Thursday, March 3, 2016

Bầu cử Mỹ : 5 lý do khiến ứng viên Trump có thể thất bại

Bầu cử Mỹ : 5 lý do khiến ứng viên Trump có thể thất bại

mediaMột cuộc hội họp của phong trào phân biệt chủng tộc KKK năm 1922.Ảnh : Wikipedia
Tranh cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tranh cử tổng thống của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa Mỹ trong bối cảnh sau ngày « Super Tuesday » 01/03 (tạm dịch là « Ngày Thứ Ba Trọng Đại ») tiếp tục là chủ đề dành nhiều chú ý của báo chí Pháp hôm nay, 03/03/2016. Libération có bài phân tích « Những lý do có thể làm ông Trump sụp đổ ».
« Trump và Clinton cuộc đua giành vị trí đứng đầu » là tựa trang nhất của Le Monde. Một hồ sơ lớn của Le Figaro là « Hoa Kỳ : cuộc chiến Trump-Clinton có thể bắt đầu ». Theo Le Figaro, ứng cử viên Donald Trump, tỉ phú New York - ở thế thượng phong với 316 « đại biểu » hay đại cử tri, vượt khá xa so với Ted Cruz, với 226 phiếu – đứng ở vị trí của « người đoàn kết phe Cộng Hòa ».
Nếu loại ông Trump, đảng Cộng Hòa sẽ vỡ
Hiện tại, ba nhân vật thuộc ban lãnh đạo đảng Cộng Hòa - Paul Ryan, Mitch McConnell và Reince Priebus - còn lưỡng lự chưa quyết định có ủng hộ Donald Trump hay không, nhưng yêu cầu ông Trump phải thể hiện rõ lập trường từ chối sự hỗ trợ của thủ lĩnh đảng phân biệt chủng tộc KKK. Tuy nhiên, nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ này, mà kết quả sẽ rõ ràng vào ngày 15/03 tới, có rất ít khả năng Donald Trump sẽ bị loại khỏi vị trí ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa. Bởi làm như vậy là phủ nhận « tiến trình dân chủ », và điều này sẽ khiến đảng Cộng Hòa Mỹ tan vỡ.
Nếu cuộc đối đầu Trump – Clinton xảy ra, theo một thăm dò dư luận, được Le Figaro dẫn lại 52% cử tri sẽ bỏ phiếu cho cựu ngoại trưởng Dân Chủ, và chỉ có 44% cho nhà tỉ phú. Ngược lại, bà Clinton có thể sẽ chịu thất bại trước hai ứng viên hiện đang xếp thứ hai và thứ ba của đảng Cộng Hòa – hai ông Ted Cruz, thượng nghĩ sĩ gốc Mỹ Latinh và Marco Rubio, một nhà chính trị trẻ tuổi có cha mẹ là dân nhập cư Cuba. Tuy nhiên, hai ông Ted Cruz và Marco Rubi hiện bị Donald Trump vượt xa.
Về đà chiến thắng của tỉ phú Trump, Le Figaro có bài phỏng vấn nhà chính trị học Dominique Moise, với tựa đề « Thành công bất ngờ của một tên hề nguy hiểm ». Theo nhà nghiên cứu Pháp, mức độ được lòng dân rất cao của Trump xuất phát từ « nỗi lo sợ », « mặc cảm bị hạ nhục », « nỗi tức giận nhắm vào nhà nước, vào giới tinh hoa, nghi ngờ tham nhũng » đang rất phổ biến trong xã hội Mỹ. Trump đã đánh trúng vào nỗi hoài niệm về "giấc mơ vĩ đại của nước Mỹ, và ám ảnh về nguy cơ suy thoái" của siêu cường này. Tuy nhiên, nhà chính trị học Pháp cũng hy vọng cử tri Hoa Kỳ sẽ "tỉnh táo trong ngày bầu cử 08/11" tới.
Chơi với mafia, mở trường « lừa đảo », kinh doanh liểng xiểng…
« Sợ » cũng là tựa đề bài xã luận của Libération. Tờ báo khẳng định Donald Trump đúng là đáng sợ, kể từ khi ông ta giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác, khả năng chiến thắng của Trump trong bầu cử sơ bộ « không còn làm ai cười được nữa ». Tuy nhiên, bài phân tích của Libération nhấn mạnh đến 5 việc có thể khiến Donald Trump phải « run ».
Thứ nhất là « quan hệ của ông ta với mafia » trong thời kỳ Trump tạo dựng đế chế xây dựng của mình ở miền đông Hoa Kỳ trong những năm 80, một giai đoạn mà việc tránh tiếp xúc với mafia trong ngành xây dựng là rất khó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà tài phiệt này đã có « những liên hệ với giới tội phạm có tổ chức chặt chẽ hơn mức cần thiết ».
Lý do thứ hai là Trump sử dụng rất nhiều lao động người nước ngoài, ngược hẳn lại với tuyên truyền chống người nhập cư, để bảo vệ việc làm cho người Mỹ. Theo New York Times tuần trước, một câu lạc bộ tư nhân của Trump đã loại bỏ phần lớn đơn xin việc của gần 300 người Mỹ, nhưng lại nộp hồ sơ xin visa cho hơn 500 người nước ngoài, đặc biệt là người Rumani.
Điểm thứ ba là, trái ngược với hình ảnh một doanh nhân thành công, Donald Trump đã từng bốn lần phá sản, trong đó có vụ sòng bạc tại Atlantic City đổ bể. Tổng tài sản của tỉ phú Trump chỉ được thẩm định là khoảng 4 tỉ đô la, chứ không phải 9 tỉ như tuyên truyền.
Điểm thứ tư là thái độ mập mờ của tỉ phú Trump đối với cựu lãnh đạo phong trào KKK, nổi tiếng với học thuyết da trắng thượng đẳng.
Lý do bê bối thứ năm của ứng viên đảng Cộng Hòa là chương trình đào tạo Trump University bị lên án là « lừa đảo ». Được khuyến cáo là một chương trình giảng dạy những kinh nghiệm nghề nghiệp để thành công trong lĩnh vực xây dựng, Trump Universtity bị nhiều đơn kiện, trong đó có đơn của công tố trưởng New York. Phiên tòa dự kiến sẽ khai mạc vào tháng 8 tại California, ba tháng trước cuộc bầu cử tổng thống.
Ấn Độ : 7% tăng trưởng, đích nhắm là cử tri nông thôn
Nhìn sang châu Á, Les Echos chú ý đến kỳ họp Quốc Hội kéo dài hơn hai tháng của Ấn Độ, vừa khai mạc. Trong bối cảnh không khí xã hội căng thẳng, với phong trào sinh viên và phong trào đòi hỏi được đối xử bình đẳng của người Jat, một cộng đồng thuộc đẳng cấp thấp trong xã hội Ấn Độ, chính phủ Ấn Độ muốn khẳng định chủ trương duy trì mức tăng trưởng từ 7% đến 7,75%. Tuy nhiên, xuất khẩu của Ấn Độ đã sụt giảm liên tục trong 14 tháng, chưa kể việc tiểu lục địa này đang phải đối mặt với nhiều bó buộc trong nước.
Phần cơ bản của ngân sách trong niên khóa tới sẽ được dành cho khu vực nông thôn, với số tiền ước tính khoảng 13 tỷ đô la. Ngoài ra, nông thôn Ấn Độ sẽ được đầu tư thêm một quỹ dành cho thủy lợi, và nối mạng điện, với thời hạn dự kiến tất cả các làng sẽ có điện từ nay đến tháng 5/2018. Thu nhập của nông dân được dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong năm năm tới. Một chương trình bảo hiểm y tế rộng lớn bao phủ một phần ba dân số dự kiến đang được tiến hành. Trong năm nay, sẽ có thêm 300 hiệu thuốc giá rẻ. Chính phủ Ấn Độ cũng dự kiến sẽ tái khởi động 85% dự án đường xá đang bị đình chỉ (hiện mỗi ngày có trung bình khoảng 100 km đường mới được xây dựng).
Theo nhật báo Times of India, dự án ngân sách này là « một tin buồn đối với giới trung lưu ở đô thị, và cả với những người giàu, sẽ bị tăng thuế (từ 12 đến 15% đối với mức thấp nhất) ».
Ấn Độ sắp có bầu cử tại 9 bang, nơi cử tri nông thôn có vai trò lớn.
Trung Quốc : 500.000 việc làm ngành luyện kim bị đe dọa
Về kinh tế Trung Quốc, báo Les Echos có bài « 500.000 việc làm bị đe dọa » trong lĩnh vực luyện kim, một ngành được coi là chiến lược của nước này. Thông tin trên đây được đánh giá là một trái bom, được một lãnh đạo chính quyền tung ra vào tuần trước. Theo đó, Bắc Kinh sẽ phải chi ra số tiền tương đương với 14 tỷ euro để tái đào tạo nghề cho công nhân. Nhu cầu sụt giảm buộc sản xuất phải giảm, dự kiến, các nhà máy với sản lượng khoảng từ 100 triệu đến 150 triệu tấn thép sẽ phải đóng cửa trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, theo Les Echos, dự án này không biết có thành công không, vì giới cầm quyền tại nhiều địa phương chắc chắn sẽ chống lại. Theo một báo cáo của phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc, phần lớn các doanh nghiệp đóng cửa là doanh nghiệp nhỏ, gây ô nhiễm nhất.
Bắc Triều Tiên : Loạt trừng phạt mới sẽ không hiệu quả
"Các trừng phạt của Hội Đồng Bảo An đối với Bắc Triều Tiên sẽ không có kết quả". Đây là nhận định của chuyên gia Pháp về quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên, được báo La Croix trích dẫn.
Lý do thất bại của trừng phạt, thứ nhất là do Liên Hiệp Quốc quyết định trừng phạt sau khi Bắc Triều Tiên đã tiến hành thử bom nguyên tử năm 2006, khác với Iran, bị trừng phạt khi mới bắt đầu phát triển chương trình hạt nhân quân sự. Bắc Triều Tiên đã có đủ thời gian để "thích nghi với các trừng phạt quốc tế" từ nửa thế kỷ qua, bởi là một quốc gia bị cô lập từ lâu. Bình Nhưỡng có sẵn một mạng lưới ủng hộ rộng lớn, từ Macao, Singapour, cho đến tại châu Phi, cũng như Nga và đặc biệt là Trung Quốc.
Chuyên gia Pháp cũng nhấn mạnh đến lập trường khác biệt căn bản khiến trừng phạt sẽ không thành công. Lập trường của Trung Quốc là không muốn Bắc Triều Tiên sụp đổ, do áp lực trừng phạt mà Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên Hiệp Châu Âu chủ trương.
Iran : Ả Rập Xê Út và xã hội dân sự, 2 thách thức với phe cải cách
Còn nước Iran sau cuộc bầu cử Quốc Hội ra sao ? Quốc gia Trung Đông – đã từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự, đổi lại được quốc tế dỡ bỏ trừng phạt – đang đứng trước một vận hội mới, với chiến thắng của phe cải cách của tổng thống Rohani. Bài « Hai thách thức của tổng thống Iran » của Le Monde nhấn mạnh trước hết đến đòi hỏi hòa dịu với quốc gia Hồi giáo Sunni Ả Rập Xê Út, hiện đang ở bờ vực chiến tranh với Iran trên một loạt mặt trận.
Thách thức thứ hai đối với chính phủ Rohani là tiếp tục hỗ trợ cho một xã hội dân sự đang «tìm cách đi nhanh hơn và đi xa hơn là mong muốn của giới cầm quyền ».
Thượng đỉnh Pháp – Anh bị viễn cảnh Brexit phủ bóng
Trở lại với châu Âu, Thượng đỉnh thường niên Pháp – Anh khai mạc hôm nay, tại Amiens, Picardie, miền bắc Pháp, bị phủ bóng bởi nguy cơ Anh Quốc rời Liên Hiệp Châu Âu, theo ghi nhận của La Croix.
Ngày 19/02, sau khi đạt được thỏa thuận với 27 thành viên Liên Âu, thủ tướng Anh Cameron khởi sự chương trình chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý về chủ đề này. Theo La Croix, kể từ đó, không ngày nào là không có những trao đổi quyết liệt về việc Anh nên ở lại hay ra khỏi khối, kể cả trong hàng ngũ đảng bảo thủ cầm quyền. Căng thẳng dâng cao với việc chính phủ Anh công bố bản báo cáo hôm thứ Hai, dự kiến tiến trình sẽ phải xảy ra, nếu phe muốn Anh rời châu Âu chiến thắng.
Theo những người soạn thảo, nếu giải pháp Anh rời châu Âu tức Brexit được khẳng định, đây sẽ là « khởi đầu cho một quá trình kéo dài cả một thập niên, với rất nhiều bất trắc ».
Thủ tướng Anh cam kết không bịa chuyện để gây lo ngại, mà những điều chính phủ đưa ra là hoàn toàn dựa trên sự thực. Tuy nhiên, phe phản đối lên án thủ tướng. Thị trưởng Luân Đôn cùng đảng bảo thủ giận dữ với dự án « gây lo sợ » của thủ tướng đảng mình. Trong khi đó thủ lĩnh đảng dân tộc Scotland có quan điểm ngược lại, khi khẳng định « Liên Hiệp Châu Âu không phải là một liên minh thương mại, (…) là thành viên của Liên Âu cũng có nghĩa là đoàn kết, bảo trợ xã hội và giúp đỡ lẫn nhau ». Quan điểm này chắc chắn thủ tướng Anh sẽ phải lưu ý khi ông Cameron "thảo luận với tổng thống Pháp về số phận những người di cư, tị nạn", La Croix kết luận.
Phục hồi kinh tế : Công nghiệp Pháp không được hưởng lợi nhiều
Về nước Pháp, tựa trang nhất của Les Echos là ngành công nghiệp Pháp không hưởng được nhiều lợi ích từ sự hồi phục kinh tế nói chung. Theo báo cáo về năm 2015, do văn phòng Trendeo cung cấp, quốc gia hình lục giác lại bị mất 44 địa điểm công nghiệp, so với 54 vào năm trước. Theo Les Echos, đầu tư vẫn bị hạn chế do tình trạng thiếu tin tưởng vào tương lai.
Ba lĩnh vực công nghiệp của Pháp được coi là thành công trong năm 2015 là ngành xe hơi, hàng không và vũ khí.
Pháp : Tua bin thủy lực đại dương đầu tiên
Le Monde giới thiệu thành công của ngành thủy lực đại dương tại Ouessant, một hòn đảo 900 dân xứ Bretagne, cách đất liền khoảng 20 km. Tua bin D10, nặng 450 tấn, được đưa xuống độ sâu 55 mét dưới mặt nước biển, hồi mùa hè năm ngoái, và chính thức phát điện từ tháng 11/2015. Việc vận hành tua bin được sự đồng ý của Công Viên Thiên Nhiên Biển Iroise, phụ trách khu vực này, với cam kết theo dõi kỹ các tác động của tua bin đến đời sống động vật biển. Hiện tại, với tốc độ quay từ 10 đến 15 vòng một phút, tua bin được đánh giá là tương đối an toàn với các động vật có vú sống trong lòng biển.
Pháp đang chuẩn bị đưa một loạt tua bin đại dương vào hoạt động, trong đó có công viên thủy lực tại dòng chảy ngầm Raz-Blanchard, với 7 tua bin. Raz-Blanchard nằm tại eo biển Manche, được đánh giá là một trong các địa điểm mà dòng chạy đại dương có tốc độ cao nhất.
Indonesia và cả cộng đồng thổ dân Inuit (Canada) rất quan tâm đến kinh nghiệm của đảo Ouessant. Theo Le Monde, tua bin thủy lực đại dương nói trên thậm chí được coi là thử nghiệm đầu tiên của thủy lực đại dương phục vụ cho một hòn đảo trên thế giới.

No comments:

Post a Comment