Nợ chính phủ Việt Nam vượt giới hạn
- 8 giờ trước
Báo cáo của chính phủ Việt Nam hôm 21/3 tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII cho thấy nợ chính phủ đã vượt giới hạn quy định, chiếm 50,3% GDP.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định - 50,3% GDP so với quy định không quá 50%.
Trao đổi với BBC Tiếng Việt, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói từ Hà Nội: "Hiện giờ, tình hình kinh tế Việt Nam cũng không sáng sủa lắm, doanh nghiệp không có sức đóng thuế cho nhà nước. Bội chi mỗi năm mỗi tăng. Nhà nước đi vay. Trong trường hợp như thế, nhà nước đi vay nước ngoài thì nợ công nước ngoài tăng lên. Nhưng liệu có khả năng thanh toán hay không?”
“Còn nhà nước phát hành trái phiếu ở trong nước, cạnh tranh với thị trường tài chính trong nước. Doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn để tiếp cận nguồn vốn,” ông Bùi Kiến Thành lý giải những khó khăn của nền kinh tế.
“Trong khi đấy, nhà nước lại phát hành trái phiếu chính phủ trong thị trường tài chính trong nước nữa."
"Hiện giờ dự kiến trong năm nay nhà nước sẽ lại phát hành 220.000 tỷ đồng thì số trái phiếu của nhà nước sẽ là một đối tượng cạnh tranh với doanh nghiệp cần tiếp cận nguồn vốn, sẽ ảnh hưởng ngay đến vấn đề hoạt động của nền kinh tế," ông Thành cho biết thêm.
'Thiếu tầm nhìn dài hạn'
Nợ chính phủ vượt giới hạn quy định và chiếm đến 50,3% GDP cũng sẽ “tác động rõ ràng” vào đời sống của người dân, ông Thành cho biết.
Chuyên gia kinh tế này giải thích hệ quả: “Người dân phải ép bụng trả thuế cũng trả không nổi."
"Nhà nước phải đi phát hành trái phiếu, tăng thêm nợ công để chi phí cho công việc của nhà nước thì nó ảnh hưởng đến tất cả mọi việc của người dân."
"Ví dụ về giáo dục phải giảm chi chỗ nào, về tất cả mọi lĩnh vực nhà nước hoạt động, phải cắt chi chỗ nào, ảnh hưởng ngay đến người dân.” - Ông Bùi Kiến Thành cho biết
Trong phiên họp sáng 22/3 tại Quốc hội, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói "một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn" - báo Tuổi Trẻ tường thuật.
Ông Dũng thừa nhận "Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu quả, khắc phục còn chậm."
Cũng trong kỳ họp thứ 11 này, Quốc hội Việt Nam sẽ bỏ phiếu kín để bầu tân Chủ tịch Quốc hội vào ngày 31/3.
No comments:
Post a Comment