Saturday, April 30, 2016

Và 41 năm sau...

Và 41 năm sau...

  • 30 tháng 4 2016
Image copyrightGetty
Image captionMột góc hào nhoáng của TP Hồ Chí Minh
Lại đến ngày 30/4, ngày mà nhiều người đã trải qua một phần đời trong chế độ Sài Gòn không muốn nhìn thấy pháo bông được bắn cuối ngày như một sự phồn vinh giả tạo.
Hẳn là bao nhiêu vấn nạn, bao nhiêu cảnh đời vẫn khốn khó không vì mươi phút đám đông nhìn tia pháo hoa lóe sáng trên bầu trời mà quên và khỏa lấp được.
Nhất là trong bối cảnh hàng vạn người dân miền Trung nay đang đau đáu không biết sinh kế của mình ngày mai ra sao sau vụ cá chết hàng loạt.
Hôm 29/4, một tổ chức phi lợi nhuận đã gửi thư thỉnh cầu Bí thư Đinh La Thăng dừng bắn pháo bông hôm 30/4 để lấy chi phí đó giúp những ngư dân bị ảnh hưởng.
Mỗi năm đến ngày 30/4, tôi lại bị ám ảnh bởi những câu hát trong ca khúc ‘Chiều Tây Đô’ (1984) của nhạc sĩ Lam Phương:
“Bao năm giải phóng như thế này phải không anh? Ngày xưa ta quen từng viên đá quanh sân trường. Nay nghe sao khác từ tên đường. Tàu đưa ta đi tàu sẽ đón ta hồi hương…”
Image copyrightGetty
Image captionMột Sài Gòn của ngày hôm qua vẫn còn trong ký ức của người thành phố hôm nay
Tại Việt Nam hôm nay, có buồn không khi rất nhiều người bàng quan với thời cuộc, né tránh hai từ ‘chính trị’ vì sợ rầy rà. Họ sợ cái mũ ‘phản động’ được dùng để ‘trùm’ lên những ai mấp mé có ý định hoặc hành động lên tiếng trước những bất công xã hội và phản kháng sự áp bức.
Vừa qua, một cô giáo ở tỉnh Hà Tĩnh, tâm điểm của vụ cá chết, sau khi được công an “nhắc nhở” đã phải gỡ bỏ bài thơ mang tính thời sự do cô sáng tác đang được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.
Nhưng bài thơ, ‘Đất nước mình ngộ quá phải không anh?”, vẫn đang lan truyền như một hồi chuông góp phần thức tỉnh nhiều người về vận mệnh của đất nước và vận mệnh của chính mình.
Vài hôm trước trên mạng xã hội đã xuất hiện lời kêu gọi mọi người xuống đường vì môi trường hôm 1/5. Theo đó, nếu ngại rầy rà khi xuống đường, người ta vẫn có thể ‘xuống đường’ tại nhà và truyền hình ảnh biểu thị qua mạng xã hội.

‘Đổ dầu vào lửa’

Hôm 29/4, đã có tin biểu tình ở tỉnh Quảng Bình. Ngòi nổ sẽ khó được tháo nếu chính quyền không có động thái làm rõ thủ phạm thật sự của thảm họa môi trường này, đồng thời trấn an lòng dân về sinh kế.
Những kiểu xử lý khủng hoảng như phát ngôn của vị thứ trưởng môi trường tại cuộc họp báo ngắn ngủi hôm 27/4 có nguy cơ ‘đổ dầu vào lửa’ trong bối cảnh dân trí thời internet và mạng xã hội đã khác trước.
41 năm sau ngày 30/4, bây giờ người dân có chọn lựa nên đặt niềm tin và ước vọng vào đâu.
Đã có không ít người có điều kiện tài chính chọn lựa đưa cả gia đình đi định cư ở nước ngoài, hy vọng làm thế sẽ đảm bảo tương lai an toàn cho con cái.
Lại cũng có những người trẻ chọn con đường thành nhà hoạt động chính trị. Họ cho rằng nếu không lên tiếng, hành động vì chính mình và người thân bây giờ, ai sẽ làm thay họ đây?
Image copyrightYouTube
Image captionVụ cá chết hàng loạt khiến người dân miền Trung đau khổ
41 năm đi qua, không thể phủ nhận Việt Nam, từ một nước bước ra khỏi cuộc chiến và nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, đã đạt nhiều thành tựu, giàu có hơn. Tỷ lệ nghèo cùng cực từ 60% thập niên 1990 đã xuống dưới 3% vào năm 2016.
Nhưng vì sao trong lòng nhiều người Sài Gòn vẫn còn đó một câu hỏi khắc khoải: ‘Bao giờ cho đến ngày xưa?’
Và ở tầm mức rộng hơn, trong lòng người dân Việt vẫn còn đó mong muốn về một xã hội công bằng, minh bạch, thượng tôn pháp luật.

Tin liên quan

No comments:

Post a Comment