Trung Quốc quân sự hóa Hoàng Sa : Việt Nam phản đối tại Liên Hiệp Quốc
Ảnh vệ tinh chụp những hoạt động của Trung Quốc quân sự hóa đảo Phú Lâm, Hoàng Sa.Reuters
Sau các thông tin mới nhất về các hành động quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc tiến hành, mọi người đang chờ đợi xem Việt Nam - nước có tranh chấp chủ quyền tại vùng này - phản ứng ra sao. Vào hôm nay, bộ Ngoại Giao Việt Nam chính thức cho biết đã cực lực phản đối Trung Quốc thông qua hai kênh : trực tiếp gởi công hàm cho Trung Quốc, và đặc biệt là yêu cầu Liên Hiệp Quốc phổ biến công hàm phản đối nói trên.
Trang web bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm nay đăng tuyên bố của phát ngôn bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình phản đối Trung Quốc về hai sự kiện : Xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa (Duncan Island) và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm (Woody Island) đều nằm trong vùng quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, nhưng bị Trung Quốc chiếm trọn bằng vũ lực vào năm 1974.
Theo ông Lê Hải Bình, “ Việt Nam hết sức quan ngại về các hành động… xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam…, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông ”, và yêu cầu Trung Quốc “ chấm dứt ngay các hành động sai trái đó ”.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết thêm là hôm nay, 19/02/2016, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối, đồng thời phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã có công hàm gửi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, yêu cầu cho chính thức lưu hành công hàm phản đối Trung Quốc của Việt Nam.
Việc yêu cầu Liên Hiệp Quốc cho lưu hành công hàm nói trên tương đương với việc công khai phản đối các hành động của Bắc Kinh trước quốc tế.
Hành động phản đối cứng rắn của Việt Nam nằm trong một loạt động thái nhắm vào Trung Quốc trong những ngày gần đây, từ việc để yên cho biểu tình chống Bắc Kinh trên quy mô nhỏ tại Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh hôm 17/02 nhân hai dịp kỷ niêm : cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược vào năm 1979, và sự kiện Trung Quốc chiếm trọn Hoàng Sa năm 1974.
Hãng Reuters cũng ghi nhận là trước đó, nhân cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Sunnylands (California-Hoa Kỳ), thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Hoa Kỳ có những " hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn » nhằm chống lại việc quân sự hóa và « xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn "tại Biển Đông.
No comments:
Post a Comment