Friday, April 1, 2016

Doanh nghiệp TQ thắng thầu nước Sông Đà 2: Chủ đầu tư VN ‘ham rẻ’ hay ‘ăn chịu’?

Blog / Phạm Chí Dũng

Doanh nghiệp TQ thắng thầu nước Sông Đà 2: Chủ đầu tư VN ‘ham rẻ’ hay ‘ăn chịu’?

Vụ việc Công ty Xinxing ở Hà Bắc, Trung Quốc, thắng thầu cung cấp đường ống gang dẻo cho dự án nước sông Đà về Hà Nội giai đoạn 2 đã khiến khối dân cư lên đến 8 triệu dân Hà Nội muốn phát hoảng. 17 lần đường ống nước Sông Đà 1 bục vỡ vẫn còn dư âm gần như nguyên vẹn. Nhưng kinh hãi hơn cả là không một quan chức nào “rơi đầu”. Tất cả vẫn ung dung khoe khoang thành tích “vì sự nghiệp công ích xã hội”.
Ngay sau khi kết quả thắng thầu của Công ty Xinxing được công bố, nhiều người dân thủ đô lập tức “lên ruột”. Nhưng một số đại biểu quốc hội và báo nhà nước chỉ dám tế nhị nhắc nhở “đừng ham rẻ mà quên đi vấn đề chất lượng”.
Nhưng ở một chiều kích ngược lại, những người dân mạnh miệng nhất lại đay nghiến “Biết ngay mà! Chắc lại đi đêm ăn chịu với nhau thì mới có chuyện cho Trung Quốc thắng thầu”.
‘Gặm xương rau ráu’
Chủ đầu tư của dự án nước sông Đà 2 là Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco). Công ty này đã chọn nhà thầu Trung Quốc với giá bỏ thầu rẻ hơn 10% so với giá phê duyệt. Hơn 10% là một mức chênh lệch giá đấu thầu đủ lớn nếu so với thông lệ chênh lệch giá đấu thầu khoảng 5%, đủ để loại những ứng viên tham gia đấu thầu khác.
Bài học quá đắt giá từ “thành tích” nhà thầu Trung Quốc tham gia dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội, tuyến Hà Đông - Cát Linh, khiến đội vốn lên 100%, kéo dài thời gian từ năm này qua năm khác… vẫn chưa hề được khai não.
Một trong những mánh khóe rất phổ cập của nhà thầu Trung Quốc là bỏ thầu với giá khá thấp, nhưng sau đó tống công nghệ lạc hậu vào dự án, đồng thời đòi tăng chi phí bổ sung trong quá trình thực hiện dự án… để bù đắp “thiệt hại”.
Trong nhiều năm qua, trước tình trạng nhà thầu Trung Quốc trúng thầu tới 90% dự án nhiệt điện tại Việt Nam, một số chuyên gia trong nước đã phải lên tiếng cảnh báo rằng doanh nghiệp Trung Quốc chịu “chi thoáng” nhất thế giới. Tất cả những gì không thể thượng lên bề nổi thì đều chui dưới gầm bàn. Tiếng gặm xương rau ráu của loài chó cũng vì thế chẳng mấy ai nghe được.
Cũng trong mấy năm qua, trước thực tế khốn quẫn lỗ đầm đìa đến 30.000 tỷ đồng của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vì đầu tư trái ngành vào chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, giới chuyên gia phản biện đã phải lên án việc EVN cắm đầu mua điện của Trung Quốc với giá gấp 3 lần giá thành sản xuất trong nước từ năm 2009.
Một thái độ phụ thuộc “thiên triều” không còn cách gì để bào chữa.
Nhưng tiếng khóc của dân sinh đóng thuế vẫn không thể át được âm thanh nhai xương chát chúa từ những kẻ “ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm”.
Những kẻ ăn dày
Đã có thể thấy rõ rằng sau Đại hội XII của đảng cầm quyền, đừng nói đến “thoát Trung”, cho dù có muốn “giãn Trung” cũng quá khó khăn. Trong một thực tế quá khốn đốn, nền kinh tế và sản xuất của Việt Nam đã phụ thuộc ghê gớm vào Trung Quốc.
Đến năm 2015, xét về giá trị, hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng gần 26 lần sau 13 năm, từ 1,4 tỉ USD năm 2000 lên 36,9 tỉ USD. Trong khi đó, giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng khoảng 9 lần, từ mức 1,5 tỉ USD năm 2000 lên 13,3 tỉ USD năm 2013.
Nếu năm 2002, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 8,9% tổng nhập khẩu, thì đến năm 2011, tỷ lệ này đã là 23,3% và tăng lên 27% vào năm 2013.
Trong khi đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc hầu như không đổi, chỉ chiếm trên dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu, mặc dù có sự gia tăng nhẹ sau 2010 và lên 13% vào năm 2013. Năm 2015 xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 17,14 tỷ USD, là mức được xem “khá thấp so với tiềm năng”.
Vài năm trước, nạn nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã lên đến 24 - 25 tỷ USD hàng năm và bị coi là “dã man”. Sau khi xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào giữa năm 2014, giới chuyên gia kinh tế Việt Nam bắt đầu bàn luận đến khía cạnh “kinh tế Việt Nam sẽ sống được bao lâu nếu không nhập khẩu từ Trung Quốc”. Trả lời câu hỏi này là lời tường thuật rất thật của nhiều doanh nghiệp ngành dệt may: nếu không được nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc, nhà máy của họ chỉ tồn tại được vài ba tháng!
Những nhóm nhóm hàng nhập siêu tăng mạnh nhất trong năm 2015 vẫn là sắt thép, kim loại, ôtô, phụ tùng và vật liệu dệt may, da giày... Nhưng không chỉ các nguyên liệu đầu vào cho chế biến, ngay cả những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh sản xuất là nông sản cũng nhập khẩu Trung Quốc ngày một nhiều.
Thói quen phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc đã trở nên quá khó bỏ. Nó không chỉ cột chặt giới doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn xiềng xích giới quan chức “ăn dày” của Việt Nam - những người có thẩm quyền ký hạn ngạch nhập hàng từ Trung Quốc. Tình hình càng trở nên nên khốn quẫn khi tại một số cuộc hội thảo về đầu tư, người ta cho biết giới doanh nghiệp Trung Quốc có thói quen chi dưới gầm bàn thuộc loại vô địch thế giới.
Nếu tính cả con số 20 tỷ USD nhập lậu mà “không ai biết” được tuồn vào theo con đường nào và bị biến hóa ra sao, tổng giá trị nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc năm 2015 phải lên đến gần 52 tỷ USD. Con số này gấp gần 300 lần so với mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc vào năm 2002!
Ai đã gây ra hậu quả cả về kinh tế lẫn chính trị này?
Nếu Hà Nội bị ‘hạn và nhiễm mặn’?
Không chỉ người sắp rời chức bộ trưởng công thương để “hạ cánh an toàn” - ông Vũ Huy Hoàng - phải chịu trách nhiệm về hậu quả nhập siêu khủng khiếp từ Trung Quốc, mà những bộ trưởng ngành liên quan khác cũng phải bị liên đới trách nhiệm với tình trạng nhà thầu Trung Quốc hầu như thao túng các dự án trọng điểm của quốc gia.
Người dân, không còn cách hiểu nào khác, luôn phải cho rằng đó là sự phụ thuộc về kinh tế và kéo theo là phụ thuộc chính trị của chính thể Việt Nam đối với Bắc Kinh.
Vậy phải làm gì để giảm thiểu sự phụ thuộc trên, ít nhất đối với dự án nước Sông Đà 2, khi Công ty Xinxing đã từng có tai tiếng về chất lượng không đảm bảo của ống gang?
Ít nhất, chủ đầu tư - Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex - phải công bố công khai toàn bộ chỉ tiêu kỹ thuật của đường ống nước này và cơ quan chức năng cần phải giám sát chặt việc thực hiện của dự án.
Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex và nhà thầu Xinxing cũng phải công khai cam kết với dân, với chính quyền về độ an toàn chất lượng của sản phẩm được lựa chọn.
Nhưng trên hết và trên quan điểm chính trị, Nhà nước Việt Nam cần hết sức hạn chế việc nhà thầu Trung Quốc tham gia đấu thầu và thắng thầu các dự án trọng điểm, đặc biệt các dự án cấp quốc gia, để bảo đảm độc lập kinh tế và độc lập chính trị. Hậu quả nào sẽ nổ ra nếu trong tương lai không xa, đường ống nước Sông Đà 2 cũng liên tiếp bể vỡ đến vài chục lần như đường nước Sông Đà 1, đẩy hàng trăm ngàn cư dân thủ đô vào tình trạng thiếu nước sạch?
Hậu quả nào sẽ nổ ra nếu một đợt “hạn và nhiễm mặn” sẽ xảy ra ở Hà Nội và có bàn tay thâm đen từ nhân tố Trung Quốc, hệt như hậu quả khủng khiếp đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long từ nguồn cơn vài chục đập thủy điện của Trung Quốc đã làm lệch dòng Mê Kông?
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Phạm Chí Dũng

Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. 
Trình bày ý kiến
Bấm vào đây để góp ý trên diễn đàn này (6)
Ý kiến
     
bởi: Phan Bảo Lâm từ: TpHCM
01.04.2016 12:30
17 lần đường ống nước bị bục vỡ ? Nếu thật như thế thì chất lượng lại càng không liên quan gì đến ống dẫn nước. Nó liên quan đến 1 chi tiết kỹ thuật khác mà người không am hiểu kỹ thuật rất dễ bị bịp. Đó là miếng gioăng đệm.

Có thể hình dung vị trí của chi tiết này như sau. Đầu A của đoạn ống 1 nối với đầu B của đoạn ống 2. 2 đầu của 2 đoạn ống này không trực tiếp tiếp xúc với nhau mà thông qua 1 miếng gioăng đệm làm trung gian tiếp xúc. Ít nhất sẽ có 4 cái bù loong ở 4 vị trí khác nhau xuyên qua ống 1, miếng gioăng và ống 2, sau đó bắt ốc vào bù loong. Tuổi thọ của đường ống liên quan bởi miếng gioăng làm bằng hợp kim mềm này.

Theo định kỳ, người ta bảo trì đường ống bằng cách tháo mối nối ra để thay miếng gioăng. Rò rỉ hay bục đường ống đều xuất phát từ miếng gioăng này. Miếng gioăng này mới chính là tiền, còn đường ống chả đáng bao nhiêu tiền. Cho dù ông Dũng có thay ống TQ bằng bất cứ ống nước của nước nào mà không để ý đến miếng gioăng thì kết quả cũng như nhau mà thôi. Đường ống dù kém chất lượng nhất cũng xài được 5 - 10 năm, còn miếng gioăng thì cứ định kỳ 2- 3 năm phải thay. Nếu miếng gioăng kém chất lượng thì khỏi bàn, rò rỉ bục vỡ cứ gọi là liên tục, là xoành xoạch.

Tôi không tin kỹ sư VN không biết những cái sơ đẳng này, chẳng qua là ....để bòn rút ngân sách nhà nước thì phải giở ra tí thủ đoạn. 1 con đường nhựa bất kỳ có tuổi thọ 50 năm, vừa xây xong đã hỏng, sửa đi sửa lại nhiều lần là hiểu. Ông Đinh La Thăng từng làm "tư lệnh ngành giao thông" nhưng bản thân ông lại không phải là kỹ sư giao thông, ông quản lý kiểu gì.

Không am hiểu kỹ thuật thì cách thức quản lý hiệu quả chỉ có 1, chỉ quan tâm kết quả, không quan tâm quá trình. Không cần quan tâm chất lượng công trình, hư hỏng trong thời gian bảo hành thì đơn vị thi công bỏ tiền túi ra sửa, thời gian bảo hành kéo dài ra, bắt đầu tính từ lúc sửa xong. Tuổi thọ công trình là 50 năm thì thời gian bảo hành là 20 năm. 5 năm đầu tiên mà sửa quá 3 lần thì bồi thường bằng toàn bộ giá trị công trình + ra tòa lãnh án với tội danh "lừa đảo".

Nhiều chú cứ ra rả cái mồm bảo VN không thiếu luật chỉ là người thi hành luật không nghiêm. Thách các chú tìm ra được những điều khoản luật có nội dung như kể trên. Có cái luật ấy, ai dám làm ẩu làm bừa ?

bởi: Phan Bảo Lâm từ: TpHCM
01.04.2016 10:58
"Đừng ham rẻ mà quên vấn đề chất lượng". Thật không may, chất lượng hàng TQ lại không hề kém. Bằng chứng là, ngành thép TG đang điêu đứng vì thép xuất khẩu của TQ tràn ngập thị trường với giá siêu cạnh tranh. Toàn bộ sản lượng thép của phần còn lại của TG (bao gồm Mỹ, Nga và EU) chỉ nhỉnh hơn sản lượng thép do 1 mình TQ sản xuất ra. Trước đây không lâu tôi đã từng đoán, khi TQ lâm vào suy thoái, TG sẽ phải hứng chịu 1 đợt hàng tồn kho của TQ tràn ngập cả TG. Suy đoán này đã biến thành hiện thực.

Toàn TG đều công nhận khoa học - công nghệ của TQ đã sắp đuổi kịp các quốc gia đứng đầu TG. Vì thế, chất lượng hàng hóa TQ là không hề kém cạnh. Khác với các quốc gia "top" khác, luôn có tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định làm tiêu chí. TQ lại khác, giá nào cũng có thể thương lượng và dĩ nhiên, chất lượng kém nhất tương ứng với giá rẻ mạt. TQ chẳng những thắng thầu ở VN mà còn thắng thầu ở khắp nơi trên TG, kể cả Mỹ. Cho nên, vấn đề không phải là TQ thắng thầu, vấn đề là chủ đầu tư VN chọn tiêu chuẩn kỹ thuật nào để tổ chức đấu thầu. Chọn 1 cái tiêu chuẩn kỹ thuật thấp hơn tiêu chuẩn chung của TG thì chẳng khác gì loại bỏ các nhà thầu của các quốc gia khác vì các nhà thầu này không thể vi phạm pháp luật của nước họ.

Tôi đã nhiều lần đề nghị VN nên xây dựng "hàng rào kỹ thuật" nhưng Bộ Khoa học - công nghệ VN viện nhiều lý do không chính đáng để trì hoãn. Mục đích xây dựng "hàng rào kỹ thuật" là để ngăn chặn hàng hóa công nghệ chất lượng kém tràn vào thị trường VN bất chấp từ nguồn nào (kể cả do người VN làm ra). Hậu quả nhãn tiền. Con buôn VN sang TQ mua hàng đồng nát với giá bèo đem về VN bán là lý do vì sao hàng rởm TQ tràn ngập VN. Thực phẩm VN vì sao "bẩn" như thế ? Vì không có tiêu chuẩn nào để khống chế. Nói tới nói lui thì nói thẳng luôn, "hàng rào kỹ thuật" thực tế chính là luật pháp. Bảo sao VN cái gì cũng dở. Luật pháp không có làm sao bằng ai.

Công nghiệp ô tô, năng lượng cho đến dệt may đều phụ thuộc TQ là tất nhiên. Muốn làm ra cái kim sợi chỉ cũng phải bỏ tiền ra nghiên cứu chứ. Ngồi không mà hưởng thì phải bỏ tiền ra mua chứ ai cho không mình. Bỏ 100 đồng vào nghiên cứu là cầm chắc 99 đồng ném vào không khí. Nhưng chỉ cần nghiên cứu thành công 1 thành phẩm thôi, VN sẽ bớt đi 1 mặt hàng phải nhập khẩu. Thành công 1 lần, lợi ích vĩnh viễn.

Cái tư duy lời lỗ hiện nay trong đầu chính quyền và doanh nhân VN là lời lỗ từ việc mua đi bán lại. Cái tư duy này sẽ mang tới kết quả là, giàu nhất thời, nghèo vĩnh viễn. Tín đồ Toán học VN với trí thông minh logic đứng top TG đâu, các chú có thể làm ra được cây kim sợi chỉ không ? Chê hàng TQ rởm nhưng nó cái gì cũng làm ra được còn người VN mình làm ra được cái gì đâu nói nghe coi. "Hàng VN chất lượng cao" hay là "hàng gia công lắp ráp chất lượng cao" ? Làm không được cái gì mà cứ giỏi chê bai. Cứ làm ra được hàng rởm như nó đi rồi hãy chê bai nó. Cái gì có thể thiếu chứ lòng tự trọng mà thiếu thì thua.

bởi: Không ghi tên
01.04.2016 06:49
quan viet thi tham tien con Tau cong biet hoi lo...chi kho cho dan va dat nuoc ma thoi....khi nao nhom loi ich bi dao thai thi dat nuoc va Dan moi bot kho.....

bởi: Oklahoman
01.04.2016 03:05
Đảng CS VN bán nước cho Tàu đã rỏ ràng như ban ngày.

bởi: 8SG từ: trên mặt đất
01.04.2016 00:49
CSVN có quá nhiều kinh nghiệm đắng cay khi làm ăn với TQ vì nhiều lần các cán bộ tuyên giáo đã báo cáo những việc này tại các đơn vị cơ sở. Nhưng các công ty TQ vẫn thắng thầu vì họ đưa giá thầu rẻ rồi sau đó xin chỉnh giá khi đang thi công vì nhiều lý do, ngoài ra họ còn lót tay giỏi cho các quan chức VN.

No comments:

Post a Comment