Ai đã giúp Kim Philby bỏ trốn?
- 18 tháng 11 2013
50 năm trước, một trong những gián điệp tai tiếng nhất của Anh, ông Kim Philby, đào ngũ sang Liên Xô.
Nhiều câu hỏi chưa lời đáp được đặt ra xung quanh chuyện ông đào ngũ, và cho thấy có nhiều điểm mù trong giới lãnh đạo của Anh Quốc, khiến họ yếu thế trước Cơ quan tình báo Xô Viết KGB.
Một đêm bão tố tháng Giêng năm 1963, ông Kim Philby không tới dự bữa tiệc tối ở Beirut mà lên chuyến chuyên cơ tới Lên Xô.
Ông làm việc cho những người cộng sản từ hồi mới 22 tuổi. Nhưng thay vì được đón chào như một vị anh hùng, ông bị giam lỏng trong căn hộ ở trung tâm thủ đô Moscow và không được phép tới gần tổ chức ông đã phục vụ trong suốt nhiều năm. Thậm chí cả phía Nga cũng nghi ngờ việc ông tránh được rắc rối mà bình an vô sự.
Lúc đó tin về ông bỏ trốn không được báo chí Anh quan tâm.
Trên bề mặt, chuyện chỉ đơn giản là một phóng viên trung niên hay quá chén bị mất tích.
Trong lá thư gửi Bộ Ngoại giao, đại sứ Anh ở Beirut đoán liều và dùng cách nói nhã nhặn rằng ông Kim đã “đi mất trong một cuối tuần”.
Sáu tuần trôi qua trước khi chính tờ báo của ông, Người Quan sát (the Observer) bắt đầu nhắc tới sự vắng mặt này. Nhưng khi tin vỡ lở vào mùa hè năm đó, nó nhen lên đốm lửa trong việc tố cáo trở lại cách điều hành cơ quan tình báo Anh.
Philby là một trong những thành viên hàng đầu của nhóm được goi là gián điệp Cambridge, một nhóm đàn ông trẻ cùng tham gia lý tưởng Xô Viết vào những năm 30.
Ở giai đoạn cao điểm của sự nghiệp gián điệp, ông từng làm cho cả KGB đồng thời phụ trách các chiến dịch của MI6 chống lại Liên Xô.
Ông bị nghi ngờ sau khi Guy Burgess và Donald Maclean đào ngũ năm 1951, và buộc phải từ chức.
Thế nhưng tổ chức chuyên phát hiện gián điệp MI5 đã thất bại trong việc tìm ra chứng cứ chống lại ông. Thế nên bạn bè của ông Philby ở MI6 bắt đầu tìm việc cho ông với tư cách là phóng viên ở Beirut, và thậm chí còn tuyển lại ông làm điệp viên bí mật cho một vài vụ.
Beirut là thành phố tràn ngập gián điệp khi ông tới sau khủng hoảng Suez năm 1956, và cũng không lâu trước khi Philby trở lại thành điệp viên phản gián.
Hội hè và uống rượu là hoạt động khá thường xuyên trong cuộc đời ông. Dù là đang thu thập tin tức cho ban biên tập hay cho tin tình báo, hình như ông bao giờ cũng phải loanh quanh quán rượu nào đó.
Quán bar yêu thích nhất của ông – Joes’Bar – chỉ cách sứ quán Anh hồi đó vài chục mét. Thời mà Bộ Ngoại giao còn chu cấp một khoản đặc biệt cho nhân viên để thuê thêm nhà trên đồi tránh nóng buổi chiều.
Trước giờ ăn trưa, các nhà ngoại giao bắt đầu rời sứ quán để “uống vài ngụm” ở Joe’s Bar trước khi lên đồi.
Philby luôn ngồi ở bàn sâu bên trong, một người trong số họ nói với tôi, thường là chẳng nói gì vì rượu, nhưng nghe trọn mọi lời buôn chuyện.
Năm 1960, một trong những bạn ở MI6 của ông, Nicholas Elliott, được cử tới Beirut làm trạm trưởng.
Ông Elliott từng là học sinh trường Eton (một trong những trường danh tiếng của Anh, dành cho nam sinh) hay thích những chuyện suồng sã. Khi tới nơi, ông gọi người phụ trách báo chí còn trẻ của sứ quán và nói rằng Philby là người đáng tin về mặt thông tin.
Trong vài năm, Kim dường như trở lại phong độ cũ, người ta quên đi những đồn đoán về sự bội bạc xưa kia của ông.
Nhưng ở London, sóng gió bắt đầu nổi lên. Sự việc bắt đầu từ một cuộc hội thoại tình cờ ở Tel Aviv.
Một nguồn đáng tin cậy hé lộ rằng Philby từng tới gặp cô để đề nghị làm gián điệp cho Nga. Tin này được lan truyền trong nhóm đảng đứng đầu MI5 và MI6, và họ kết luận giờ là lúc có đủ chứng cớ để yêu cầu ông phải nhận tội.
Nhưng thay vì gửi một thẩm vấn viên chuyên nghiệp của MI5, tới phút cuối họ quyết định giao cho bạn lâu năm của Philby là Nicholas Elliott giải quyết.
Cuộc đối chất xảy ra vào giữa tháng 1/1963. Vài ngày sau đó, hôm 23/01, Kim Philby biến mất.
Khi có tin ông đang ở Moscow, “các nguồn tin” nhanh chóng tung ra rằng trước khi bỏ trốn ông đã nhận tội bằng cả lời và văn bản, dù cho việc ông ta không bị bắt khiến cho những tài liệu này trở nên kém quan trọng hơn.
Thế nhưng thời gian trôi qua, các nhà báo và sử gia lại đào lên được một câu chuyện khác. Đúng là có đối chất, nhưng phần âm thanh thu lời thú tội đã bị tiếng ồn đường phố lấp đi cả. Và bản viết lời thú tội cũng chẳng có giá trị gì nhiều.
Nói cách khác, chiến dịch này đã bị làm cho thất bại.
Tất nhiên một khả năng khác là họ muốn ông trốn thoát để tránh mất mặt ở Anh, nhưng điều đó có đúng hay không thì cũng đã ám ảnh cơ quan tình báo suốt nhiều năm rằng ông ta đã được báo trước.
Vậy còn ai trong số họ là gián điệp? – hàng thập niên sau họ vẫn hỏi nhau.
Theo suy luận của tôi, người báo trước cho ông có thể là Anthony Blunt, sau này bị lộ ra là kẻ phản bội, nhưng lúc đó được hai người trong nhóm nhỏ kia tin cẩn và biết đang xảy ra chuyện gì.
Tháng 12/1962, ông có chuyến đi riêng tới Beirut để thăm bạn, Đại sứ Anh.
Ông nói đến đó để tìm một loài hoa lan xanh. Nhưng chuyên gia hoa lan ở Kew Gardens, London nói với tôi là loài lan này không mọc ở Lebanon, nên ông ta chắc đã nói dối.
Tôi không thể chứng minh được suy luận của mình, cũng chẳng hơn gì so với những người truy tìm gián điệp muốn chứng minh cho chứng cớ của họ.
Câu trả lời chính xác có lẽ nằm trong tập hồ sơ của MI6. Nhưng thậm chí sau 50 năm hồ sơ này vẫn không được công bố. Vì sao? Vì lý do “an ninh quốc gia”.
No comments:
Post a Comment