TQ ra tay chống các hành vi trái phép trên thị trường chứng khoán
Các nhà đầu tư theo dõi chỉ số chứng khoán Thượng Hải tại một trung tâm môi giới ở Bắc Kinh, ngày 31/8/2015.
31.08.2015
Truyền thông Trung Quốc hôm nay loan báo lời thú tội của những người bị cho là loan tin đồn về những hành vi trái phép trên thị trường chứng khoán, sau vụ bắt giữ gần 200 người trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Thông tín viên Joyce Huang của đài VOA tường thuật.
Hãng thông tấn Tân Hoa cho biết 6 người mới “bị quản chế hành chánh” gồm có một nhà báo, một viên chức của cơ quan quản lý chứng khoán và 4 viên chức cấp cao của những công ty chứng khoán ở địa phương. Theo cách làm việc ở Trung Quốc, những người “bị quản chế hành chánh” có thể bị câu lưu vô thời hạn, bị truy tố về một tội, hoặc bị quản thúc tại gia.
Trấn áp qui mô
Trấn áp qui mô
Ông Nhuế Manh, giáo sư ngành tài chánh-kế toán của Trường Thương mại Quốc tế Âu Châu-Trung Quốc, cho biết vụ trấn áp qui mô lớn này cho thấy chính phủ quyết tâm giữ cho thị trường chứng khoán nằm trong vòng kiểm soát và phục hồi niềm tin đối với các biện pháp cứu nguy của chính phủ.
"Chính phủ rõ ràng là muốn đánh đi một thông điệp rất mạnh mẽ cho thị trường là người nào muốn làm kẻ thù của chính phủ rốt cuộc sẽ bị trừng phạt."
Giáo sư Nhuế cũng cho biết giới hữu trách dường như đã có được những bằng chứng chắc chắn là 4 viên giám đốc Từ Cương, Lưu Uy, Phòng Khánh Lợi và Trần Vinh Kiệt đã phạm tội giao dịch nội gián, và viên chức của cơ quan quản lý chứng khoán đã phạm tội nhận hối lộ và làm giả các con dấu của chính phủ.
Theo một thông cáo của Bộ Công an, nhà báo Vương Hiểu Lộ của tạp chí Tài Kinh đã thú nhận “cấu kết với người khác và nguỵ tạo thông tin” trong bài tường thuật đang tải ngày 20 tháng 7 về việc Uỷ ban Quản lý Chứng khoán Nhà nước định rút tiền của chính phủ ra khỏi các thị trường chứng khoán. Uỷ ban này đã phủ nhận việc đó ngay trong ngày hôm sau, nhưng họ tin rằng tường thuật của ông Vương đã làm cho các nhà đầu tư hốt hoảng, dẫn tới chỗ thị trường chứng khoán bị mất giá 23% trong tuần lễ đó.
Quan ngại về lời thú tội
Quan ngại về lời thú tội
Thông cáo của Bộ Công an cũng cho biết ông Vương nói rằng ông viết bài báo đó dựa trên những lời đồn đãi và sự suy đoán của ông mà không có được những sự thật và cũng chẳng kiểm chứng những thông tin đó.
Giáo sư Nhuế Manh cho biết ông tin là giới hữu trách không nên truy tố nhà báo này về tội giao dịch nội gián, mặc dù ông ấy đã không làm đúng về mặt nghề nghiệp khi không chịu kiểm chứng những thông tin nhạy cảm.
Giáo sư Nhuế Manh cho biết ông tin là giới hữu trách không nên truy tố nhà báo này về tội giao dịch nội gián, mặc dù ông ấy đã không làm đúng về mặt nghề nghiệp khi không chịu kiểm chứng những thông tin nhạy cảm.
Trong một lời thú tội khác do Bộ Công an tiết lộ, ông Lưu Thư Phàm của Cơ quan Quản lý Chứng khoán Nhà nước cũng thú nhận những hành vi sai trái, trong đó có việc lợi dụng chức vụ để chạy chọt cho những công ty có niêm yết và nhận những khoản hối lộ lên tới hàng triệu nhân dân tệ. Theo thông cáo của Bộ Công an, ông Lưu cũng thú nhận đã dùng dấu giả để làm giả giấy tờ ly dị và thuế khoá cho nhân tình của ông.
Sự phổ biến những lời thú tội một cách nhanh chóng như vậy đã làm một số người lo ngại là những người bị bắt không được đối xử một cách công bằng. Thí dụ, Cơ quan Quản lý Chứng khoán hôm thứ sáu cho biết họ đã xử lý thêm 22 vụ án giao dịch nội gián. Nhưng không có những lời thú tội tương tự nào được loan báo.
Chỉ trích trên mạng
Chỉ trích trên mạng
Về việc này, giáo sư Trương Thiên Phàm thuộc Trường Luật của Đại học Bắc Kinh, nhận định như sau.
"Lâu nay nhiều người vẫn lo ngại về việc Trung Quốc không tuân hành những thủ tục pháp lý trong quá trình bắt giữ và điều tra. Nếu bị cáo bị ép buộc để thú tội thì khó có thể bảo đảm cho một vụ xử công bằng. Các giới chức chính phủ cũng như các cơ quan truyền thông do nhà nước hậu thuẫn đã nghiêm khắc cảnh báo chống lại việc phát tán tin đồn, làm tăng thêm sự hốt hoảng trên thị trường chứng khoán vốn có nhiều sóng gió. Giới hữu trách cũng ra tay trấn áp những người chỉ trích trên mạng sau khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở thành phố cảng Thiên Tân hồi đầu tháng này."
Tuy nhiên, giáo sư Trương Thiên Phàm nói rằng một số vụ bắt giữ có thể không thoả đáng, bởi vì những phát biểu trên mạng, nhất là những phát biểu liên quan tới vụ nổ ở Thiên Tân, có thể được cải chánh ngay mà không gây ra thiệt hại nào đáng kể.
"Nguyên tắc chính là xét xem những phát biểu như vậy có gây ra những thiệt hại cụ thể -- những thiệt hại ngay tức thời và không thể tránh, hay không. Nếu không, thì không nên bắt. Chính phủ không nên bắt người loan tin đồn về vụ nổ Thiên Tân nếu họ có thể tìm cách cải chánh."
Trong trường hợp của những bài tường thuật trên các cơ quan truyền thông, ông Từ Huy Minh, giáo sư ngành báo chí của Đại học Quảng Châu, nói rằng các hãng tin phải kiểm soát phẩm chất của những bài tường thuật của các ký giả của mình, và do đó họ phải chịu trách nhiệm pháp luật, trừ phi họ đã chu toàn nhiệm vụ giám sát của mình.
"Trong lúc chu toàn nhiệm vụ tường thuật, các nhà báo không nên bị buộc phải chịu trách nhiệm pháp luật một cách đơn độc, ngay cả trong trường hợp họ bị xét thấy là thiếu tinh thần chuyên nghiệp. Các cơ quan tin tức nên gánh vác hầu hết trách nhiệm."
No comments:
Post a Comment