Monday, August 24, 2015

Thế giới trước ngưỡng cửa đại khủng hoảng

Thế giới trước ngưỡng cửa đại khủng hoảng

mediaDR
Về tình hình toàn cầu, báo L’Express tuần này (19 - 25/08/2015) có bài bình luận đáng chú ý, mang tựa đề « Khủng hoảng : Hồi 2 » của kinh tế gia Jacques Attali. « Thế giới đang tiến gần đến một tai biến kinh tế lớn, nhưng không ai nói đến » là lời báo động của nhà nghiên cứu Pháp. Jacques Attali nhắc lại quan điểm của ông, đã được nêu ra hồi đầu năm, về « nhiều dấu hiệu báo trước một khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới ».
Một cuộc suy thoái toàn cầu bắt nguồn từ tình hình kinh tế giảm tốc tại Trung Quốc. Thảm họa Thiên Tân quy mô lớn mới đây, làm tê liệt thành phố 15 triệu dân, trung tâm xuất nhập cảng hàng đầu quốc gia, làm trầm trọng thêm tình hình tại quốc gia, vốn nằm dưới sự cai trị của một đảng duy nhất. Các cường quốc kinh tế như Hoa Kỳ hay Nhật Bản, trong thời gian trỗi dậy đã thành công tạo dựng được nhiều doanh nghiệp quy mô quốc tế, với các nhãn mác được cả thế giới biết đến, về điểm này Trung Quốc đã thất bại.
« Không gì nguy hiểm hơn là sự lụi tàn của giai tầng trung lưu, xương sống của mọi xã hội », theo kinh tế gia Pháp, việc chứng khoán Trung Quốc mất 30 % giá trị, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 200 triệu thành viên tầng lớp trung lưu, đã bỏ vào đó đến một nửa số tiền tiết kiệm của mình, sẽ để lại những hệ quả nguy hiểm. Bên cạnh đó, nếu tăng trưởng chững lại, làn sóng di dân ra thành phố cũng ngưng, nhu cầu nhà ở sẽ giảm sút, đe dọa lĩnh vực địa ốc : hệ quả là « một nửa số tiền tiết kiệm còn lại của tầng lớp trung lưu cũng bị mất nốt ».
Việc Bắc Kinh thay đổi tỷ giá hối đoái cũng không đủ vực dậy xu thế này, ngược lại, có thể đặt Trung Quốc trước tình trạng phụ thuộc vào giới đầu cơ quốc tế, và kích động một cuộc chạy đua thay đổi tỷ giá toàn cầu. Theo Jacques Attali, để hóa giải tình trạng này, trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 và G7 tháng 9 tới tại Istanbul, lãnh đạo các nước Phương Tây phải thảo luận về một kế hoạch thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay là rất khó, vì các cường quốc kinh tế không còn có được, như năm 2008, các dự trữ tài chính dồi dào, và không giống như 2010, các ngân hàng trung ương không còn có khả năng hạ lãi suất.
Kinh tế gia Pháp chỉ trích giải pháp in thêm tiền để thúc đẩy tăng trưởng, như đã được làm tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh và khu vực đồng euro, một giải pháp mà ông cảnh báo sẽ chỉ làm kiệt quệ những người cao tuổi có tiền gửi tiết kiệm, mà không mang việc làm mới và viễn cảnh tăng trưởng cho lớp trẻ. Theo ông, để thoát khỏi kịch bản đen tối này, cần phải « thiết lập các cơ chế phối hợp, tái định hướng và kiểm soát tầm cỡ toàn cầu ; xem xét vấn đề kinh tế theo lợi ích của các thế hệ tương lai ; chống lại các độc quyền về kinh tế, tài chính, xã hội và chính trị ; và khuyến khích cách tân trong mọi lĩnh vực ». Điều này cần đến « sự táo bạo, niềm tin tưởng và sự minh bạch, mà đây là những điều mà các chính trị gia, của bất kể chế độ nào, cũng hết sức căm ghét », nhà kinh tế kết luận.
Trung Quốc : Làm thế nào để hạ cánh nhẹ nhàng ?
Tuần báo L’Express, trong bài « Trung Quốc : Làm thế nào để hạ cánh nhẹ nhàng », chú ý đến sự kiện lãnh đạo 50 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc phải dành một tháng để theo học một « khóa đào tạo », để hành động đúng với chủ trương mới của đảng Cộng sản, nhất là về chống tham nhũng (Duy nhất một người được phép vắng mặt trong khóa đào tạo đặc biệt là Jack Ma, người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba nổi tiếng. Lý do không cần học là do ông chính là một thành viên của chế độ, theo một nguồn tin).
Theo bình luận gia của L’Express, mục tiêu duy nhất của Tập Cận Bình kể từ khi cầm quyền là kiểm soát đảng Cộng sản và xã hội dân sự, để chuẩn bị cho một cuộc hạ cánh được báo trước, với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sụt giảm chỉ còn phân nửa. Chế độ hiện nay tại Trung Quốc đề cao nguyên tắc, « không ai đứng trên Hiến pháp, luật pháp và kỷ luật đảng », nhưng trên thực tế ông Tập Cận Bình, tiếp nối truyền thống Mao-ít, đang độc quyền lãnh đạo xã hội, nhân danh chống tham nhũng, gia tăng bắt bớ giới hoạt động nhân quyền.
L’Express cho rằng, nếu Trung Quốc hạ cánh từ từ, các doanh nghiệp Trung Quốc, nợ nần đầm đìa, vẫn sống được, thì các nước khác cũng mới có cơ hội thích ứng từ từ.
Hy Lạp : Tsipras đi tìm đa số mới
Về bước ngoặt chính trị tại Athens, Le Monde có tựa lớn trên trang nhất : « Hy Lạp : Tsipras tìm kiếm một đa số mới ». Lãnh đạo đảng Syriza có rất nhiều khả năng dành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước kỳ hạn, theo nhận định của nhà chính trị học Michalis Spourdalakis (đại học Athens) : « Dân chúng Hy Lạp không muốn một giai tầng chính trị cũ, đã trở nên tham nhũng. Đối lập không phải là giải pháp thay thế ». Vẫn theo chuyên gia Hy Lạp, sự ly khai của bộ phận thiên tả trong đảng cánh tả Syriza không phải là một đe dọa thực sự đối với Thủ tướng vừa từ chức, bởi họ chỉ được từ 3% đến 4% cử tri ủng hộ. 
Le Monde (bài « Liệu ‘‘bộ ba’’ có nhường chỗ cho ‘‘bộ năm’’ ? ») chú ý đến bức thư của Thủ tướng Hy Lạp gửi tới Chủ tịch Nghị viện Châu Âu ngày 19/08, yêu cầu Nghị viện « can dự đầy đủ và trực tiếp » vào việc giám sát thực thi chương trình trợ giúp Hy Lạp lần thứ ba, cùng với bộ ba chủ nợ (bao gồm Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng trung ương Châu Âu và Ủy ban Châu Âu), mà thực chất hiện nay là « bộ tứ » (với vai trò của Cơ chế bình ổn Châu Âu MES, định chế cấp phần lớn tín dụng cho Athens). Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schultz – thuộc đảng xã hội dân chủ Đức - ủng hộ hướng này. Hồi tháng 3/2014, Nghị viện Châu Âu từng thông qua hai báo cáo, chỉ trích sự thiếu minh bạch, và yêu cầu gia tăng kiểm soát các quyết định của « bộ ba » quyền lực này.
Hy Lạp cũng là chủ đề chiếm trọn nhiều trang đầu của báo thiên tả Libération. « Hy Lạp : hoặc chọn Tspiras, hoặc đi tiêu » là tựa đề hồ sơ chính. Đặc phái viên Libération tại Hy Lạp dẫn lại ghi nhận của nhà phân tích chính trị Georges Seferzis, Thủ tướng Tspiras vẫn rất được lòng dân, và « nếu trong ít tháng nữa, kinh tế Châu Âu cải thiện, và đòi hỏi khắc khổ được giảm nhẹ, thì đây sẽ là thắng lợi của ông Tspiras ». Tuy nhiên, Libération cũng cho thấy một cái nhìn khác từ Bruxelles, Thủ tướng Hy Lạp được đánh giá như là « một chiến lược gia nhẹ dạ ». Libération thuật lại những sai lầm của Thủ tướng Hy Lạp trong các đàm phán với các định chế chủ nợ, tiêu biểu qua chi tiết ông chấp nhận một cách rất dễ dãi đòi hỏi nâng mức thuế TVA ở các đảo, theo yêu cầu của đối tác, nhưng ngay sau đó đã phủ nhận quan điểm này, sau khi được người cố vấn thân cận nhất can ngăn.
Bài xã luận Libération với tựa đề « Phần của ước mơ », thì ghi nhận « một bài học cho hai lực lượng của cánh tả », « cánh tả cấp tiến » và « cánh tả cải cách », qua trải nghiệm Hy Lạp vừa qua. « Tsipras đã thực hiện trong hai ngày con đường tái khởi động chính sách khắc khổ, điều mà Mitterand, vào thời của ông, đã phải thương lượng trong hai năm. Với sự xoay ngoắt quan điểm 180° này, cánh tả cấp tiến phải hiểu rằng không thể phục vụ dân chúng, nếu không biết đến các tương quan sức mạnh ở Châu Âu, và coi thường các thực tế tài chính. Rao bán ảo tưởng bao nhiêu, sẽ bị thực tế trả thù bấy nhiều. Nhưng cánh tả cải cách cũng nhận được một bài học cay đắng : chủ thuyết chính trị thực dụng, nhưng chân thành của lãnh đạo đảng Syriza đã được tiến hành hoàn toàn trong minh bạch, được công nhận là hợp pháp bởi sự chấp thuận của cử tri, cho đến nay. Bằng cách dành phần cho ước mơ, thừa nhận các sai lầm cá nhân, và trên hết là duy trì bằng mọi cách niềm hy vọng mong manh, Tsipras đã tránh được lối mòn của một lối điều hành đất nước vô trách nhiệm, từng khiến bao nhiêu chính phủ theo lập trường trung tả sụp đổ ».
Một Putin của Hoa Kỳ ?
Nước Mỹ trong giai đoạn tranh cử đầy biến động, một năm trước cuộc bầu cử Tổng thống, là chủ đề chính của Le Figaro. « Donald Trump làm xáo trộn cuộc chạy đua vào Nhà trắng » là hàng tựa của tờ báo thiên hữu. Le Figaro nêu bật năm lý do dẫn đến ưu thế của ứng cử viên Trump : « con người nằm ngoài hệ thống », « người nói lên sự thật », « thành công trong hành động », « vượt qua ranh giới các đảng phái », và « người có khả năng mang lại sự hùng mạnh cho nước Mỹ ».
Nhà tỷ phú, ứng cử viên đảng Cộng hòa, theo một số thăm dò dư luận, sánh ngang, thậm chí vượt lên cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. « Cú đột phá gây hoang mang trong chính giới Mỹ », theo ghi nhận của Le Figaro.
Le Figaro chú ý đến nhận định của nhà báo David Ignatius so sánh Donald Trump với Putin, « một kẻ tôn thờ cá nhân », khẳng định là người hơn ai hết có thể khiến đất nước mình trở nên vĩ đại. Cũng như Putin, Donald Trump thường nói : « (Đất nước) chúng ta không còn vinh quang nữa ». Tuy nhiên, theo nhà báo Washington Post, « chủ nghĩa sùng bái kiểu Putin này sẽ không kéo dài, bởi nước Mỹ không phải là nước Nga, và cũng vì tính cách độc đoán của Trump, chỉ làm hài lòng một thiểu số cứng rắn » và mùa hè năm nay chỉ là một ngoại lệ.
Vẫn theo Le Figaro, quan điểm nói trên bị một nhà báo cánh tả Matt Taibbi phản đối, khi khẳng định chiến dịch tranh cử « trống rỗng », nhưng rất hiệu quả của Trump, khiến các đối thủ trong chính giới truyền thống bị biến thành « những người cổ đại Neandertal ». Tuy nhiên, về vấn đề này, bài xã luận Le Figaro, với tựa đề « Nước Mỹ của những điều có thể », đưa ra cảnh báo khi nhắc lại bài học lịch sử : của những ứng viên « ngoài hệ thống » từ Ross Perot năm 1992 đến Sarah Palin năm 2008, tất cả đều « thường có được những khoảng khắc vinh quang », giống như cơn sốt Trump trong mùa hè này.
« Hiến chương » cho một nền dân chủ mới
Tuần báo Le Nouvel Observateur có cuộc phỏng vấn nhà chính trị học Pháp Pierre Rosanvallon, với tựa đề « (Xã hội) chúng ta không được điều hành một cách dân chủ ». Trong các xã hội vốn được mệnh danh là « dân chủ » hiện nay, tác giả phê phán điều mà ông gọi là « sự đứt đoạn » giữa « khoảng khắc bầu cử » và « thời gian cầm quyền », sự khác biệt đang ngày càng trở nên xa hơn, với việc quyền lực ngày càng nằm ngoài tầm kiểm soát của các công dân.
Pierre Rosanvallon đề xuất nhiều ý tưởng để thảo luận, đặc biệt là việc « thúc đẩy khẩn cấp các phong trào tranh đấu để gia tăng tính minh bạch và khả năng kiểm soát của công dân » (mà ở Hoa kỳ gọi là "good government organizations"). Theo ông, một "cuộc cách mạng dân chủ thứ hai" (sau cuộc cách mạng dân chủ thứ nhất, với kết quả là chế độ phổ thông đầu phiếu và quyền lực đại diện dân cử hiện nay) phải được tiến hành rất cần đến một Hiến chương hành động dân chủ, có vị trí tương tự với « Tuyên ngôn nhân quyền và quyền công dân » của Đại Cách mạng Pháp, cách nay hơn hai thế kỷ.
Pháp : Sự cáo chung của các đảng phái chính trị ?
Vẫn về chính trị Pháp, nhật báo La Croix có chùm bài gồm một phóng sự vào nhiều phóng vấn, được tập hợp dưới tựa đề trang nhất : « Làm thế nào để sáng tạo lại truyền thống tranh đấu chính trị (tại Pháp) ? ». Nhật báo Công giáo ghi nhận xu hướng tham gia sụt giảm mạnh ở các đảng phái chính trị lớn của Pháp. Ba năm kể từ khi cầm quyền, số lượng đảng viên đảng Xã hội Pháp chỉ còn hai phần ba so với trước. Chỉ còn 65.000 đảng viên bỏ phiếu trong hội nghị mùa hè vừa qua, so với 120.000 người nộp lệ phí năm 2014, con số thấp nhất trong lịch sử đảng này kể từ 2014. Tình hình của đảng đối lập Những người cộng hòa, hóa thân mới của đảng UMP, cũng không khá hơn. Một phóng viên từng quan sát hoạt động của đảng này trong nhiều tháng nhận xét, trong nội bộ đảng có rất ít thảo luận.
Các đảng phái có xu hướng "chuyên nghiệp hóa", "mất đi nhiều liên hệ với xã hội". Với cuộc điều tra này, La Croix dự đoán « sự cáo chung của các đảng phái chính trị ». La Croix nêu ra một mô hình tranh đấu chính trị mới, với ví dụ một mạng lưới các nhà môi trường, tuy không đăng ký sinh hoạt trong đảng Xanh, nhưng tham gia trong từng hoạt động vì sinh thái, do đảng Xanh (tức đảng Écologie Les Verts) tổ chức.
Báo Le Monde chú ý đến ứng cử viên đảng đối lập Những người Cộng hòa (bài « Alain Juppé, chiến lược của vận động viên việt dã »). Ngay từ bây giờ, ông Juppé đã chuẩn bị cho cuộc tranh cử Tổng thống 2017, cứ như ông đã chiến thắng cuộc tranh cử sơ bộ trong đảng. Không đưa ra các phát biểu gây sốc, ứng viên Juppé lặng lẽ nhắm vào các vấn đề gốc rễ, đặc biệt là giáo dục phổ thông, với việc ra mắt "Mes chemins pour l'école", cuốn sách dựa trên ý kiến của hàng trăm nhân chứng và chuyên gia, để ngỏ cho các tranh luận.
Trang nhất các báo
Hy Lạp đứng trước khả năng bầu cử trước hạn, sau khi Thủ tướng Tsipras từ chức, và sự ủng hộ bất ngờ của cử tri Mỹ dành cho ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump là hai chủ đề thời sự lớn của báo Pháp cuối tuần.
Nhưng trước hết là tin về vụ tấn công nhắm vào hành khách trên chuyến tàu tốc hành Amsterdam-Paris chiều tối qua. Theo Le Figaro, trong khi Thủ tướng Bỉ khẳng định trên Twitter đây là một « hành động khủng bố », thì Bộ Nội vụ Pháp kêu gọi « hết sức thận trọng » khi đánh giá về các động cơ của thủ phạm, với lời lên án « hành động bạo lực man rợ của một hành khách ». Libération cho biết kẻ nổ súng đã nằm trong danh sách theo dõi của cơ quan an ninh nội địa Pháp DGSI. 

Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment