Tuesday, August 18, 2015

Mỹ-Trung xích mích vì 'Chiến dịch Săn chồn' của Bắc Kinh



Mỹ-Trung xích mích vì 'Chiến dịch Săn chồn' của Bắc Kinh

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 12/11/2014. Chính quyền Obama đã cảnh báo Trung Quốc về sự hiện diện của các nhân viên thi hành công lực của nước này ở Hoa Kỳ bí mật làm áp lực buộc những người nổi tiếng đang sống lưu vong phải trở về nước.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 12/11/2014. Chính quyền Obama đã cảnh báo Trung Quốc về sự hiện diện của các nhân viên thi hành công lực của nước này ở Hoa Kỳ bí mật làm áp lực buộc những người nổi tiếng đang sống lưu vong phải trở về nước.
Hoa Kỳ tiếp tục giữ vững lập trường là những đặc vụ do Trung Quốc phái tới Mỹ để bí mật truy lùng và gây sức ép lên những người Trung Quốc đào tẩu phải chấm dứt những hoạt động như vậy. Thông tín viên Jeff Seldin của đài VOA tường thuật.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ hai từ chối bình luận trực tiếp về những tố giác do tờ New York Times tường thuật trước tiên, nhưng họ nói rõ là những hoạt động như vậy là không được phép nếu không thông báo trước cho bộ trưởng tư pháp Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao John Kirby nói “Theo luật pháp của Mỹ, một người không phải là một nhân viên ngoại giao hay nhân viên lãnh sự mà lại hành động ở Mỹ như một nhân viên chấp hành luật pháp của một chính phủ nước ngoài mà không thông báo, thì người đó đã phạm một tội phạm hình sự.”
Ông Kirby cho biết Hoa Kỳ và Trung Quốc thường xuyên liên lạc với nhau về điều mà ông gọi là “những vấn đề quan tâm chung, kể cả những kẻ bị truy nã và những kẻ tham nhũng”, thông qua Nhóm Liên lạc Hỗn hợp Mỹ- Trung về Hợp tác Chấp hành Luật pháp. Nhưng ông nói rằng Washington cũng nói rõ với Trung Quốc là tiến trình đó phải được thực hiện như thế nào.
“Trung Quốc phải cung cấp cho các giới chức Mỹ những bằng chứng quan trọng, rõ ràng và có tính chất thuyết phục để các cơ quan chấp hành luật pháp của chúng tôi tiến hành công tác điều tra, trục xuất và truy tố những kẻ đào tẩu,” ông Kirby nói.
Hôm thứ hai, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đưa ra lời cảnh cáo về những hoạt động lén lút mà Trung Quốc có thể thực hiện ở Mỹ.
Ông Marc Raimondi, phát ngôn viên Bộ Tư pháp nói “Nếu những hoạt động không được báo cáo như vậy xảy ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ chấp hành luật pháp của mình một cách hết sức tích cực.”
Trước đó trong ngày thứ hai, truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích những hành động của Mỹ và kêu gọi các giới chức Mỹ “chứng tỏ sự thành thật trong chương trình hợp tác chống tham nhũng với Trung Quốc.”
Bài bình luận của Tân Hoa Xã cũng nói rằng việc Hoa Kỳ ra lệnh cấm hoạt động đối với những nhân viên đặc vụ Trung Quốc tham gia chiến dịch bài trừ tham nhũng có tên là “Chiến dịch Săn chồn” là “một việc đáng tiếc”.
Những nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm truy lùng những kẻ đào tẩu ra nước ngoài, trong đó có những người mang theo khá nhiều tiền bạc, của cải, là những nỗ lực được dân chúng Trung Quốc tán thưởng nhiệt liệt. Theo tường thuật của tở New York Times, từ năm 2014 tới nay, hơn 930 nghi can đã bị dẫn độ, trong đó có hơn 70 đã tự nguyện về nước trong năm nay, nhưng những thủ đoạn hăm doạ mà đặc vụ Trung Quốc sử dụng đã làm cho các giới chức Mỹ tức giận.
Những nguồn tin trong chính phủ Mỹ cho tờ New York Times biết rằng nhiều đặc vụ Trung Quốc đã nhập cảnh vào Mỹ với visa du lịch hoặc thương mại để che giấu ý đồ của mình.
Tin tức về “Chiến dịch Săn chồn” được loan tải trong lúc các mối quan hệ Mỹ-Trung có nhiều căng thẳng và chỉ vài tuần trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đến Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, theo ông Jerome Cohen, giáo sư luật học của Đại học New York, có phần chắc là cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều rất thận trọng trong việc xử lý mối bất đồng này vì xử lý không khéo sẽ mang lại những hậu quả vô cùng tai hại.  
Ông nói với đài VOA “Vào thời điểm này, tôi không nghĩ là chúng ta sẽ thấy những tác động lớn đối với doanh nghiệp Mỹ hay doanh nghiệp Trung Quốc,” và “Hầu hết những vấn đề này là những vấn đề cá biệt của một số người có giới hạn.”
Các giới chức Mỹ không chịu cho biết những người mà đặc vụ Trung Quốc muốn truy lùng là những ai hay có bao nhiêu người, nhưng họ thừa nhận rằng một số người bị truy lùng vì những tội phạm có tính chất chính trị.
Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện nay không có hiệp ước dẫn độ. Các giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ trước đây nói với truyền thông Trung Quốc rằng sự tăng cường hợp tác của Mỹ sẽ tuỳ thuộc vào cam kết của Bắc Kinh đối với chế độ pháp trị, kể cả việc cung cấp những bằng chứng liên quan.
Tuy nhiên, giáo sư Cohen của Đại học New York, cho rằng đây là vấn đề khá phức tạp và có tính chất tế nhị.
Ông nói “Bên cạnh các vấn đề nhân quyền, phải chăng còn có những lý do khiến Hoa Kỳ muốn giữ những người đó ở nước Mỹ bởi vì họ có thể cung cấp một nguồn thông tin quí giá? Có thể một số người trong những người đó đã bắt đầu hợp tác với Mỹ.”

No comments:

Post a Comment