Iceland, bàn đạp cho Trung Quốc tiến vào Bắc cực
Một góc thành phố cảng biển Reykjavik, Iceland, nhìn từ trên cao.Reuters
Tuy vẫn còn là giả thuyết, việc mở con đường hàng hải tại Bắc Cực ngày càng thu hút sự quan tâm của các cường quốc thương mại. Để tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng băng giá cực bắc này, Trung Quốc tìm cách ve vãn Iceland. Và đây cũng là quốc gia Châu Âu đầu tiên đã ký với Trung Quốc một hiệp ước trao đổi tự do mậu dịch.
« Cuộc đua tranh giành Bắc Cực bắt đầu từ ngả Reykjavik » là hàng tựa của tờ Le Monde Diplomatique, số tháng 9/2015. Nhờ vào hiện tượng khí hậu ấm dần, lưu thông hàng hải đi qua ngả Bắc Cực đang tăng dần vào mỗi mùa hè. Chỉ riêng trong suốt mùa hè năm 2014, đã có 53 thương thuyền đi qua ngả này. Trong tương lai, vùng bờ biển Iceland, nhất là tại eo biển Reykjavik, có thể trở thành điểm trung chuyển để đi vào Bắc Cực. Nhận thức được vị trí chiến lược quan trọng của khu vực, từ một thập niên qua, Trung Quốc đã bắt đầu gia tăng đầu tư trong khu vực, nhất là tại nhiều vùng mỏ của Greenland và khai thác dầu khí tại các vùng biển của Iceland, từ lâu được cho là một trục quan trọng.
Theo tờ nguyệt san, do phân nửa tổng sản phẩm nội địa phụ thuộc vào lưu thông hàng hải, cho nên tân cường quốc kinh tế thế giới xem con đường Đông Bắc, dọc theo duyên hải Nga và hành lang Tây-Bắc như là hành trình thay thế cho kênh đào Suez hay kênh đào Panama, vốn đã bị quá tải và nhất là quá dài. Chẳng hạn để vận chuyển hàng từ Thượng Hải đến Rotterdam, nếu đi qua ngả Đông-Bắc, Bắc Kinh có thể rút ngắn hành trình đến 5.000 km. Ngoài vấn đề vận chuyển hàng hóa, Bắc Kinh còn quan tâm đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực. Vùng xung quanh Bắc Cực dường như chứa đến 13% nguồn dự trữ dầu hỏa chưa được khai thác và 30% nguồn khí ga, cũng như giàu nguồn khoáng sản và thủy sản.
Trung Quốc còn chứng tỏ khả năng sử dụng con đường phía Bắc để vận chuyển hàng hóa với chiếc tàu phá băng Tuyết Long vào năm 2010 và 2012. Chiếc thứ hai sẽ được giao vào năm 2016. Theo nhận định của Giám đốc Viện nghiên cứu Bắc Cực Trung Quốc, vào năm 2020, 5-15% thương thuyền Trung Quốc sẽ phải sử dụng tuyến hàng hải này. Chính vì lợi ích đó, Trung Quốc đã xin một ghế quan sát viên tại Hội đồng Bắc Cực năm 2009. Tuy nhiên, đề nghị đó đã bị Canada và Nga bác bỏ, vì nghi ngờ việc quốc tế hóa Bắc Cực rối cũng sẽ kết thúc trước Liên Hiệp Quốc. Các nước khác cũng hoài nghi những cam kết mới của Trung Quốc, do bởi Bắc Kinh chỉ thật sự mở căn cứ nghiên cứu khoa học tại Bắc Cực vào năm 2004, tại quần đảo Svalbard.
Theo nhận định của các chuyên gia nước ngoài, những động thái trên của Trung Quốc không nhằm mục đích nào khác là khẳng định vị thế cường quốc của mình. Bà Olga V.Alexeeva, giáo sư sử học chuyên về Trung Quốc, thuộc đại học Quebec cho rằng : « Chiếc ghế quan sát viên đó chủ yếu dành riêng cho Trung Quốc, vì nếu như quốc gia này muốn tiếng nói của họ cũng được lắng nghe về những điều kiện phát triển khu vực, Bắc Kinh cố tình để được công nhận như là một cường quốc có trách nhiệm ».
Iceland bước đệm đầu tiên
Ngay từ năm 2006, Bắc Kinh đã bắt đầu xích lại gần với Iceland, quốc gia nhỏ nhất của vùng Bắc Cực, bằng cách tiến hành đàm phán một hiệp định tự do mậu dịch. Năm 2010, một thỏa thuận tài chính giữa đôi bên đã được ký kết hòng cứu vãn thành phố eo biển Reykjavik thoát khỏi khủng hoảng. Kể từ sau thỏa thuận này, Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ, ông Ôn Gia Bảo dành hết tâm huyết cho việc xích lại gần với Iceland trong suốt năm 2012. Một năm sau, năm 2013, hai bên đã ký kết hiệp định trao đổi tự do mậu dịch. Đây là thỏa thuận mậu dịch đầu tiên giữa Trung Quốc với một quốc gia Châu Âu.
Le Monde Diplomatique nhận xét đó là một chính sách ngoại giao song phương đầy hiệu quả, Bởi vì, ngay sau đó, Iceland đã ủng hộ ứng viên Bắc Kinh. Và Trung Quốc cũng đã áp dụng chiến lược tương tự với nhiều quốc gia khác trong Hội đồng Bắc Cực. Trong thời gian đó, Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào lần lượt đến thăm Canada (2010), rồi Đan Mạch (2012) nhằm tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và thương mại.
Song song đó, Bắc Kinh cũng đã thay đổi luận điệu của họ về vấn đề Bắc Cực. Nếu như năm 2009, nhiều lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố « không quốc gia nào » có chủ quyền lãnh thổ tại khu vực băng giá, Bắc Kinh cuối cùng « cũng đã có những lời lẽ dễ nghe với các thành viên trong hội đồng và dân cư bản địa, khi khẳng định sự tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia trong khu vực », theo như giải thích của ông Rachael Lorna Johnstone, giáo sư luật học đại học Iceland vùng Akureyri.
Thương mại: Công cụ ngoại giao hữu ích
Nhờ vào việc phát triển các mối quan hệ song phương, cuối cùng Trung Quốc cũng có được chiếc ghế quan sát viên nhân thượng đỉnh Hội đồng Bắc Cực diễn ra tại Kiruna (Thụy Điển) năm 2013, qua mặt được nhiều nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ và Ý. Đương nhiên, Bắc Kinh chưa thể hài lòng hoàn toàn với vị thế « Thành viên cận Bắc Cực ». Thế nhưng, theo tờ Le monde Diplomatique, Trung Quốc có nguy cơ bị Hoa Kỳ gây cản trở. Cho đến lúc này vẫn im hơi lặng tiếng, Washington rất có thể sẽ phải có những hành động quyết liệt hơn nữa nhân kỳ giữ chức chủ tịch luân phiên Hội đồng trong năm nay, nhất là khi cho bổ nhiệm một đại sứ cho Bắc Cực.
Dù sao thì từ năm 2013, Bắc Kinh không ngừng gia tăng hợp tác với Matxcơva như ký kết một thỏa thuận với tập đoàn dầu hỏa Rosnef của Nga để khai thác dầu khí tại vùng Bắc Cực thuộc Nga. Mối quan hệ hợp tác còn được thúc đẩy nhiều hơn nữa kể từ khi Nga bị phương Tây trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, theo tờ nguyệt san, giờ đây người dân Iceland đang hiểu ra rằng họ đã bị sử dụng như là “bước đệm” cho Trung Quốc.
Ông Orn D. Jonsson, giáo sư đại học Iceland, vào năm 2013 đã chua chát nhận định : «Iceland từng là vật thí điểm, hoặc như là vùng đất huấn luyện cho ngành ngoại giao và các cuộc đàm phán thương mại. Nhưng cùng với thời gian, Iceland đang mất dần tầm quan trọng của mình». Le Monde Diplomatique kết luận : Nếu như hiệp định tự do mậu dịch vẫn khẳng định Iceland là quốc gia bạn chính của Trung Quốc tại Bắc Cực, thì nay Iceland không còn là quốc gia duy nhất có vị thế này.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment