Ấn Độ từ lâu đã thể hiện mong muốn đóng một vai trò chủ động hơn đối với an ninh và chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì những lý do thương mại và chính trị, khu vực này đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược của New Delhi.
Tuy nhiên, Ấn Độ khó có thể hòa nhập vào khu vực một cách trôi chảy do thiếu quyết tâm chính trị, quá trình hiện đại hóa quân đội chưa chắc chắn và nền kinh tế chưa phát triển nhanh. Trước tình hình đó, New Delhi đang dần dần mở rộng sức nặng kinh tế và chiến lược của mình thông qua chính sách Hành động phương Đông, lực lượng hải quân và ngoại giao đa phương.
Trong bối cảnh đó, một quốc gia được xem là chìa khóa giúp Ấn Độ duy trì sự hiện diện và vai trò ở đây, đó là Việt Nam. Trong một vài năm qua, quan hệ ngoại giao với Hà Nội đã được New Delhi đưa vào tính toán chiến lược. Tại điểm giao nhau giữa chính sách Hành động phương Đông của Ấn Độ và chính sách nhìn về phương Tây của Việt Nam, cả hai quốc gia đều có những cơ hội lịch sử để hình thành nên cán cân sức mạnh ở châu Á.
Dưới chế độ của chính phủ Modi, chiến lược châu Á mới của Ấn Độ bao gồm việc cộng tác sâu rộng với Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai quốc gia còn có thể làm nhiều hơn nữa để phát triển sự hợp tác về mặt quân sự và ngoại giao bởi cả hai nước cùng có mối bận tâm chung đó là sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam và Ấn Độ đã có một nền tảng lịch sử quan hệ được thiết lập từ thời Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ là Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lĩnh vực hợp tác giữa Hà Nội và New Delhi cũng rất rộng, từ mở rộng hợp tác quốc phòng, ngoại giao hải quân cho đến thương mại và đầu tư.
Ấn Độ - Việt Nam tăng cường hợp tác hải quân.
Trong chuyến thăm chính thức New Delhi vào tháng 10/2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo hai nước đã cam kết thúc đẩy quan hệ quốc phòng thông qua đối thoại an ninh, tăng cường hợp tác giữa các ngành tương ứng, xây dựng năng lực và hỗ trợ rà phá bom mìn theo quy định của ADMM cộng. Hai nước cũng đã ký bản ghi nhớ theo đó Ấn Độ sẽ cung cấp dòng tín dụng trị giá 100 triệu USD cho các hoạt động thu mua trang thiết bị quốc phòng. Cụ thể, bốn tàu tuần tra bờ biển là đơn hàng đầu tiên cho thấy Ấn Độ đã sẵn sàng trở thành nhà xuất khẩu vũ khí cũng như thể hiện được mong muốn góp phần nâng cao năng lực quốc phòng của Việt Nam.

Việt Nam cũng tìm kiếm sự hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực hàng hải. Cả hai nước đã tham gia các hoạt động trao đổi tàu thuyền thường xuyên trong khi các sĩ quan Ấn Độ nhận nhiệm vụ huấn luyện cho các lực lượng tàu ngầm của Việt Nam. Trước những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông cùng sự bành trướng của Trung Quốc thời gian qua, Việt Nam đang nỗ lực để nâng cao năng lực hải quân.
Trong lịch sử, Ấn Độ thường đứng một bên trong các vụ tranh chấp lãnh thổ nhưng dần dần sự thay đổi trong chính sách dưới thời chính quyền Modi cho thấy New Delhi tiếp cận vấn đề này một cách thực dụng hơn. Việc New Delhi tham gia “Tầm nhìn chiến lược” khu vực chung với Mỹ, ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông, là dấu hiệu cho thấy sự chuyển đổi chính sách đó. Mặc dù New Delhi đã từ chối tham gia đàm phán về việc tuần tra chung trên Biển Đông với Mỹ nhưng Ấn Độ đang dần nhận ra rằng cần có một vai trò an ninh lớn hơn để tái khôi phục trật tự trong khu vực.
Quan hệ hợp tác với Việt Nam cũng là bước đi đầu tiên trong mong muốn “tái cân bằng”. Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam cùng chia sẻ lợi ích chung trong việc ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm tuyến đường thương mại biển quan trọng. Chắc chắn sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực sẽ có một tác động quan trọng đối với việc cân bằng cán cân quyền lực ở đây. Bên cạnh những hỗ trợ về an ninh và ngoại giao thì các cam kết kinh tế của New Delhi đối với Việt Nam cũng là một yếu tố quan trọng giúp đưa Ấn Độ trở thành nhân tố “cầm cân” của khu vực. Ấn Độ có thể tăng cường chính sách đầu tư ở Việt Nam trên rất nhiều lĩnh vực như dệt may, nông nghiệp, dược, năng lượng, dầu khí và gas.
Có thể nói, một chính sách đúng đắn với Việt Nam đóng một vai trò thiết yếu đối với Ấn Độ, một mối quan hệ bắt nguồn từ lịch sử, được hình thành và phát triển trong kỷ nguyên châu Á. Những nỗ lực tô điểm cho mối quan hệ song phương này không chỉ là chìa khóa cho cán cân quyền lực ở châu Á mà còn mở ra con đường cho Ấn Độ có thể tìm được một vị trí thực sự tại châu Á-Thái Bình Dương.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Sylvia Mishra, nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Nghiên cứu các nhà quan sát, chuyên về chính sách của Mỹ ở châuÁ - Thái Bình Dương và quan hệ Mỹ - Ấn. Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.
Tuệ Minh (lược dịch)