Monday, February 22, 2016

Cuộc chiến bị lãng quên

Cuộc chiến bị lãng quên

Kính Hòa, phóng viên RFA
2016-02-22
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg10255403
Người dân tưởng niệm những người đã ngã xuống trong ngày Trung Quốc tấn công Việt Nam 37 năm trước. Ảnh chụp tại Hà Nội ngày 17/2/2016.
AFP photo
Sự lãng quên trong sách sử
Ngày 17 tháng hai hàng năm là một ngày được nhiều người Việt Nam ghi nhớ, đó là ngày hàng trăm ngàn quân Trung Quốc tấn công Việt Nam cách đây 37 năm. Người Việt Nam ghi nhớ và tổ chức kỷ niệm hàng năm, cho dù năm ấy, ngày ấy có thể không rơi vào con số chẵn. Cuộc chiến tranh dù chỉ kéo dài hơn một tháng, nhưng lại là một cuộc chiến thêm vào trong hàng trăm cuộc chiến suốt mấy ngàn năm qua của lịch sử Việt Nam chống xâm lược phương Bắc.
Một điều khác với những cuộc chiến ở các thế kỷ trước là cuộc chiến biên giới 17/2 năm 1979 dường như không được sách sử của nước Việt Nam ngày nay ghi nhận một cách đúng đắn.
Tại sao giờ đây người ta lại muốn quên đi ngày đó ? Vì sao mà lớp con cháu mình hôm nay không được dạy để biết rằng đó là ngày không bao giờ được quên?
- Cây bút Nguyễn Thị Oanh 
Nguyên nhân của sự thờ ơ ấy trong lịch sử được nhiều người suy đoán là do mối quan hệ ý thức hệ vẫn còn gắn bó giữa hai Quốc gia cộng sản Việt Nam và Trung Quốc.
Câu hỏi tại sao lại có sự lãng quên đó ngập tràn các trang blog và mạng xã hội tiếng Việt.
Cây bút Nguyễn Thị Oanh viết trên trang Bauxite Việt Nam rằng:
Tại sao giờ đây người ta lại muốn quên đi ngày đó ? Vì sao mà lớp con cháu mình hôm nay không được dạy để biết rằng đó là ngày không bao giờ được quên? Bao giờ thì vong linh của những người Việt Nam đã đổ máu xương trong cuộc chiến tranh biên giới ấy có thể ngậm cười khi thấy sự hy sinh của mình được ghi nhận? Nhiều lắm những câu hỏi “Tại sao?” về cuộc chiến này mà không biết bao giờ mới được trả lời!
Còn blogger, nhạc sĩ Tuấn Khanh hỏi rằng Sao lại làm ngơ trước cuộc chiến 1979 trong sách lịch sử? Ông giải thích tại sao lịch sử đau thương của cuộc chiến đó cần được nhắc đến:
Vì sao chúng ta cần những sự thật lịch sử? Vì sao phải cần ghi vào sách giáo khoa cho con cháu về sau? Câu hỏi nghe chừng có vẻ ngớ ngẩn – nhưng không phải là không cần đặt ra lúc này. Vì bởi lịch sử làm nên nhân cách và dân tộc tính của mỗi Quốc gia. Lịch sử tạo nên những con người có ý thức rằng dân tộc mình đã tồn tại với thất bại và vinh quang như thế nào. Lịch sử dặn dò rằng con người nhỏ nhoi nhất có thể trở nên vĩ đại nhất, nếu vượt qua và sống sót. Tựa lưng vào lịch sử đầy đủ và trung thực, con người có thể tìm thấy cho mình cái nhìn sâu sắc, giá trị giúp cho từng thế hệ đi tới.
Nhân dân không quên
Một trong những người viết nhiều nhất trên các trang mạng xã hội về cuộc chiến 1979 là Luật sư Lê Luân, ông cho rằng có thể gác lại đau thương, có thể tha thứ, nhưng không thể quên được lịch sử
Chúng ta, có thể gác lại đau thương, bỏ qua quá khứ, tha thứ cho những sai lầm, nhưng không thể dối trá với lịch sử, không thể đánh đồng sự bao dung với sự lãng quên tội ác của kẻ thù, không thể nói về tương lai để né tránh sai lầm quá khứ. Và càng không thể vì lợi ích trước mắt mà phủ nhận sạch trơn công trạng của những anh hùng. Vì chẳng phải chúng ta lúc nào cũng lấy chiến thắng của quá khứ, lấy bài học giữ nước của các bậc tiền nhân ra để răn dạy các thế hệ lớn lên hay sao?
Những người dân ở các thành phố lớn ba miền Nam Trung Bắc xuống đường tổ chức lễ tưởng niệm cuộc chiến chống xâm lược 1979.
Một ngày trước lễ kỷ niệm, người ta thấy thư của Vũ Linh gửi tướng Nguyễn Đức Chung Chủ tịch thành phố Hà nội được đưa lên các trang blog. Trong thư Vũ Linh yêu cầu nhà cầm quyền thực thi chức trách của mình là đảm bảo thuần phong mỹ tục của truyền thống uống nước nhớ nguồn của người thủ đô. Thêm vào đó là yêu cầu không để cho những người mà bấy lâu nay chính quyền cho là lực lượng tự phát đến phá hoại buổi lễ.
Lễ Kỷ niệm ở Hà nội đã diễn ra suông sẻ.
Nhưng chuyện như vậy không xảy ra ở Sài gòn. Có những người đã đến phá hoại buổi lễ, dẫm nát hoa mà những người tưởng niệm mang đến dâng cho vong linh những người đã ngã xuống trên biên giới phía Bắc.
Một trong những người tham gia buổi lễ ở chân tượng đài đức Trần Hưng Đạo viết trên trang Bauxite Việt nam:
Giọt nước mắt của tôi đã rơi khi nhặt lên những cánh hoa bị giật phá quăng xuống và giẫm đạp dưới đất. Thương cho đất nước mình đang bị những kẻ không có lòng tự trọng và nhân nghĩa cúi đầu để cho ngoại bang dẫn dắt, không biết đến bao giờ. Thương cho những kẻ vì đồng tiền, công danh mà nghe theo lời chỉ đạo cố tình gây rối, bán rẻ linh hồn, suy nghĩ, lương tâm, thực hiện mệnh lệnh như nô lệ. Thương quá những người con đất Việt sao phải chịu lắm nỗi nhục nhằn ngay khi đã chết đi vì Tổ Quốc.
000_Hkg10255400-400
Có một điểm son cho các vị lãnh đạo nhà nước Việt nam trong ngày 17/2 năm nay là đương kim Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thắp hương tưởng niệm những người lính ngã xuống tại Lạng Sơn.
Blogger Cánh Cò đánh giá hành động đó là một hành động tạ tội, và so sánh hành động đó với vị tân bí thư thành ủy TP HCM đã để cho những kẻ nào đó phá hoại buổi lễ:
Ngoài Bắc ông Trương Tấn Sang thắp nhang tạ tội với hơn 300 anh linh liệt sĩ trong trận chiến biên giới. Ông Sang tạ tội vì ông đã không đủ can đảm làm công việc này trước đây trong khi xương cốt con người mỗi ngày mỗi mục nát. Ông Sang trước khi về an hưởng giàu sang phú quý đã hành xử như một đứa con hư quay về với gia đình bằng sự cúi đầu.
Ông khác với ông Sang vì ông cảm thấy mình không có gì phải tạ lỗi. Vâng, có thể ông đúng, nhưng chỉ đúng từ ngày hôm qua trở về trước bởi hôm nay ông đã bắt đầu vướng vào cái lỗi mà cả đảng cộng sản đang mang. Người theo đạo nói là tội tổ tông, không làm vẫn chịu. Còn người theo đảng nói là lỗi hệ thống.
Những điều lo ngại
Hệ thống đó đang làm cho nhiều người lo ngại.
Tác giả Lê Văn Tâm viết rằng cách nay 38 năm Đảng cộng sản Việt nam vẫn ra những lời kêu gọi rất hào hùng chống Trung Quốc xâm lược, nhưng dường như mọi chuyện đã đổi thay, và thái độ của đảng trước Trung Quốc ngày nay là một sự nhục nhã. Từ đó một cây bút khác là Ngụy Hữu Tâm đặt câu hỏi liệu chừng nào người Việt nam mới thoát ra khỏi cái bóng của Trung Quốc đè nặng lên Quốc gia mình?
Blogger Viết từ Sài Gòn cho rằng có một chứng bệnh sốt rét trong tâm khảm người Việt ngày nay trước Trung Quốc, khi chứng kiến hàng ngàn người Trung Quốc trên các nẻo đường miền Trung trong những ngày Tết vừa qua
Thử nghĩ, tương lai Việt Nam sẽ về đâu với chứng sốt rét tâm hồn của đại bộ phận nhân dân? Và tội lỗi này do đâu mà có? Liệu có còn tương lai để chúng ta nói rằng đến một ngày nào đó lịch sử sẽ phơi bày ra ánh sáng ai công ai tội khi mà nguy cơ bị xóa sổ một dân tộc đang rất cận kề bởi kẻ địch không cần tốn viên đạn nào, họ chỉ cần đứng nhìn chúng ta chết dần chết mòn trong chứng sốt rét tâm hồn và lăn ra chết?
Tác giả cũng viết về những người lính hai bên trong trận chiến ấy:
Cái chết đến từ Trung Quốc, đến từ một Quốc gia “núi liền núi, sông liền sông”, từ một “người anh em Quốc tế Cộng sản”, từ một “anh cả Cộng sản chủ nghĩa”… Và ai phải chết? Đó là những người lính cả hai phía, những người lính bị nhồi sọ giết tróc vô tội vạ của hồng vệ binh Trung Quốc và những người lính say chiến khi ngửi phải thuốc súng của quân đội Cộng sản Việt Nam. Cả hai phía, một bên xâm lược, một bên chống chọi bảo vệ đất nước. Nhưng cả hai bên đều được đào tạo dưới mái trường Cộng sản và cả hai bên đều xuất thân từ dân đen khốn khó.
Ông Sang trước khi về an hưởng giàu sang phú quý đã hành xử như một đứa con hư quay về với gia đình bằng sự cúi đầu.
- Blogger Cánh Cò 
Cũng viết về chuyện đồng ý thức hệ đó của cuộc chiến năm xưa, nhà văn Hoàng Lại Giang cho rằng nó là một cuộc chiến kỳ hoặc, và đúng như những gì nhà cầm quyền Trung Quốc lên tiếng khi phát động cuộc chiến tranh, là Việt nam đã nhận được một bài học đắt giá:
Một cuộc chiến tranh không ai hiểu nổi! Bởi nó không hẳn là cuộc chiến cướp nước, cũng không hẳn là cuộc chiến tranh ý thức hệ. Nó là cuộc chiến tranh trả thù – nước lớn trả thù nước nhỏ (đàn em) đang muốn tự chủ.
Đúng là Đặng Tiểu Bình đã dạy cho chúng ta BÀI HỌC nhớ đời, đời nọ nối đời kia. BÀI HỌC cả tin cái gọi là “đồng chí”, cái gọi là “16 chữ vàng”, cái gọi là “4 tốt!” Cả tin dẫn đến mất CẢNH GIÁC để bị động trước một cuộc xâm lăng … dẫn đến những mất mát, hy sinh không đáng có, tạo nên một vết hằn sâu đậm về hai dân tộc vốn có hàng ngàn năm đã từng là kẻ thù của nhau!
Người Việt Nam mình đâu đến nỗi nhẹ dạ, cả tin đến như thế! Chỉ vì ý thức hệ, vì mấy cái chữ vàng, chữ bạn, chữ tốt… mà mất CẢNH GIÁC! Nên mới ra nông nỗi này! Ai đã nhẹ dạ, cả tin? Ai đã tuyên truyền cái tình đồng chí, anh em, môi răng? Chính những người ấy phải trả lời những câu hỏi trên trước lịch sử.
Nhưng điều mà những người Việt hôm nay lo lắng là những quên lãng của những người viết sử ngày nay, cộng với thời gian, những thế hệ người Việt mai sau sẽ không còn nhớ gì nữa. Tác giả Nguyễn Duy Xuân viết trên trang blog Dân Quyền:
Những người lính và nhân dân trực tiếp tham gia cuộc chiến không quên. Những gia đình thân nhân liệt sĩ, thương binh của cuộc chiến không quên. Và thế hệ những người Việt Nam sống ở thời điểm 1979 ấy cũng không quên. Không thể nào quên bởi đó là quá khứ đau thương nhưng hào hùng của đất nước. Nhưng liệu thời gian có thể xóa nhòa tất cả nếu chúng ta không ghi lại, không nhắc nhở cho con cháu?
Để thoát khỏi sự lãng quên, khỏi căn bệnh sốt rét như Viết từ Sài Gòn đề cập, hay tìm cách thoát khỏi Trung Quốc, Lê Văn Tâm cho rằng chỉ có một con đường dân chủ hóa Việt Nam mà thôi. Có lẽ chỉ như vậy mới trả lời được những câu hỏi của nhà báo Vũ Kim Hạnh trong ngày 17/2 năm nay:
Người Việt Nam có lịch sử không?
Người Việt Nam có một dạ hai lòng không?
Cái gì là lịch sử làm sao bôi xóa hay bẻ cong?

No comments:

Post a Comment