ căn cứ không quân Diego Garcia trên Ấn Độ Dương. Lực lượng phòng thủ bờ biển Trung Quốc khi đó sẽ buộc phải dãn đội hình và rút sâu vào trong nội địa để bảo vệ những nơi trọng yếu.
- Thứ ba: Cắt đứt nguồn cung năng lượng, phòng tuyến của Trung Quốc sẽ nhanh chóng trở nên vô dụng.
Tuy nhiên, về lâu dài, Hoa Kỳ cần buộc Trung Quốc phải chạy theo để bắt kịp và đối phó với sự phát triển quân sự của mình hơn là chạy theo đối phó Trung Quốc như hiện tại.
Trước khi Trung Quốc đưa ra ý tưởng về Con đường Tơ lụa trên biển và tiến hành cải tạo đất trên biển Đông, Bắc Kinh đã xây dựng một lực lượng tàu nạo vét hùng hậu. Đội tàu này, không chỉ phục vụ cho mục đích dân sự mà có thể dùng cho quân sự.
Minh chứng hùng hồn nhất là công tác cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển Đông có sự đóng góp rất lớn của các tàu nạo vét. Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 vừa qua tại Kuala Lumpur (Malaysia) đã ra tuyên bố quan ngại sâu sắc trước các động thái cải tạo đảo của Trung Quốc trên Biển Đông. Mặc dù Bắc Kinh không phải là quốc gia duy nhất tiến hành cải tạo đất ở Trường Sa, xong tiến độ thực hiện của họ khiến các quốc gia khác lo ngại.
Trong khi Việt Nam chỉ cải tạo được diện tích khoảng 121 nghìn mét vuông tại một địa điểm trong 5 năm; Malaysia cải tạo cùng diện tích trong thời gian 30 năm; Đài Loan là khoảng 20 nghìn mét vuông trong 2 năm thì Trung Quốc cải tạo hơn 12 triệu mét vuông chỉ trong vòng 18 tháng. Con số này phần nào nói lên năng lực của đội tàu nạo vét mà Bắc Kinh đang sở hữu.
Thế nhưng, cách đây 15 năm, đội tàu nạo vét hùng hậu như vậy chưa từng tồn tại ở Trung Quốc. Năm 2001, Bắc Kinh bắt đầu nỗ lực mở rộng và cải thiện đội tàu nạo vét yếu kém xuất phát từ 2 lý do chính. Thứ nhất: yêu cầu về đường thủy và cảng biển nước sâu phục vụ cho nhu cầu nội địa ngày càng tăng. Thứ hai, Trung Quốc muốn đảm bảo một vị trí trong thị trường tàu nạo vét toàn cầu vốn đang tăng trưởng nhanh chóng. Nhờ vào nỗ lực này, số lượng và năng lực của các tàu nạo vét Trung Quốc được nâng cao. Năm 2001, đội tàu của Bắc Kinh chỉ nạo vét được 300 triệu mét khối nhưng đến năm 2009, con số này tăng lên hơn 1 tỷ mét khối mỗi năm. Trung Quốc trở thành quốc gia có năng lực nạo vét lớn nhất thế giới.
Để làm được điều đó, Bắc Kinh không phải đơn giản là tăng số lượng tàu nạo vét lên để tăng năng suất mà bằng cách chế tạo các tàu hút bùn và nạo vét có kích thước lớn hơn, phức tạp hơn. Giai đoạn 2005 – 2012, Trung Quốc chế tạo 20 tàu hút bùn, công suất mỗi tàu từ 9000 mét khối trở lên. Riêng về đội tàu cuốc, giai đoạn 2004 – 2011, Bắc Kinh chế tạo và đưa vào sử dụng 44 tàu cuốc cỡ lớn, trong đó có Thiên Kinh, tàu cuốc tự hành lớn thứ 3 thế giới.
Như vậy, chỉ trong vòng một thập kỷ, Trung Quốc đã tạo ra một hạm đội tàu có thể thay đổi cả tính chất địa lý để phục vụ cho các mục tiêu chiến lược của mình. Cùng với ý tưởng về con đường tơ lụa và các chính sách ngoại giao kinh tế đi kèm, đội tàu nạo vét này có thể giúp Trung Quốc khai thông đường dẫn, mở rộng cảng biển không chỉ cho mục đích thương mại mà còn có thể sử dụng cho quân sự khi cần thiết.
Shang-su Wu tới từ Chương trình Nghiên cứu Quân sự, Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS) của Đại học Công nghệ Nanyang đã có một so sánh khá thú vị. Ông so sánh chiến tranh rô-bốt tương lai với bộ phim hoạt hình Pokemon, khi các “huấn luyện viên” né tránh nguy hiểm bằng cách sử dụng các “Pocket Monsters” của mình trong thi đấu. Trong chiến tranh tương lai, rô-bốt hay các loại thiết bị không người lái sẽ đảm nhiệm vai trò chính yếu thay thế con người, và con người sẽ giữ vai trò điều khiển ở tuyến sau, tương tự như các trận đấu Pokemon. Điều này sẽ có tác động rất lớn tới các chiến lược và học thuyết tác chiến trong tương lai. Một yếu tố so sánh khác chính là vai trò áp đảo của rô-bốt trên chiến trường có thể khiến cho năng lực thật sự của binh lính bị xói mòn.
Theo Wu, từ quan điểm đối phương, có hai cách đối phó chính với “chiến tranh kiểu Pokemon” như đã đề cập. Cách thứ nhất là tác chiến phi đối xứng. Đối thủ sẽ sớm nhận ra rằng các chiến thuật kiểu truyền thống như phục kích sẽ không mang lại bất cứ lợi ích về chính trị nào (vì đối thủ chỉ là rô-bốt). Khi đó, đối phương sẽ chuyển sang các chiến thuật khủng bố, ám sát và các phương pháp khác nhắm vào thường dân hay các nhân viên quân sự ở tuyến sau. Cách thứ hai là đối đầu trực diện, thay dùng rô-bốt “đấu” rô-bốt, thì mục tiêu cấn công của đối thủ chính là người điều khiến ở tuyến sau thông qua các loại vũ khí tấn công chính xác tầm xa. Bên cạnh đó là trực tiếp vô hiệu hoá rô-bốt thông qua các loại vũ khí điện tử, tấn công mạng hay các loại vũ khí chống rô-bốt đặc thù.
Một số tin vắn đáng chú ý
Hoa Kỳ triển khai 3 máy bay ném bom tàng hình B-2 đến căn cứ không quân trên đảo Guam nhằm thực hiện các bài tập làm quen với môi trường Thái Bình Dương. Những máy bay này được điều từ căn cứ không quân Whiteman, Missouri sang căn cứ Andersen trên đảo Guam. Trước đó, Hoa Kỳ cũng đã triển khai các máy bay ném bom chiến lược khác ở Andersen như B-1, B-52. Đây là lần đầu tiên “con cưng” B-2 tái triển khai ở Guam kể từ năm 2010. Máy bay ném bom B-2 có thiết kế khí động học đặc biệt, tính tàng hình cao. Đặc biệt, B-2 có thể bay liên tục 6.000 hải lý mà không cần tiếp nhiên liệu. Được biết, căn cứ Adersen chỉ cách phía Đông Trung Quốc khoảng 2.900km.
Hoa Kỳ tăng tần suất hoạt động của máy bay không người lái thêm 50% mỗi ngày. Quyết định này xuất phát từ yêu cầu ngày càng tăng về sự cần thiết phải gia tăng các hoạt động giám sát và tình báo trong 4 năm tới. Một nguồn tin bí mật từ Lầu Nam Góc cho hay, cơ quan này có kế hoạch tăng tần suất bay mỗi ngày của máy bay không người lái từ 61 chuyến mỗi ngày như hiện tại lên 90 chuyến/ngày vào năm 2019. Nguồn tin này còn tiết lộ kế hoạch tăng tần suất bay có sự tham gia của Lục quân, Bộ Chỉ huy lực lượng Đặc biệt và một nhà thầu quốc phòng được chính phủ thuê. Cụ thể, Không quân Hoa Kỳ vẫn triển khai 60 lượt bay/ngày, Lục quân 16 chuyến/ngày, Bộ chỉ huy lực lượng đặc biệt là 4 chuyến/ngày và nhà thầu quốc phòng được thuê là 10 chuyến.
N.T.P.
Nguồn: