Friday, April 29, 2016

Vụ cá chết miền Trung : Chính quyền Việt Nam né tránh

Vụ cá chết miền Trung : Chính quyền Việt Nam né tránh

mediaThứ trưởng bộ Tài Nguyên-Môi Trường Việt Nam Võ Tuấn Nhân (P) tại buổi họp báo tại Hà Nội chỉ kéo dài hơn 5 phút về vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung, ngày 27/04/2016.REUTERS/Kham
Gần một tháng sau khi thông tin về cá chết hàng loạt tại nhiều địa điểm gần khu chế xuất Vũng Áng của tập đoàn Đài Loan Formosa tại Hà Tĩnh, chính quyền Việt Nam tổ chức cuộc họp báo đầu tiên vào tối ngày 27/04/2016. Cuộc họp báo chỉ hơn 5 phút đã gây thất vọng cho giới truyền thông và dư luận trong nước, trong bối cảnh hiện tượng cá chết lan ra ba tỉnh miền Trung khác, gây lo ngại về một thảm họa sinh thái không lường.
Báo chí trong nước đồng loạt bày tỏ nỗi thất vọng, và thậm chí phẫn nộ, trước việc thứ trưởng bộ Tài Nguyên-Môi Trường Việt Nam, được giao nhiệm vụ tiếp xúc với báo giới, đã hoàn toàn không dành thời gian cho việc trả lời các câu hỏi của phóng viên. Ông Võ Tuấn Nhân chỉ nêu ra hai giả thuyết chung chung về nguyên nhân dẫn đến việc cá chết hàng loạt : độc tố hóa học do hoạt động con người thải ra và hiện tượng « thủy triều đỏ ». Đại diện của chính quyền Việt Nam khẳng định : « chưa thấy liên hệ nào (giữa việc cá chết hàng loạt) với hoạt động của (công ty) Formosa ».
Cuộc « họp báo » có đầu mà không có cuối nói trên gây nghi ngờ rất lớn trong công luận, về tính chất không minh bạch trong cách xử lý vấn đề của chính quyền. Cuộc họp báo được dự kiến vào đầu buổi chiều, đã đột ngột tuyên bố bị hủy bỏ, đến cuối giờ chiều lại có quyết định sẽ tiến hành, để rồi diễn ra hết sức chóng vánh.
Dư luận trong nước đặt câu hỏi về việc : Phải chăng chính quyền đã bao che cơ sở luyện thép của tập đoàn Đài Loan Formosa. Trong phát biểu trước báo giới nói trên, đại diện chính quyền Việt Nam đã hoàn toàn không nhắc đến trách nhiệm của cơ quan quản lý Môi Trường tỉnh Hà Tĩnh, nơi trực tiếp giám sát hoạt động của Formosa trong lĩnh vực này.
Phản ứng của chính quyền cho đến nay không những bị chỉ trích là không minh bạch, mà còn bị đánh giá là quá chậm trễ. Tác hại của nguy cơ độc chất đối với sức khỏe và sinh mạng của cư dân địa phương Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế hiện đang là một dấu hỏi. Nguy cơ cá chết vì độc chất được tuồn ra thị trường cũng gây lo sợ, đặc biệt đối với nhiều tỉnh miền Trung và thành phố Hồ Chí Minh.
Một bài viết, được đăng tải trên trang Tin Nhanh, của báo mạng Đại Đoàn Kết, khuyến cáo chính quyền : « Có thể coi sự việc nghiêm trọng này là một thảm họa quốc gia (…). Với sự nguy hiểm của chất độc, chúng tôi cho rằng cần có một nghiên cứu toàn diện với sự hỗ trợ của cộng đồng khoa học quốc tế như World Health Organization (WHO) và nên khẩn cấp trong thời gian này », để có các biện pháp kịp thời, nếu cần, nhằm bảo vệ người dân địa phương.
Bài viết cũng nhấn mạnh đến việc cần làm sáng tỏ việc sử dụng 300 tấn hóa chất mà Formosa đã tuyên bố nhập về Vũng Ánh, để tẩy rửa một số đường ống. Nhà hóa học gốc Việt nổi tiếng Trương Nguyện Thành, đại học Utah Hoa Kỳ, là một trong các tác giả bài viết.
Ngày 27/04, một nhóm các nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam đã đưa lên mạng bản « Tuyên bố về tội ác đầu độc biển miền Trung », sau một ngày nhận được hơn 500 chữ ký. Trước đó, trên mạng lan truyền « Lời kêu gọi xuống đường vì môi trường » tại Hà Nội, Sài Gòn… vào ngày Chủ nhật 01/05.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment