Monday, April 25, 2016

Trung Quốc bỏ phiếu dự luật tổ chức phi chính phủ nước ngoài

Trung Quốc bỏ phiếu dự luật tổ chức phi chính phủ nước ngoài

mediaQuốc Hội Trung Quốc bắt đầu thảo luận để bỏ phiếu thông qua dự luật điều chỉnh hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.REUTERS/Jason Lee
Theo Tân Hoa Xã, ngày 25/04/2016, Quốc Hội Trung Quốc bắt đầu thảo luận để bỏ phiếu thông qua dự luật điều chỉnh hoạt động của các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài.
Văn bản đã gây nhiều tranh cãi này được đưa ra thảo luận từ ngày 25 đến ngày 27/04. Dự luật, đã qua hai vòng thảo luận và sửa đổi này ở Quốc Hội, buộc các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc phải thông báo các hoạt động của mình với cơ quan chức năng Trung Quốc trước 15 ngày. Ngoài ra, dự luật còn cấm các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tuyển dụng thêm nhân viên ở trong nước nếu không có sự đồng ý của chính phủ.
Việc thông qua dự luật về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã bị hoãn lại vì bị nhiều tổ thiện nguyện hay bảo vệ nhân quyền quốc tế chỉ trích.
Luật cũng quy định, công an Trung Quốc có quyền đình chỉ các hoạt động mà họ cho là đe dọa đến an ninh quốc gia. Đồng thời, công an cũng có thẩm quyền « mời lên làm việc » lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đóng tại Trung Quốc. Dự thảo luật mới cũng thêm vào các điều luật cho phép công an xếp vào danh sách đen các tổ chức phi chính phủ mà họ đánh giá là có hoạt động cổ vũ « lật đổ chính quyền ».
Hiện có ít nhất 1.000 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc, trong đó có nhiều tổ chức thiện nguyện, hỗ trợ phát triển hoặc bảo vệ môi trường.
Báo chí chính thức của Trung Quốc thời gian gần đây thường lên án một số tổ chức phi chính phủ có hoạt động xâm hại đến an ninh quốc gia, với ý đồ tiến hành các cuộc « cách mạng màu » nhằm chống lại sự lãnh đạo của đảng và nhà nước…
Tháng Giêng năm 2016, một nhà hoạt động nhân quyền người Thụy Điển đã bị bắt và bị trục xuất vì đã mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các luật sư Trung Quốc. Nhiều tổ chức phi chính phủ hoạt động ở Trung Quốc cũng phàn nàn là môi trường hoạt động của họ ngày càng bị thu hẹp.
Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc theo dõi rất chặt các tổ chức xã hội dân sự. Nhiều luật sư, giáo sư đại học hay các nhà đấu tranh vì dân quyền đã bị chính quyền bắt giữ, bỏ tù. Không ít người đã bị kết tội « ly khai », hay « kích động lật đổ Nhà nước », chỉ vì bày tỏ chính kiến phê phán chế độ.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment