Liệu NATO sẽ rơi vào vũng lầy Syria ?
Chiến binh thuộc lực lượng nổi dậy ôn hòa tại một vùng vừa chiếm được từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo ngày 17/02/2016.Reuters
Nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, lòng can đảm của Y sĩ Thế giới trước thái độ thâm độc của Bachar al Assad, chống khủng bố FBI đụng Apple, kinh tế thế giới mong manh, giới lãnh đạo chính trị bất lực là những chủ đề chính hôm nay.
Trong khi Le Monde tập trung vào sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ « cáo buộc » đảng Kurdistan PKK là thủ phạm khủng bố giết chết 28 quân nhân và nhân viên dân sự Thổ Nhĩ Kỳ, thì Libération khẳng định đây là « diễn biến mới » trong cuộc chiến tại Syria, lôi kéo khu vực vào tranh chấp địa chính trị trong bối cảnh xung khắc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Trong bài phân tích, nhật báo cánh tả Pháp nghiên theo chiều hướng « lửa khói ». Sự kiện thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định có sự hợp tác giữa PKK và người Kurdistan- Syria bị xem là hành động của Ankara chuẩn bị dư luận để can thiệp mạnh hơn vào Syria, để Alep không rơi vào tay quân đội Damas. Theo Libération, tình hình có dấu hiệu bốc lửa, vì hôm qua 18/02, Ankara cho phép 500 chiến binh Syria chống Nga và Damas từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Syria tăng viện cho thành phố Azaz, chốt phòng thủ bảo vệ Alep, thủ đô kinh tế của Syria đang bị quân đội Damas, được không quân Nga oanh kích yểm trợ, bao vây.
Liệu tình hình này sẽ dẫn đến xung đột võ trang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ? Theo Libération, xác xuất chiến tranh rất lớn. Một phần, vì tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và tổng thống Nga Putin có « cá tính độc đoán và hoang tưởng » như hai anh em sinh đôi. Ankara xem Nga là « hèn hạ » và dân quân Kurdistan-Syria, tuy do Mỹ hậu thuẩn, đã biến thành « quân cờ thí » của Matxcơva.
Sự kiện Nga đưa tên lửa S-400 vào khu vực khiến kế hoạch lập vùng cấm bay ở phía nam biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ người tị nạn và lực lượng đối lập Syria không thực hiện được. Theo giới chuyên gia được Libération trích dẫn, thì trong cuộc đọ sức này với Nga, một sơ suất nhỏ có thể biến chiến tranh lạnh thành chiến tranh nóng. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không hành động một mình mà sẽ vận động liên minh NATO.
Không cùng quan điểm với Libération, nhật báo Công giáo La Croix phỏng vấn một chuyên gia thế giới Hồi giáo Gilles Chenève. Nhà phân tích này cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ « can thiệp giới hạn » vào Syria, nguy cơ leo thang chiến tranh có thật, nhưng Ankara và Matxcơva sẽ không có lợi gì khi trực diện đánh nhau. Đồng minh của mỗi bên sẽ tìm cách can thiệp để xuống thang xung đột.
Trong khi đó, nhật báo kinh tế Les Echos nhìn về hướng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bài « NATO trong cái bẩy Syria », Les Echos phân tích thế tiến thoái lưỡng nan của NATO, nếu chiến tranh Nga-Thổ xảy ra. Nhảy vào vòng chiến hay đứng ngoài với hệ quả uy tín sụp đổ ?
Ván bài thấu cáy của Putin
Trong cuộc khủng hoảng này, tổng thống Putin tỏ ra là một tay đánh phé đại tài. Khi chỉ tập trung oanh kích tiêu diệt đối lập võ trang nhưng để yên cho thánh chiến, âm mưu của Nga là đặt Tây phương trước chuyện đã rồi : hoặc chọn Daech, hoặc chọn Bachar al Assad.
Ngược lại, Mỹ chỉ lo diệt Daech ở Irak hơn là bảo vệ đối lập Syria. Khi Barack Obama lo « chuyển trục » về châu Á thì dường như ông quên hai mối hiểm nguy. Một là chiến lược của trục Matxcơva-Teheran-Damas tập trung tiêu diệt đối lập Syria, không phải là thánh chiến khủng bố, do Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Xê Út và Tây phương ủng hộ. Hậu quả là không ít chiến binh đối lập vì tuyệt vọng sẽ chạy theo Daech.
Trên chiến trường giờ đây không còn phe nào là « ôn hoà » cả . Mặt khác, chiến lược « tiêu thổ » của không quân Nga, kể cả ném bom bệnh viện, là nhằm mục đích tạo ra làn sóng tị nạn khuynh đảo các nước châu Âu. Nguy hiểm thứ hai là, cho dù bị Washington lên án, Ankara vẫn pháo kích lực lượng dân quân Kurdistan-Syria và có khả năng sẽ can thiệp trên bộ, không để cho thành phố Azaz thất thủ.
Như thế khó tránh đụng độ trực tiếp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Thế mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO và tổ chức bị trói buộc theo tinh thần liên đới và lời thề của « ngự lâm pháo thủ » : mỗi người vì tất cả, tất cả vì một người. Theo Les Echos, chỉ tưởng tượng 28 thành viên NATO lao vào cuộc chiến thì cũng đủ lạnh người, như thủ tướng Nga cảnh báo « thế chiến thứ ba » sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, kịch bản tồi tệ nhất này sẽ khó mà xẩy ra vì hai lý do : một là Nga ý thức Thổ Nhĩ Kỳ không phải là Ukraina. Với 420.000 quân và 5.000 xe tăng , quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đứng hàng thứ hai trong NATO , là đối thủ không dễ ăn hiếp.
Thứ hai, Nga cũng như NATO, mỗi bên đều biết là cần tránh đụng độ với một siêu cường hạt nhân.
Thứ hai, Nga cũng như NATO, mỗi bên đều biết là cần tránh đụng độ với một siêu cường hạt nhân.
Thế nhưng, trong lịch sử không thiếu những cuộc chiến tranh vì tính toán sai lầm hay do bất cẩn. Vladimir Putin có thể lấy một cớ nào đó để tấn công, có hạn chế, vào Thổ Nhĩ Kỳ để làm nhục NATO. Trong trường hợp này NATO phải đối đầu với một bài toàn nan giải: Can thiệp bảo vệ Ankara thì đưa đến chiến tranh toàn diện, còn từ chối can thiệp thì uy tín tiêu tan.
Thật ra, theo nhà nghiên cứu chiến lược Bruno Tertrais thì NATO không bắt buộc phải tham chiến trực tiếp mà chỉ cần yểm trợ hết mình cho đồng minh, từ vũ khí đến tình báo, là đúng theo quy định của điều 5 trong hiến chương.
Obama bị Iran đánh lừa trong hồ sơ hạt nhân?
Dường như để trả lời câu hỏi này, Le Monde giới thiệu đọan phim tài liệu về « bom » Nitro Zeus của Alex Gibnay « Zero Days ».
Lầu Năm góc, Nhà Trắng và Nha Tình báo Mỹ xác nhận các nét chính : Dưới mật mã « Nitro Zeus », Washington chuẩn bị một cuộc chiến tranh quân sự chưa từng thấy, bằng điện toán, tấn công vào Iran, nếu đàm phán chấm dứt chương trình hạt nhân quân sự của Iran thất bại. Toàn bộ hệ thống điện, phòng không, viễn thông, nhà máy sẽ bị tê liệt.
Sau chiến dịch mang tên « Thế vận hội » sử dụng virus tin học Stuxnet trong làm hỏng nhà máy ly tâm Nantaz, và trong bối cảnh Israel de dọa oanh kích Iran, quân đội Mỹ tìm một vũ khí mới cho tổng thống Obama thay thế bom và hỏa tiển : Nitro Zeus ra đời, nhưng cuối cùng không được sử dụng và Teheran đồng ý ký hiệp định hạt nhân.
Theo các tướng lãnh Mỹ, chiến tranh trong thế kỷ 21 sẽ là chiến tranh điện toán, phản tuyên truyền, khống chế truyền thông và vô hiệu hóa vũ khí đối phương đều qua điện toán.
Theo các tướng lãnh Mỹ, chiến tranh trong thế kỷ 21 sẽ là chiến tranh điện toán, phản tuyên truyền, khống chế truyền thông và vô hiệu hóa vũ khí đối phương đều qua điện toán.
Thế nhưng vì sao trong cuộc chiến chống thánh chiến Daech hiện nay Hoa Kỳ chưa sử dụng ?
Theo Le Monde, lý do sâu xa là không ai biết rõ một khi phát động chiến tranh tin học thì hệ quả ra sau và làm cách nào ngưng chiến. Một số chuyên gia trong bộ ngoại giao Mỹ nêu lên hậu quả khó lường cho thường dân, khi hệ thống điện lực bị tê liệt. Thứ hai là hiện nay chưa có quy ước quốc tế về vũ khí tin học, như lần đầu tiên khi chế được bom nguyên tử vào năm 1945. Trên thế giới có hàng ngàn người tự cho mình có quyền tấn công ai cũng được kể cả vào nước Mỹ. Đó là lý do làm Hoa Kỳ thận trọng, có vũ khí nhưng không sử dụng.
Chống khủng bố: An ninh Mỹ gặp cản lực ngay từ dân Mỹ
FBI và NSA tấn công Apple, tựa của Le Figaro. Vụ khủng bố 13/11/2015 tại Paris có thể tránh được, nếu các cơ quan tình báo không bị « mật mã » của Apple cản trở. Libération, đưa lên trang nhất : Đụng độ giữa FBI và Apple. Tập đoàn điện toán Mỹ từ chối giúp chính quyền Mỹ tiếp cận thông tin của khủng bố, vì không tin vào thiện chí của FBI và e ngại sẽ đưa đến chuyện xâm phạm quyền tự do thông tin của người dân.
Giữa sinh mạng của con người và quyền tự do, phải chọn giải pháp nào cho hài hòa ?, Libération đặt vấn đề. Le Figaro không cho ý kiến nhưng mượn lời của hai Thuợng nghị sĩ Mỹ kêu gọi Quốc hội soạn luật mới, buộc các công ty công nghệ phải trao chìa khóa giải mật cho an ninh quốc gia khi cấn thiết. Nói cách khác, an ninh của công dân Mỹ phải được đặt lên trên hết.
Để kết thúc phần « chiến tranh » trên báo Pháp hôm nay, không thể bỏ qua bài xã luận của Le Monde : Lòng dũng cảm của Y Sĩ Thế Giới và thái độ thâm hiểm của tổng thống Syria
Vụ Syria phóng 4 tên lửa tiêu hủy một bệnh viện do Tổ chức Y Tế Thế Giới hỗ trợ hôm 15/02 là một trường hợp mới nói lên sự thâm hiểm của lãnh đạo Syria. Chủ tịch Y Sĩ Thế Giới, Mego Terzian khi trả lời phỏng vấn của Le Monde nhắc lại : chiến tranh cũng có nguyên tắc phải tôn trọng. Một trong những nguyên tắc đó là không tấn công bệnh viện. Thế nhưng, quân đội Syria bất chấp. Trong số 17 nhà thương bị oanh tạc, bệnh viện Maaret Al Nouman là bệnh viện thứ năm do Y Sĩ Thế Giới hỗ trợ bị trúng bom.
Tổng thống Mỹ Obama đã nhìn nhận lổi lầm của quân đội Mỹ tại Afghanistan khi một bệnh viện của Y Sĩ Không Biên Giới bị oanh kích. Ông đã xin lổi và ra lệnh điều tra. Trái lại, Nga và Syria không một lời hối tiếc, mà còn đổ trách nhiệm cho liên quân Tây phương một cách phi lý : bệnh viện ở trong vùng do phe nổi dậy kiểm soát. Theo Le Monde, thái độ này không thể chấp nhận được.
Nga và quân đội Syria oanh kích ồ ạt với mục tiêu duy nhất là làm cho dân chạy tị nạn càng đông càng có lợi cho chiến lược của Nga. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đã gọi vụ này « là tội ác chiến tranh », nhưng Le Monde đòi hỏi phải có hành động cụ thể : Liên Hiệp Quốc phải điều tra và trừng trị thủ phạm.
Trên trang kinh tế, Les Echos cảnh báo : tình trạng kinh tế thế giới rất mong manh. Tăng trưởng các nước giàu lại giảm. La Croix, qua một kết quả thăm dò ý kiếnbáo động đa số người dân Pháp, 71%, cảm thấy bất công xã hội gia tăng. Ba thành phần xã hội được xem là lãnh lương quá cao so với công lao đóng góp là giới vận động viên thể thao, lãnh đạo xí nghiệp và phi công hàng không dân dụng. Điều đáng lo hơn cả là ngay trong giới nghèo cũng có khác biệt : khác biệt giữa những người được trợ cấp xã hội và những người không. Vấn đề là người dân không tin vào các chính trị gia có khả năng cải thiện tình hình.
Phụ nữ Pháp sống lâu hơn đàn ông
Tuy nhiên, tạo hóa đã bù lấp một phần bất công này qua tuổi thọ. Le Figaro và Les Echos cho biết : nữ công nhân lao động sống lâu hơn nam cán bộ điều hành xí nghiệp một năm, có lẽ đó là do nữ nhân công ít dùng rượu.
Nếu xét tuổi thọ qua yếu tố bằng cấp thì nam công nhân mất sớm hơn người cùng giới tính nhưng có bằng cấp 7,5 tuổi. Khoảng cách này trong nữ giới là 4,2 năm. Giữa người đàn ông và đàn bà cùng có bằng đại học thì phụ nữ sống lâu hơn nam giới 4 năm. Trong điều kiện học thức và nghề nghiệp như nhau, phụ nữ Pháp thọ hơn đàn ông. Đó là kết quả thống kê của Viện thống kê quốc gia Pháp .
No comments:
Post a Comment