Tuesday, August 25, 2015

Đối phó thế nào với những kẻ khủng bố đơn lẻ ?

Đối phó thế nào với những kẻ khủng bố đơn lẻ ?

mediaChuyến tàu Thalys bị khủng bố hụt.REUTERS/Pascal Rossignol
Vụ khủng bố trên chuyến tàu tốc hành Amsterdam – Paris cuối tuần trước được báo chí Pháp hôm nay, 24/08/2015, xem xét kỹ lưỡng. « Ayoub El Khazzani. Một phần tử Hồi giáo cực đoan nay đây mai đó » là tựa trang nhất của Libération. Le Figaro : « Thalys : điều tra về một ‘’kẻ khủng bố bình thường’’ », ‘‘bình thường’’ bởi cũng như nhiều phần tử cực đoan khác người này đã lọt khỏi theo dõi của an ninh Châu Âu. Xã luận La Croix chú ý đến các thách thức của một loại hành động khủng bố mới rất khó kiểm soát, do một cá nhân đơn lẻ thực hiện vào bất cứ thời điểm nào, và tại bất cứ đâu.
« Đằng sau vụ tấn công hụt trên Thalys, một loạt các câu hỏi » là hồ sơ chính của La Croix. Nghi phạm khủng bố là một kiều dân gốc Maroc 25 tuổi, được Tây Ban Nha cấp thẻ tạm trú bảy năm (2007-2014). Trước cuộc tấn công này, anh ta sống tại Bruxelles, nhưng không có nơi ở cố định. La Croix đặt câu hỏi : « Phải chăng đã có lỗ hổng trong hệ thống giám sát ? ». Mặc dù thủ phạm vụ tấn công Ayoub El Khazzani đã nằm trong tầm ngắm của ít nhất cơ quan an ninh ba nước Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ từ lâu, nhưng ngành an ninh dường như đã bị mất dấu nhân vật này.
Theo Le Figaro, tên tuổi và các thông tin về El Khazzani được lưu lại trong hồ sơ của an ninh Pháp với mã số « S », tức có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Gần 5.000 hồ sơ như vậy được đánh số tùy theo độ nguy hiểm từ 1 đến 16 (số 1 là mức độ nghiêm trọng nhất). El Khazzani được xếp vào loại S3. Mức độ này đòi hỏi cảnh sát « phải thu thập tối đa thông tin, nhưng không được gây chú ý ». Hồ sơ về các đối tượng mang mã số « S » được chia sẻ với toàn thể các quốc gia của Liên Hiệp Châu Âu. Vẫn theo Le Figraro, cảnh sát Bỉ đặt câu hỏi về mối liên hệ có thể có giữa El Khazzani với các phần tử Hồi giáo cực đoan tại thành phố Verviers, một trong những khu vực tuyên truyền thánh chiến có ảnh hưởng mạnh nhất tại Bỉ. Với khoảng 300 công dân Bỉ sang Trung Đông chiến đấu dưới ngọn cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, Bỉ được coi là quốc gia bị thánh chiến Hồi giáo ảnh hưởng mạnh nhất Châu Âu, xét theo tỷ lệ dân số.
SNCF lo giao thông bị cản trở, nếu lập cửa kiểm soát
Les Echos ghi nhận « Chính phủ Pháp bị áp lực sau vụ tấn công Thalys », với việc cánh hữu nắm lấy vụ việc này để đòi hỏi các biện pháp an ninh mới. Nghị sĩ Eric Ciotti, trợ lý Tổng thư ký đảng đối lập Những người Cộng hòa, đề nghị lập một số trung tâm giam giữ những kẻ, có thể là mối đe dọa ». Chính phủ Pháp và công ty đường sắt quốc gia SNCF đã nhanh chóng tuyên bố, kể từ ngày 01/09 tới, sẽ thiết lập một số điện thoại quốc gia để báo động nguy hiểm trên các tuyến đường sắt, và gia tăng các thông điệp cảnh báo tại các ga tàu (bài « An ninh trên tàu hỏa thành tâm điểm thảo luận »).
Tuy nhiên, nếu như tại Tây Ban Nha, hành lý của hành khách lên tàu tại nhiều ga phải qua trạm kiểm soát bằng tia X, kể từ vụ khủng bố Madrid 2004, thì chưa có gì cho thấy Pháp sẽ áp dụng ngay các biện pháp này. Thiếp lập các cửa kiểm soát đồng nghĩa với việc làm chậm lại dòng lưu chuyển giao thông tại một quốc gia với khoảng 5 triệu người sử dụng đường sắt mỗi ngày, theo Le Figaro (bài « SNCF không có ý định thiết lập cửa kiểm soát »). Chính phủ Pháp nhắc lại, hiện tại an ninh tại 3.000 ga tàu trên toàn quốc đã được lực lượng an ninh bảo đảm, với sự hỗ trợ của 7.000 quân nhân, được huy động trong chiến dịch Sentinelle, cũng như 3.000 nhân viên vũ trang thuộc lực lượng bảo vệ SNCF và 1.250 nhân viên RATP. Số điện thoại quốc gia 3117, từ trước đến nay vốn chỉ được dùng để thông báo về các hành động côn đồ trên tàu, sắp tới sẽ có thể được dùng để báo hiệu về những hành vi cử chỉ đáng ngờ.
Trên La Croix, nhân dịp này, luật gia Emmanuelle Saulnier-Cassia nêu lại đề nghị của Cơ quan hình sự Châu Âu, Europol, về việc lập một trung tâm chống khủng bố chung của Liên Hiệp.
Nguy cơ khủng bố và trách nhiệm của công dân
Trả lời cho câu hỏi, biện pháp nào có thể đối phó lại được với hình thức khủng bố mới, được tiến hành bất ngờ bởi một cá nhân đơn độc như trên, xã luận của La Croix nhận xét :
« Dự báo được những hành động như vậy là việc rất khó khăn với chính quyền. Có thể cải thiện mức độ phối hợp giữa các cơ quan an ninh của các quốc gia Châu Âu nhằm xác định được những người chuyển sang lập trường cực đoan, tuy nhiên, không thể giảm hoàn toàn nguy cơ (khủng bố). Hơn nữa xã hội hiện nay không chắc đã sẵn sàng cho việc gia tăng hệ thống theo dõi và các thủ tục kiểm tra phức tạp trên các phương tiện giao thông hay nơi công cộng. Trong các điều kiện như vậy, trách nhiệm của mỗi người là rất quan trọng…. Đó là những gì đã diễn ra trên chuyến tàu Thalys Amsterdam-Paris, sự can thiệp can đảm của một số hành khách đã cho phép vô hiệu hóa một cá nhân trang bị đầy đủ vũ khí, và sẵn sàng hành động ».
Chứng khoán : Tại sao nỗi sợ trở lại ?
Ám ảnh suy thoái kinh tế toàn cầu là một trọng tâm khác của báo chí Pháp. « Chứng khoán : Tại sao nỗi sợ trở lại với các thị trường ? » là tựa lớn báo kinh tế Les Echos, sau khi chỉ số chứng khoán Pháp xuống mức thấp nhát kể từ 8 tháng nay.
Lý giải tình trạng này, Les Echos nêu ra năm lý do : 1- tăng trưởng thoái lùi lại tại Trung Quốc. 2- biến cố Thủ tướng Hy Lạp đột ngột từ chức, cùng với nhiều cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Thổ Nhĩ Kỳ, khiến giới đầu tư lo ngại. 3 – Khủng hoảng giảm phát treo lơ lửng với động thái đồng yuan hạ giá nhẹ. Nếu tiếp tục xu hướng này sẽ làm suy yếu đồng tiền của nhiều quốc gia đang trỗi dậy. 4 – Khả năng Ngân hàng trung ương Mỹ điều chỉnh lãi suất vào tháng 9 tới và 5 – Cho dù kinh tế Mỹ đã phục hồi, và Châu Âu bắt đầu đã khởi sắc, tình hình khó khăn tại các nước đang trỗi dậy, đè nặng lên một loạt khu vực kinh tế cơ bản (xe hơi, năng lượng, thiết bị, đồ xa xỉ…).
Le Monde đặt câu hỏi : « Liệu kinh tế toàn cầu có thể kháng cự lại được cuộc khủng hoảng Trung Quốc » với việc giá nguyên liệu sụt giảm và chứng khoán lao dốc ? Le Monde dẫn lại dự báo của nhà kinh tế Pháp Jacques Attali, đưa ra ngày 17/08, về « một cuộc suy thoái toàn cầu » sắp đến. Chuyên gia Patrick Artus, Ngân hàng đầu tư quốc tế Pháp Natixis, chia sẻ lo ngại của nhà kinh tế Pháp về « tính không hiệu quả » của chính sách tiền tệ hiện nay của các nền kinh tế lớn. Các chính sách này đã tạo ra một khối lượng tiền mặt trôi nổi khổng lồ (ước tính 20.000 tỷ đô la). Tiền được di chuyển tùy theo « tâm trạng » của các nhà đầu tư, từ một vùng này đến một vùng khác trên thế giới. Chuyên gia Ngân hàng Natixis dự đoán : « Tiền tiết kiệm sẽ đổ về các cổ phần không mạo hiểm, và ngừng đầu tư cho vốn sản xuất ». Đây là một nhân tố nữa làm gia tăng cuộc khủng hoảng của « nền kinh tế (sản xuất) thực ».
COP 21 : Cơ hội hy hữu để tăng tốc quá trình chuyển đổi kinh tế toàn cầu
Để đối phó, xã luận Les Echos - với tựa đề « Thay đổi thế đứng » - khuyến nghị « xem xét lại toàn bộ cơ chế thoát khủng hoảng của Châu Âu » hiện nay. Theo Les Echos, Châu Âu hiện tại vẫn cố tìm cách giải quyết vấn đề « trên phương diện kinh tế », trong khi đó, chính là cần phải làm « trên phương diện chính trị ». Les Echos kết luận : Thượng đỉnh khí hậu tại Paris tháng 12 tới là « một cơ hội duy nhất (…) để gia tăng tiến trình quá độ sang một nền kinh tế toàn cầu có khả năng kháng cự lại được mọi tai biến, trong đó có việc Trái đất bị hâm nóng ». Đáng buồn là các thương thuyết đang diễn ra quá chậm.
Làn sóng di dân : Biến đổi khí hậu và thánh chiến
Biến đổi khí hậu không chỉ là một nhân tố trực tiếp đe dọa kinh tế toàn cầu, mà còn là nguyên nhân chủ yếu của các luồng di dân tỵ nạn, mà Châu Âu là một trong những khu vực chính đang phải đối mặt. Bài « Biến đổi khí hậu, nguyên nhân của làn sóng di dân » trên Le Monde nhấn mạnh : các khu vực mà khủng bố và thánh chiến Hồi giáo nở rộ chính là những nơi nông nghiệp mất mùa, sau nhiều năm khô hạn. Nhiều dự báo cho thấy việc trái đất nóng lên và lượng mưa hạ thấp sẽ khiến tình hình trong những năm tới có thể trở nên tồi tệ hơn.
Không thể tập trung vào khí hậu mà bỏ qua các vấn đề sinh thái khác
« Thành công của COP 21 nằm trong tay các nước giàu nhất » là bài La Croix phỏng vấn nhà hoạt động môi trường Pháp Nicolas Hulot, đặc phái viên về bảo vệ Thiên nhiên của Tổng thống Pháp. Trong khi đó Le Monde nhấn mạnh dến việc không nên quy toàn bộ các vấn đề sinh thái vào vấn đề khí hậu, cho dù đây là chuyện hệ trọng hàng đầu. Chủ tịch Ủy ban tư vấn quốc gia về đạo lý Pháp, bác sĩ Jean-Claude Ameisen, cảnh báo : « Tập trung hết vào khí hậu là một ngõ cụt về chính trị » (bài phỏng vấn dành trọn hai trang  trong mục « Thảo luận » của Le Monde, với tựa đề « Làm thế nào thay đổi mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên ? »). Bác sĩ Jean-Claude Ameisen cũng là người phụ trách chương trình hàng tuần "Trên đôi vai của Darwin" của đài France Inter.
Một loạt các vấn đề sinh thái, ngoài biến đổi khí hậu, được nhà sinh học nêu lên : nạn ô nhiễm không khí với bụi siêu nhỏ, ô nhiễm hóa chất, suy giảm đa dạng sinh học… Nếu không chú ý, các thảm họa sinh thái vẫn có thể xảy ra, cho dù nhiệt độ Trái đất được giữ ở mức dưới 2°C.
Chủ tịch Ủy ban tư vấn quốc gia về đạo lý Pháp nhấn mạnh : chỉ riêng ô nhiễm không khí đã là nguyên nhân của một phần tư số lượng bệnh tật trên thế giới, với khoảng hơn 7 triệu người chết sớm trong một năm, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới năm 2014. Môt nghiên cứu của OCDE trên 34 quốc gia mới đây cho thấy ô nhiễm không khí, ngoài tác động không tính đếm được đối với tinh thần con người, gây thiệt hại khoảng 3.500 tỷ đô la, tương đương với 85% chi phí y tế toàn cầu. Việc tiếp tục sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch để lại các hậu quả vô cùng khủng khiếp cho nhân loại, chỉ tính riêng về kinh tế. 
Chỉ tập trung vào việc Trái đất bị hâm nóng có nguy cơ làm lạc hướng khỏi rất nhiều vấn đề y tế và sinh thái quan trọng khác. Các bất bình đẳng về sinh thái và kinh tế hiện tại trên thế giới là ghê gớm : 2 tỷ người không đủ dinh dưỡng, 1,2 tỷ người không có nước sạch, sự phát triển trí tuệ của 250 triệu trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề do nghèo đói, 850 triệu người bị bệnh vì đói và thiếu chất, 3 triệu trẻ chết đói hàng năm... 
Nhà sinh học Pháp đồng tình với quan điểm của Giáo hoàng Phanxicô, người mới đây đưa ra quan điểm "giảm tăng trưởng tương đối để giảm tàn phá Trái đất", và "đưa công lý vào các thảo luận về môi trường". Jean-Claude Ameisen kết luận : « (…) Bảo vệ trước hết những người không có phương tiện tự vệ nhất không chỉ là mệnh lệnh đạo lý, đây cũng là một phương tiện để xây dựng một tương lai thật sự chung cho nhân loại ».
Nhà sinh học Pháp đề nghị cùng với chủ trương "phát triển bền vững", cần bổ sung "phát triển hợp đạo". 
La Croix cho biết, thứ Năm vừa qua, công ty thẩm định tài chính S&P vừa công bố một chỉ số "giá trị Công giáo" (S&P 500), để đánh giá mức độ tuân thủ các giá trị đạo lý Công giáo của các doanh nghiệp (do Hội đồng giám mục Hoa Kỳ đưa ra, như không liên quan đến các kinh doanh vũ khí sinh học, hóa học, hạt nhân, mìn, lao động trẻ em....). Năm 2006, công ty này từng đưa ra chỉ số "giá trị Hồi giáo". 
Miền đông Ukrain : OSCE giữa hai làn đạn
Về điểm nóng Ukraina, Libération có phóng sự « Donetsk. Các quan sát viên là đích ngắm ». Các quan sát viên của Tổ chức an ninh và hợp tác Châu Âu OSCE (đại diện cho 57 quốc gia) chịu trách nhiệm theo dõi thỏa thuận ngừng bắn, đặc biệt tại đường giới tuyến chia cách vùng nổi dậy ly khai miền Đông Ukraina với phần còn lại của đất nước.
500 quan sát viên OSCE có nhiệm vụ rất nặng nề : họ phải giám sát hàng loạt hoạt động do các lực lượng dân tộc chủ nghĩa tổ chức trên khắp đất nước, mô tả các diễn biến tại các điểm qua lại giữa Nga và vùng ly khai, tổ chức các thương lượng giữa hai phe, sắp xếp các lộ trình ngừng bắn địa phương cho phép khắc phục hậu quả xung đột, hay ghi nhận các vi phạm thỏa thuận ngừng bắn…
Nếu như tại một số vùng đất thuộc quyền quản lý của chính quyền Ukraina, OSCE bị nghi ngờ vì trong hàng ngũ các quan sát viên có nhiều người Nga, thì tại khu vực do phe ly khai kiểm soát, họ lại bị ngờ vực là làm việc cho quyền lợi của Hoa Kỳ. Theo ghi nhận của Libération, các nhân viên tổ chức này bị cả hai phía, chính quyền Ukraina và phe nổi dậy, chỉ trích vì « tính trung lập » mà họ buộc phải tuân thủ.
Cuối tháng 7 vừa qua, tại vùng ly khai xuất hiện một phong trào phản đối OSCE. Những người biểu tình lên án « sự im lặng của các vị khiến con cái chúng tội bị giết » (dòng chữ được sơn trên các xe của OSCE). Ngày 09/08, bốn xe bọc thép của OSCE bị đốt cháy tại Donetsk. Kể từ đó, các quan sát viên bị đe dọa gần như hàng ngày. Ngày 17/08, một trái đạn pháo chưa nổ được đặt vào xe của phái đoàn OSCE. Kể từ đó, tổ chức này phải chấm dứt hoạt động vào ban đêm, vì lý do an ninh. Máy bay trinh sát không người lái của OSCE, có mục tiêu quan sát việc di chuyển của các phương tiện quân sự, liên tục bị hai bên làm nhiễu sóng.
Xung đột có chiều hướng leo thang trở lại từ đầu tuần trước khiến các lãnh đạo Pháp và Đức có cuộc họp chung với Tổng thống Ukraina hôm nay, tại Berlin. Cuộc họp trùng vào ngày Độc lập của Ukraina, không có sự tham gia của Tổng thống Nga, có mục tiêu tìm một « chiến lược chung ».
Nghệ thuật Hồi giáo : Bức tường ngăn bạo lực
Bảo tàng Quirinat (Roma) có cuộc trưng bày nghệ thuật Hồi giáo, trong đó có rất nhiều hình tượng tiêu biểu cho « tình yêu và lòng thương ». Trên đây là giới thiệu của Le Figaro về cuộc trưng bày sưu tập của hoàng gia Koweit, với 350 hiện vật quý, được tuyển chọn trong số 35.000 cổ vật (do hoàng thân Nasser Sabah Ahmed al-Sabah, đương kim thủ tướng, sưu tầm trong 40 năm).
1.400 năm nghệ thuật Hồi giáo đã được giới thiệu với công chúng qua 30 gian trưng bày. Cuộc trưng bày dành một vị trí trân trọng cho vai trò đặc biệt của « hình học, được sử dụng để làm thăng hoa cái thánh thiện ».
Trong buổi khai trương triển lãm, phu nhân hoàng thân Koweit vinh danh « vẻ đẹp, tình yêu và lòng thương » chứa đựng trong các hiện vật, « vũ khí duy nhất chống lại chủ nghĩa khủng bốcủa chúng tôi ».
Nhiều khía cạnh chưa từng được biết đến về đạo Hồi xuất hiện trong cuộc triển lãm này. Triển lãm cho phép điều chỉnh lại « một quan niệm sai lầm phổ biến » về nghệ thuật Hồi giáo : Thượng đế (Allah) không được phép thể hiện qua hình ảnh con người. Trên thực tế, việc cấm đoán này là có thực, nhưng chỉ có hiệu lực đối với các không gian công cộng, như đền thờ, lăng mộ…. Ngược lại, hình ảnh Allah lại rất phong phú trong các không gian tư nhân. Người phụ trách cuộc trưng bày, ông Giovanni Curatola, nhận xét : « Không có bất cứ một cấm kỵ (tuyệt đối) nào trong nghệ thuật Hồi giáo. Chỉ có sự khác biệt về thể loại ». Chắc chắn những tín đồ Hồi giáo bảo thủ cực đoan sẽ phải suy ngẫm về nguyên tắc này, Le Figaro kết luận.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment