Monday, August 3, 2015

Hà Nội ngày nay

Hà Nội ngày nay

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-08-03
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Một số ý kiến cho rằng cây trồng thay thế trên phố Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ?
Một số ý kiến cho rằng cây trồng thay thế trên phố Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ?
 Vietbao.vn
Hà Nội mùa sang thu, những hàng cây soi bóng mặt hồ, những con đường rợp bóng cổ thụ, thi thoảng trút lá theo con gió mùa… Một Hà Nội mềm mại và huyền nhiệm khí trời đầu thu. Thế nhưng đó chỉ là câu chuyện của ngày hôm qua, của những ai còn nặng lòng với Hà Nội cũ. Một Hà Nội mới với diện mạo lạ lẫm đang phủ dần lên Hà Nội xưa. Hà Nội của phở mắng cháo chửi, Hà Nội của những công viên cây xanh lổ chổ vết thương tâm hồn của dân oan, Hà Nội của hàng ngàn cây xanh chảy máu…
Hà Nội trở nên vô hồn…
Với người Hà Nội, cây xanh và bờ hồ là chất liệu không thể thiếu để làm nên gương mặt Hà Nội. Người ta ví cây xanh như mái tóc huyền hoặc và bờ hồ như đôi mắt sâu thẳm của người đẹp Hà Nội. Đáng tiếc là bờ hồ đang hẹp dần và cây xanh cũng bắt đầu bị kẻ xấu nhòm ngó, thành phố trở nên xa lạ trong mắt những người yêu thành phố ngàn năm này.
Ông Luật, một cư dân lâu năm ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ:“Các phố thì người ta bảo trồng cây gì đó, hình như là mỡ. Nhưng trồng thì trồng, làm sao bằng hồi xưa được, toàn cây cổ thụ, cây cổ thụ phải đẹp hơn chứ. Báo chí cứ nâng quan điểm lên chứ, nào là đẹp, đường xá thông thoáng…”
Theo ông Luật, Hà Nội đối với ông là một cái nôi, trong đó gồm cả nôi văn hóa, kinh tế và chính trị suốt cả hàng ngàn năm nay. Mỗi dấu tích trên thành phố Hà Nội đều mang bóng dáng lịch sử và văn hóa. Những bờ hồ, những con đường, những ngôi chùa, những bộ trang phục và nếp ứng xử thanh lịch đều cho thấy một Hà Nội ngàn năm.
Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Hà Nội trở nên bừa bộn, nham nhở và trông chẳng còn là một Hà Nội. Sở dĩ phải nói đến mức độ như vậy bởi quá trình qui hoạch đô thị đã đi từ lỗi này sang lỗi khác, xe cộ tấp nập nhưng đường sá lại không đáp ứng được với lưu lượng xe hiện có. Thay vì ngành giao thông sẽ điều tiết, mở rộng các luồng giao thông ra vùng ven để giữ một Hà Nội xưa yên tĩnh và cổ độ, người ta lại nghĩ đến chuyện mở rộng đường phố Hà Nội.
Theo ông Luật, không có sai lầm nào giống sai lầm nào và đương nhiên quyết định mở rộng những con đường trong lòng phố cổ để theo kịp với nhịp sống hiện đại là một sai lầm quá cơ bản. Điều này thể hiện tầm nhìn ngắn ngũi của nhiều nhà hoạch định chính sách trong bộ máy nhà nước. Và hàng ngàn ngôi nhà trong khu phố cổ cũng như cây xanh trên đường phố Hà Nội rơi vào tầm ngắm của các nhà hoạch định vô lương tâm này.
Các phố thì người ta bảo trồng cây gì đó, hình như là mỡ. Nhưng trồng thì trồng, làm sao bằng hồi xưa được, toàn cây cổ thụ, cây cổ thụ phải đẹp hơn chứ. Báo chí cứ nâng quan điểm lên chứ, nào là đẹp, đường xá thông thoáng
Ông Luật
Ông Luật nhấn mạnh rằng phải nói đây là những nhà hoạch định vô lương tâm, không có tinh thần cộng đồng. Bởi nếu có tinh thần cộng đồng thì Hà Nội đã không rơi vào bài toán hóc búa như hiện tại. Nghĩa là những nhà hoạch định có hai phương án để lựa chọn: Hoặc là Hà Nội trở nên huyền nhiệm, đẹp và có văn hóa; Hoặc là Hà Nội ra sao cũng mặc kệ nhưng các nhà hoạch định có tiền đầy túi.
Và đương nhiên phương án thứ hai là phương án của những kẻ vô lương tâm. Rất tiếc là các nhà hoạch định, qui hoạch thành phối đã chọn phương án vô lương tâm để xử sự với thành phố ngàn năm tuổi này. Ở lựa chọn thứ hai, vừa cho ra một lượng gỗ lớn để có tiền tư túi, vừa tạo ra được một sự hỗn độn về đền bù, giải tỏa và quĩ đất tiềm năng để bán sau này.
Khi cây xanh bị chặt bỏ, lượng gỗ đi về đâu? Câu hỏi này chưa bao giờ được trả lời minh bạch. Trong khi đó, hàng chục ngàn cây xanh mới trá hình mang vào trồng trong thành phố khiến cho thành phố trở nên xấu xí và nhặng xị. Khi qui hoạch các con đường, lượng tiền đền bù hàng trăm ngàn tỉ, đã chi cho nhân dân được bao nhiều đồng? Câu hỏi này cũng không có câu trả lời. Và khi các quĩ đất vàng trong thành phố được bán, có bao nhiêu người Hà Nội gốc còn trụ nổi nơi này với giá đất cao ngất? Câu hỏi này vô phương cứu chữa.
Và đặc biệt, những bờ hồ trong thành phố, từ Hoàn Kiếm đến Thuyền Quang, Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch… Theo ông Luật là những hồ nước xanh như đôi mắt người đẹp Hà Nội đã bị ô nhiễm nặng, bị người ta xây dựng nhà hàng, quán xá đủ các loại và lấn chiếm lòng hồ quá nhiều nhưng chẳng thấy ai bị động đến, chỉ có hồ là tổn thương nặng nề theo thời gian.
Sông Hồng-Sông Hồng, đoạn chảy qua nội thành Hà Nội...Rác thải, xác động vật chết bị vứt đầy trên mặt sông. Ảnh chụp tại chân cầu Nhật Tân (VOV).
Sông Hồng-Sông Hồng, đoạn chảy qua nội thành Hà Nội...Rác thải, xác động vật chết bị vứt đầy trên mặt sông. Ảnh chụp tại chân cầu Nhật Tân (VOV).
Họ ăn uống rồi thả đồ trên hồ luôn, từ thức ăn, đại tiện, tiểu tiện, nó thả thẳng xuống hồ chứ không xử lý gì hết. Đương nhiên những người kinh doanh đó phải có thế lực chứ không có thế lực thì làm sao mà làm được
Một cư dân Hà Nội
Những mặt hồ thương tật
Một cư dân Hà Nội khác, tên Lủng, ở quận Ba Đình, buồn bã chia sẻ thêm: “Nói về diện tích thì các hồ hẹp hơn hồi xưa nhiều, nước thì ô nhiễm nặng nề. Bây giờ các hồ được kè rồi nên dân không lấn chiếm để xây nhà được nữa, lấn thì lấn hồi xưa rồi. Bây giờ lấn là mấy cái thuyền, nhà hàng nổi trên hồ đó, đó cũng là một hình thức lấn chiếm mặt nước trên hồ để kinh doanh. Họ ăn uống rồi thả đồ trên hồ luôn, từ thức ăn, đại tiện, tiểu tiện, nó thả thẳng xuống hồ chứ không xử lý gì hết. Đương nhiên những người kinh doanh đó phải có thế lực chứ không có thế lực thì làm sao mà làm được.”
Theo chị Lủng, hiện nay, mặc dù các bờ hồ ở Hà Nội như Hồ Tây, hồ Thuyền Quang, hồ Hoàn Kiếm hay hồ Trúc Bạch vẫn còn rất đẹp, thơ mộng đối với du khách. Tuy nhiên đối với một người sống với Hà Nội như chị Lủng, những bờ hồ này đã bị lấn chiếm quá nặng. Và chuyện lấn chiếm bờ hồ nếu nhìn bên ngoài chỉ thấy diện tích hồ bị người ta khai thác không hợp lý. Nhưng nhìn về lâu về dài, mọi nguồn nước thải, rác và những chất hóa học để rửa chén bát đều thải xuống hồ.
Với đà này, chừng vài năm nữa, những bờ hồ thơ mông ở Hà Nội sẽ thành một lối nhỏ nằm vắt qua nơi ao tù, hôi thối.
Đó là những hồ lớn, còn những hồi nhỏ nằm trong thành phố Hà Nội và vùng ven Hà Nội, hầu như không có bờ hồ nào là không bị xâm lấn, xây dựng trái phép. Và hầu hết các công trình xây dựng trên bờ hồ đều nhằm mục đích kinh doanh ăn nhậu, tụ điểm hàng quán.
Chị Lủng đưa ra kết luận là với đà này, vài năm nữa thôi, những ca khúc, tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp Hà Nội cũng như mang dáng dấp, hồn vía Hà Nội ngàn năm sẽ trở nên lạc lỏng, vô nghĩa trong con mắt giới trẻ Hà Nội. Bởi giữa văn chương, âm nhạc và thực tế có khoản cách quá xa.
Hà Nội lại sắp vào mùa thu, những ca khúc về một Hà Nội thơ mộng, huyền nhiệm và lãng mạn lại cất lên đâu đó trong từng góc phố. Nhưng có một Hà Nội khác đang hiện hình, đang phủ bóng lên mùa thu lãng mạn và thơ mộng của Hà Nội.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment