"Trung Quốc đưa chiến đấu cơ, tên lửa ra Biển Đông không còn xa"
Đô đốc Hải quân Mỹ nhận định những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông sẽ biến thành các tiền đồn quân sự cũng như điều động chiến đấu cơ, tên lửa để bá chủ khu vực này.
Tại Hội thảo An ninh Aspen hồi tuần trước, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẽ sử dụng các hòn đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông để phục vụ mục đích quân sự.
Ông Harris mô tả những hòn đảo mới được Bắc Kinh xây dựng là "các tiền đồn tiềm năng" đối với quân đội Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc từng tuyên bố các tiền đồn này sẽ phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự như tìm kiếm, cứu hộ trên biển, ngăn chặn thảm họa và đặt trạm khí tượng.
Sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ đe dọa tới hoạt động của quân đội Mỹ trong khu vực. (Ảnh minh họa) |
Vậy quy mô quân sự và mức độ nguy hiểm mà Trung Quốc triển khai tại các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông sẽnhư thế nào?
Theo tạp chí National Interest, đầu tiên, các tiền đồn mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chắc chắn sẽ được trang bị radar và thiết bị nghe trộm điện tử, để tăng cường khả năng tình báo, trinh thám và giám sát trên biển.
Trong khi đó, đường băng dài hơn 3 m trên bãi Đá Chữ Thập được Trung Quốc xây dựng trái phép, sẽ phục vụ hoạt động cất cánh và hạ cánh của mọi loại máy bay bao gồm máy bay chiến đấu chiến thuật. Như lời Đô đốc Harris nói: "Đường băng dài hơn 3 m này đủ rộng để chứa máy bay ném bom B-52 cũng như tàu vũ trụ và Boeing 747".
Ngoài ra, Bắc Kinh còn có thể triển khai các máy bay tuần tra, máy bay cảnh báo sớm trên không, máy bay giám sát, máy bay không người lái, máy bay vận tải, máy bay tiếp nhiên liệu và chiến đấu cơ. Phụ thuộc vào hệ thống và quy mô triển khai tại mỗi tiền đồn, Trung Quốc có thể kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông với tần suất 24/7.
Trong tương lai, sức mạnh quân sự vượt trội của Trung Quốc còn áp đảo các quốc gia láng giềng và tạo ra mối thách thức lớn đối với hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực. Không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ đơn phương tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không trên toàn bộ khu vực Biển Đông hoặc trong phạm vi mà tấm bản đồ phi lý "đường chín đoạn" đã vạch ra. Để hiện thực hóa âm mưu này, Trung Quốc sẽ cần xây dựng thêm một số sân bay tại nhiều vị trí trên Biển Đông.
Điển hình, Trung Quốc đã cho mở rộng đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ 2,2 m thành hơn 3 m. Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho xây một đường băng khác tại bãi Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 11/2013, Trung Quốc đã đơn phương thiết lập vùng phòng không trên biển Hoa Đông bao trùm không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Theo Đô đốc Harris, một tướng cấp cao Trung Quốc từng nói nhỏ với ông rằng quân đội Trung Quốc từ lâu đã có kế hoạch thiết lập vùng phòng không trên toàn bộ vùng biển gần nước này bao gồm biển Hoa Đông, Hoàng Hải và Biển Đông.
Riêng tại Biển Đông, Trung Quốc sẽ sử dụng các tiền đồn trên quần đảo Trường Sa để mở rộng năng lực "chống tiếp cận/chống thâm nhập" về phía nam và phía đông vùng biển của Philippines và biển Sulu. Hệ thống đường băng sẽ giúp phi đội máy bay ở các căn cứ đất liền và đảo Hải Nam của lục quân, hải quân và không quân Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn Biển Đông.
Ngay cả năng lực giám sát và phản ứng nhanh trước hành động quân sự của Mỹ trong khu vực, cũng sẽ gia tăng đáng kể. Theo đó, máy bay Trung Quốc sẽ đảm nhận nhiệm vụ đánh chặn Mỹ và các máy bay nước ngoài tránh xa bờ biển của nước này. Thậm chí, thời gian để máy bay và tàu thuyền Trung Quốc tiếp cận eo biển Malacca, cũng sẽ giảm đáng kể.
Theo Đô đốc Harris, Trung Quốc chưa đưa tên lửa hành trình chống hạm hay các thiết bị hỗ trợ tới các hòn đảo nhân tạo nhưng trong tương lai gần, Bắc Kinh sẽ cho điều động tên lửa đất đối không tới đây. Ngoài ra, khu vực cầu cảng ở bãi Đá Chữ Thập có mực nước sâu thích hợp làm nơi neo đậu cho đội tàu ngầm Trung Quốc hơn cả căn cứ ở đảo Hải Nam hiện thời.
Nếu không may xung đột bùng phát, các hòn đảo nhân tạo cùng lực lượng tàu thuyền và máy bay của Trung Quốc triển khai tại khu vực này, có nguy cơ chịu tổn thất cao. Song trong thời bình và trong giai đoạn khủng hoảng, chúng lại giúp Trung Quốc kiểm soát một cách hiệu quả hoạt động của quân đội Mỹ. Đây là lý do Washington nỗ lực thắt chặt quan hệ với ngành quốc phòng Đài Loan. Bởi một nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ di chuyển từ khu vực Ấn Độ Dương muốn tới Đài Loan, phải đi qua Biển Đông.
Tuy nhiên, Bắc Kinh còn dễ dàng đánh bật lực lượng bảo vệ chủ quyền của các quốc gia láng giềng tại những tiền đồn mà Bắc Kinh xâm chiếm trái phép. Trong đó, lực lượng trực thăng, máy bay đổ bộ tấn công và khẩu đội pháo di động của Trung Quốc đảm nhận tổ chức đánh chiếm các hòn đảo xung quanh vốn thuộc chủ quyền của các nước láng giềng.
Thậm chí, Bắc Kinh còn gây áp lực buộc các nước láng giềng có chủ quyền tại khu vực mà Trung Quốc xây tiền đồn, từ bỏ vị trí. Cụ thể, Trung Quốc có thể ngăn hoạt động cung ứng cho lực lượng đóng quân tại các hòn đảo nằm cô lập như bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng đã bị Philippines chiếm đóng trái phép. Theo đó, đầu năm 2014, các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã 2 lần ngăn tàu dân sự Philippines tiếp tế cho những binh lính đóng quân trên bãi Cỏ Mây.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.
No comments:
Post a Comment