Wednesday, February 17, 2016

Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN và vấn đề Trung Quốc

Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN và vấn đề Trung Quốc

Việt Hà, phóng viên RFA

000_Del8385145-620
Tổng thống Obama và lãnh đạo các nước tham dự thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Kuala Lumpur vào ngày 21 tháng 11 năm 2015
AFP photo
Từ ngày 15 đến 16 tháng 2, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và lãnh đạo các nước thuộc ASEAN sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh ở Sunnylands, California, Mỹ. Theo giới chức Hoa Kỳ, đây là cuộc gặp nhằm thắt chặt hơn quan hệ giữa Mỹ và ASEAN trong chiến lược tái cân bằng về châu Á Thái Bình Dương của Mỹ. Cuộc gặp diễn ra giữa lúc Trung Quốc đang có những hành động bồi đắp các đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với một số nước ASEAN, gây quan ngại cho Hoa Kỳ và các nước trong khu vực về khả năng Trung Quốc sẽ quân sự hóa khu vực biển Đông. Vấn đề Trung Quốc sẽ được đề cập thế nào tại thượng đỉnh lần này?
Không chống Trung Quốc
Đại diện chính phủ Hoa Kỳ nhiều lần khẳng định, cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ và ASEAN vào giữa tháng hai tại Sunnylands không nhằm chống lại Trung Quốc và cuộc gặp hoàn toàn không phải về Trung Quốc.
Phát biểu trong buổi họp báo tại Washington DC vào hôm 10 tháng 2, ông Daniel Kritenbrink, Giám đốc cao cấp phụ trách khu vực châu Á thuộc Hội đồng An Ninh quốc gia của Mỹ nói
Thượng đỉnh này không vì Trung Quốc. Thượng đỉnh này là về Mỹ và ASEAN và quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng hơn giữa hai bên.
Câu trả lời này cũng khẳng định lại câu trả lời mà ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói với các hãng tin quốc tế trước đó rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai bên không nhằm chống lại Trung Quốc.
Dù khẳng định cuộc gặp không phải về Trung Quốc, nhưng đại diện chính phủ Hoa Kỳ cũng cho biết Trung Quốc sẽ được đề cập đến. Ông Krintenbrink nói tiếp
Chúng tôi sẽ đề cập đến Trung Quốc bởi vì đây là về châu Á và Trung Quốc là người chơi chính ở khu vực châu Á.
Trước đó, trong cuộc họp báo vào ngày 9 tháng 2, ông Dan Krintenbrink cho biết tại thượng đỉnh lần này Tổng thống Mỹ sẽ kêu gọi các bên đòi chủ quyền ở biển Đông phải ngừng ngay các hành động xây lấp, ngừng việc xây dựng các cơ sở và không thực hiện quân sự hóa các tiền đồn ở khu vực biển Đông.
Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực biển Đông và đang có tranh chấp tại khu vực này với các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi năm ngoái cho thấy Trung Quốc là nước đang cho xây lấp nhiều nhất ở khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với các nước.
Theo báo cáo này, quá trình xây lấp trên 7 đảo và bãi đá được Trung Quốc bắt đầu tiến hành từ tháng 12 năm 2013 và nước này đã bồi đắp được hơn 1,170 hecta đất tính đến tháng 6 năm 2015, nhiều hơn 17 lần trong vòng 20 tháng so với tổng cộng đất đai được bồi đắp bởi các quốc gia có tranh chấp khác trong khu vực trong suốt 40 năm qua. Trung Quốc cũng đã cho tiến hành xây cất 3 đường băng tại khu vực quần đảo Trường Sa và vào ngày 2 tháng giêng vừa qua đã cho thực hiện chuyến bay đầu tiên đến bãi chữ thập. Những hành động này của Trung Quốc khiến Hoa Kỳ và các nước trong khu vực lo ngại Trung Quốc sẽ tiến hành quân sự hóa khu vực biển Đông trong thời gian không xa.
Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel cho biết thượng đỉnh lần này sẽ cho các nước ASEAN và Mỹ cơ hội thảo luận thực sự về nhiều vấn đề liên quan đến biển Đông và vì vậy lãnh đạo các quốc gia có thể tự quyết định đưa ra các tuyên bố riêng liên quan đến tranh chấp biển Đông và hành động của Trung Quốc.
Đây là cơ hội cho một thảo luận thực sự. Không giống như một thượng đỉnh theo tiêu chuẩn hay một thượng đỉnh Đông Á. Sẽ không có một áp lực nào cụ thể để tìm một công thức chính xác cho một tuyên bố để gửi đi một thông điệp. Các lãnh đạo sẽ có những thảo luận riêng của họ và quyết định những thông điệp cho công chúng nào mà họ sẽ đưa ra tại các cuộc họp báo hay các cách khác.
Hoa Kỳ sẽ trợ giúp ASEAN thế nào
Liên quan đến vấn đề tranh chấp biển Đông, bước vào thượng đỉnh lần này, Hoa Kỳ và ASEAN cũng phải đối mặt với một loạt những thách thức cần phải giải quyết bao gồm bế tắc trong đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), khả năng đối phó với sức mạnh của Trung Quốc của các nước thuộc ASEAN, và sự không thống nhất của ASEAN trong việc tìm giải pháp cho tranh chấp này.
Theo ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á của Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế tại Washington DC, những thảo luận để nhằm đạt được COC sẽ chiếm nhiều thời gian của thượng đỉnh lần này:
Theo tôi phần lớn các cuộc thảo luận với ASEAN sẽ là các hợp tác bao gồm cả hợp tác với Trung Quốc để tìm ra giải pháp nhằm đạt được bộ quy tắc về ứng xử đã được đàm phán  hơn 10 năm qua mà chưa đạt được bước tiến gì.
Trợ giúp của Hoa Kỳ đối với các nước thành viên ASEAN trong vấn đề an ninh biển cũng được cho là phần thảo luận quan trọng tại thượng đỉnh lần này. Theo chuyên gia Murray Hiebert, những trợ giúp này chính là những đề nghị mà Tổng thống Mỹ và Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra với ASEAN tại Kualar Lumpur, Malaysia vào năm ngoái.
Một trong những đề nghị mà Hoa Kỳ đã đưa ra cho ASEAN  mà đã được Tổng Thống Mỹ và Bộ trưởng Quốc PHòng Mỹ Carter nói đến cuối năm ngoái là Hoa Kỳ giúp cải thiện khả năng đối với các nước ở ASEAN liên quan đến Bộ Nhận thức về các vấn đề hàng hải. Họ có thể bàn về vấn đề này liên quan đến việc Hoa Kỳ trang bị rada, tàu cho lực lượng tuần duyên. Những trang bị này không chỉ nhằm đối phó với Trung Quốc mà còn giúp các nước ASEAN trong việc đối phó với cướp biển.
Chuyên gia Hiebert hy vọng Tổng thống Obama sẽ làm rõ chi tiết về sáng kiến an  ninh biển Đông Nam Á trị giá khoảng 250 triệu đô la mà Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter công bố lần đầu tiên tại đối thoại Shangri-la ở  Singapore hồi tháng 5 năm ngoái, trong nỗ lực nhằm giúp tăng cường khả năng của hải quân và tuần duyên các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Indonesia.
Ảnh hưởng của Trung Quốc với ASEAN
Ảnh hưởng của Trung Quốc đến ASEAA, chia rẽ trong khối xung quanh những hành động của Trung Quốc, và cách thức giải quyết các xung đột với Trung Quốc được cho là một thách thức không nhỏ tại thượng đỉnh lần này.
Trong khi Việt Nam và Philippines là những nước lên tiếng mạnh mẽ nhất trước các hành động của Trung Quốc ở biển Đông, các nước có tranh chấp khác thuộc ASEAN như Malaysia và Brunei dường như ít có hoặc không có những phản ứng mạnh mẽ với Trung Quốc.
Trước thượng đỉnh, trong chuyến công du châu Á vào cuối tháng 1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhận được lời hứa từ lãnh đạo mới của Lào, nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay, rằng nước này phản đối những hành động quân sự hóa khu vực biển Đông. Tuy nhiên Thủ tướng Campuchia, Hun Sen, hôm 5 tháng 2 vừa qua đã lên tiếng khẳng định lập trường một lần nữa của Campuchia cho rằng vấn đề tranh chấp ở biển Đông phải được giải quyết song phương giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp vì ASEAN không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Campuchia là nước được cho là ngả về phía Trung Quốc. Hồi năm 2012 khi Campuchia là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, khối này đã không thể đưa ra một tuyên bố chung về vấn đề biển Đông có liên quan đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ khẳng định nước này sẽ tiếp tục chính sách hỗ trợ và tôn trọng sự độc lập của ASEAN thay vì can thiệp trực tiếp. Trợ lý ngoại trưởng Daniel Russel phát biểu tại họp báo hôm 10 tháng 2
Chính sách của Hoa Kỳ là hỗ trợ và khuyến khích sự đoàn kết, hiệu quả của ASEAN.
Không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng ông Daniel Russel tự tin cho rằng vì ASEAN đã vượt qua những khác biệt để làm việc cùng nhau nên nhữn nỗ lực từ bên ngoài nhằm chia rẽ và suy yếu ASEAN cuối cùng sẽ thất bại.

No comments:

Post a Comment