Monday, April 25, 2016

Khi phụ nữ tập khí công

Khi phụ nữ tập khí công

Hạ Vũ, thông tín viên RFA
2016-04-24
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg6742734.jpg
Những người Việt theo Pháp Luân Công ngồi thiền trước đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội vào ngày 24 tháng 11 năm 2011. (minh họa)
 AFP PHOTO
Dành thời gian tập thể dục, không chỉ giúp phụ nữ rèn luyện sức khỏe mà còn tạo cho họ cơ hội cùng nhau tụ họp, tán chuyện và chia sẻ với nhau về cuộc sống. Trong những năm gần đây, tập aerobic ở công viên đã trở thành một hình thức sinh hoạt tập thể và rèn luyện sức khỏe được các bà nội trợ, buôn bán vặt ưa thích lựa chọn. Dân văn phòng và công sở, có điều kiện hơn về thời gian và tiền bạc, lựa chọn tập Yoga hoặc gym trong các trung tâm thể dục thẩm mỹ. Cũng có nhiều chị em tiểu thương tập thiền và các cụ bà lựa chọn thái cực quyền hoặc đi bộ để nâng cao sức khỏe.
Mỗi ngày, vào sáng sớm hoặc sau giờ tan sở, khắp các công viên, vườn hoa hay các con phố nhỏ nhộn nhịp tiếng nói cười của các mẹ, các chị hòa trong tiếng nhạc nền thể dục, tạo nên một hình ảnh rất thân quen của Hà Nội.
Gần đây, một nhóm không nhỏ phụ nữ, chủ yếu là các bà chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, giới tri thức thường cùng nhau tập luyện môn khí công, một pháp môn tu luyện thượng thừa giúp nâng cao tâm tính và thể chất thông qua việc luyện tập các bài công pháp và tu dưỡng đạo đức con người.
Bộ môn này, được lan truyền một cách nhanh chóng trong giới Trung – Tiểu thương, đặc biệt là phụ nữ. Rất nhiều người trong số họ đã từ bỏ việc luyện tập các bộ môn thể dục thông thường như aerobic, yoga, gym để theo đuổi Khí công.
... nó vẫn là những thứ rất thiết thực cho cuộc sống để mọi người biết cách buông bỏ, biết cách giảm stress, biết cách tự nhận rõ vấn đề của mình...
- Hải Hà
Nguyên nhân vì sao?
Trong võ thuật cổ truyền đông phương, khí công còn được gọi là "nội công", một công phu tập luyện "tán tụ nội khí", triển khai tối đa sức mạnh thể chất lẫn tinh thần, để áp dụng vào kỹ thuật chiến đấu, cũng như gia tăng sức khỏe thân tâm.
Lịch sử của khí công bắt đầu từ trước thời đại của chữ viết, trong khoảng giữa của thời tiền sử, 500 năm trước Công nguyên. Cội nguồn của khí công ăn sâu trong huyền thoại và triết học phương Đông. Những cách chữa bệnh và chống stress này là những nét văn hóa rất phổ biến ở châu Á và được hệ thống hóa, nghiên cứu, phổ biến mạnh mẽ nhất ở Trung Quốc.
Y học cổ truyền Trung Hoa tập trung vào kinh mạch và tin rằng: sức khỏe thể chất liên quan đến sức khỏe tinh thần. Khí công tu luyện cả tâm lẫn thân, đồng thời nâng cao khả năng miễn dịch tự nhiên của thân thể. Cốt lõi của khí công là các giá trị Chân – Thiện và Nhẫn, cho rằng đó là những nguyên lý tối cao của vũ trụ và lấy đó để chỉ đạo cho cuộc sống hàng ngày và việc thực hành tu luyện.
Sự áp dụng khí công trong việc chữa bệnh cũng như chống stress đã dần dần chinh phục các nước Tây phương thực dụng vì người ta dần nhận ra rằng, tật bệnh và stress có thể chữa được bằng cách tạo lập sự an tĩnh trong tâm hồn.
Minh Hương, một nữ doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực giải trí và du lịch chia sẻ về lý do cô tham gia câu lạc bộ Khí công nữ Doanh nhân:
“Đợt này sức khỏe của em có vấn đề, yếu quá, nên em đi học. Với em muốn hướng đạo, hướng thiện. Em kiểu con buôn quá, gian dối, chộp giật quá nên bây giờ hướng thiện.”
Trong khi đó, Hải Hà, một nữ doanh nhân khác cũng kinh doanh cùng lĩnh vực với Hương, đã có thời gian sinh hoạt ở câu lạc bộ khí công này lâu hơn, cũng đã từ bỏ yoga và một số bộ môn thể dục khác để theo đuổi Khí công, chia sẻ:
Hợp mà. Em tập trung được và cảm thấy không phải vì phần pháp của thầy đâu mà thích cái phần động khi mình ngồi mình tập trung và người di chuyển. 2 tháng trước em tập, gần như em không phải đi massage. Tức là người không bị mỏi, bị cứng như bình thường mình không đi tập. Còn bây giờ hàng tuần gần như em đều phải đi massage, đi bấm huyệt để cho nó không bị mỏi, không bị đau. Nhưng mà tập khí công thì hồi đấy em tập hai tháng gần như không phải đi một ngày nào. Cảm giác được luôn đấy! Như kiểu tập thể dục.
Cái phần giảng pháp của thầy cũng phù hợp với mọi người.. Nhưng mà với em thì em cũng đọc nhiều, hết những cái đấy rồi và em cũng đang thực hành những cái thứ đó thì với em – tức là nói lại thì cũng không quá thú vị đến cái mức mà mình thích. Còn lại thì nó vẫn là những thứ rất thiết thực cho cuộc sống để mọi người biết cách buông bỏ, biết cách giảm stress, biết cách tự nhận rõ vấn đề của mình là cái gì thì cũng rất tốt. Em vẫn đang thực hành tất cả những điều như thế này. Chỉ có điều ngồi thiền cứng (như tập Yoga) thì em không ngồi được, em rất là vọng (không tập trung) nhưng riêng cái ngồi thiền động này thì em lại rất tập trung, em vào được ngay và em cảm giác (về các luồng khí) được luôn.”
Có thể nói, cũng giống như Pháp luân công, học viên tìm đến các lớp học Khí công với mong muốn giải tỏa stress, căng thẳng và tu tập các giá trị Chân – Thiện và Nhẫn. Tuy nhiên, sau đó, khi họ đã ngộ được và thực hành tốt những giá trị sống cơ bản của pháp môn tu luyện này, họ đồng thời cũng nhận được rất nhiều lợi ích về mặt sức khỏe của cơ thể.
000_Hkg5563506.jpg
Anh Vũ Đức Trung (ở giữa hàng đầu tiên), và Lê Văn Thành (ở giữa, hàng thứ hai), hai học viên Pháp Luân Công Việt hầu tòa tại Tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 10 tháng 11, 2011. AFP PHOTO.
Đặc biệt, khi giới doanh nhân vẫn được xem là “con buôn”, sẵn sàng “bán” tất cả vì đồng tiền ở Việt Nam tham gia thực hành tu tập tâm tính theo pháp môn này, cơ hội thay đổi đất nước thông qua các hoạt động khởi nghiệp, kinh doanh dựa trên hệ giá trị Chân – Thiện – Nhẫn sẽ được lan tỏa nhanh chóng.
Tuy nhiên, những học viên Pháp luân công đã bị đàn áp dã man suốt 16 năm qua tại Trung Quốc. Vào ngày 20/6/2015, Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã cho công bố kết luận điều tra: “Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự chỉ huy của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã giết trên 2 triệu học viên Pháp Luân Công để mổ sống lấy nội tạng.” Đây là một tội ác diệt chủng trên quy mô rộng lớn. Điều đáng nói là nó được nhà nước hậu thuẫn, và thế là cứ nghiễm nhiên tồn tại giữa thế kỷ 21.
Nguyên nhân của cuộc đàn áp kinh hoàng này nghe qua thì thấy quá đơn giản: đó là xuất phát từ lòng ghen tức đố kỵ do Pháp Luân Công phát triển với số người tin theo quá nhanh (trên 100 triệu người trong 4 năm), vượt xa số Đảng viên đảng Cộng sản TQ lúc bấy giờ; nhưng thực chất ẩn đằng sau đó còn là mối lo sợ hão huyền về sự không kiểm soát được của chính quyền.
Ở Việt Nam, trong hệ thống luật pháp không có quy định cấm thực hành Pháp luân công hay Khí công. Tuy nhiên, truyền thông rất lúng túng trong việc đưa tin về các hoạt động tập thể lành mạnh này. Thay vì vô tư giật các “tít” khôi hài về mô hình tập aerobic ở công viên của các bà nội trợ, hay quảng cáo rầm rộ cho các trung tâm gym, yoga lớn trên mọi phương tiện truyền thông, rất ít thông tin về việc tu luyện Khí công hay Pháp luân công ở Việt Nam.
Ngoài các thông tin hướng dẫn của các câu lạc bộ, viện thực hành Khí công/Pháp luân công, các thông tin tìm thấy ở các phương tiện truyền thông chính thống thường mâu thuẫn khi nói về tác dụng của Khí công/Pháp luân công cũng như các câu lạc bộ tu luyện những pháp môn này.
Hiện tại ở Việt Nam không có Pháp Luân Công. Hoạt động rèn luyện sức khỏe của người dân được tôn trọng trên cơ sở tuân thủ luật pháp Việt Nam.
- ông Lê Dũng, phát ngôn Bộ Ngoại giao VN 2009
Ví dụ, đài HTV9, từng có phóng sự về buổi luyện công của các học viên Pháp Luân Công tại công viên và đưa tin tốt đẹp về lợi ích của việc tập luyện này. Trong khi đó, ngày 7/12/2015, Đài Truyền hình HTV7 (cùng hệ thống) trong Chương trình 60s đưa tin về Pháp Luân Công và gọi đây là “tuyên truyền đạo trái phép”.
Năm 2009, trong một lần công khai nhắc đến Pháp Luân Công, ông Lê Dũng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam có nói rằng: “Hiện tại ở Việt Nam không có Pháp Luân Công. Hoạt động rèn luyện sức khỏe của người dân được tôn trọng trên cơ sở tuân thủ luật pháp Việt Nam.” Vấn đề chính ở chỗ, đây là câu trả lời của ông Lê Dũng về việc không lâu trước đó BBC vừa đăng một bài phỏng vấn các học viên Pháp Luân Công tại Việt Nam có bao gồm cả hình ảnh.
Cho thấy, sự lúng túng của chính quyền và truyền thông của chính quyền khi phải nương theo thái độ, chính sách của Trung Quốc trong vấn đề này.
Tuy nhiên, những giá trị căn bản của sự sống trên trái đất sẽ vẫn luôn trường tồn bất chấp mọi đàn áp, khủng bố. Chân – Thiện – Nhẫn không chỉ đem đến sự thoải mái trong tâm hồn con người, giải tỏa stress mà sau đó còn mang đến sức khỏe dẻo dai, sự trị liệu cho các vấn đề tật bệnh của con người, tạo nên những con người khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần chính là chiến lược trồng người mà mỗi người Việt Nam, tiên phong là phụ nữ, sẽ tự lựa chọn lấy cho mình, bất chấp các nguy cơ cấm đoán từ chính quyền.
Mọi ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ email: havu082008@gmail.com.

No comments:

Post a Comment