Wednesday, August 19, 2015

Cuộc chiến tranh giành "miếng bánh" Bắc Cực

Cuộc chiến tranh giành "miếng bánh" Bắc Cực

mediaHải cảng Sabetta ở bán đảo Yamal, vòng Bắc Cực cách thủ đô Nga 2.450 km © AFP
Bắc Cực đóng một vai trò quan trọng trong việc điều tiết khí hậu trên toàn thế giới, và là nguồn tài nguyên giành cho tương lai. Song, Bắc Cực còn là khu vực giàu nguồn hải sản và tài nguyên khoáng sản. Vì vậy, các nước lận cận, như Nga, Đan Mạch, Canada, Na Uy và Hoa Kỳ, đều có tham vọng mở rộng lãnh thổ bao trùm lên khu vực này. Nhật báo La Croix đăng trên trang nhất trong số hôm nay dòng tựa : « Tranh chấp quyền lợi xung quanh Bắc Cực ». Vậy các quốc gia tranh chấp chủ quyền tại Bắc Cực là những nước nào ?
La Croix mở đầu với trường hợp của Nga. Mới đây, Nga đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc một đơn yêu cầu mở rộng chủ quyền lãnh thổ của nước này lên một phần Bắc Băng Dương. Như vậy, Matxcơva cũng đã thể hiện rõ quyết tâm khai thác nguồn tài nguyên biển và khoáng sản.
Đây không phải là lần đầu tiên Nga đòi chủ quyền tại Bắc Cực. Năm 2002, Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ yêu cầu đầu tiên của Nga. Năm năm sau, vào năm 2007, một tầu ngầm của Nga lặn sâu dưới lòng cực Bắc và cắm mũi khoan dưới lớp băng dầy, sâu tới 4.200 m, để chứng minh rằng hai dãy núi ngầm dưới đáy biển Lomonossov (chạy dài trên 2.000 km từ vùng Siberia tới đảo Ellesmere của Canada) và Mendeleiev là những dãy núi kéo dài của mảng lục địa Siberia. Và dĩ nhiên là Matxcơva có quyền đòi hỏi chủ quyền theo công ước quốc tế về Luật Biển. Khu vực mà Nga đòi hỏi có diện tích lớn gấp hai lần nước Pháp, nhưng lại nằm chồng lấn lên các khu vực mà các nước Na Uy (với hòn đảo Spitzberg) và Đan Mạch (với hòn đảo Groenland) cũng đòi chủ quyền.
Trong khi đó, hai đối thủ của Nga, là Canada và Đan Mạch, đưa ra lập luận rằng các dãy núi ngầm dưới Bắc Cực là phần nền tiếp nối của đảo Groenland và Canada. Năm 2014, Đan Mạch cũng đã đệ đơn đòi chủ quyền 900.000 km2, tới tận đường giới hạn 200 hải lý của Nga. Theo nhận định của một giảng viên địa chính trị tại đại học Saint-Denis (Paris), « Trên thực tế, cả ba đối thủ tranh chấp chính (Nga, Canada, Đan Mạch) đều thỏa thuận ngầm với nhau để cùng chia Bắc Cực. Thế nhưng, họ cần đỏi hỏi chủ quyền rộng nhất có thể để còn thương lượng với ủy ban phán xét về chủ quyền biển đảo ».
Ngoài ba quốc gia trên, Na Uy, thành viên của khối NATO, cũng có một phần khu vực mà quốc gia này đòi chủ quyền chồng lấn với Nga. Quốc gia Bắc Âu này đang bị kẹt trong thế giữa từ khi mối quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên căng thẳng, khiến rất nhiều dự án công nghiệp lớn giữa hai nước bị ngừng lại.
Iceland cũng muốn có phần bánh của mình. Sau khi quyết định không gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, Reykjavik muốn chơi lá bài Bắc Kinh khi đề xuất với chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình những các nhà máy luyện nhôm và cảng nước sâu. Ngoài ra, Iceland còn có trữ lượng hải sản dồi dào vì với tình trạng trái đất nóng lên, các nguồn cá lui về sinh sống tại khu vực biển bắc.
Cuối cùng là Hoa Kỳ cũng đòi hỏi chủ quyền một phần Bắc Cực nhờ Alaska. Trong lúc, chờ đợi phê chuẩn, công việc khai thác tại đây được tăng cường. Tập đoàn dầu khí Shell của Anh và Hà Lan, hôm qua, đã được chính quyền Mỹ cho phép khoan sâu hơn ở ngoài khơi Alaska, trong bối cảnh các đợt khoan thăm dò vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Bắc Băng Dương giầu nguồn tài nguyên năng lượng và chiếm khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% khí tự nhiên còn chưa được khai thác trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nguồn trữ lượng này còn chưa được kiểm chứng và có thể không hẳn đã sinh lợi khi khai thác chúng.
Ngoài ra, còn phải kể tới các mỏ quặng (đồng, nickel, chì, uranium, paladi, đất hiếm), nguồn trữ lượng cá hay các tuyến đường vận tải hàng hải từ Đông Bắc sang Tây Bắc. Theo số liệu thẩm định, tới năm 2050, sẽ có khoảng 850 tầu vận tải hàng năm sử dụng thường xuyên tuyến đường này.
Nam Cực thoát được « nanh vuốt » tranh giành cho tới năm 2048
Trái ngược với Bắc Cực, lệnh cấm mọi hoạt động khai thác tại châu Nam Cực còn có hiệu lực tới năm 2048.
Thường được so sánh là « hai anh em sinh đôi », song Nam Cực và Bắc Cực hoàn toàn khác nhau. Nếu như cực Bắc, về mặt địa lý, tương xứng với Bắc Băng Dương bị băng tuyết bao phủ cả mùa đông lẫn mùa hè, thì Nam Cực là một châu lục.
Cho tới hiện nay, ngoài các hòn đảo có chủ quyền, Bắc Băng Dương là khu vực biển quốc tế, không đi lại được do lớp băng dầy và vẫn chưa bị khai thác, kể cả do đánh bắt, hay do vận tải hàng hải hoặc khai thác các nguồn khoáng sản.
Còn châu Nam Cực có một vị thế khác hẳn nhờ công lao của các nhà khoa học, buộc chính phủ của nước họ phải tuyên bố « đó là vùng đất hòa bình và khoa học » và cấm mọi hoạt động khai thác và quân sự tại đây (như thành lập căn cứ quân sự, thử vũ khí nguyên tử, kho chứa chất thải hạt nhân…)
Đây là thành công đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Năm 1959, có 12 quốc gia tham gia ký kết hiệp ước Nam Cực tại Washington và có hiệu lực từ năm 1961. Tới năm 2015, con số này lên tới 52 nước. Hiệp định này chỉ làm lắng dịu tạm thời mọi tuyên bố chủ quyền giữa các nước tham gia, tuy nhiên, không có nghĩa là các nước từ bỏ quyền lợi và chủ quyền của mình trên châu lục này. Hiệp định xác lập khuôn khổ trao đổi thông tin, nhân sự và các dữ liệu khoa học và thiết lập hệ thống kiểm tra các hoạt động của con người tại các vùng đất nổi và các khu vực đóng băng ở phía nam vĩ tuyến 60.
Ngờ vực dày vò Thái Lan sau vụ nổ bom tại Bangkok
Vụ đánh bom tại trung tâm thủ đô Bangkok, Thái Lan, vẫn là chủ đề thời sự được quan tâm. Báo Le Monde đưa tin : « Thảm sát tại trung tâm Bangkok », Le Figaro chạy tựa : « Chính quyền quân sự bị thách thức trước các cuộc tấn công », còn báo La Croix nhận định : « Ngờ vực dày vò Thái Lan sau vụ nổ bom ».
Các báo đều đưa ra con số tổng kết, 20 người thiệt mạng, trong đó có 11 người nước ngoài, tất cả đều là người Châu Á và hơn 120 người bị thương. Tướng Prayuth Chan-O-Cha phát biểu : « Đây là vụ tấn công thảm khốc nhất » tại Thái Lan. Hôm qua, thêm một quả bom nữa nổ tại một khu vực du lịch song không gây thương tích.
Tờ Le Monde cho biết, ngay tại đền Erawan, nơi diễn ra vụ nổ bom đẫm máu, vào năm 2010, phe Áo Đỏ ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra bị truất quyền vào năm 2006, đã tổ chức một buổi biểu tình phản đối và bất ngờ bị quân đội đàn áp khiến 90 người thiệt mạng. Tướng Prayuth khẳng định người đàn ông tình nghi được camera ghi lại có thể thuộc nhóm chống chính phủ hiện nay và tập trung chủ yếu ở miền đông bắc Thái Lan. Báo Le Monde đặt câu hỏi liệu một kẻ cực đoan chống đối chính phủ quân phiệt lại tiến hành một cuộc tấn công mù quáng như vậy để gây cản trở chính quyền và cho thấy những hạn chế của bộ máy kiểm soát an ninh, chỉ một năm sau khi chính phủ dân sự của bà Yingluck Shinawatra bị lật đổ ?
Dù sao, thì quy mô vụ nổ bom đẫm máu xảy ra hôm 17/08 là chưa từng có trong lịch sử chính trường của Thái Lan. Kể cả trong quá khứ, đã xẩy ra nhiều vụ bạo động từ hơn 80 năm nay, mà gần đây là vụ đàn áp người biểu tình Áo Đỏ năm 2010, hay các vụ biểu tình của phe Áo Vàng vào năm 2014, buộc thủ tướng lúc đó phải từ chức.
Chưa hết, tháng Hai năm nay, hai quả bom nhỏ đã nổ gần một siêu thị tại Bangkok làm một người bị thương. Nhưng vụ đánh bom đó mang ý nghĩa cảnh báo nhiều hơn, chứ không mang tính chất sát hại nguy hiểm như vụ nổ bom gần ngôi đền Erawan.
Hướng nghi ngờ thứ hai tập trung vào cộng đồng người Hồi giáo, gốc Mã Lai, đòi quyền tự trị tại khu vực miền Nam Thái Lan, giáp với Malaysia, gồm ba tỉnh : Pattani, Narathiwat và Yala. Hơn 6.000 người đã chết và các cuộc tấn công chống chính quyền vẫn diễn ra gần như hàng ngày tại đây. Thế nhưng, phát ngôn viên của chính phủ quân sự phát biểu rằng loại bom được sử dụng trong vụ nổ tại trung tâm Bangkok không có gì giống loại chất nổ mà các nhóm ly khai ở miền Nam thường sử dụng.
Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, tướng Prawit Wong-suwong, khẳng định : « Vụ nổ bom nhằm vào du khách nước ngoài, cũng như nền kinh tế và ngành du lịch của Thái Lan ». Nếu đúng như vậy, thủ phạm gây ra vụ nổ đã thành công, vì ngoài tính chất tàn ác, vụ nổ bom đã khiến đồng tiền Thái sụt giá và cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch niêm yết tại sàn giao dịch Bangkok đã giảm thêm 2%.
Nhờ Google, tên miền « .xyz » trở nên nổi tiếng như một « .com » mới
Daniel Negari là chủ sở hữu tên miền « .xyz » trở thành một người nổi tiếng nhờ Google. Mục« Câu chuyện » trên số ra ngày hôm nay, Le Figaro phác họa chân dung của nhà sáng lập doanh nghiệp trẻ, 29 tuổi, người Mỹ.
Câu chuyện thần tiên bắt đầu từ tuần trước, khi Google quyết định thành lập tập đoàn Alphabet và với một địa chỉ internet mới « abc.xyz », tượng trưng cho đúng ý nghĩa Alphabet (bảng chữ cái) của công ty.
Khi Daniel Negari trả 180.000 đô la cho tổ chức quản lý tên miền, anh không hề nghĩ tới kết thúc may mắn như vậy. Với anh, « .xyz » vừa là điểm kết của bảng chữ cái, nhưng cũng thể hiện thế hệ X (sinh giữa những năm 1960-1981), Y (sinh từ 1980-2000), và Z (sinh từ đầu những năm 2000).
Nhà doanh nghiệp trẻ phấn khởi cho biết Google đã mang lại cho anh sự nổi tiếng khó có được, đồng thời tự tin cho rằng trong vòng 30 năm, « .xyz » sẽ là tên miền được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
Nhận định trên có vẻ có cơ sở, vì ngay sau khi tên miền mới này được thông báo, Google đã nhận được khoảng 30.000 đề nghị đăng ký, gấp 10 lần số lượng yêu cầu hàng tuần mà Daniel Negari nhận được trước đó.
Nhà doanh nghiệp trẻ này cũng tỏ ra lạc quan vì có « vài tỉ người trên thế giới và chỉ có 300 triệu tên miền được đăng kí, vì thế sẽ có hàng triệu người sử dụng internet mới sẽ chọn tên miền « .xyz » cho website của họ ».
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment