Số phận hẩm hiu của thôn nữ Ấn Độ
Quyển nhật ký "Diary of a Maoist" từng kể đến trường hợp của những thôn nữ bị lực lượng du kích cưỡng hiếp - Reuters
Anjali Hembrom, một thôn nữ Ấn Độ 20 tuổi vừa thoát khỏi bàn tay của lực lượng vũ trang theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông sau 6 tháng bị cưỡng bách «phục vụ cách mạng » nói lên nghịch cảnh của những thiếu nữ nghèo ở những thôn làng xa xôi. Nếu không là nạn nhân của truyền thống « gia trưởng » độc đoán thì cũng biến thành mồi ngon phục vụ cho những kẻ tuyên xưng « giải phóng áp bức ».
Trong bài tường thuật dài trong bản tin cuối tuần từ Giridih, ở miền đông Ấn Độ, AFP đưa đến độc giả câu chuyện của Anjali Hembrom, do chính nạn nhân kể lại sau sáu tháng « hoạt động » bên cạnh các cán bộ chỉ huy của lực lượng du kích cộng sản theo chủ nghĩa Mao trong rừng rậm. Giờ đây, mỗi lần nhớ lại, cô không khỏi rùng mình ớn lạnh.
Cô gái bị bắt trong một cuộc « cách mạng về làng », một ngôi làng bộ tộc bang Jharkand. Bị đưa về vùng « giải phóng », cô gái chưa tròn 20 tuổi này phải chịu đựng những trận hãm hiếp suốt 6 tháng trời mới có cơ hội vượt thoát. Các cán bộ Mao « trừng phạt » Anjali Hembrom vì cô gái từ chối gia nhập lực lượng vũ trang.
Trong vùng « giải phóng », Anjali Hembrom gặp đông đảo chiến binh phụ nữ bị bắt buộc nấu ăn, quét dọn và phục vụ sinh lý cho cấp chỉ huy.
Theo AFP, trong khi Anjali Hembrom kể lại trường hợp bị cưỡng bách của mình thì hàng trăm cô gái khác tự nguyện gia nhập hàng ngũ du kích Mao chống chính quyền Ấn Độ. Họ trốn cuộc sống thôn làng vừa nghèo khổ vừa bị áp chế trong truyền thống « nam trọng nữ khinh » ở mức độ cay nghiệt nhất.
Tuy nhiên, một khi bỏ nhà lên rừng gia nhập du kích thì các phụ nữ này phải đối đầu với muôn ngàn bất trắc. Nếu bị an ninh bắt được thì khó thoát cảnh bị công an, cảnh sát cưỡng hiếp. Nhưng ở trong rừng thì họ sẽ làm mồi cho các « đồng chí » đàn ông.
Theo Anjali Hembrom, không ít thôn nữ đi theo cộng sản Mao vì lý tưởng cách mạng. Nhưng thực tế không giống như họ tưởng tượng. Lực lượng Mao-ít, kiểm soát một « hành lang đỏ » xuyên từ miền tây sang miền đông Ấn Độ. Họ tuyên bố chiến đấu để bảo vệ các bộ tộc bị áp bức. Cuộc nổi dậy của phe này đã làm khoảng 10.000 người chết và là một trong những hiểm nguy đe dọa an ninh quốc gia.
Lời kể của Anjali Hembrom phù hợp với nội dung một quyển sách mà tác giả là một cựu nữ cán bộ bỏ đảng. Trong quyển « Diary of a Maoist » (Nhật Ký của Một Người theo Chủ nghĩa Mao), bà Shobha Mandi, bỏ súng năm 2010, kể lại: bản thân bà bị các « thủ trưởng » cưỡng hiếp nhiều lần trong 7 năm theo cách mạng. Mỗi phụ nữ bị xem như là một món vật thỏa mãn dục vọng của cán bộ nam giới. Bà đã trải qua « những chuyện kinh khiếp, tồi tệ hơn sự áp bức dành cho nữ giới ở nông thôn ».
Một cựu nữ cán bộ tuyên truyền tên Dayamani Barla, 49 tuổi, cho biết thêm là nhiều phụ nữ theo cộng sản Mao vì « tiền và thức ăn ». Lực lượng du kích tuyên truyền « lấy của nguời giàu chia cho người nghèo ». Nhưng theo người cựu cán bộ này, thực tế, đó là những « lời kêu gọi của ác quỷ lôi kéo con người vào vòng xoáy địa ngục ».
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment