Friday, August 21, 2015

Người trẻ nghĩ gì về Cách mạng tháng Tám?

Người trẻ nghĩ gì về Cách mạng tháng Tám?

  • 20 tháng 8 2015
Nguyễn Bảo Châu (trái) và người dẫn chương trình Hạnh Ly trong Bàn tròn thứ Năm hôm 20/08
Các khách mời trẻ tuổi trong chương trình Bàn tròn thứ Năm của BBC đánh giá cao sự kiện Cách mạng tháng Tám năm 1945, tuy còn có ý kiến đặt ra câu hỏi về ý nghĩa của độc lập.
Nguyễn Bảo Châu, nghiên cứu sinh đại học East Anglia cho rằng ý nghĩa và thành quả quan trọng nhất của cuộc cách mạng là sự kiện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và ngày quốc khánh. (Xem thảo luận trên YouTube:http://bit.ly/1PB4PZe)
Còn Lê Hiền Trang, phụ trách truyền thông và kinh doanh của Union Pay tại các nước thuộc vùng sông Mekong, gọi đây là "truyền thống vĩ đại của Việt Nam".
Cô cũng nhận xét, lịch sử, dù đã trôi qua "nhưng các bạn trẻ cũng nên biết đến nó và nên có lòng tự hào nhất định bởi vì phải rất khó khăn để có được độc lập như ngày hôm nay".
Tuy nhiên đối với Hiền Trang, những sự kiện lịch sử dù sao cũng có phần xa vời và là "những thứ không thể hiểu được", do được sinh ra vào thời bình, cô chỉ được biết qua xem phim ảnh, sách báo.
Không đồng quan điểm trên, Bảo Châu, đồng thời là giảng viên Học viện Ngoại giao cho rằng lịch sử có chiều dài nên 70 năm không 'quá lâu'.
"Vấn đề cốt lõi ở đây, theo tôi, là làm thế nào để tiếp cận lịch sử được mới mẻ và sinh động hơn, thu hút được sự liên hệ và sự quan tâm đối với lớp thanh niên, bởi vì đặc tính của thông tin lịch sử thì đôi khi cứng nhắc, hơi khô khan vì chỉ liên quan đến ngày tháng, con số."
Một bình luận trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt cho rằng đa số thanh niên Việt Nam thờ ơ với lịch sử và có nhiều mối quan tâm khác được ưu tiên hơn, Bảo Châu cho đó là ý kiến 'vơ đũa cả nắm' và người trẻ Việt Nam vẫn có ý thức tìm hiểu về lịch sử dân tộc.

Ý nghĩa độc lập

Nguyễn Bảo Châu nhận xét, thông tin 'nhiều chiều quá' chưa chắc đã tốt
Trong Bàn tròn thứ Năm của BBC với các nhân chứng lịch sử hôm 13/08, (xem tại:http://bit.ly/1TAxdQP), có ý kiến đặt ra câu hỏi về mục tiêu ban đầu của cuộc Cách mạng, sau 70 năm đã đạt được hay chưa, đặc biệt là trong vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và quyền sống cơ bản của con người.
Trả lời câu hỏi này, anh Nguyễn Quang Thạch, nhà hoạt động xã hội và là người thực hiện dự án sách hóa nông thôn cho biết anh 'chưa thỏa mãn' với thực trạng đất nước nếu quy chiếu với các nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan.
"Một đất nước hòa bình rồi nhưng điều kiện tiếp cận tri thức của con trẻ nông thôn vẫn còn đang rất hạn chế.
"Ngày xưa ông Hồ nói là chúng ta phải sánh vai với các cường quốc năm châu, nhưng chúng ta không thể sánh vai nếu trẻ em của chúng ta không được đọc sách như trẻ em của Mỹ, trẻ em Anh, trẻ em của Nhật."
Lê Hiền Trang, chưa đầy 30 tuổi, hiện làm trong lĩnh vực tài chính
"[Hơn nữa], khi khoa học kỹ thuật và hàng hóa bị phụ thuộc thì chúng ta phải xem lại đúng nghĩa về khái niệm độc lập của mình.
"Tôi thấy Cách mạng tháng 8 mang lại độc lập tự do cho đất nước. Nhưng người dân có được hưởng lợi như bản hiến pháp năm 46 hay được hưởng lợi ngang hàng với người Thái, người Nhật, người Singapore, người Hàn Quốc, thì ta còn đang rất xa so với họ.
"Cho nên mỗi chúng ta phải nhìn nhận thực tế, cái được, cái chưa được.
"Độc lập là mỗi công dân được độc lập với cá thể của mình, mỗi công dân được tự do phát ngôn, được tự do viết lách, được tự do bày tỏ chính kiến."
Trong khi đó Nguyễn Bảo Châu nhận định, so sánh Việt Nam với các nước khác là khập khiễng vì xuất phát điểm của nhiều nước rất khác nhau.
"Bản thân tôi, là một người trẻ thì tôi có niềm tự hào là công dân Việt Nam. Tôi có điều kiện học tập, trau dồi, làm những điều có ích cho bản thân, cho xã hội, cho cộng đồng.
"...Như bản thân tôi thấy may mắn là tôi sinh ra trong hòa bình, tôi có điều kiện cống hiến và khẳng định mình, làm những điều có ích."
<span >Tuyên truyền lịch sử
Anh Nguyễn Quang Thạch đặt ra câu hỏi về ý nghĩa của độc lập ở Việt Nam sau 70 năm
Tiếp xúc nhiều với người dân và đặc biệt là trẻ em ở nông thôn, anh Nguyễn Quang Thạch cho biết, với họ, Cách mạng tháng Tám và Điện Biên Phủ là hai sự kiện quan trọng.
"Những người nông dân đặc biệt là ở thế hệ trước đây nghèo khổ thì họ coi Cách mạng tháng Tám là cơ hội đổi đời cho họ, cơ hội cho họ có sinh kế tốt hơn.
"Người ta dựa trên hệ quy chiếu từ đời ông đời cha, đời can, đời cố là khổ và đời họ khá hơn, thì tôi nghĩ Cách mạng tháng Tám trong tâm thức của cộng đồng, của xã hội Việt Nam rất sâu."
Về mức độ quan tâm tới lịch sử của thanh niên Việt Nam, Hiền Trang nói bản thân bạn là người không yêu thích lịch sử, và khi còn học phổ thông, giáo trình lịch sử "rất nặng, phải học thuộc rất nhiều, và bản thân em không đặc biệt hứng thú về bộ môn này".
"Chính vì thế mà ngoài việc phải học ra, hay xem thông tin qua truyền hình, sách báo, rồi trên Facebook cũng có nhiều người hay chia sẻ thông tin về lịch sử, em cũng không đọc bất kỳ những cuốn sách nào khác."
Nguyễn Bảo Châu cho rằng, ngoài việc tìm hiểu sách báo, thanh niên Việt Nam cũng có cơ hội được biết thêm về lịch sử qua những hoạt động kỷ niệm hàng năm, chẳng hạn như những bài hát cách mạng, chương trình truyền hình .v.v.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc liệu cách bổ sung thông tin đó có một chiều, và với khả năng dùng ngoại ngữ của những bạn trẻ ngày nay, vì sao các bạn không tìm hiểu thêm từ những nguồn thông tin khác nữa, Bảo Châu nói:
"Nếu nói các bạn trẻ chưa tự chủ động tìm thông tin cho mình thì là ý kiến chưa thật đầy đủ vì hiện nay thì nó cũng mở rồi, và các bạn có thể tra cứu mạng rồi thông tin đài báo rất nhiều."
"Theo tôi thông tin mà nhiều chiều quá mà dẫn đến sự hoài nghi và sự mất tự tin, không có sự tự tôn của dân tộc thì tôi nghĩ không phải là nguồn thông tin có ích và mang tính xây dựng."
Xem lại chương trình Bàn tròn thứ Năm của BBC với chủ đề Người trẻ nghĩ gì về Cách mạng tháng Tám tại: http://bit.ly/1PB4PZe

Tin liên quan

No comments:

Post a Comment