Friday, August 21, 2015

Vì sao chúng ta bị đối xử tệ?

Vì sao chúng ta bị đối xử tệ?

Viết Từ Sài Gòn
2015-08-18
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Trong một lần cà phê và trò chuyện ở Sài Gòn, nhà thơ Khúc Duy có kể cho tôi nghe một câu chuyện mà anh đọc được: Có một anh chàng vốn rất lương thiện, chỉ biết lo làm ăn và tìm cách hoàn thiện bản thân với cái nhìn cuộc đời rất xanh và lạc quan. Đùng một cái, anh ta bị vu khống, rồi bị ghép án oan, bị kết tội mười năm tù. Anh bắt đầu ngày tháng hoang mang và bi kịch của mình. Anh bắt đầu nguyền rủa cuốc sống trong những ngày ngồi tù.
Và rồi đùng một cái, mới ba năm, anh được thả ra, được minh oan, được đền bù danh dự và thiệt hại với một số tiền tương đối lớn. Anh bắt đầu thực hiện việc trả thù cuộc đời, anh đặt câu hỏi: “Kẻ nào đã đẩy ta vào tù?”. Và anh bỏ suốt quãng đời còn lại, gần bốn mươi năm cùng với số tiền có được nhờ đền bù danh dự để tìm kẻ đã hại anh. Nhưng anh vẫn không tìm ra được kẻ thù.
Đến ngày cuối cùng trong cuộc đời của anh, trên giường bệnh, anh gọi một người hàng xóm thân quen lại để thủ thỉ, anh nói rằng: “Tiếc quá, tôi đặt sai câu hỏi rồi! Giá như lúc đó tôi đặt câu hỏi ‘vì sao tôi được ra tù?’ thì tôi chỉ mất có ba năm trong tù, đằng này tôi đặt câu hỏi ‘vì sao tôi bị vào tù?’ nên suốt cuộc đời còn lại của tôi chưa bao giờ hết ngục tù. Tiếc thật!”.
Câu chuyện ngụ ý rằng cuộc đời này sẽ ra sao và sẽ đi đến đâu là do cách anh đặt câu hỏi về nó, với nó. Nếu anh đặt một câu hỏi thông minh, tử tế thì phần trả lời thông minh, tử tế phía sau sẽ là phần cuộc đời và số phận của anh. Cuộc đời tốt hay xấu tuy thuộc vào cách anh đặt câu hỏi và giải quyết với nó.
Không hiểu vì sao mấy ngày nay, sau khi đọc bản tin về việc cảnh sát Singapore đối xử tệ với những phụ nữ Việt Nam trong vấn đề nhập cảnh vào nước họ, rồi liên tưởng đến những tấm bảng ghi bằng tiếng Việt đại ý người Việt Nam phải ăn hết món mình đã gắp trong tiệc buffet và không được trộm cắp, xả rác bừa bãi… Chung qui là người viết nội dung này không mấy thiện cảm nếu không muốn nói là e dè, tránh trớ người Việt như một thứ dịch hủi nào đó. Phải công tâm để nhìn thẳng vào vấn đề mà nói như vậy!
Tự dưng, tôi lại nhớ đến câu chuyện kể trong một buổi cà phê của nhà thơ Khúc Duy, cách đây chừng 15 năm thì phải! Câu chuyện này mặc dù không liên quan gì mấy đến chuyện người Việt bị đối xử tệ ở nước ngoài nhưng nó khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều về cách đặt câu hỏi về số phận riêng chung cũng như định vị danh phận người Việt chúng ta trước thế giới bao la rộng lớn này. Phải chăng chúng ta đã đặt sai câu hỏi về thế giới và chúng ta đã giải quyết sai câu hỏi về lịch sử cũng như thân phận dân tộc để đi đến cái kết của ngày hôm nay?
Rất có thể điều đó đã xảy ra, chúng ta đã đặt câu hỏi và giải quyết câu hỏi bị sai. Dân tộc chúng ta có bề dày lịch sử chiến tranh cũng giống như nước Nhật, nhưng người Nhật, chính phủ Nhật đã biết đặt câu hỏi về tương lai của họ và biết nhìn nhận sự thất bại, sự nghèo nàn của quốc gia để cho con cháu của họ trả lời câu hỏi này bằng hiện tại quật cường. Và Hàn Quốc, Singapore hay nhiều nước khác cũng vậy, họ biết cách đặt câu hỏi và giải quyết câu hỏi trong tiến trình vận động của thế giới.
Họ không như chúng ta, tự ma mị mình bằng “rừng vàng biển bạc, tài nguyên phong phú”, bằng “người Việt Nam anh hùng, thông minh và giỏi giang” và bằng nhiều mỹ từ khác để nói về người Việt. Kết cục của sự ma mị này chính là chúng ta tự đánh lừa mình, đánh lừa tương lai của cả một dân tộc, quốc gia. Thay vì chúng ta nhìn vào sự lạc hậu của mình, hỏi vì sao chúng ta lạc hậu để mà nỗ lực học hỏi các nước tiến bộ, chúng ta lại xem mình là người thông minh, là “đỉnh cao trí tuệ”. Và kết cục của nó là một thứ đỉnh cao của tội ác và lòng dối trá.
Thay vì chúng ta thấy mình nghèo, được “điểm nhãn” cho cái nghèo hiện hình để mà xua nó bay đi bằng kiếm pháp dân chủ, tiến bộ, chúng ta lại khư khư ôm thứ lý luận mù mờ và tự dối lừa mình để dẫn đến hệ quả là nhiều thế hệ giỏi trộm cắp, toa rập nhưng rất dở làm kinh tế. Bằng chứng của việc này là nếu như không dựa vào thế lực đảng, không tàn phá tài nguyên, môi trường và không tùng xẻo quĩ đất để thổi phòng cái bong bóng bất động sản, liệu Việt Nam có được mấy tay nhà giàu và có được mấy kẻ nổi tiếng giàu có, “đại gia” như hiện tại?
Và tư duy lười biếng, hưởng thụ, trộm cắp, mánh khóe vặt, toa rập, đội trên đạp dưới đã đẩy chúng ta đến chỗ không sản xuất được một con ốc cho nên hình nhưng có những ông chủ có thể chơi ngông bằng cách đổi cả một khoản tiền tương đương với tài sản lớn của một người dân nước giàu có chỉ để đổi một con ốc. Cách chơi ngông này chỉ cho thấy chúng ta đã mất hết khả năng hoạch toán kinh tế và lương tri chúng ta cũng đã bị hỏng đến độ phung phí mồ hôi, xương máu và nỗi khổ của người khác một cách vô tư. Bởi chúng ta chưa bao giờ đủ sâu sắc để nhìn thấy mồ hôi và nước mắt của người khác dính trên đồng tiền mình đang cầm trên tay. Cũng như chúng ta chưa bao giờ đủ tự trọng để nhận ra là sự giàu có của chúng ta có nguồn gốc ăn cắp thiên nhiên, ăn cắp của nhân dân và ăn cắp của tổ tiên.
Chúng ta quen với việc ăn cắp giống như người thiểu số quen với đường rừng và ngư dân quen với tôm cá. Chính vì vậy, chúng ta tự đẩy căn tính dân tộc đến chỗ ăn cắp và lười biếng, cầu toàn và hèn nhát. Bởi khi sự ăn cắp thành bản chất, chúng ta rất dễ dàng ăn cắp bất cứ nơi đâu và ăn cắp bất cứ thứ gì bắt mắt… Cho đến lúc bị bắt, chúng ta vẫn cứ kêu trời vì nghĩ mình oan, mình không biết nên mới ăn cắp! Và sau khi chúng ta bị vạch tội ăn cắp, thay vì ăn năn, hối cãi, phản tỉnh, chúng ta vẫn xem như không có gì xảy ra và tiếp tục đứng lên đảm nhận những công việc mẫu mực, chúng ta tự xem mình là gương mẫu!
Mãi cho đến khi thế giới nhìn chúng ta như một thứ man di mọi rợ. Chúng ta lại trách tại sao thế giới chúng quanh đối đãi tệ với người Việt? Trong khi đó, câu hỏi xác đáng cần đặt ra là: Chúng ta đã sống như thế nào mà thế giới phải e dè, kinh hãi và coi thường chúng ta đến vậy?
Câu chuyện những phụ nữ Việt Nam, những cô gái Việt Nam sang Singapore bị hất hủi, bị đối xử tệ lại khiến chúng ta chỉ biết trách người khác tệ nhưng chúng ta cũng chẳng tỏ ra thương tình hay chia sẻ với các phụ nữ bị xử tệ. Trong khi đó, có bao giờ chúng ta tự hỏi chúng ta đã làm gì, đã mang đến đất nước văn minh này loại gió gì mà chúng ta bị ngăn chặn như một trận gió độc? Và tại sao những phụ nữ Việt Nam lại chọn con đường bán dâm ở nước ngoài mặc dù đây là con đường nguy hiểm và tủi nhục?
Câu hỏi này không chỉ riêng người dân tự hỏi, và người dân cũng không bao giờ tự hỏi và tự trả lời nổi những câu hỏi như thế này. Mà nhà cầm quyền phải có trách nhiệm đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi kịp thời trước khi chúng ta bị tuột xuống hố sâu, trước khi các chính khách của nước văn minh phải bụm mũi trước các nguyên thủ Việt Nam!
Viết Từ Sài Gòn, 16/08/2015
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

No comments:

Post a Comment