Friday, February 26, 2016

Gánh nặng viện phí

Gánh nặng viện phí

Hoàng Dung, thông tín viên RFA
2016-02-25
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Del8393216
Công nhân bị ngộ độc thực phẩm được chăm sóc y tế tại một bệnh viện ở Hải Phòng vào ngày 29 tháng 12 năm 2015.
AFP photo
Ở Việt Nam lâu nay, người dân vẫn luôn không hài lòng với cách làm việc của bệnh viện trong việc khám chữa bệnh không tốt, bệnh viện lại quá tải…nay lại có thông tin tiền viện phí sẽ tăng gấp 30 – 50% bắt đầu từ tháng 3.
Bộ Y tế vừa cho biết, từ ngày 01/03/2016 khi đi khám chữa bệnh sẽ tính thêm chi phí phẫu thuật, thủ thuật, giá viện phí sẽ tăng bình quân khoảng 30% so với hiện nay, từ ngày 01/07/2016, khi tính thêm tiền lương, giá sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay.
Tuy nhiên, vụ trưởng, vụ kế hoạch tài chính bộ Y Tế cũng cho rằng, khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, người dân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) không bị tác động nhiều, nhưng nhiều người cho rằng đây là việc bộ Y tế bắt người dân phải đóng BHYT, không phải là BHYT tự nguyện nữa, thế nhưng người dân cũng cho biết nếu đi khám có thẻ BHYT thì không biết khi nào mới được khám bệnh, đôi lúc phải ngồi chờ cả ngày, chứ chưa nói đến phong cách làm việc của bác sỹ khám chữa bệnh cho những bệnh nhân đi khám mà có thẻ BHYT.
Chị Hiền ở Nghệ An chia sẻ, cả đời người chị chỉ ước mong cho chị và gia đình thoát được cổng Bệnh Viện, vì chị cho rằng chưa nói đến viện phí tăng là một chuyện, nhưng tiền đút lót cho các y, bác sỹ thì lại nhiều gấp mấy lần, chị cũng cho biết 1 năm trước chị có con nhỏ 2 tuổi bị bệnh phải đi bệnh viện, trước khi tiêm cho con mà chị đút tiền cho y tá thì y tá sẽ tiêm nhẹ hơn, còn bữa nào mà không có tiền thì y tá lại tiêm cho con chị đau làm cháu phải khóc thét lên.
Về việc phí tăng thì tất cả những người dân Việt Nam mình khổ đã đành rồi nhưng mà khổ cái là họ ăn tiền đút lót trắng trợn. 
Anh Chánh Nguyễn, một cư dân ở Tp Sài Gòn thì cho rằng, anh không đồng ý với việc tiền viện phí tăng trong khi lương lại không tăng cho người dân, nếu viện phí tăng mà các dịch vụ khác cũng tăng như: Cơ sở hạ tầng, các dụng cụ khám chữa bệnh, thái độ của các y bác sỹ cũng tốt lên…thì đó là việc dễ dàng chấp nhận được. Thế nhưng, viện phí tăng một cách chóng mặt vậy mà các dịch vụ chăm sóc bệnh nhân không tăng, còn tình trạng bệnh nhân nằm trên sàn nhà, nằm ngoài hành lang, nằm ngoài ghế đá, trải chiếu nằm ngoài bệnh viện như thế thì không thể chấp nhận được.
Anh Chánh tiếp lời:
Dĩ nhiên là tôi không đồng ý giống như bao người dân cũng không đồng ý rồi. Cái gì cũng lên giá hết, lương thì nó không lên dân lao động người ta đâu có tiền đâu mà người ta phải đóng 20%. Bây giờ tính 20% nhưng mà do tiền nó lên mà nó lên từ 30 chục, 50 chục đến 100. Thứ hai nữa là cái dịch vụ nó cũng vậy càng ngày càng tồi tệ.
Công nhân Nguyễn Thị Mai làm việc trong công ty TNHH Kỹ Thuật Thành Nghĩa ở Bình Dương chia sẻ, bộ y tế tăng tiền viện phí đó là một tin cực sốc đối với các công nhân, chị Mai chia sẻ, công nhân đấu tranh mãi nay nhà nước mới tăng được lương cho công nhân thêm 400.000/tháng, nếu như không tăng ca thì công nhân không đủ chi tiêu cho cuộc sống chứ chưa nói đến phụ giúp cho gia đình, và như vậy nên nhiều công nhân phải tăng ca 10, 12, 14h/ 1 ngày nay bộ y tế tăng tiền viện phí, rồi mọi chi phí sinh hoạt đều tăng không biết công nhân sẽ sống sao nữa.
“Lương thì tăng nhỏ giọt mà mọi thứ sinh hoạt đều tăng, nay bộ y tế lại tăng viện phí, không biết có gì tăng nữa không biết, như thế thì công nhân chúng tôi sống sao được.”
Những người dân ở khu vực nông thôn và miền núi họ rất sợ phải đi viện, và một khi họ đã phải chấp nhận phải đi viện để khám bệnh thì khi đó bệnh đã rất nặng, vì ở nông thôn họ là những người nghèo không có tiền, không có quan hệ nên khi đi bệnh viện họ gặp rất nhiều phiền phức.
Theo Nguyễn Văn Tuấn – Bài đăng trên báo Tuổi Trẻ ra ngày 03/01/2007 cho biết cả nước ta có khoảng 67.000 bệnh nhân bị chết “oan” hàng năm và 15.300 người bị thương tật vĩnh viễn, do lỗi tắc trách của đội ngũ y, bác sỹ. Đó là một con số tử vong rất lớn, chiếm khoảng 15% tổng số tử vong của cả nước (khoảng 437.000 tử vong). Tuy nhiên, các ước tính này thấp hơn thực tế, vì chưa tính đến số bệnh nhân được điều trị ngoại trú (khoảng 5.511.000 bệnh nhân).
chị Hiền ở Nghệ An cũng chia sẻ, có nhiều trường hợp bị tai nạn phải đi cấp cứu mà không có tiền đút trước thì nhiều y bác sỹ cũng bỏ mặc hay làm việc chậm trễ mà không ra sức cứu giúp, cấp cứu cho bệnh nhân trước.
Chị Hiền chia sẻ:
Nếu mà một bệnh nhân tai nạn hoặc là bệnh thận gấp trầm trọng đưa vô bệnh viện đó mà không có tiền đút lót là hắn cũng để cho nằm rứa hắn không tính chi mô nạ.
Trong khi nhiều người ở nông thôn họ chấp nhận phải đi bệnh viện khi bệnh đã ra nặng thì nhiều người có tiền ở khu vực thành phố họ lại đi khám chữa bệnh ở các bệnh viện tư, vì họ cho rằng bệnh viện tư có phòng ốc đàng hoàng, không có cảnh nằm chung giường với 3, 4 bệnh nhân, thái độ làm việc của y bác sỹ cũng nhiệt tình, tận tụy hơn, thiết bị khám chữa bệnh, cơ sở hạ tầng cũng tốt ở bệnh viện nhà nước, dù tiền khám cũng xấp xỉ với tiền viện phí ở bệnh viện nhà nước, khi bộ y tế đã tăng tiền viện phí.
Chị Thảo ở Hà Nội chia sẻ, chị luôn chọn bệnh viện tư để khám cũng như chữa bệnh, vì ở đó cơ sở khám chưa bệnh tốt, đội ngũ y bác sỹ cũng nhiệt tình. Chị cũng cho rằng dù tiền viện phí có tăng 100% thì dịch vụ chăm sóc y tế của nhà nước vẫn vậy và như vậy lại khổ cho dân nghèo.
Chị Thảo tiếp lời:
“Khi vào bệnh viện tư thì dịch vụ phục vụ tốt hơn, thái độ phục vụ của họ thì tốt và họ có trách nhiệm hơn. Bệnh viện công thì tồi quá không tin tưởng họ làm thất sách vô trách nhiệm lắm. Chị đảm bảo với em là có tăng viễn phí 30% hay 100% thì cái chất lượng phục vụ của nó cũng không thay đổi đâu. Chỉ trách là dân nghèo thôi chứ còn là những người có tiền, quan chức họ cũng chẳng bao giờ đi khám ở đây đâu mà.”
Qua những người dân mà chúng tôi tiếp xúc, họ đều phản đối với mức tăng tiền viện phí của bộ y tế, sẽ được áp dụng vào ngày 01/03/2016, tuy nhiên họ đều có mong ước nếu tiền viện phí tăng thì các dịch vụ chăm sóc y tế tăng hay thái độ làm việc của đội ngũ y bác sỹ cũng đều phải thay đổi để phù hợp với số tiền họ bỏ ra và người dân không cảm thấy đến bệnh viện là một cực hình đối với người dân nhất là đối những người nghèo.

No comments:

Post a Comment