Kinh tế Trung Quốc tiếp tục xuống dốc
01.03.2016
Các số liệu mới, công bố hôm thứ Ba, cho thấy hoạt động trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm. Đây là dấu hiệu mới nhất về sự yếu ớt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chỉ số Quản lý Mua sắm chính thức, còn gọi là PMI, dùng để theo dõi hoạt động của các nhà máy, đã giảm còn 49,0 trong tháng 2, giảm từ mức 49,4 của tháng trước. Chỉ số từ 50 trở lên là tín hiệu sản xuất gia tăng, còn dưới mức 50 cho thấy sự sụt giảm. Đây là tháng thứ bảy liên tiếp PMI chính thức của Trung Quốc giảm xuống, và là mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2011.
Một cuộc khảo sát PMI riêng rẽ do công ty truyền thông tài chính tư nhân Caixin, là hãng tập trung nhiều hơn vào các công ty nhỏ hơn, cho thấy chỉ số PMI chỉ đạt mức 48, là tháng thứ 12 liên tiếp sụt giảm.
Các nhà quan sát nói chỉ số PMI tháng trước có thể đã bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm, khi các nhà máy đóng cửa và người lao động về quê ăn Tết.
Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tỷ lệ hàng năm là 6,9% trong năm 2015, tốc độ chậm nhất trong vòng 25 năm qua do sản xuất dư thừa và các đơn đặt hàng trong nước và xuất khẩu đã sụt giảm.
Tăng trưởng chậm lại diễn ra vào lúc nước này chật vật chuyển đổi từ một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sang một nền kinh tế hoạt động nhờ nhu cầu của người tiêu dùng.
Tăng trưởng chậm lại diễn ra vào lúc nước này chật vật chuyển đổi từ một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sang một nền kinh tế hoạt động nhờ nhu cầu của người tiêu dùng.
Tin tức hôm thứ Ba có thể thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh tung ra một gói kích cầu và tăng mạnh lượng cung ứng tiền tệ. Ngân hàng Nhân dân Trung quốc cuối ngày thứ Hai thông báo sẽ giảm lượng tiền mặt dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng tới 50 điểm cơ bản. Ngân hàng trung ương cũng đã bơm khoảng 100 tỷ đôla tiền mặt vào hệ thống ngân hàng để thúc đẩy hoạt động cho vay.
No comments:
Post a Comment