Liệu VN có cần một cuộc Cách mạng mới?
- 4 giờ trước
Việt Nam sẽ không cần tới một cuộc cách mạng mà có thể chỉ cần tới 'cải cách, đổi mới' có tính cách dài hơi và ổn định, theo ý kiến các nhà quan sát về chính trị - xã hội Việt Nam.
Trao đổi với BBC nhân dịp nhìn lại 70 năm cuộc Cách mạng Tháng 8 và ngày độc lập 2/9/1945, trước hết, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu phản biện độc lập (IDS đã tự giải thể), nói:
"Tôi rất ghét cách mạng, tôi chỉ thích tiến hoá mà thôi," nhà vận động cho xã hội dân sự ở Việt Nam nói với BBC bên lề một cuộc Hội thảo tư ở Đại học Humboldt, Berlin, CHLB Đức dịp hè này.
"Bởi vì các cuộc cách mạng, nhìn suốt lịch sử thế giới, đều là các cuộc cách mạng vô cùng tàn bạo. Cái giá nó mang lại cho nhân loại hoặc cho từng dân tộc đều rất đắt, cho nên là dẹp cách mạng đi." Tiến sỹ Quang A giải thích quan điểm của mình.
Khi được hỏi liệu Việt Nam hiện nay có cần có thêm một cuộc cách mạng toàn diện nữa hay không sau bảy thập niên diễn ra cuộc cách mạng mùa thu 1945, cũng tại khuôn viên Đại học Humboldt, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, nói:
"Tôi nghĩ là không cần một cuộc cách mạng toàn diện nhưng mà cần những thay đổi dài hơi và ổn định.
"Chứ nếu mà không thì dân tộc Việt Nam và đất nước Việt Nam sẽ trả một giá rất là lớn."
Rất lấy làm tiếc
Trước câu hỏi liệu các mục tiêu căn bản mà cuộc cách mạng, cướp chính quyền, giành độc lập mà Việt Nam thực hiện 70 năm về trước đã đạt được hay chưa, TS. Nguyễn Quang A 'lấy làm tiếc' và cho rằng Việt Nam 'chưa đạt được'.
Ông giải thích: "Chưa đạt là bởi vì tất cả những mục tiêu dân giàu nước mạnh, những mục tiêu về độc lập dân tộc, kể cả những mục tiêu về dân chủ chưa đạt, rất đáng tiếc là sau bảy mươi năm."
Các cuộc cách mạng có thể được coi là một 'điểm khởi đầu', dù được cho là quan trọng ra sao, thế nhưng sau đó, quốc gia trải qua cuộc cách mạng ấy cần phải 'đi tiếp' những gì nữa, đặc biệt là đối với Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi hiện nay và sắp tới.
Trả lời câu hỏi này của BBC, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nêu quan điểm:
"Trước hết phải nhắc lại khi Hồ Chí Minh ra tuyên ngôn độc lập "Không có gì quý hơn độc lập tự do!"
'Độc lập tiếng Anh gọi là 'Free From' (tiếng Anh gọi là Independence).
"Còn 'Tự do' gọi là 'Free To', tức là Việt Nam hiện giờ vẫn chưa có tự do để dân chúng có thể làm những gì mà họ muốn được, để tạo ra một đất nước mới, dân chủ như anh Nguyễn Quang A đã nói."
Người cày có ruộng?
Khi được đề nghị cho biết liệu các mục tiêu như người cày có ruộng, công nhân có xưởng mà cuộc cách mạng ban đầu đề ra đến nay đã đạt được đến đâu trên thực tế, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói:
"Thật sự là vào giữa những năm 50, đúng là người cày có ruộng với cuộc cải cách ruộng đất.
"Nhưng mà sau đó lại hợp tác hoá, đến nay sở hữu đất đai thuộc sử của toàn dân, người cày không có ruộng, đấy là một điều rất rất đáng tiếc."
Còn đối với giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay, nhà quan sát này nói tiếp:
"Công nhân, rất đáng tiếc đến bây giờ các cuộc đình công nổ ra trong những năm vừa qua rất là nhiều.
"Thật sự là mối quan hệ giữa công nhân và giới sử dụng lao động là càng ngày càng lên cao.
"Và Đảng Cộng sản Việt Nam lẽ ra tự xưng là tiên phong của giai cấp công nhân thì phải để cho giai cấp công nhân tự đứng ra tổ chức, đấu tranh với giới chủ.
"Đáng tiếc Đảng Cộng Sản Việt Nam bây giờ là Đảng ủng hộ giới chủ và giai cấp công nhân bây giờ là giai cấp bị chèn ép đủ đường," nhà phân tích nói.
'Tự xé mở dù'
Có người cho rằng văn hóa nói chung và chính trị nói riêng có thể có điểm tương tự như một 'chiếc dù' mà đã là 'dù thì phải mở tung'.
Trước câu hỏi liệu hiện nay trí thức Việt Nam nói riêng và quần chúng Việt Nam nói chung đã được 'mở cây dù đó' chưa và liệu họ có nên được hưởng 'cái dù mở' đó hay không, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói:
"Cây dù chưa được hưởng, nhưng được hé một tí.
"Và cũng là nhờ sự tranh đấu của trí thức Việt Nam và của bao nhiêu người Việt Nam."
Còn Tiến sỹ Nguyễn Quang A bình luận thêm:
"Tôi thì nghĩ rằng giới trí thức hay bất kể giới nào không cần phải đợi hay phải được mở cái dù ấy ra.
"Tự mở cái dù ấy ra hoặc tự xé cái dù ấy ra. Bởi vì đấy là cái quyền mà Hiến Pháp quy định.
"Đừng đợi người ta mở cho mình. Mình phải mở lấy và đấy là điều quan trọng," ông nói với BBC tại khuôn viên Đại học Humboldt, Berlin trong dịp Hè này.
Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi của BBC với TS. Nguyễn Quang A và Giáo sư Ngô Vĩnh Long tại đây và theo dõi chuyên mục đánh dấu 70 năm Cách mạng tháng Tám của Việt Nam và kết thúc Thế chiến II trên trang Diễn đàn của BBC Tiếng Việt tại đây.
No comments:
Post a Comment