Thursday, April 7, 2016

Tập Cận Bình siết chặt truyền thông sau vụ Panama Papers

Tập Cận Bình siết chặt truyền thông sau vụ Panama Papers

mediaChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng dính vào vụ tai tiếng Panama Papers.REUTERS/Kevin Lamarque
Nhật báo Libération hôm nay 07/04/2016 có bài điều tra mang tựa đề « Tập Cận Bình siết chặt truyền thông ». Thông tín viên của tờ báo tại Bắc Kinh nhấn mạnh, kiểm duyệt đã được tăng cường trong những năm gần đây, và còn khắc nghiệt hơn từ khi nổ ra vụ « Panama Papers ».
« Tìm kiếm và xóa hết tất cả những thông tin về ‘‘Panama Papers’’. Không nêu ra bất kỳ chủ đề nào liên quan, và điều này không có ngoại lệ nào. Nếu tìm thấy trên mạng một nội dung từ báo nước ngoài tấn công Trung Quốc, thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc ».
Đó là những chỉ thị rất rõ ràng được gởi đến các nhà báo Trung Quốc hôm thứ Hai 4/4, sau khi Liên Đoàn Quốc Tế Các Nhà Báo Điều Tra tiết lộ vụ Panama Papers. Trước đó hôm Chủ nhật 3/4, chương trình chiếu lễ trao giải Hongkong Film Awards trên truyền hình đã vội vã bị thay thế bằng một chương trình dạy nấu ăn, khi chiến thắng của phim Ten Years được loan báo. Phim này của một đạo diễn độc lập, mô tả một Hồng Kông năm 2025 bị đè bẹp dưới ách cai trị của Trung Quốc.
Một cựu phóng viên tờ Nam Phương Chu Mạt lo ngại : « Hồi tháng 12/2015 Ursula Gauthier, thông tín viên tuần báo L’Obs đã bị trục xuất. Tháng vừa rồi đến lượt nhà báo Giả Hà (Jia Jia) bị bắt. Không ai biết được mọi chuyện sẽ đi đến đâu ». Nhà báo này phụ trách tin tức quốc tế trong suốt hai năm rưỡi, nhưng cuối cùng phải ra đi vì thấy tờ báo không còn độc lập. Cựu phóng viên kể lại: « Không còn được làm phóng sự về Hoa Kỳ, còn nếu viết về Nhật Bản thì phải chỉ trích. Về đối nội, Tân Cương trở thành điều cấm kỵ ».
Cùng với sự lên ngôi của Tập Cận Bình cuối năm 2012, một bức màn sắt đã phủ trùm lên toàn bộ các tòa soạn Trung Quốc. Ba năm sau, kinh tế gặp khó khăn khi tăng trưởng chậm lại, Bắc Kinh lại càng tăng cường kiểm soát. Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, đây không chỉ là do trưởng ban tuyên giáo Lưu Vân Sơn (Liu Yunshan), mà là chủ trương của chính Tập Cận Bình.
Tập trung mọi quyền lực trong tay, ông ta muốn có được lòng trung thành tuyệt đối của báo chí chính thức, chấn chỉnh các tập đoàn báo tư nhân, áp đặt tôn sùng cá nhân. Mục tiêu là nắm chắc được sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng 19 sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2017.
Đó chính là lý do khiến hôm 19/2 Tập Cận Bình đến thăm Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa Xã và đài truyền hình CCTV – một sự kiện chưa từng thấy kể từ năm 2008. Hôm đó ông Tập còn chiếm mất một trong hai chiếc ghế của phóng viên dẫn chương trình ngay trên sàn quay, trước ống kính. Chương trình thời sự này được chiếu lại vào lúc cao điểm 19 giờ trên tất cả các đài truyền hình toàn quốc, thậm chí trong mạng lưới xe điện ngầm và trên xe buýt.
Siết truyền thông để giúp đảng sống sót
Giáo sư Jean-Pierre Cabestan ở Hồng Kông nhận định : « Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa Xã và CCTV hợp thành đầu não của thông tin chính thức. Có thể hiểu chuyến viếng thăm này theo hai cách. Hoặc đây là phản ánh sự tin tưởng vào hệ thống, hoặc ngược lại, là một dạng hoang tưởng và lo ngại. Tôi nghiêng về giả thiết thứ hai hơn ».
Libération nhận xét, kiểm soát báo chí luôn là ưu tiên của đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo với thời gian, kiểm duyệt đã nhẹ bớt để theo kịp đà tiến của truyền thông và 668 triệu cư dân mạng. Bên cạnh những bài báo tuyên truyền cho đảng trên báo giấy và báo mạng, một nền báo chí tương đối độc lập đã xuất hiện, « đu dây » giữa các chỉ thị tuyên giáo và áp lực của các nhà quảng cáo. Một số phóng viên đã thực hiện các bài điều tra công phu, kể cả những chủ đề nhạy cảm.
Nhưng đến thời Tập Cận Bình, một chiến dịch quy mô đánh vào xã hội dân sự đã được tung ra, nhắm vào các giảng viên đại học, luật sư, các tổ chức phi chính phủ. Trong chuyến thăm hôm 19/2, ông Tập nhấn mạnh báo chí phải « bảo vệ quyền lực và sự đoàn kết trong đảng ».Thậm chí còn khẳng định « báo chí phải có tính đảng ». Công thức này khiến tỉ phú Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), đại gia địa ốc và là đảng viên, viết nhiều bài chỉ trích trên mạng Vi Bác, kết quả là tài khoản của ông đang có 38 triệu người theo dõi đã bị đóng.
Nicolas Bequelin, giám đốc phụ trách Đông Á của Amnesty International phân tích : « Từ năm 1989, Trung Quốc vẫn nhập nhằng về một số điều như kiểm soát báo chí, internet, xã hội dân sự. Nhưng Trung Quốc của Tập Cận Bình hiện nay đã thẳng thừng hơn, không còn giấu diếm sự độc đoán. Không muốn có Nam Phương Chu Mạt, cũng như những tạp chí trong đó một cán bộ đảng có thể nói Trung Quốc đang ra khỏi những nguyên tắc căn bản của Đặng Tiểu Bình ».
Ôn Vân Siêu (Wen Yunchao), nhà hoạt động 45 tuổi sống lưu vong tại New York từ cuối 2012, thổ lộ : « Dưới thời Hồ Cẩm Đào, thậm chí còn có ý tưởng cho phát triển mạng xã hội. Nhưng chế độ hiện nay lại cho rằng internet có thể gây nguy hiểm cho sự tồn vong của đảng ». Cha mẹ và em trai ông đã bị chính quyền Quảng Đông bí mật bắt giữ 8 ngày, trong loạt đàn áp sau khi xuất hiện một lá thư ngỏ kêu gọi Tập Cận Bình từ chức.
Trung Quốc, nền kinh tế thị trường ?
Trên lãnh vực kinh tế, « Không ai nghĩ rằng Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường », đó là tựa bài phỏng vấn ông Jean-Luc Demarty, giám đốc phụ trách thương mại của Ủy ban Châu Âu đăng trên Les Echos.
Theo ông Demarty, nếu là nền kinh tế thị trường, thì Trung Quốc không vấp phải những vẫn đề như sản xuất thừa, đầu tư bừa bãi. Bên cạnh đó, trọng lượng của các công ty quốc doanh vẫn còn rất quan trọng. Liên hiệp Châu Âu hiện chưa có quyết định về việc coi Trung Quốc là nền kinh tế thị trường vào cuối 2016 theo như quy định hồi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Một nghiên cứu về tác động của việc này đang được tiến hành, song song đó việc tham vấn ý kiến người dân sẽ kết thúc vào ngày 20/4 tới.
Ông Demarty nhấn mạnh đến ngành luyện thép châu Âu, đang đứng trước cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ thập niên 70, chủ yếu do Trung Quốc sản xuất thừa. Hiện nay Trung Quốc thừa từ 300 đến 400 triệu tấn, trong khi châu Âu chỉ sản xuất được 170 triệu tấn. Ngành thép của châu Âu đã hiện đại hóa, làm ra được những sản phẩm phức tạp mang tính sáng tạo ; và như vậy không thể chấp nhận được việc thép châu Âu bị Trung Quốc quét sạch do bán phá giá.
Thần tượng Aung San Suu Kyi trước thử thách quyền lực
Cũng về châu Á, bài phân tích của Bruno Philip, đặc phái viên Le Monde tại Răngun nói về « Bà Aung San Suu Kyi trước thử thách quyền lực ở Miến Điện ».
Một mình ôm bốn bộ Ngoại giao, Giáo dục, Điện lực, Năng lượng và chánh văn phòng tổng thống, như thế bà thực sự có quyền hành như thủ tướng. Dù rốt cuộc vào đầu tuần đã bỏ bớt hai bộ Điện lực và Giáo dục, nhưng bà lại lãnh thêm chức phát ngôn viên tổng thống.
Le Monde đặt câu hỏi, phải chăng giải Nobel hòa bình đã mất đi tính thực tế ? Ở tuổi 70, về cả thể chất và tinh thần, làm thế nào bà có thể quản lý được toàn bộ những hồ sơ quan trọng như thế, vượt qua được bằng ấy thử thách tại một đất nước thuộc loại nghèo nhất châu Á, sau nửa thế kỷ dưới chế độ độc tài quân sự và nội chiến liên miên ? Bên cạnh đó, nhiều đối thủ và thậm chí một số bạn chiến đấu của bà còn chỉ trích cá tính độc đoán của bà Aung San Suu Kyi.
Lập Vệ binh Quốc gia : Do Putin sợ đảo chính ?
Nhìn sang nước Nga, Le Figaro trong bài « Vladimir Putin thành lập Vệ binh Quốc gia », cho biết tổng thống Nga đã bổ nhiệm một nhân vật thân tín có quá khứ tai tiếng làm người đứng đầu lực lượng mới này.
Hôm thứ Ba 5/4, trước sự ngạc nhiên của mọi người, tổng thống Nga loan báo thành lập lực lượng vệ binh quốc gia, được ước tính lên đến 300.000 người. Một ngạc nhiên khác : người đứng đầu là Viktor Zolotov, cựu sĩ quan KGB. Lực lượng « ngự lâm quân » này rút từ các lực lượng đã có như Omon (cảnh sát chống bạo động) hay SOBR (đặc nhiệm). Ngay hôm sau, Hạ viện vốn trung thành tuyệt đối với tổng thống đã đưa ra dự luật tương ứng.
Vệ binh quốc gia được đặt trực tiếp dưới quyền lãnh đạo của Putin, không thông qua một bộ trung gian nào. Theo các chuyên gia, ông chủ điện Kremlin luôn lo sợ bị lật đổ từ bên ngoài hoặc một cuộc nổi loạn ngay trong cung đình.
Panama Papers tiếp tục lật tẩy nhiều khuôn mặt trốn thuế
Tiếp tục loạt điều tra gây chấn động « Panama Papers », nhật báo Le Monde số đề ngày hôm nay chạy tựa trang nhất « Những người Pháp che giấu tài sản tại các đảo quốc » ; tố cáo các công ty và những gia tộc tên tuổi lập cơ chế trốn thuế.
Le Figaro chú ý đến việc « Đối mặt với giới trẻ, tổng thống Hollande sẵn sàng nhượng bộ thêm »với nhận định, tuy không muốn lùi bước về luật lao động sửa đổi, nhưng chính phủ liên tục có những động thái để giảm độ nóng trên mặt trận này.
Libération chạy tựa trang nhất « Ban đêm thuộc về họ », khi từ một tuần qua, quảng trường République ở Paris cứ mỗi khi màn đêm buông xuống lại đầy những người phản kháng đến đây để tranh luận, trong phong trào « Nuit Debout » (Đêm quật khởi).
Trên lãnh vực kinh tế, nhật báo Les Echos cho rằng « Trừ thuế ngay từ đầu nguồn, một cải cách đang giẫm chân tại chỗ ». Về giáo dục, nhật báo công giáo La Croix quan tâm đến hiện tượng giáo viên vắng mặt mà không có người thay thế, với hàng tựa « Khi thầy cô khiếm diện ».
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment