Trung Quốc vẫn là đối tác cần thiết của Ấn Độ
Thủ tướng Narendra Modi (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình trong lễ ký thỏa thuận hợp tác Ấn-Trung hôm 17/9/2014 tại thàh phố Ahmedabad.REUTERS/India's Press Information Bureau
Ấn Độ không thể phớt lờ sức ảnh hưởng lớn mạnh và ổn định của Bắc Kinh tại khu vực Nam Á. Vậy tại sao New Delhi vẫn cố xích lại gần Nhật Bản và Hoa Kỳ? Trong số ra ngày 18-24/02/2016, tuần báo Le Courrier International trích dịch một bài phân tích, đăng trên tờ The Hindu ngày 14/01/2016, cho rằng dù thế nào “Trung Quốc vẫn là đối tác không thể thiếu của Ấn Độ”.
Vào đầu tháng 01/2016, ông Ajit Doval, cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ, đã hủy chuyến công du Bắc Kinh sau khi xảy ra vụ tấn công của các thành phần khủng bố Pakistan vào căn cứ không quân Pathankot của Ấn Độ. Quyết định này cho thấy có vẻ việc giải quyết khủng hoảng với Pakistan còn quan trọng hơn là tiếp tục các cuộc đàm phán không hồi kết với Trung Quốc về tranh chấp biên giới.
Thế nhưng, thực tế không phải như vậy. Đối với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tăng cường đối thoại với Bắc Kinh chưa bao giờ lại có quan hệ chặt chẽ với các vấn đề về Pakistan, cũng như với chính sách ngoại giao với các nước trong khu vực Nam Á như hiện nay. Vì rất nhiều lý do:
Thứ nhất, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan, luôn được đánh giá là “tình hữu nghị vô điều kiện”, ngày càng trở nên sâu sắc. Tình bạn nồng thắm này còn được thắt chặt hơn nhờ dự án cơ sở hạ tầng chung với quy mô lớn chưa từng có. Đó là dự án “Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan” (CPEC), được công bố vào tháng 04/2015, có số vố đầu tư lên tới 46 tỉ đô la.
Thứ hai, Trung Quốc can dự ngày càng sâu hơn vào nhiều vấn đề khác trong khu vực, trong đó có các cuộc đối thoại giữa chính quyền Afghanistan và phe Taliban : phe nổi dậy này có thể sẽ tham gia các cuộc đàm phán dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 02/2016. Các cuộc thương lượng trên sẽ có tác động mạnh tới quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan.
Thứ ba, nguồn cội lớn nhất của mọi căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc là tranh chấp biên giới tại khu vực Jammu và Cachemire và một phần nằm trên lãnh thổ của Pakistan. Cuối cùng là vấn đề khủng bố. Hơn ai hết, Trung Quốc vẫn là nước có khả năng tác động tới các tổ chức khủng bố tại Pakistan.
Năm 2015: Căng thẳng trong ngoại giao Trung Quốc-Ấn Độ
Dù vậy, năm 2015 được đánh dấu bằng việc quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh trở nên căng thẳng hơn. Nghịch lý là leo thang căng thẳng lại không bắt nguồn từ quan hệ song phương trực tiếp mà là do chính sách bang giao của mỗi bên với các quốc gia khác trong khu vực.
Từ đầu năm 2015, Ấn Độ đổi hướng sang phía Hoa Kỳ khi cả hai bên cùng ký bản tuyên bố “Tầm nhìn chung” về khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nhân chuyến công du New Delhi của tổng thống Barack Obama. Như vậy, New Delhi nối lại quan hệ với Washington để đối phó với các thách thức trong khu vực Nam Á. Bản tuyên bố nhấn mạnh tới việc “đảm bảo quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không” tại vùng Biển Đông, nơi đang xảy ra tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Nam Á.
- Đọc thêm: Đối Trung, Mỹ-Ấn liên kết
Ngay lập tức, Bắc Kinh đưa ra đòn đáp trả. Chỉ vài tháng sau bản tuyên bố và chỉ vài tuần sau chuyến công du Trung Quốc của thủ tướng Modi, Bắc Kinh công bố dự án “Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan” (CPEC). Theo đó, “hàng lang” sẽ đi qua vùng Cachemire hiện đang bị Pakistan chiếm giữ, còn Pakistan trở thành một trong những yếu tố chủ đạo trong dự án “con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc. Cần nhắc lại là trong sơ đồ dự án ban đầu, được công bố vào năm 2014, cảng Gwadar ở Pakistan không được nêu lên, thành phố Calcutta, Ấn Độ, mới là một trong những chặng có thể được thiết lập trên “con đường tơ lụa mới”.
Ấn Độ muốn nâng sức ảnh hưởng khi thắt chặt quan hệ với Nhật Bản-Mỹ
Quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ với Hoa Kỳ và Nhật Bản ngày càng được thắt chặt. Trong khi đó, cả hai cường quốc này đều là đồng minh chống lại Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông. Năm 2015 được bắt đầu bằng chuyến công du của tổng thống Mỹ Barack Obama và khép lại với chuyến viếng thăm New Delhi của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Các cuộc đàm phán ba bên và nhiều cuộc tập trận chung giữa ba nước đã được chính thức ký kết. Từ giờ, Nhật Bản sẽ thường xuyên tham gia vào cuộc tập trận thường niên “Malabar”. Phía Bắc Kinh thì luôn quy cuộc tập trận này là một âm mưu ngăn chặn Trung Quốc.
Khi xích lại gần Mỹ và Nhật Bản, Ấn Độ muốn tăng thêm trọng lượng chiến lược. Thế nhưng, New Delhi cũng cần suy nghĩ liệu sẽ bị mất gì. Hiện nay, Trung Quốc đang là một đồng minh thân cận của Nga và kiểm soát một phần lớn nền kinh tế châu Á. Bắc Kinh cũng là đối tác thương mại lớn nhất của New Delhi.
Hơn nữa, Trung Quốc ngày càng can dự sâu hơn vào chuyện nội bộ của các nước láng giềng của Ấn Độ. Trước hết, Afghanistan quyết định giao cho Trung Quốc trọng trách nhà bảo lãnh trong các cuộc thương lượng với phe Taliban.
Ngoài ra, còn phải kể tới thoả thuận giữa Trung Quốc và Nepal về việc cung cấp xăng dầu và mở các tuyến đường thương mại và cảng biển sau khi biên giới giữa Nepal và Ấn Độ bị chặn lại. Thậm chí, ngân sách để xây dựng đường ống dẫn dầu Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ (Tapi), được khởi công từ tháng 12/2015, cũng là nhờ nguồn vay từ Trung Quốc.
Thực vậy, nếu như Trung Quốc bị các nước láng giềng chung lãnh hải đánh giá là một cường quốc bá quyền, quốc gia Đông Á này lại được coi là một lực lượng ổn định liên tục đầu tư vào quá trình phát triển lâu dài cho các nước nằm sâu trong lục địa tại Nam Á hay Trung Á.
Điều ngạc nhiên là Ấn Độ lại tìm cách “gây sự” với Trung Quốc không phải vì chuyện tranh chấp biên giới. Trong khi đó New Delhi hoàn toàn có lợi khi hoà hợp với Bắc Kinh để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và chống khủng bố trong khu vực. Và cũng rất bất hợp lý khi để Pakistan và Trung Quốc hợp tác với nhau, gây bất lợi cho Ấn Độ, trong khi mà, ngay từ vài thập kỷ trước, hoàn toàn có thể kêu gọi Trung Quốc tác động tới Pakistan để thiết lập hoà bình trong khu vực.
Với tất cả các lý do trên, thủ tướng Modi có thể nhận ra rằng việc xích lại gần Bắc Kinh là điều nên làm, đặc biệt là vào năm nay, khi Ấn Độ đang muốn có một ghế tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Trong chuyến công du New Delhi năm 2013, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng nói : “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Vì vậy, có lẽ thủ tướng Modi nên đánh giá cao sự đóng góp của Trung Quốc, khi mà mối quan hệ với “đồng minh” phương Tây vẫn còn rất tế nhị.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment