Mừng 90 tuổi, nữ hoàng Anh chưa sẵn sàng truyền ngôi
Nữ hoàng Anh Elizabeth II tròn 90 tuổi ngày 21/04/2016.REUTERS/Chris Jackson
Sinh ngày 21/04/1926, công chúa Elisabeth Alexandra Mary Windsor, với tên gọi thân mật là công chúa "Lilibet" nổi tiếng với những lọn tóc vàng và nụ cười lém lỉnh. Được sinh ra không phải để kế nghiệp, nhưng cuối cùng công chúa "Lilibet" lại trở thành người đứng đầu nước Anh, với thời gian trị vì lâu nhất, tính đến nay đã được 64 năm.
Ngày 21/04/2016, toàn thể nước Anh tổ chức linh đình lễ mừng sinh nhật lần thứ 90 của bà, vị nữ hoàng được người dân Anh tôn kính nhất và mong tại vị lâu nhất có thể được. Nhân sự kiện này, RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà trí thức Sơn Trần, tại Luân Đôn.
RFI : Hôm nay, nữ hoàng Elisabeth II kỉ niệm sinh nhật lần thứ 90 tại lâu đài Windsor. Nước Anh chuẩn bị lễ mừng sinh nhật nữ hoàng như thế nào ?
Người dân nước Anh rất tôn kính nữ hoàng Elisabeth, vì đây là vị nữ hoàng cai trị lâu dài nhất so với các vị quốc vương khác trong lịch sử của nước Anh. Nghi lễ mừng sinh nhật bà sẽ kéo dài từ ngày hôm nay 21/04 cho đến ngày 12/06/2016. Nước Anh sẽ tổ chức nhiều dịp cho lễ mừng.
Đặc biệt hôm nay, lúc 12 giờ trưa, nhiều địa phương đã bắn đại bác mừng sinh nhật lần thứ 90 của bà. Rồi tại lâu đài Windsor, cũng là nơi ở của bà, sẽ đặt bảng mừng sinh nhật thứ 90, rồi còn có một cuộc diễn binh của ngự lâm quân hoàng gia diễn ra trong khuôn viên của lâu đài Windsor ngày hôm nay.
Đến khoảng giữa tháng Năm, từ ngày 12-15/05 sẽ có một cuộc diễn binh khác tại Windsor. Vào ngày 10/06, sẽ có một buổi lễ chính thức tại nhà thờ Anh giáo Saint-Paul (St Paul's Cathedral), nghĩa là buổi lễ tạ ơn, ý nói là tạ ơn Thượng Đế cho nữ hoàng sống lâu và minh mẫn, và thực hiện vai trò quốc vương rất là tốt cho nước Anh.
Một cuộc duyệt binh khác của ngự lâm quân hoàng gia cũng sẽ diễn ra vào ngày 11/06 tại Luân Đôn. Đến ngày 12/06, một lễ mừng diễn ra ngoài trời, ước tính sẽ có đến 10.000 người tham gia, bao gồm thường dân, nhân sĩ và chính trị gia…
Người dân Anh rất tôn kính nữ hoàng, đặc biệt là nữ hoàng Elisabeth II. Bà rất xứng đáng được tôn kính trên phương diện đạo đức, tài năng và tư cách lãnh đạo của bà, rất hiếm thấy so với các quốc vương khác trên thế giới.
RFI : Hiện đã 90 tuổi, trị vì được 64 năm với 12 đời thủ tướng. Dù trong hoàng gia đã xảy ra một số tai tiếng, song nữ hoàng vẫn rất nổi tiếng. Ông có thể giải thích tại sao được không ạ ?
Bà lên ngôi lúc 16-17 tuổi. Ngay từ thời đó, bà đã thể hiện một phẩm cách là con người ưa học hỏi, giữ gìn chuẩn mực đạo đức. Mặc dù trong hoàng gia có một trường hợp xảy ra gần đây liên quan đến cuộc sống của thái tử Charles, bà rất chăm lo cho vai trò lãnh đạo tinh thần cho nước Anh.
Đặc biệt, bà rất xem trọng khối Commonwealth, để giữ sự đoàn kết, thịnh vượng chung cho nước Anh và những nước cựu thuộc địa của Anh. Cho nên, nữ hoàng đã từng công du nhiều nơi, tạo một sự đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia trong khối thịnh vượng chung, gọi là Commonwealth.
Nữ hoàng còn là người, bẩm sinh đã có một tư cách lãnh đạo rất là tốt. Những dịp xuất hiện trước công chúng, ngôn ngữ của bà chứng tỏ bà là một con người chừng mực, hiểu thấu vai trò của mình, và có lòng yêu mến dân tộc, truyền thống của nước Anh và lịch sử đất nước.
Vì thế bà tại vị rất là lâu. Điều hiếm thấy là trong bài diễn văn mới nhất, để khai mạc đại triều tại lưỡng viện Quốc Hội, tôi nhận thấy là bài diễn văn của bà rất hùng hồn, giọng sang sảng không có gì cho thấy nữ hoàng giống như một bà già 90 tuổi sắp lú lẫn.
Điều đó cho thấy nữ hoàng rất còn minh mẫn, và tâm tư của bà, phải nói là gắn liền được, giống như là nhập vai vào được tinh thần bài diễn văn do thủ tướng viết mà nữ hoàng đọc trước lưỡng viện Quốc hội trong buổi đại triều, mỗi năm tổ chức một lần. Điều đó cũng chứng tỏ là nữ hoàng chưa có vẻ gì mệt mỏi trong vai trò quốc vương của một nước rất lớn trên thế giới là Anh quốc.
RFI : Nữ hoàng đã trị vì được 64 năm. Thái tử Charles năm nay cũng 68 tuổi. Vậy, tại Anh, có dư luận hay thông tin nào cho thấy là có khả năng nữ hoàng sắp truyền ngôi cho thái tử Charles không ?
Theo quan điểm của tôi, hoàng gia có chút khó khăn trong việc truyền ngôi cho thái tử Charles. Bởi vì, trong lịch sử nước Anh cũng có một vị vua, phải thoái vị để làm quận công Windsor, vì lý do ông muốn kết hôn với một nữ bá tước đã từng ly dị chồng. Và do thái tử Charles đã rơi trúng vào ngay trường hợp này nên cũng gặp chút khó khăn cho hoàng gia, mặc dù người Anh không phản đối.
Nhưng dù sao chăng nữa, người phối ngẫu của thái tử Charles là bà vương phi Camilla, đã từng ly dị một đời chồng. Nếu thái tử Charles tiếp nối ngôi vua, bà sẽ trở thành hoàng hậu. Mà người Anh rất tôn sùng hoàng gia, nên họ không muốn vị nữ hoàng của họ là người từng bỏ chồng hay bỏ vợ gì hết.
Do đó, tôi nghĩ là tinh thần này, tâm ý của hoàng gia họ sẽ đợi chờ cho hoàng tử William vững vàng thì lúc đó nữ hoàng sẽ nhường ngôi thẳng cho hoàng tử William. Đó là giải pháp hay nhất tôi nghĩ đến và tôi tin rằng cũng có nhiều thành viên trong hoàng gia cũng nghĩ đến điều này.
Và nhất là khi nhìn vào sự chuẩn bị trong năm năm hay sáu năm trở lại đây, hoàng tử William là con trai lớn của đông cung thái tử Charles được huấn luyện rất kỹ lưỡng để làm vua, như là đã từng tham gia vào quân đội, chịu sự huấn luyện như một binh sĩ, tham gia vào không quân, để biết quân đội như thế nào. Rồi tham gia vào các công việc từ thiện, ví dụ như đi qua tận các nước Nam Mỹ, vác những cọc gỗ rất là nặng như là một người lao động để biết cái khổ của người dân, người nghèo như thế nào.
Sự huấn luyện của hoàng gia phải nói là tuyệt vời cho một người chuẩn bị lên làm vua. Cho nên tôi tin chắc rằng là người kế vị sau sáu mươi mấy năm cai trị của nữ hoàng có lẽ là hoàng tử William.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment