Tuesday, August 4, 2015

Ghé chơi Sacramento nghĩ về ngày xưa

Ghé chơi Sacramento nghĩ về ngày xưa

Toà nhà hành chính tiểu bang California (ảnh Bùi Văn Phú).
Toà nhà hành chính tiểu bang California (ảnh Bùi Văn Phú).
Mới đây có người em từ Việt Nam qua Mỹ du lịch và tôi đưa đi chơi Sacramento, sau khi đã lang thang thăm viếng nhiều nơi từ Oakland, San Francisco xuống đến San Jose.
Tôi muốn đưa đi thăm đài tưởng niệm cuộc chiến Việt Nam và để cho em thấy thủ đô hành chính của tiểu bang luôn mở cửa chào đón du khách như thế nào.
Rời vùng vịnh, một giờ sau xe rẽ vào Sacramento từ xa lộ 50. Trung tâm của thành phố xanh tươi hơn San Francisco, Berkeley hay Oakland. Có thể vì vị trí nơi đây khí hậu luôn nóng nên hai bên đường là những hàng cây xanh cao tỏa bóng mát.
Tôi đến thủ phủ của tiểu bang này đã nhiều lần và bây giờ khá quen thuộc với đường xá ở đây. Nay còn có GPS nữa nên không chút khó khăn nếu so sánh với chuyến đi đầu tiên đến đây tìm đài tưởng niệm cuộc chiến tranh Việt Nam cách đây hơn hai mươi năm, khi mới có internet, GPS chưa phổ thông và còn phải dùng bản đồ in.
Đài tưởng niệm chiến binh Mỹ hy sinh trong cuộc chiến tại Việt Nam (ảnh Bùi Văn Phú)Đài tưởng niệm chiến binh Mỹ hy sinh trong cuộc chiến tại Việt Nam (ảnh Bùi Văn Phú)
Lùi xa hơn nữa về quá khứ 40 năm trước, nhớ lại ngày mới đến Mỹ định cư, cũng như nhiều người khác tôi đã có sự nhầm lẫn về thủ phủ của tiểu bang California. Lúc đó tôi tưởng chính là San Francisco, vì có tòa thị chính cao lớn với kiến trúc vòm, giữa những phố đông người qua lại, sinh hoạt sầm uất, hơn nữa khi làm các giấy tờ di trú đều phải qua văn phòng INS trên đường Sansome nên tôi cứ tưởng San Francisco chính là thủ phủ của tiểu bang.
Sống ở Mỹ rồi dần hiểu ra. San Francisco là thành phố thương mại du lịch, còn Sacramento, cách đó 80 dặm đường, mới chính là thủ đô hành chính của tiểu bang. Nhưng vì chẳng bao giờ có việc phải đến Sacramento và cũng không nghe ở thủ phủ có danh lam thắng cảnh nào để mà đến chơi.
Ở Mỹ, không riêng gì California mà nhiều tiểu bang cũng có sự khác biệt giữa những thành phố lớn và thủ phủ, thường nhỏ hơn.
Nhắc đến tiểu bang Washington chắc nhiều người biết Seattle mà không biết Olympia vì Seattle nổi tiếng có Space Needle là ngọn tháp cao 605 bộ xuyên thủng bầu trời thành phố. Sau này có phim Sleepless in Seattle với diễn viên Tom Hanks và Meg Ryan được nhiều người thích. Dưới chân cạnh tháp Space Needle, đầu thập niên 1980 có quán cà-phê Lộc của người Việt, không biết nay còn không. Ngày đó ở bang này có tờ Đất Mới, do ông Vũ Đức Vinh làm chủ nhiệm, là một trong những tờ báo tiếng Việt đầu tiên tại Mỹ mà tôi có cộng tác. Seattle có chợ cá Pike Market Place mở cửa sáng đêm.
Seattle có nhiều điều để nhắc đến, còn thủ phủ Olympia có gì chắc không mấy ai biết.
Cũng như Houston của Texas, nơi có cơ quan NASA nổi tiếng về khoa học không gian. Nhưng có thể nhiều người không biết thủ phủ của Texas lại nằm ở Austin, hai nơi cách nhau ba giờ lái xe.
Học trò được thầy cô đưa đi tham quan (ảnh Bùi Văn Phú)Học trò được thầy cô đưa đi tham quan (ảnh Bùi Văn Phú)
New York là tên của tiểu bang và cũng là thành phố lớn nhất nước Mỹ, trung tâm tài chánh của thế giới, nằm ngay gần biển, nhưng trụ sở hành chánh tiểu bang lại là Albany nằm sâu trong đất liền.
Florida nổi tiếng với những bãi biển cát trắng ở phía nam Miami, với trung tâm phóng phi thuyền vào không gian ở Cape Canaveral nằm ở phía đông, nhưng thủ phủ là Tallahassee nằm tận phía bắc. Năm 1975 Florida có căn cứ không quân Eaglin Air Force Base là nơi đã đón người tị nạn từ Việt Nam đến tạm cư.
Đến Nevada mọi người nghĩ đến Las Vegas là thủ đô đen đỏ, còn trung tâm hành chính là thành phố nhỏ Carson City nằm ở phía bắc, gần một trung tâm giải trí bài bạc khác là Reno.
Còn California, chắc chắn nhiều người biết San Francisco với cây cầu Golden Gate mầu đỏ bắc ngang cửa vịnh. Một giờ xe xuôi nam từ cầu này là đến San Jose với thung lũng hoa vàng, thủ đô điện tử của thế giới. Miền nam có Los Angeles với phim trường Hollywood, đại lộ siêu sao. Lái xe nửa giờ xuống phía nam là Quận Cam nổi tiếng có Little Saigon của người Việt. Cách đó chừng 30 dặm đường là Camp Pendleton, nơi những lều trại đầu tiên được dựng lên trong nội địa Hoa Kỳ để đón người tị nạn từ Việt Nam sau ngày 30/4/1975.
Nhưng Sacramento có lẽ còn là một cái tên xa lạ. Đó không phải là thành phố lớn, số dân chỉ ở mức trung bình, chưa đến nửa triệu, nhưng là trung tâm hành chính với văn phòng thống đốc, trụ sở Hạ viện và Thượng viện cùng các ban ngành của tiểu bang.
Ngày mới đến Mỹ định cư ở thành phố Đại học Berkeley tôi chỉ biết có Oakland bên cạnh và San Francisco xa hơn chút, bên kia cầu, vì có những dịp qua đó thăm những nơi nổi tiếng như phố Tàu, cầu Golden Gate, hay tham gia biểu tình trước toà thị chính.
San Jose những năm 1975-76 chưa có gì tiếng tăm ngoài Great America, ở thành phố Santa Clara bên cạnh, là trung tâm giải trí với các trò chơi cao tốc mà một lần tôi đã can đảm leo lên tidal wave xoay lượn mấy vòng với tốc độ cao để rồi khi bước xuống thấy đất trời ngả nghiêng.
Charles Phan là một người Mỹ gốc Việt được Quốc hội tiểu bang tuyên dương (ảnh Bùi Văn Phú)Charles Phan là một người Mỹ gốc Việt được Quốc hội tiểu bang tuyên dương (ảnh Bùi Văn Phú)
Dưới Los Angeles có Disneyland, thế giới thần tiên của tuổi thơ, mà tôi đã bước vào tuổi đôi mươi nên không cảm thấy hứng thú cho một chuyến nam du. Thực ra trung tâm giải trí này không nằm trong Los Angeles, mà tọa lạc ở Anaheim, trong Orange County, nơi có đông người Việt sinh sống, gọi là Little Saigon Quận Cam, nhưng lúc đó tên đó chưa được biết đến nhiều hay trở nên thân quen với người Việt California cũng như trên toàn nước Mỹ như bây giờ.
Thủ phủ Sacramento của tiểu bang lúc đó cũng xa lạ với tôi, tuy quãng đường từ Berkeley đến thành phố này cũng chỉ dài hơn đường đi San Jose vài dặm. Xuôi nam trên xa lộ 880 một giờ là đến San Jose, đông tiến trên đường 80 là đến Sacramento.
Khoảng năm 1976 hay 77, có một lần mấy anh em trong nhà đi thăm người quen là cựu đại úy cảnh sát Mười ở thành phố này vào dịp Giáng Sinh. Ăn cơm chiều xong, nghe nói Lake Tahoe cũng gần nên rủ nhau lên đó chơi rồi về lại vùng vịnh nên chẳng có cơ hội tham quan Sacramento để biết mặt thủ phủ tiểu bang cao rộng ra sao.
Mới đến Mỹ định cư, còn là sinh viên, tiền bạc giới hạn nên không ở khách sạn qua đêm. Lên đến Lake Tahoe đi quanh sòng bài xem cho biết, bỏ vài đồng bạc cắc vào máy kéo nghe leng keng cho vui. Quá nửa đêm lái về, trong xe bốn người ai cũng phải chống mắt lên nhìn đường cùng ông anh làm tài xế vì sương mù trên núi. May mà lúc đó tuyết không rơi. Nếu có tuyết và đường trơn trượt thì chúng tôi không biết phải làm sao giữa núi đồi ban đêm. Nghĩ lại thấy đúng là điếc không sợ súng. Thích là cứ đi mà chẳng quan tâm đến thời tiết, đường xá ban đêm ra sao.
Một lần khác, dịp nghỉ Giáng Sinh 1980, tôi và mấy bạn học lái xe lên Canada chơi. Đến vùng núi Shasta, giáp ranh giới California và Oregon, tuyết phủ trắng bên đường, trên những hàng thông, lấp lánh ánh đèn từ cửa sổ những căn nhà tỏa ra, đẹp như tấm thiệp Noel. Nhưng chúng tôi lạnh buốt vì chiếc xe Dodge Dart cũ kỹ của anh bạn hư máy sưởi. Khi đến nhà bạn ở Roseburg ngồi bên lò sưởi hơ chân tay một hồi lâu mới mới cảm thấy ấm lại trong người.
Hôm sau tiếp tục bắc tiến. Lên đến Vancouver gặp anh Vũ Mạnh Hải là một cầu thủ bóng đá vượt biển và sau này lập ra ban nhạc Passion. Hôm đó chúng tôi cũng gặp anh Nguyễn Ngọc Ngạn, anh Cương và một số bạn khác. Anh Ngạn đang làm việc ở một thành phố gần biên giới giữa Alaska và Canada và vừa về lại Vancouver nghỉ lễ. Anh nói có truyện dài Những người đàn bà còn ở lại mới viết xong, nếu Bút nhóm Ý Thức của chúng tôi muốn in, anh sẽ giao cho. Hồi đó bút nhóm có in lại vài tập văn chương cũ như Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu, Chuông đêm của Quyên Di,Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử, Bông hồng cài áo của Nhất Hạnh và phát hành được vài tuyển tập thơ văn sinh viên, mỗi tập vài chục trang, in 200 bản, nên chúng tôi không có khả năng tài chánh để đảm nhận việc in ấn một tác phẩm mấy trăm trang của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn.
Một mùa hè, chúng tôi lái xe xuôi nam, thăm bạn học cũ từ thời học phổ thông ở Việt Nam. Rồi lái qua Mexico, định đến mũi đất Baja, nhưng đường xá không tốt nên dừng lại tắm biển ở Ensenada rồi quay về Mỹ.
Cửa hàng Việt ở Sacramento (ảnh Bùi Văn Phú)Cửa hàng Việt ở Sacramento (ảnh Bùi Văn Phú)
Đúng là thời trẻ, chẳng quản ngại đường xá xa xôi. Được nghỉ học là cứ rủ nhau lên xe phóng đi chơi. Trên đường, mệt cần nghỉ là ghé vào Motel 6, 20 đô-la một đêm. Mấy bạn ngồi chờ trong xe, hai bạn vào check-in, rồi từ từ bốn, năm đứa kéo nhau vào phòng tắm rửa, nghỉ qua đêm. Sáng mai đi tiếp.
Đã đi chơi xa dọc theo tuyến bắc nam bờ tây nước Mỹ từ Mexico lên đến Canada cả nghìn dặm đường, vậy mà Sacramento gần đó nhưng tôi chưa biết gì.
Tôi biết nhiều hơn về Sacramento bắt đầu từ năm 1982, khi hội sinh viên Việt Nam tại hai trường UC Berkeley và UC Davis có những sinh hoạt thể thao, văn nghệ chung. Vào một dịp mùa xuân, sinh viên Berkeley đem chuông đi đấm xứ người ở UC Davis, sau văn nghệ rủ nhau đi ăn ở Sacramento mới thấy thành phố này cuối tuần như một thành phố chết. Đường xá vắng tanh khi chúng tôi lái xe loanh quanh kiếm tiệm ăn trong khu đường chữ L, M, N.
Cuối thập niên 1980 có dự án xây đài tưởng niệm chiến binh Hoa Kỳ hy sinh tại Việt Nam, rồi có biết những người Việt trong cơ quan công quyền tiểu bang nên tôi mới có dịp đến Sacramento nhiều hơn. Từng sống hay làm việc ở đây có Tiến sĩ Nguyễn Văn Hành, Giáo sư Nguyễn Đức Hiếu, cựu Đại tá Phạm Văn Liễu, cựu Trung tướng Đặng Văn Quang, cựu Thiếu tá Trần Văn Ngà là những người tôi đã có dịp gặp.
Nhiều lần cùng các bạn rủ nhau thả bè trên sông American River. Những chuyến đi chơi, người lớn và trẻ con, ít cũng 20, đông có khi hơn 30, thi nhau hò hét bắn súng nước thật vui, ướt người cho mát. Ghé bến đem bánh mì kẹp thịt ra ăn, đem bia ra nhậu với hột vịt lộn để bây giờ trên bến đỗ nhiều chỗ rau răm um tùm, nhưng không còn mùi vị vì mọc trên nước.
Ngày nay số người Việt ở Sacramento cũng đến chục nghìn và đã có khu Little Saigon quanh các đường Stockton và 65th St. Cạnh thủ phủ có Elk Grove là thành phố cũng có đông người Việt sinh sống.
Hôm đưa em đi chơi Sacramento, chúng tôi thăm phố cổ, toà nhà hành chánh và đài tưởng niệm chiến binh Hoa Kỳ hy sinh tại Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, Vũ Mạnh Hải, thứ hai và ba từ trái, cùng ba bạn sinh viên Berkeley, bên phải, mùa đông 1980 (ảnh Bùi Văn Phú)Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, Vũ Mạnh Hải, thứ hai và ba từ trái, cùng ba bạn sinh viên Berkeley, bên phải, mùa đông 1980 (ảnh Bùi Văn Phú)
Đến đài tưởng niệm chúng tôi gặp một người Việt đi chung với anh bạn Mỹ đang chỉ vào bản đồ và nói anh là người đến từ Rạch Giá. Bản đồ này bằng đồng, trên lối dẫn vào đài, có ghi khắc tên các tỉnh thành và địa danh của Việt Nam Cộng hoà.
Tôi đứng nhìn quê hương cũ, nghĩ về những nơi mình đã đi qua. Ngày còn ở quê nhà chẳng được đi đâu xa, ngoài Vũng Tàu, Biên Hoà, Mỹ Tho. Những lần từ Mỹ trở về có dịp đi thăm nhiều nơi hơn: Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang, Quảng Trị, Phan Thiết. Còn những nơi khác như Hà Nội, Nam Định, Quảng Ninh, Hạ Long không có tên vì bản đồ dừng lại ở vĩ tuyến thứ 17.
Ngày nay tại thủ phủ của nhiều tiểu bang trên nước Mỹ có đài tưởng niệm chiến binh Hoa Kỳ đã hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam. Như tôi đã thấy ở đây, ở Oregon, Idaho. Trong gần 60 nghìn binh lính Mỹ hi sinh trong cuộc chiến Việt Nam, khoảng 6 nghìn là cư dân California.
Đi bộ một quãng trong công viên là đến toà nhà hành chính tiểu bang, có kiến trúc hình vòm mầu trắng như nhiều thủ phủ khác ở Mỹ. Bên trong có nhiều học trò các cấp được thày cô dẫn đi tham quan. Trước cửa văn phòng thống đốc là một con gấu to bằng đồng, biểu tượng của California. Chung quanh hành lang có những ô kính với hình ảnh giới thiệu nét đặc thù của từng quận hạt. Các phòng họp Quốc hội đều mở cửa cho công chúng vào.
Khu vực tuyên dương đóng góp của cộng đồng người gốc châu Á - Thái Bình Dương có một người Việt là Charles Phan, chủ nhân và đầu bếp nổi tiếng của mấy nhà hàng Slanted Door ở San Francisco, nơi Tổng thống Bill Clinton từng ghé thưởng thức món ăn Việt.
Cộng đồng người Việt ở California từ con số vài chục nghìn vào năm 1975 nay đã lên đến hơn nửa triệu. Hiện có khoảng 30 dân cử gốc Việt các cấp tại California. Hạ viện của tiểu bang trước đây có Dân biểu Trần Thái Văn phục vụ sáu năm, trong ba nhiệm kỳ. Nay có Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn mới đắc cử năm ngoái.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Bùi Văn Phú

Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California.

No comments:

Post a Comment