Thursday, March 3, 2016

Tiêu chí xếp 20 phụ nữ ảnh hưởng nhất VN?

Tiêu chí xếp 20 phụ nữ ảnh hưởng nhất VN?

  • 58 phút trước
Image copyrightTIM SLOAN AFP Getty Images
Image captionBà Tôn Nữ Thị Ninh trong một sự kiện ở Washington D.C năm 2004, lúc còn là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, một trong những phụ nữ được tạp chí Forbes Việt Nam đánh giá là ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2016 cho rằng một trong những tiêu chí để đánh giá là 'phải tạo ra sự thay đổi'.
"Người phụ nữ ảnh hưởng lớn ở Việt Nam không nhất thiết phải gắn với chức vụ, tiền bạc mà theo tôi phải gắn với một số tiêu chí như thành tựu được công nhận, và thứ hai là quá trình thể hiện trong cách sống và tư duy làm việc."
"Một tiêu chí nữa là tạo sự thay đổi," vị cựu Đại sứ tại Liên Hợp Quốc nói với BBC hôm 03/03 trong phỏng vấn liên quan tới danh sách 20 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2016 của tạp chí Forbes Việt Nam.
Đứng đầu danh sách này là Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Khi được mời bình luận về danh sách này, bà Ninh cho biết bà thấy có hai điểm chưa rõ là tiêu chuẩn hình thành danh sách và con số 20 người.
"Tiêu chuẩn để hình thành danh sách đó chưa thực sự rõ vì nó cũng tùy thuộc vào danh sách của người nào và ở đâu. Đối với những phụ nữ Việt Nam họ chọn ra 20 tên này, tôi cũng tò mò không hiểu là họ dựa vào tiêu chí gì.
"Tôi nghĩ chắc có ảnh hưởng không chỉ nằm ở con số 20 đó đâu nhưng chẳng qua là họ phải đưa ra danh sách có xếp hạng thì phải dừng lại ở đó."
"...Tôi cũng không rõ là họ có tiêu chí nào khác hay dựa trên thăm dò dư luận," bà nói.
Bà cũng cho biết thêm, tạp chí Forbes Việt Nam có liên hệ với bà để xin thông tin tiểu sử "nhưng không nói danh sách đó có những ai, tổng hợp danh sách đó là như thế nào".

Hoạt động xã hội

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP Getty Images
Image captionNhà thiết kế Minh Hạnh cũng nằm trong danh sách Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2016 của tạp chí Forbes Việt Nam
Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về việc liệu trong danh sách có nên đưa cả những phụ nữ hoạt động thiện nguyện, hoạt động trong lĩnh vực xã hội dân sự, bà cho rằng "nên có".
Bà cũng gợi ý, danh sách này nếu mở rộng thêm "sẽ đầy đủ hơn" và nên có cả những phụ nữ trong khoa học, phụ nữ hoạt động xã hội dân sự và phụ nữ làm việc trong lĩnh vực truyền thông.
"Nhưng tôi nghĩ Forbes là tạp chí thiên về mảng kinh tế, kinh doanh thành thử đương nhiên những gương mặt chủ chốt và lãnh đạo doanh nghiệp thì tôi cũng rất là ấn tượng nhưng họ đại diện cho kinh tế, kinh doanh là chính."
Bà Tôn Nữ Thị Ninh lấy ví dụ của một phụ nữ khác có tên trong danh sách là bà Phạm Kiều Oanh, được bà Ninh gọi là "đầu mối giúp đỡ các social entrepreneur (doanh nghiệp xã hội)".
"Chị ấy, ở một nghĩa nào đó, cũng một phần ở bên dân sự. Trong xã hội dân sự còn có những phụ nữ khác có thể bổ sung thêm nếu danh sách mở rộng hơn 20 người."
Thảo luận bên lề về chỉ tiêu đại biểu Quốc hội Việt Nam là nữ trong năm nay, bà Ninh cho rằng con số 25% là tỷ lệ cho danh sách bầu cử và ứng cử, còn Quốc hội không thể quy định số phụ nữ được bầu là bao nhiêu vì điều này phụ thuộc vào cử tri.
"Cho nên nếu mong muốn trên 25% là nữ đại biểu quốc hội chẳng hạn thì rõ ràng không thể đề cử ít hơn 35%."
"...Đến tháng 5 này thì biết được lần này có đẩy được tỉ lệ nữ đại biểu quốc hội lên so với các khóa trước không.
"Tôi nghĩ đề cử với con số đưa ra tối thiểu cũng là biện pháp cần thiết nhưng chưa đủ. Đủ thì phải vận động cử tri, đồng thời trong quá trình đề cử phải chọn ứng cử viên mạnh," Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển thành phố Hồ Chí Minh nói.

Dấu ấn sự nghiệp

Bà Tôn Nữ Thị Ninh từng có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực đối ngoại, và hiện đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia các hoạt động xã hội, giáo dục.
Điểm lại ảnh hưởng tới xã hội trong sự nghiệp của mình, bà nói có lẽ chủ yếu là trong ngành đối ngoại.
"Nhìn lại, tôi thấy dấu ấn của tôi lúc còn đương chức là quảng bá và tham gia góp phần xây dựng thương hiệu cho đất nước và dân tộc.
"Tôi nghĩ vai trò của tôi là làm cầu nối cho thế giới và giúp cho trong nước có cái hiểu thế giới chính xác hơn, cởi mở hơn và ngược lại giới thiệu Việt Nam ra thế giới một cách hấp dẫn và thuyết phục."
Hiện bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội và Giáo dục Trí Việt, tham gia nhiều hội thảo, hoạt động trong và ngoài nước, trong những hoạt động này, bà "cố gắng có tiếng nói để góp phần cho nhận thức xã hội như chính sách được đưa vào trong cuộc sống, trong lao động, trong làm việc".
Danh sách của Forbes Việt Nam không thấy nêu rõ những nhân vật này được lựa chọn theo tiêu chí hay hạng mục nào.
Tuy nhiên, lời tựa của Ban Biên tập có đoạn viết: "Nhiều phụ nữ có vai trò lãnh đạo và ảnh hưởng sâu rộng ngay cả khi họ không ngồi trong những vị trí quyền lực," và đây là lần đầu tiên Forbes Vietnam thực hiện danh sách "để ghi nhận ảnh hưởng của những phụ nữ này".
Bên cạnh các nhân vật chính trị cũng có các nữ doanh nhân, người làm trong lĩnh vực y tế như Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, những phụ nữ trong lĩnh vực ngoại giao, giáo dục, thiết kế thời trang, và thể thao như vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên.

Tin liên quan

No comments:

Post a Comment