Trung Quốc đưa tàu cá vào vịnh Bắc Bộ: Chiến lược mới
(Tình hình Biển Đông - Vấn đề Biển Đông) - Trung Quốc tiếp tục thực hiện chiến lược quân sự hóa hoạt động dân sự khi đưa nhiều tàu cá vào cửa vịnh Bắc Bộ để khai thác hải sản.
Chiến lược quân sự hóa hoạt động dân sự
Chiều 20/4, Cục Kiểm ngư Việt Nam phát đi thông tin từ nửa đầu tháng 4 đến nay, Trung Quốc đã đưa số lượng lớn tàu cá vào khu vực cửa vịnh Bắc Bộ để khai thác hải sản. Các tàu cá Trung Quốc tập trung ở khu vực đông đông bắc - đông đông nam đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị, bắc đông bắc - đông nam bán đảo Sơn Trà của TP Đà Nẵng, và đông đông bắc đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi.
Cục Kiểm ngư đã huy động các tàu bám sát ngư trường để tuần tra, tuyên truyền và xua đuổi tàu cá Trung Quốc khi đi vào vùng biển Việt Nam.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ông Lê Bình – Chủ tịch Hội nghề cá Quảng Trị cho rằng đây là chiến lược đã được tính toán của Trung Quốc.
“Trung Quốc đã thường xuyên làm như vậy nhưng bây giờ với mức độ nhiều hơn. Với hành động này, họ đã vi phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc tập trung dày đặc tàu quá nên dẫn đến tình trạng va chạm nhau, lưới chài mắc, hư hỏng.
Tàu của Trung Quốc có tài trợ về kinh phí cho nên tàu lớn và họ hoạt động rất hung hãn. Trong khi đó ngư dân Việt Nam thì tàu nhỏ, không có khả năng đánh đuổi tàu cá của Trung Quốc. Chỉ có lực lượng biên phòng, hải quân hay kiểm ngư thì mới làm được những việc này nhưng số lượng của chúng ta cũng rất mỏng”, ông Bình nhận định.
Cùng đưa ra quan điểm, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng khẳng định những hành động gần đây của Trung Quốc từ việc đưa giàn khoan ra các vị trí tranh chấp đến đưa tàu cá vào cửa vịnh Bắc Bộ đều theo đúng chiến lược quân sự hóa hoạt động dân sự để gây khó khăn cho ngư dân và lực lượng chấp pháp của Việt Nam.
Tàu Kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển. Ảnh: VNE |
“Trung Quốc họ sử dụng lực lượng tàu dân sự bao gồm tàu đánh cá rồi cả tàu buôn để hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện ý đồ lấn chiếm biển Đông. Về mặt chiến lược họ làm cạn kiệt nguồn lợi về biển Đông của nước ta.
Để làm việc này, Trung Quốc đưa hàng ngàn tàu cá xuống biển Đông, càn quét bằng đèn, ánh sáng cực mạnh. Họ đánh bằng những loại lưới mắt nhỏ hoặc những loại lưới có thể tàn phá lớn như lưới quét, lưới giã cào. Mục tiêu của họ là làm cho nguồn lợi của khu vực biển Việt Nam cạn kiệt, không còn cá nữa. Thông qua đó khiến ngư dân của ta không đi ra biển, bỏ trắng vùng đó cho họ muốn làm gì thì làm.
Mặt khác ở những vùng san hồ,chẳng hạn như đảo Hoàng Sa của Việt Nam, họ đã đổ đất, tiến hành xây dựng các công trình để tiêu diệt, làm cho môi trường đó không còn là nơi sinh sôi, nảy nở của cá nữa.
Tiếp đến, họ cũng không ngần ngại dùng những tàu lớn để va chạm, đâm thẳng vào tàu cá của Việt Nam, gây thiệt hại, hư hỏng nặng, tạo tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân”, ông Lĩnh phân tích.
Theo chủ tịch hội nghề cá Đà Nẵng, hành động của Trung Quốc là hết sức nguy hiểm, không chỉ đe dọa đến Việt Nam mà còn nhiều khu vực khác trên thế giới.
“Song song với việc đưa tàu cá xua đuổi, Trung Quốc còn đặt các giàn khoan xuống biển Đông. Đây là động thái thăm dò phản ứng thế giới để mở đầu cho một động thái mới. Họ sử dụng một lực lượng dân sự hóa để mở đường và bảo vệ cho những mục đích bất chính của họ”, ông Lĩnh nhận định.
Việt Nam phải mạnh mẽ hơn
Là người theo sát cùng ngư dân, ông Lĩnh từng chứng kiến nhiều cảnh tàu cá của Việt Nam bị đâm, bị hư hỏng nặng vì những hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc.
“Dân đánh cá của mình thì nghèo, nghề cá thì rủi ro, sản lượng khai thác thì mỗi ngày lại thấp đi. Hơn nữa tài nguyên biển thì ngày càng cạn kiệt bởi chính sách tiêu diệt tài nguyên của Trung Quốc. Mặt khác, giá dầu lại vừa lên nên ngư dân càng khổ hơn. Cho nên tôi cho rằng nên có những biện pháp hữu hiệu, nhanh chóng”, ông Lĩnh trải lòng.
Từ thực tế người dân cũng như những hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc, vị chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho rằng Việt Nam cần phải mạnh mẽ hơn nữa để vừa bảo vệ chủ quyền vừa đảm bảo lợi ích của người dân khi ra khơi, bám biển.
No comments:
Post a Comment