Monday, April 25, 2016

Bắc Triều Tiên : Sụp đổ hay biến đổi theo kiểu Trung Quốc ?

Bắc Triều Tiên : Sụp đổ hay biến đổi theo kiểu Trung Quốc ?

mediaNgười biểu tình phản đối chế độ Bình Nhưỡng tại Seoul đốt hình gia đình nhà họ Kim : Kim Nhật Thành (phải), Kim Jong-il (giữa) và Kim Jong-il, 27/07/2013.REUTERS/Kim Hong-Ji
Vào lúc Bắc Triều Tiên chuẩn bị cho đại hội của đảng Lao Động cầm quyền, lần đầu tiên kể từ 36 năm nay, nhật báo Le Monde giới thiệu cuốn sách « Bắc Triều Tiên. Một nhà nước du kích đang trên đường thay đổi » ra mắt hôm nay, 22/04/2016. Cuốn sách của nhà báo Philippe Pons là một bức tranh thu nhỏ về những chuyển biến của quốc gia được coi là khép kín nhất hành tinh trong 4 năm cầm quyền của Kim Jong-un.
Bài giới thiệu các trích đoạn của cuốn sách mới (dài 720 trang), điểm lại quá trình chiếm lĩnh quyền lực của lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, qua bảy tiêu đề : « Giết chú dượng », « Chính sách kinh tế thực dụng », « Thái độ trâng tráo và sự suy tàn của ý thức hệ », « Những khát vọng của ‘‘thế hệ thị trường’’ », « Một chế độ luôn bị cô lập », « Cách mạng hay tiến hóa ? » và « Sự chuyển đổi theo mô hình Trung Quốc ».
Nhà báo Pháp nhấn mạnh : trong năm 2013, Kim Jong-un đã chuyển hóa rất mau lẹ, « từ chỗ là một người kế thừa quyền lực với vẻ ngoài vui ngộ nghĩnh », « thành một thủ lĩnh chiến tranh, rồi một nhà độc tài tàn bạo », với việc thanh trừng hàng loạt đệ tử của người cha mới mất, và cả người chú dượng, được coi là nhân vật số hai của chế độ. Cách thức thanh trừng của Kim Jong-un cũng hoàn toàn khác so với truyền thống bí mật của chế độ, cho đến lúc đó : Hình ảnh của vụ phế truất được loan tải trên truyền hình, và chỉ ít ngày sau đương sự đã bị hành quyết trước sự chứng kiến của nhiều cán bộ của đảng.
Tàn bạo với các đối thủ chính trị, nắm quyền lực tuyệt đối, Kim Jong-un cũng đồng thời thúc đẩy việc mở cửa kinh tế nhưng vẫn giữ nguyên đường lối ý thức hệ cứng rắn. Bắc Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un gia tốc chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân. Sau vụ thử thứ ba, tháng 2/2013, Bình Nhưỡng tuyên bố kể từ giờ Bắc Triều Tiên trở thành « cường quốc hạt nhân ».
Theo Philippe Pons, cho dù mở cửa kinh tế, chế độ Bắc Triều Tiên vẫn không thoát khỏi tình trạng trì trệ, và cuộc sống của đa số dân chúng không hề khá hơn trước. Khoảng cách giữa một thiểu số « kiếm được tiền » và phần còn lại khiến nỗi phẫn nộ xã hội ngày càng phổ biến. Cùng lúc đó thái độ thực dụng ngày càng bành trướng khiến ý thức hệ toàn trị truyền thống mất đi rất nhiều ảnh hưởng.
Hệ thống kiểm soát của đảng Lao Động Bắc Triều Tiên ngày càng mất hiệu lực : lần đầu tiên kể từ hàng chục năm sống dưới chế độ độc đảng, người dân ở dưới đáy xã hội có thể đối chiếu hoàn cảnh của họ với cuộc sống của những tầng lớp khác, để nhận ra sự giả trá của các luận điệu tuyên truyền.
Ảnh hưởng trong nước bị thu hẹp, bên ngoài bị cô lập hơn bao giờ hết, vì tham vọng hạt nhân, theo Philippe Pons, chế độ cộng sản Bắc Triều Tiên đối diện với khả năng bị lật đổ, với ba kịch bản : do cuộc nổi dậy của dân chúng, do cuộc chiến trong giới cầm quyền, hoặc do can thiệp quân sự từ bên ngoài. Trong ba kịch bản này, cuộc chiến tranh giành quyền lực trong nội bộ được coi là có xác suất cao nhất.
Một khả năng được coi là gần thực tế hơn, đó là sự chuyển đổi của Bắc Triều Tiên thành một chế độ mở cửa cho thị trường, nhưng vẫn duy trì nền độc tài. Theo tác giả, khả năng chuyển đổi này không phải là không thể, nếu đứng từ lập trường chính thống hiện nay của Bắc Triều Tiên, mang tên tư tưởng « Juch ». Tư tưởng chính thống « Juch » của đảng Lao Động Bắc Triều Tiên, sử dụng nhiều yếu tố của học thuyết cộng sản, nhưng hướng về mục tiêu khẳng định một nhà nước dân tộc. (Người sáng lập tư tưởng Juch, nguyên chủ tịch Quốc Hội Bắc Triều Tiên Hwang Jang-yop, đã đào tị sang Hàn Quốc năm 1997 -  người viết). Tư tưởng Juch cho phép chế độ độc tài Bắc Triều Tiên chuyển đổi theo mô hình Trung Quốc, mà vẫn tự coi trung thành với di sản cộng sản.
Đối lập chính trị Nga với « Khát vọng cách mạng »
Vẫn về sách, nhưng liên quan đến nước Nga, phụ trương Le Monde giới thiệu ba cuốn mới ra về chủ đề đối lập Nga đối diện với chế độ độc đoán của tổng thống Putin. Cuốn đáng chú ý nhất là « Khát vọng cách mạng », mà tác giả là Nadejda Tolokonnikova, một ca sĩ của nhóm nhạc phản kháng Pussy Riot. Theo Le Monde, kể từ sau khi ra tù năm 2013, các ca sĩ Pussy Riot tiếp tục bị bắt và hành hung nhiều lần.
Hai cuốn khác mà Le Monde đề nghị với bạn đọc là « Những nhà ly khai mới » của nhà báo Pháp Michel Eltchaninoff, tổng biên tập Tạp chí Triết học/Philosophie Magazine, và « Đối lập tại nước Nga của Putin » của Françoise Daucé, một chuyên gia về xã hội dân sự Nga. Theo nhà nghiên cứu, đối lập tại Nga, bị cấm xuống đường, chỉ còn con đường duy nhất là bày tỏ quan điểm qua mạng xã hội.
Trung Quốc : Khi Tập Cận Bình mặc áo lính... 
Nhìn sang Trung Quốc, Le Figaro và Les Echos chú ý đến sự kiện lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trực tiếp nắm quyền chỉ huy quân đội. Les Echos, bên dưới hình ảnh người dân Anh mừng nữ hoàng Elisabeth II 90 tuổi trong không khí lễ hội, là bài « Tập Cận Bình chính thức nắm quyền tổng tư lệnh quân đội, tập trung toàn bộ quyền lực, giống như Mao và Đặng trước đây».
Le Figaro đăng bức hình Tập Cận Bình trong bộ quân phục biệt kích, ngồi giữa các quân nhân tại trung tâm chỉ huy tại Bắc Kinh. Hình ảnh « tổng tư lệnh » vận binh phục, không quân hàm, không phù hiệu đã được truyền thông Nhà nước Trung Quốc loan tải. Trong buổi lễ chính thức ra mắt, chủ tịch Trung Quốc yêu cầu quân đội phải « tuyệt đối trung thành ».
Đe dọa từ Trung Quốc : Phim « 10 năm » đánh động dân Hồng Kông
Cũng về Trung Quốc, Le Figaro có bài « Giới trẻ Hồng Kông ước mơ độc lập », giới thiệu buổi công chiếu bộ phim 10 năm tại khoảng 30 rạp phim Hồng Kông. « 10 năm » đưa khán giả đến với tương lai giả tưởng năm 2025. Một sinh viên trong khi chờ đợi xem phim tâm sự, phim 10 năm cho thấy cần phải đấu tranh trước khi Hồng Kông hoàn toàn bị đảng Cộng Sản nuốt gọn, 10 năm nữa là quá muộn.
Le Figaro dẫn một điều tra dư luận, theo đó 75% giới trẻ Hồng Kông, trong độ tuổi 18-29, không tin vào Bắc Kinh, ngược hẳn với lứa tuổi hơn 50, chỉ có 32%.
Phim "10 năm", gồm 5 phim ngắn do các đạo diễn trẻ thực hiện, được vinh danh là bộ phim hay nhất trong năm. Lo sợ trước ảnh hưởng của phim, truyền hình Nhà nước Trung Quốc đã không tường thuật lễ trao giải năm nay.
Trước nguy cơ Trung Quốc, hàng loạt đảng phái chính trị của xã hội Hồng Kông đã ra đời. Vào tuần trước, nhà lãnh đạo phong trào sinh viên Hoàng Chi Phong, nổi tiếng với phong trào Ô/Dù Vàng năm 2014, đã khởi động đảng đòi quyền tự quyết cho Hồng Kông, mang tên « Demosisto » (tên gọi nói trên là kết hợp hai từ gốc Hy Lạp và Latinh, "Demo" và "Sisto", tạm dịch là "Nhân dân đứng dậy").
Thỏa thuận COP 21 đạt kỷ lục về số nước ký kết
Về thời sự quốc tế, tiêu điểm chú ý của báo Pháp hôm nay là sự kiện đại diện của hơn 160 quốc gia, trong đó có nguyên thủ của hơn 60 nước, tề tựu về New York để chính thức ký kết Thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu (được thông qua hồi cuối năm ngoái tại Paris, trong khuôn khổ COP 21). Le Figaro, nhận xét, hơn 160 quốc gia tham dự lễ ký kết là một kỷ lục, bởi thỏa thuận đông đại diện nhất trước đó là vào năm 1982, khi 119 quốc gia ký Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS).
Theo Libération, nghi thức này sẽ « tạo một lực đẩy quan trọng cho quá trình Quốc hội các nước phê chuẩn tiếp theo ». Để có hiệu lực, Thỏa thuận sẽ phải được tối thiểu 55 quốc gia, với tổng lượng phát khí 55% toàn cầu, phê chuẩn. Vẫn theo Le Figaro, đáng chú ý nhất là sự tham gia tích cực của Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia chịu trách nhiệm tổng cộng 38% tổng lượng khí thải. Chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng phê chuẩn mà không cần qua Quốc Hội, do đối lập Cộng Hòa kiểm soát, và một khi đã ký, cam kết sẽ có giá trị trong 4 năm, ngay cả khi có sự phản đối của Tòa Án Tối Cao. Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể sẽ phối hợp cùng phê chuẩn Thỏa thuận.
Le Figaro nhận xét, có một nghịch lý là, Thỏa thuận về Khí hậu có thể sẽ chính thức có hiệu lực mà không cần chữ ký của Liên Hiệp Châu Âu, cho dù Thỏa thuận này được ký kết tại châu Âu, bởi Liên Hiệp Châu Âu phải mất hai năm mới có thể tìm được đồng thuận giữa 28 quốc gia, về cam kết giảm thêm khí thải, bởi áp lực từ một số quốc gia sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch, như Ba Lan.
Khí hậu : Quốc tế tiến tới, bất chấp nguy cơ châu Âu chững lại
Báo Les Echos than phiền : « Châu Âu có thể sẽ tụt hậu trong việc thực thi COP 21 », cho dù châu Âu đã từng đi đầu trong các vận động quốc tế chống biến đổi khí hậu kể từ Hiệp định Kyoto 1997.
Tuy nhiên, vẫn theo Les Echos, việc Liên Hiệp Châu Âu chậm tìm được đồng thuận mới không ngăn cản được đà tiến tới của cộng đồng quốc tế : « nhiều quốc gia phát triển, như Canada, và nhiều quốc gia trỗi dậy như Mêhicô, Brazil và Nam Phi muốn khẩn trương hơn. Nước Nga dường như cũng ra khỏi lập trường dè dặt lâu nay »…
Nhật báo kinh tế Pháp dự đoán, rất có thể tới đầu năm tới, Thỏa thuận Khí hậu Paris sẽ chính thức có hiệu lực.
Năng lượng sạch tăng, nhưng « trống đánh xuôi, kèn thổi ngược »
Nhân sự kiện này, Libération có bài tổng hợp về « 5 tin tốt và 5 tin xấu » đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Một trong những tin vui được Libération nhấn mạnh là sự tăng trưởng nhanh chóng của các năng lượng tái tạo trong năm 2015, với tỉ lệ 8,3% (tương đương với công suất 153 GW mới được lắp đặt), mức tăng cao nhất từ trước đến nay, bất chấp bối cảnh giá xăng, dầu tụt xuống rất thấp, đặc biệt nhờ điện mặt trời và điện gió (giá điện gió giảm 45% từ 2010) . Ông Pierre Canfin, tổng giám đốc Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên chi nhánh Pháp (WWF France), nhấn mạnh : năng lượng tái tạo chiếm đến 90% tổng công suất lắp đặt mới, so với mức 50% năm 2013. Theo ông, chính quá trình chuẩn bị cho COP 21 đã tạo nên những thay đổi trong nhận thức.
Về phía tin xấu, Libération đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Vào lúc Thỏa thuận được thông qua tại Paris, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO/OMC) vừa phá tan nỗ lực của Ấn Độ trợ giá cho các năng lượng tái tạo, với lý do « có lợi cho các doanh nghiệp địa phương, hơn là các công ty đa quốc gia ».
Trái đất bị hâm nóng : Tác hại nghiêm trọng hơn dự báo
Về chủ đề này, nhật báo Công Giáo La Croix nhấn mạnh đến một tin xấu khác dưới hàng tít châm biếm « Các nhà khí hậu học phạm tội…. đã quá lạc quan ». Theo chuyên gia hàng đầu về đa dạng sinh thái, ông Gille Bœuf, những kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy các dự báo khoa học về tác hại của biến đổi khí hậu vẫn còn thấp hơn nhiều trong kịch bản tồi tệ nhất, trái ngược với những quan điểm cho rằng giới khoa học đã thổi phồng các tác hại.
Một trong các ví dụ là, nghiên cứu của các nhà khí hậu học Đại học California và Yale (Connecticut), được công bố tháng 4/2016, cho thấy trước đó người ta đã phóng đại tác dụng che đỡ ánh sáng mặt trời của các tầng mây. Nếu tính lại, nhiệt độ thực tế có thể sẽ phải tăng lên từ 25% đến 30%. Trong khi đó, vào tháng 4/2016, bề mặt của băng đảo Groenland đã giảm tới 12% diện tích, một diễn biến được coi là bất ngờ, vì sớm hơn một tháng so với những năm nóng cao điểm (2010, 2006, 1990). Một chuyên gia của Phòng thí nghiệm về các khoa học khí hậu và môi trường Pháp LSCE lưu ý một tâm lý phổ biến lâu nay là « có một kiểu đồng thuận được chia sẻ nhiều trong giới khoa học, đó là thực tế sẽ không thể tồi tệ hơn kịch bản tồi tệ nhất. Điều này hiện nay tỏ rõ là sai lầm ».
Dù sao, theo nhà khí hậu học Hervé Le Treut, Thỏa thuận Paris cũng đã tiếp thu được các dự đoán chủ yếu mà giới nhà khoa học báo động từ lâu và đã rút ra kết luận là nhân loại phải đi đến một nền kinh tế « không các-bon » vào cuối thế kỷ này. Quyết tâm chung đó cho phép tất cả bắt tay vào hành động tìm giải pháp : Giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C có nghĩa là phải loại bỏ hoàn toàn các năng lượng hóa thạch kể từ 2050.
 
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment