Monday, August 24, 2015

Giàn khoan 981 'hết thăm dò' ở Biển Đông

Giàn khoan 981 'hết thăm dò' ở Biển Đông

  • 13 phút trước
Giàn khoan Hải Dương 981 thuộc sở hữu của công ty quốc doanh Trung Quốc CNOOC
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vừa hoàn tất việc khoan thăm dò một địa điểm ngoài khơi Việt Nam, Tân Hoa Xã nói hôm thứ Hai.
Tân Hoa Xã không đưa thông tin về vị trí khoan, nhưng Reuters dẫn nguồn trang mạng của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc trước đó nói đây là vị trí nằm cách bờ biển Việt Nam chỉ trên 100 hải lý, và cách thành phố nghỉ dưỡng Tam Á trên đảo Hải Nam 75 hải lý về phía nam.
Hồi cuối tháng Sáu, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc nói Giàn khoan Hải Dương 981 tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển có tọa độ 17 độ 3,75 phút vĩ Bắc; 109 độ 59,05 phút kinh Đông, trong thời gian từ 25/6 đến 20/8.
Đây là vị trí phía nam cửa Vịnh Bắc Bộ và tây tây bắc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng biển này, trong lúc các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố xác lập quyền ở những vùng chồng lấn.
Việc Trung Quốc hồi tháng Năm năm ngoái đưa Giàn khoan 981 vào vùng biển mà Việt Nam coi là vùng đặc quyền kinh tế của mình, 120 hải lý tính từ đường bờ biển trở ra, đã khiến quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi chưa từng thấy kể từ sau cuộc chiến biên giới Việt - Trung 1979.
Vị trí Trung Quốc đặt Giàn khoan 981 hồi tháng Sáu 2015 được cho là cách bờ biển Việt Nam 104 hải lý
Giàn khoan nước sâu trị giá 1 tỷ đôla thuộc sở hữu của Tổng công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), một công ty quốc doanh và là hãng sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất của Trung Quốc.
Tân Hoa Xã dẫn nội dung tuyên bố của hãng, nói rằng giàn khoan đã hoàn tất việc khoan thăm dò lần đầu tiên ở vùng có nhiệt độ cao, áp suất lớn và nước sâu, tuy nhiên, người ta không tìm thấy nội dung tuyên bố này trên trang web của CNOOC.

Hoạt động ở vùng chồng lấn?

Việt Nam và Trung Quốc hồi năm 2000 đã thống nhất phân chia đường biên giới trên biển tại Vịnh Bắc Bộ, nhưng vẫn chưa đạt thỏa thuận về vùng biển xa hơn về phía nam, gần với điểm khoan thăm dò lần này.
Trung Quốc nói lần khoan thăm dò vừa rồi được thực hiện hoàn toàn trong lãnh hải Trung Quốc.
Hồi cuối tháng Sáu, một tướng công an Việt Nam nói việc Trung Quốc kéo Giàn khoan 981 vào khu vực chồng lấn là chuyện "không gây ngạc nhiên".
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an, nói rằng việc làm đó "như là bữa ăn hằng ngày của phía Trung Quốc, không có gì đáng ngạc nhiên cả", báo Người Lao động trích lời.
Trung Quốc trong những năm gần đây cũng bất đồng với Philippines về bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc đã chiếm vào năm 2012.
Hôm thứ Hai 24/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại lên án việc Philippines đưa vấn đề ra trọng tài quốc tế và nói làm vậy là vi phạm những cam kết trước đây về việc giải quyết song phương các tranh chấp, và là hành vi lạm dụng hệ thống pháp luật.
Cũng liên quan tới Biển Đông, Việt Nam vừa lên tiếng phản đối việc Đài Loan cho xây một ngọn hải đăng trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm 24/8 nói việc xây dựng hải đăng cao gần 14 met là "phi pháp", là "hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam" và "gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở biển Đông".
Đảo Ba Bình có tên tiếng Anh là Itu Aba Island, là hòn đảo lớn nhất trên quần đảo Trường Sa và là nơi có tranh chấp giữa các nước Việt Nam, Philippines, Đài Loan và Trung Quốc, hiện đang do Đài Loan kiểm soát.

Tin liên quan

No comments:

Post a Comment