Biển Đông : Hun Sen nhắc lại lập trường của Cam Bốt
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen ngày 03/07/2015 tại một diễn đàn kinh tế ở Tokyo.Reuters
Vài ngày trước thượng đỉnh Mỹ- ASEAN tổ chức tại Hoa Kỳ, hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết, ngày 05/02/2016, thủ tướng Cam Bốt một lần nữa nhắc lại lập trường của Phnom Penh : Không can thiệp vào tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc cần giải quyết bất đồng qua đối thoại song phương.
Thủ tướng Hun Sen thông báo ông sẽ đến dự thượng đỉnh Mỹ-ASEAN hai ngày 15 và 16/02/2016 tại Sunnylands, bang California. Trong tuyên bố đưa ra hôm nay, thủ tướng Cam Bốt nhắc lại : tuần trước, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, ông đã lên tiếng trên vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và cho rằng : « Chúng ta không nên đổ thêm dầu vào lửa mà hãy tìm cách khuyến khích các quốc gia liên quan tiếp tục đàm phán. Bởi vì Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lãnh thổ ».
Riêng trong trường hợp của Việt Nam và Trung Quốc, thủ tướng Cam Bốt quan nhiệm đối thoại song phương là giải pháp tốt nhất : « Việt Nam và Trung Quốc phải tự giải quyết vấn đề này với nhau, tương tự như trường hợp giữa Bắc Kinh với Manila ».
Ngoài ra, ông Hun Sen còn nêu thí dụ cụ thể giải quyết tranh chấp về đường biên giới giữa Cam Bốt và các nước láng giềng, cụ thể là với Việt Nam, Lào và Thái Lan. Trong tất cả mọi trường hợp, Phnom Penh đều đã chọn giải pháp đối thoại trực tiếp song phương.
Thủ tướng Hun Sen đã hoàn toàn bác bỏ những cáo buộc cho rằng Cam Bốt đã nghiêng hẳn về phía Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông, khi lưu ý nền ngoại giao của Xứ Chùa Tháp là «hoàn toàn độc lập ».
Thủ tướng Cam Bốt lên tiếng về Biển Đông vào lúc ngoại trưởng Hor Nahong ngày 04/02/2016 công du Bắc Kinh. Sau buổi làm việc với ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc đặc trách về đối ngoại, ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) và thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin), Phnom Penh và Bắc Kinh nhất trí "giải quyết tốt vấn đề Biển Đông". Ông Lưu Chấn Dân trong buổi họp báo khẳng định : vấn đề này cần được giải quyết thông qua phương pháp tiếp cận hai chiều – dual track.
Cam Bốt không nằm trong số các nước đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, nhưng có tranh chấp biên giới với Thái Lan và Việt Nam. Tại Hội nghị bộ trưởng ASEAN lần thứ 45 năm 2012 tổ chức tại Phnom Penh, dưới áp lực của nước chủ nhà, các bên đã không ra được tuyên bố chung. Trung Quốc là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Cam Bốt.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment