Thị trường phi cơ và thiết bị trinh sát biển khởi sắc tại Đông Nam Á
Máy bay N-219 PT Dirgantara Indonesia của hãng tại hội chợ hàng không Changi, Singapore.REUTERS/Edgar Su
Thị trường phi cơ trinh sát biển và các thiết bị do thám đang hết sức sôi động trong vùng Đông Nam Á, nơi nhiều nước đang phải đối phó với các hành vi quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông. Trên đây là ghi nhận của hầu hết các chuyên gia trong ngành hàng không tề tựu về Singapore để tham gia cuộc Triển Lãm Hàng Không Quốc Tế Singapore Airshow 2016, mở ra từ ngày 16 - 21/02/2016.
Theo hãng tin Anh Reuters, các nguồn tin thương mại từ Triển Lãm Singapore cho biết là năm nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam đều đã nỗ lực tìm kiếm thông tin từ các nhà cung cấp, với phi cơ tuần tra biển và các hệ thống thu thập thông tin đang trở thành một ưu tiên.
Dĩ nhiên các phương tiện nói trên rất cần thiết cho các hoạt động truyền thống như chống cướp biển, bảo vệ nguồn hải sản, hoặc đối phó với các loại thảm họa. Thế nhưng, theo Reuters, các hành động quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong vùng Biển Đông đang ngày càng được giới hoạch định chính sách quốc phòng chú ý.
Sửa chữa sai sót là đã không biết Trung Quốc làm gì
Một nguồn tin từ giới công nghiệp hàng không thường xuyên liên hệ với hải quân các nước Đông Nam Á nhấn mạnh : « Các nước này đã không hay biết về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo… Họ cũng không biết trước việc Trung Quốc xây dựng phi đạo hay chuyển giàn phóng tên lửa ra đảo. Họ đang muốn sửa chữa sai lầm này. »
Theo hãng tin Anh, tình hình căng thẳng gia tăng trong khu vực đang thúc đẩy nhu cầu trang bị các hệ thống radar tiên tiến, các thiết bị cảm biến và các phương tiện khác mà thuật ngữ quốc phòng gọi là ISR, từ tắt tiếng Anh của « tình báo, giám sát và trinh sát ».
Ông Richard Aboulafia, phó chủ tịch phụ trách phân tích tại Teal Group, một hãng tư vấn về không gian vũ trụ, có trụ sở tại Mỹ, cho rằng vì các nước ở Biển Đông đều có tranh chấp với nhau, nên thiếu tin tưởng nhau, do đó cần phải có phương tiện để biết xem những gì láng giềng của họ đang làm. Bên cạnh đó các chiến dịch quân sự phi tác chiến đòi hỏi một nhận thức cặn kẽ về tình huống đang diễn ra.
Theo ghi nhận của Reuters, thị trường béo bở về phi cơ trinh sát biển dĩ nhiên đã thu hút các nhà cung cấp từ khắp nơi trên thế giới. Tại Singapore năm nay, ngoài hai chàng khổng lồ truyền thống là Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu, còn có các tập đoàn đến từ Indonesia, Nhật Bản và một số nước châu Âu khác. Các tác nhân này đua nhau giới thiệu sản phẩm mới.
Sản phẩm hiện đại nhưng không quá đắt
Do ngân sách quốc phòng của các nước Đông Nam Á không phải là dồi dào, các nhà cung cấp đã nghĩ đến loại sản phẩm giá vừa phải.
Boeing chẳng hạn, đã đề nghị một phiên bản đơn giản hơn của chiếc P-8 Poseidon phi cơ trinh sát biển tiên tiến nhất trên thị trường hiện nay. Phiên bản rút gọn này được gọi đơn giản là Phi Cơ Giám Sát Biển - Maritime Surveillance Aircraft, dựa trên một máy bay phản lực thương mại Bombardier.
Hãng PT Dirgantara Indonesia, tập đoàn hàng không không gian nhà nước của Indonesia, đã giới thiệu phiên bản dùng để tuần tra trên biển của loại máy bay quân sự Casa CN235 mà Indonesia sản xuất theo giấy phép của Airbus. Một số phi cơ loại này đang phục vụ trong hải quân Indonesia, và đàm phán đã mở ra để bán loại máy bay này cho Malaysia và các nước khác trong khu vực.
Hiện hãng PT Dirgantara Indonesia đang làm việc với tập đoàn Pháp Thales để trang bị các phương tiện giám sát và chống tàu ngầm cho loại phi cơ này.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment