Monday, April 18, 2016

Cuba : Không dùng “liều thuốc mạnh” để hiện đại hóa kinh tế

Cuba : Không dùng “liều thuốc mạnh” để hiện đại hóa kinh tế

mediaChủ tịch Cuba Raul Castro phát biểu nhân lễ khai mạc Đại hội đảng Cộng Sản Cuba lần thứ 7 ngày 16/04/2016.Reuters
Phe chủ trương cải tổ kinh tế Cuba sẽ còn phải kiên nhẫn. Đảng và Nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động kinh tế tại hòn đảo này. Khai mạc Đại hội đảng Cộng Sản Cuba lần thứ 7, ngày 16/04/2016, chủ tịch Raul Castro đã tặng cho phe đòi cải tổ một gáo nước lạnh khi tuyên bố : La Habana không thể áp dụng “liệu pháp sốc” trong tiến trình chuyển đổi kinh tế.
Mọi người chờ đợi sau khi tiếp tổng thống Barack Obama và từng bước “bình thường hóa” quan hệ với nước cựu thù là Mỹ, La Habana giới hạn vai trò của Nhà nước trong các hoạt động kinh tế và mạnh dạn hơn trên con đường cải tổ. Thế nhưng trong bài diễn văn hai tiếng đồng hồ ngày 16/04/2016 trước khoảng 1.000 đại biểu đến dự Đại hội Đảng, chủ tịch Raul Castro không vòng vo cho rằng, còn quá sớm để nói tới sự “chuyển đổi” trong mô hình kinh tế Cuba.
Thứ nhất theo ông “Cuba sẽ không bao giờ có thể cho phép mình áp dụng chính sách được gọi là ‘liệu pháp sốc” như các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và kể cả Liên Xô cũ đã làm, bởi vì, “giải pháp đó sẽ đem lại quá nhiều thiệt thòi cho các tầng lớp nghèo khó nhất trong xã hội (…) Mô hình xã hội chủ nghĩa của Cuba sẽ không bao giờ áp dụng những chủ trương đòi tư hữu hóa tài sản Nhà nước, tư hữu hóa các dịch vụ xã hội, như giáo dục, y tế hay an sinh xã hội (…)”.
Thứ hai, “các doanh nghiệp tư nhân được phép hoạt động trong khuôn khổ đã được Nhà nước hoạch định" và chỉ đóng vai trò “bổ sung cho các sinh hoạt kinh tế chung của toàn quốc
Ba năm sau khi được chỉ định vào chức vụ chủ tịch nước năm 2008 thay thế người anh là Fidel Castro, bản thân ông Raul Castro đề xướng một số các biện pháp nhằm “cởi trói” cho nền kinh tế Cuba bị hụt hơi vốn được rập khuôn theo mô hình của Liên Xô cũ.
Nhưng tới nay, gần 8 năm kể từ khi lãnh đạo đất nước, Cuba vẫn là một nền kinh tế tập trung, 80 % các hoạt động kinh tế vẫn được đặt dưới sự kiểm soát của Đảng và Nhà nước.
Đại hội 7 của đảng Cộng Sản Cuba, như thường, lệ là một cuộc họp kín. Nội dung các cuộc họp trù bị cũng như văn bản định hướng đại hội, đều không được rò rỉ ra bên ngoài. Tuy nhiên theo giới quan sát, đại hội Đảng lần này đã gây nhiều chú ý, bởi vì các đại biểu có trọng trách phác họa ra lộ trình cho giai đoạn từ 2016 đến 2030, tức là trên nguyên tắc sau khi chủ tịch Raul Castro từ bỏ quyền lực vào năm 2018.
Thêm vào đó, lần này, Đại hội đảng Cộng Sản Cuba sẽ phải kiểm điểm về hiệu quả và mức độ thực thi của 313 biện pháp cải tổ kinh tế từng được ông Raul Castro đề xuất từ 2011.
Trong tiến trình “hiện đại hóa” bộ mặt kinh tế của đất nước đó, La Habana đã thông qua một bộ luật đầu tư nước ngoài, cho dù các khoản đầu tư này phải được đặt dưới sự kiểm soắt chặt chẽ của chính quyền Cuba. Đồng thời từ 2011, chính quyền Cuba trong tay ông Raul Castro cũng đã cho phép các thương gia dễ dàng làm ăn hơn. Có điều tới nay, theo các phương tiện truyền thông chính thức của Cuba, mới có 21 % trong số 313 điều khoản “cởi trói” kinh tế nói trên được thi hành tới nơi tới chốn. 77 % các biện pháp còn lại đang từng bước được áp dụng và 2 % còn lại, vì nhiều lý do vẫn chưa được áp dụng.
Cuba còn thận trọng trong việc mở của kinh tế và theo như giải thích của lãnh đạo tối cao nước này, La Habana chủ trương đổi mới kinh tế, nhưng sẽ không quay lưng lại với “lý tưởng về công bằng và công lý”.
Ngoài vế kinh tế Đại hội đảng Cộng Sản Cuba lần thứ 7, còn phải xem xét về tiến trình cải tổ chính trị, chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào năm 2018. Trước mắt, giới phân tích sẽ theo dõi chặt chẽ xem ai sẽ được bầu vào Ủy ban Chấp Hành Trung Ương, và Bộ Chính Trị. Đây là nơi nắm giữ vận mệnh tương lai của quốc gia với 11 triệu dân này.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment