Friday, April 29, 2016

Nga-Trung: Thế lực bên ngoài không được can thiệp vào Biển Đông

Nga-Trung: Thế lực bên ngoài không được can thiệp vào Biển Đông

mediaNgoại trưởng Nga Serguei Lavrov và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị họp báo chung tại Matxcơva ngày 18/04/2016.REUTERS/Maxim Zmeyev
Trong chuyến công du Bắc Kinh, ngày 29/04/2016, trước báo giới, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị đã đồng loạt lên tiếng tố cáo "sự can thiệp" từ bên ngoài vào Biển Đông và bán đảo Triều Tiên.
Theo hãng tin AP, phát biểu về tình hình Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền trên hầu hết khu vực, ngoại trưởng Lavrov nói rằng các thế lực bên ngoài không nên can thiệp vào, nhằm ám chỉ tới Hoa Kỳ, quốc gia luôn phản đối những đòi hỏi của Bắc Kinh.
Còn ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh : Chỉ có các quốc gia có tranh chấp trực tiếp mới tìm ra được giải pháp hòa bình bằng con đường đàm phán. Một lần nữa, ông khẳng định : « Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những quốc gia nằm ngoài khu vực Biển Đông, nên đóng một vai trò xây dựng trong việc duy trì hòa bình và ổn định, chứ không nên khiến tình hình trở nên hỗn loạn hơn ».
Hiện đang bị lên án vì những hành động gây hấn và những công trình xây dựng đảo nhân tạo, phi đạo, hải cảng và trạm radar tại vùng Biển Đông, Trung Quốc tìm sự ủng hộ của Nga để chống lại Hoa Kỳ cũng như các nước có tranh chấp, đặc biệt là Philippines, khi quốc gia này đã đưa vụ việc lên Tòa Án Trọng Tài quốc tế La Haye.
Tranh thủ sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc còn cố quảng bá về cái mà quốc gia này gọi là một « bản thỏa thuận chung » mới đạt được với Brunei, Cam Bốt và Lào để khẳng định Biển Đông cũng không phải là vấn đề chung của toàn khối ASEAN.
Về tình hình bán đảo Triều Tiên, cả Nga và Trung Quốc đều yêu cầu Hoa Kỳ từ bỏ việc triển khai hệ thống phòng chống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc, nhằm đối phó với những động thái ngày một hung hăng của Bắc Triều Tiên, thông qua những vụ thử tên lửa và hạt nhân trong thời gian gần đây.
Ngoại trưởng Vương Nghị cảnh cáo : « Dự án này vượt quá những nhu cầu đảm bảo an ninh của các nước có liên quan. Nếu như hệ thống này vẫn được triển khai, điều đó sẽ gây những hậu quả trực tiếp đến các chiến lược an ninh của Trung Quốc và Nga. Ngoài ra, quyết định (triển khai hệ thống THAAD) không chỉ gây hại tới nghị quyết về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, mà còn đổ thêm dầu vào lửa, trong khi tình hình đã đủ căng thẳng tại đó ». Cuối cùng, đại diện ngoại giao của Trung Quốc yêu cầu Washington phải cân nhắc « những quan ngại chính đáng » của Bắc Kinh và Matxcơva.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment