Trong khi Nhà nước Hồi giáo (IS) là hiểm họa trước mặt khiến các chính trị gia Washington, sự phát triển của Trung Quốc về kinh tế cũng như quân sự đã khiến nhiều chuyên gia chính trị thế giới lo lắng.
Cụ thể, nhà phân tích người Mỹ Graham Allison bình luận rằng sự phát triển của Trung Quốc là một điều đáng lo ngại. Theo nghiên cứu của ông, trong vòng 500 năm qua, nhiều trường hợp khi một thế lực toàn cầu mới xuất hiện thì chiến tranh xảy ra. Ông John Mearsheimer, một nhà nghiên cứu khác, cảnh báo thẳng thừng rằng “Trung Quốc sẽ không thể trở thành cường quốc mà không có chiến tranh theo sau”. Sự xung đột giữa các cường quốc về lâu dài sẽ còn vượt xa hiểm họa IS nhiều lần.
Trung Quốc đang mong muốn trở thành thế lực lớn nhất ở châu Á.
Tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc chỉ có phản ứng mạnh với Mỹ khi nước này khẳng định tầm ảnh hưởng của mình ở những khu vực sân sau của Trung Quốc, một chính sách mang lại rất ít lợi ích cho Mỹ. Nếu từ bỏ chính sách này, nguy cơ căng thẳng sẽ giảm bớt. Nếu Mỹ tiếp tục kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc, hậu quả để lại có thể nặng nề.
Hiện tại Mỹ đang thực hiện ba bước đi chính để đối phó với Trung Quốc. Thứ nhất, Mỹ cũng cố quan hệ với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Philippines và Thái Lan, những nước được coi là “đòn bẩy chiến lược của Hoa Kỳ tại Châu Á – Thái Bình Dương”. Thứ hai, Mỹ tăng cường hoạt động của quân đội cũng như tiếp tục đóng quân lâu dài trong khu vực. Thứ ba, Mỹ đẩy mạnh hợp tác kinh tế với các nước châu Á để lôi kéo họ ra khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, rất khó để có thể kiềm chế Trung Quốc, bởi trong trường hợp Mỹ mở rộng hoạt động ở châu Á, Bắc Kinh sẽ không ngồi yên và từ bỏ tham vọng của mình. Theo nhà phân tích Andrew Nathan và Andrew Scobell, Trung Quốc coi Mỹ là “thế lực can thiệp nội bộ của Trung Quốc, che chở Đài Loan, có lực lượng hải quân lớn nhất ở Đông Á và Biển Đông, cũng như là đồng minh chính thức và không chính thức của nhiều quốc gia lân cận với Trung Quốc”.

Quan điểm Trung Quốc đang bị cô lập của Bắc Kinh không phải là không có cơ sở. Hải quân Mỹ ở gần vùng hải phận Trung Quốc đã có những hành động mang tính khiêu khích, cụ thể là việc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc tập trận với rất nhiều nước trong khu vực. Washington cũng đóng một số lượng quân lớn trên bán đảo Triều Tiên và tại các đảo ở cực Nam Nhật Bản, và đây đều được coi là những mối đe dọa đối với an ninh Trung Quốc. Trong khi đó, phần lớn số lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua những đường biển có sự xuất hiện của tàu chiến Mỹ.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc rất phức tạp.
Ông Lyle Goldstein, chuyên gia nghiên cứu chính trị quốc tế người Mỹ cho biết, “định hướng của Trung Quốc là phòng vệ”, mặc dù “điều này có thể thay đổi nếu Bắc Kinh nhận thấy rằng tình hình trở nên xấu đi”. Nghĩa là chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ trở nên mạnh bạo hơn nếu Mỹ tăng cường sự xuất hiện của quân đội trong khu vưc.
May thay, Mỹ có thể từ bỏ vị thế đứng đầu quân sự ở Đông Á mà không ảnh hưởng đến những lợi ích chính của nước này. Chính sách của Trung Quốc hiện tại không có dấu hiệu chủ động gây hấn với Mỹ hay các đồng minh trong khu vực. Mặc dù hải quân nước này đang phát triển rất nhanh, Trung Quốc chưa đe dọa phong tỏa các tuyến đường biển. Trong khi đó, Mỹ vẫn là cường quốc hàng đầu thế giới khi có trong tay hệ thống vũ khí hạt nhân tối tân cũng như địa lý thuận lợi. Việc triển khai quân đội thường trực ở Đông Á không giúp Mỹ có lợi hơn về an ninh quốc gia.
Trong khi đó, giao ước bảo vệ một loạt các quốc gia lân cận với Trung Quốc cũng như đảm bảo hoạt động của hàng chục ngàn binh sĩ cũng như hơn một nửa lực lượng hải quân của Mỹ khiến nước này phải chịu những chi phí rất lớn. Bên cạnh đó, Mỹ cũng có nguy cơ vướng vào những cuộc chiến không cần thiết. Xung đột ở eo biển Đài Loan hoặc các đảo ở Biển Đông thực tế là vì những lợi ích của các nước trong khu vực chứ không phải của Washington.
Theo nhà nghiên cứu Robert Jervis, “việc theo đuổi chính sách thống trị là một phần của chính trị trong quá khứ”, nhưng vào thời đại vũ khí hạt nhân, “với hiểm họa an ninh ở mức thấp cùng với việc các nước phát triển có chung lợi ích, chính sách trên không còn cần thiết nữa”. Nhà phân tích Charles Glaser cũng có cùng ý kiến, bởi việc củng cố vị thế hàng đầu của Mỹ trên mọi khu vực khiến nước này “quên mất sự vững bền của họ và thực hiện những hoạt động quá tốn kém và có rủi ro cao”. Vị thế của Mỹ cũng không mang lại nhiều lợi ích về kinh tế.
Sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng phát triển.
Về cơ bản, cuộc đua giành tầm ảnh hưởng ở Đông Á không phải là vì lợi ích an ninh hay kinh tế, mà đơn giản là vì vị thế trên trường quốc tế. Theo học giả William Wohlforth, các thế lực đang lên thường “mong muốn được công nhận sức mạnh của mình thay vì thay đổi những nguyên tắc đã có”. Việc Mỹ tỏ ra lo ngại trước Trung Quốc thực tế là vì họ coi đây là hiểm họa đối với vị thế và uy tín của mình trên trường quốc tế, khi Mỹ đang là cường quốc mạnh nhất thế giới.
Nhiều chuyên gia chính trị cũng tin rằng Mỹ cần phải có chiến lược mềm mỏng hơn để có thể phục vụ những lợi ích quốc gia thực sự quan trọng. Hai nhà phân tích Joseph M. Parent và Paul K. MacDonald viết trong bài phân tích của mình rằng “Chính sách phòng vệ từ xa của Mỹ là lối suy nghĩ có từ thời Chiến tranh Lạnh, khi họ đứng trước những đối thủ không thể suy suyển nhưng hiện không còn phù hợp với chính trị thế giới hiện tại”. Bằng việc giảm bớt hoạt động của Mỹ trong khu vực châu Á, không những tạo cơ hội để các nước đồng minh trong khu vực bảo vệ mình trước Trung Quốc mà còn giúp Mỹ tránh xa những cuộc xung đột lớn.
Mỹ đã theo đuổi chiến lược củng cố vị thế đứng đầu ở Đông Á từ trước khi Trung Quốc chưa phát triển, và kéo dài những hoạt động như vậy là không có lợi. Nhưng ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục phát triển kinh tế, không gì có thể đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ khẳng định được sức mạnh của mình trong khu vực.
Thực tế, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều nước lớn trong khu vực. Ấn Độ là một quốc gia có tham vọng riêng của minh, được dãy núi Himalaya che chở và có vũ khí hạt nhân trong tay. Nhật Bản cũng được bảo vệ bởi vùng biển rộng, và có nền kinh tế đủ lớn để xây dựng quân đội và vũ khí hạt nhân nếu cần thiết. Ở phía Bắc, Nga cũng là một nước lớn. Trong khi đó, vấn đề an ninh ở các tỉnh Tân Cương và Tây Tạng vẫn là mối lo hàng đầu của Bắc Kinh và càng khiến tham vọng đứng đầu khu vực trở nên khó khăn hơn.
Có nhiều lý do để có thể tin rằng cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc rất khó xảy ra, cụ thể là vì kinh tế, vũ khí hạt nhân cũng như sự thay đổi về tình hình chính trị. Nếu Washington tiếp tục mở rộng hoạt động quân sự để ngăn chặn Trung Quốc, nguy cơ xung đột xảy ra ngày càng lớn, chi phí phục vụ cuộc chiến cũng sẽ tăng lên và Mỹ sẽ phải tiếp tục điều quân để hỗ trợ các đồng minh trong khu vực. Điều này sẽ không hề có lợi cho Mỹ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.
Anh Tuấn (lược dịch)