Từ Pháp đến Brazil, niềm tin vào cánh tả tan vỡ
Biểu tình chống dự luật lao động tại Lille (Pháp) ngày 31/03/2016.REUTERS/Pascal Rossignol
Giới trẻ Pháp thách thức chính phủ Hollande. Ai còn muốn cứu giúp cánh tả và tổng thống Brazil Delmi Rousseff ? Tại Miến Điện, «siêu bộ trưởng » Aung San Suu Kyi xếp đặt nhân sự. Chống khủng bố Hồi giáo, Putin đã « dạy cho các nền « dân chủ hèn nhát » một bài học » để đời. Văn hào Imre Kertesz, Nobel văn học Hungari, chứng nhân tội ác Đức quốc xã và Stalin qua đời ở tuổi 86. Đó là những đề tài nổi bật trên các báo Pháp hôm nay 01/04/2016.
Nhật báo L’Humanité với 10 trang phóng sự tường thuật cuộc đình công, bãi khóa và xuống đường của công nhân và sinh viên học sinh ngày 31/03 với tựa lớn : "Trọng lượng của một triệu con người. Chống luật lao động, người biểu tình gia tăng áp lực". Lên tinh thần, giới trẻ và công nhân hẹn nhau ngày 05 và 09/04 theo L’Humanité.
Nếu nhật báo cộng sản chọn tấm ảnh các học sinh giương cờ xuống đường thì Le Figaro nhận định : hồi kết đã điểm đối với cặp lãnh đạo hành pháp Hollande-Valls. Theo nhật báo đối lập, thủ tướng Valls sa bẫy sau hai năm ngồi ở điện Matignon. Uy tín của thủ tướng Pháp rơi xuống thấp kỷ lục: 27% , thấp hơn bất cứ người tiền nhiệm nào từ năm 1970 đến nay. Thủ tướng sa lầy trong vụ luật lao động do « tự đánh giá quá cao » còn tổng thống « tưởng lầm »mình đủ bản lĩnh làm chuyện khó khăn cuối cùng phải bỏ cuộc vì không huy động được lưỡng viện quốc hội tu chính Hiến pháp tước quốc tịch khủng bố.
Tuy không cùng con số 1,2 triệu của L’Humanité, Libération - cánh tả độc lập - nhận định không khác mấy : với 400.000 người xuống đường, gấp đôi cuộc biểu tình 09/03, giới trẻ Pháp cho biết sẽ đấu tranh cho đến khi chính phủ lùi bước.
Nhật báo kinh tế Les Echos, tuy phản ảnh quan điểm của giới chủ nhân, cho rằng 400.000 ngàn người biểu tình trên toàn quốc chưa đủ sức làm chính phủ nhượng bộ, nhưng rõ ràng là tổng thống Hollande bị thách thức.
Tình trạng « vô kế khả thi » của tổng thống Pháp được nhật báo công giáo La Croix mô tả một cách châm biếm nhân ngày « cá tháng Tư » (01/04). Tổng thống Hollande còn hai « phương án bí mật » để huy động công luận ủng hộ : một là ra luật trừng phạt nặng những ai làm xáo trộn thời tiết phá hoại mùa màng và mùa nghỉ hè của dân Pháp, hai là do không giải quyết nạn thất nghiệp như cam kết, thì chính phủ tăng lương thật nhiều cho những ai có việc làm. Thế thì có ai mà chống đối ?
Giấc mơ tan vỡ của Brazil
Tình thế cánh tả Pháp tuy nguy ngập nhưng có lẽ không thê thảm bằng đảng Lao động ở Brazil. Tàn Một Giấc Mơ, tựa trên trang nhất của Libération. Trong bốn trang phóng sự và phân tích, nhật báo cánh tả đặt câu hỏi: Ai còn muốn cứu cánh tả Brazil? Bị vướng vào vụ hối lộ của tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras, bị đe dọa truất phế, nữ tổng thống Dilma Rousseff mất luôn điểm tựa liên minh trung tả. Tại sao?
Từ người chụp ảnh đến doanh nhân và luật gia đều thất vọng cánh tả Brazil: những gì (sai trái) bà tổng thống thực hiện, phe hữu đã làm và làm hơn cả trăm lần. Nhưng nhân danh giúp dân nghèo, chính quyền cánh tả lại liên kết, móc ngoặc với nhóm đặc quyền kinh tế. Lula, tổng thống tiền nhiệm, từ người của nhân dân biến thành kẻ xấu mà chính ông ấy từng lên án. Truất phế tổng thống tham ô không có nghĩa là đảo chính, theo như lập luận của những người dân Brazil được Libération ghi lại.
Bị dân chúng tẩy chay – không nỗ lực đối phó với khủng hoảng kinh tế mà chỉ lo nhắc lại hào quang quá khứ -, bà lại thêm bị một vị chưởng lý chống tham ô quyết liệt bám sát. Chưởng lý Moro không ngại cung cấp cho báo chí cú điện thoại của bà Rousseff với người tiền nhiệm Lula, theo đó bà lạm dụng quyền tổng thống để bao che cho ông Lula, bằng cách bổ nhiệm ông làm bộ trưởng để tạm thời tránh điều tra tư pháp.
Số phận của tổng thống Brazil như chỉ mành treo chuông, chờ phán quyết của Tối Cao Pháp Viện vào tuần sau, có thể chính bà sẽ bị tư pháp điều tra.
Miến Điện: Aung San Suu Kyi bày trận
Cuối cùng, phong trào dân chủ Miến Điện tiếp thu chính quyền, một cuộc phiêu lưu chuyển tiếp chính trị được phóng viên của Libération mô tả như thân thể một người bệnh nặng vì 60 năm độc tài.
Vấn đề là chính phủ mới, theo nhận định của nhà báo Pháp Arnaud Vaulerin, có khá nhiều nhược điểm. Do bị phe quân sự thọc gậy bánh xe bằng Hiến pháp bất bình đẳng chận ghế tổng thống, bà Aung San Suu Kyi thâu tóm bốn bộ từ Ngoại Giao, Kinh Tế, Giáo Dục cho đến bộ trưởng văn phòng tổng thống. Hôm thức năm, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ còn đưa dự luật thành lập chức “cố vấn Nhà nước” cho bà Aung San Suu Kyi. Mục đích là cho khôi nguyên Nobel hoà bình 1991 vị thế “Thủ tướng”.
Sự kiện này cho thấy nhược điểm thứ nhất của lãnh đạo phong trào dân chủ là không có khả năng “ phân quyền”. Thứ hai, nội các dân sự chỉ có một phụ nữ duy nhất là bà Aung San Suu Kyi, kém hơn chính phủ Thein Sein về mặt bình đẳng nam nữ. Và nhược điểm thứ ba là hầu hết bộ trưởng đều ở tuổi trên 60.
Ngày thứ tư 30/03 vừa qua, khi tuyên thệ nhậm chức, tân tổng thống Htin Kyaw kêu gọi dân chúng “kiên nhẫn” trong khi chờ đợi tân chính quyền tìm một thỏa hiệp với quân đội. Cho dù một trang sử đã được lật qua, nhưng âu lo và bất trắc còn đầy trước mặt vì bản Hiến pháp không rõ ràng.
Daech tự mời tham dự Thượng đỉnh Washington
Cuộc chiến chống khủng bố được bàn thảo tại Washington nhân Thượng đỉnh an toàn hạt nhân do tổng thống Obama triệu tập. Theo phân tích của Le Figaro, trên chiến trường Hoa kỳ tăng tốc oanh kích tiêu diệt lãnh tụ Daech nhưng vẫn chưa có giải pháp đánh chiếm “thủ phủ” Raqqa ở Syria. Washington trông cậy vào lực lượng Kurdistan ở Syria nhưng gặp chống đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Bất đồng thứ hai là tính chất áp bức của chế độ Ankara. Tại Thượng đỉnh Washinton, tổng thống Erdogan chỉ được phó tổng thống Joe Biden tiếp kiến.
Nhưng theo Le Figaro, Thổ Nhĩ Kỳ không thụ động trong cuộc chiến chống Daech. Tại Irak, quân đội Ankara chuẩn bị cho các lực lượng dân quân Sunni để tái chiếm Mossoul, thủ phủ của Daech tại Irak.
Bài học của Putin
Trên trang “ Ý Kiến” của Le Figaro, blogger Ivan Rioufol dành ba cột dài để phê bình các nền dân chủ Tây phương mà ông gọi là “hèn nhát”.
Sau khi viết là cần phải cám ơn Putin, blogger này phân tích: giải pháp của cựu trung tá mật vụ hiệu quả hơn các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ. Đối với Daech, chỉ có bạo lực là họ biết sợ. Nhờ Nga đánh liền mà Palmyra được giải tỏa. Trong khi đó, tổng thống Pháp Hollande kêu gọi “tiêu diệt” thánh chiến, để rồi chính Daech nổi cơn thịnh nộ, giáng cho Pháp một loạt khủng bố. Theo tác giả, không phải những buổi cầu nguyện, thắp nến ở Paris có thể tiêu diệt được chiến binh thờ kinh Coran.
Châu Âu dường như bị tê liệt trước thánh chiến Hồi giáo. Đã được Giám mục Kirkouk và Giám mục Mossoul báo động từ lâu về nguy cơ “phát xít mới” thống trị và giết hại tín đồ Thiên Chúa, thế mà nước Pháp từ năm 2014 giảm cấp visa nhập cảnh cho người Irak theo đạo Chúa tị nạn đến 72%.
Tuy Putin là một kẻ độc tài không thể biện minh được, dù Bachar Al Assad là kẻ đáng ghét, nhưng trong tình thế “mạnh ai nấy lo thân” một cách hèn nhát này, chỉ có Putin là dám lên tiếng và ra tay tấn công phe Hồi giáo cuồng tín.
Thái độ “quen chịu đựng” của Tây phuơng Thiên Chúa giáo trước tội ác của những kẻ chống đạo Thiên Chúa còn hiện rõ sau vụ Taliban ôm bom sát hại 72 tín đồ Pakistan, trong số này có 29 trẻ em trong mùa Phục Sinh, không tạo ra một sự phẫn nộ nào tại Pháp.
Theo blogger Ivan Rioufol, thì “những bài học nhân quyền của các nền dân chủ bị ru ngủ và bị khuất phục chỉ là luận điểm để đầu hàng. Vấn đề là những kẻ bại trận không bao giờ làm nên lịch sử”. Phải nhìn nhận rằng, trái với công luận cánh tả, phe hữu ở Pháp thân Nga nhiều hơn.
Imre Kertesz, Nobel văn học Hungari, chứng nhân tội ác Hitler, qua đời
Libération giả từ Nobel văn học 2002, “lương tâm” của dân tộc Hungari, chứng nhân, nạn nhân chế độ diệt chủng của Đức quốc xã và Stalin. Toàn bộ tác phẩm của Imre Kertesz là biểu tượng của lòng can đảm, không khoan nhượng trước tội ác của các bạo chúa phát-xít và cộng sản. Ông kể lại “được tái sinh hai lần”.
La Croix vinh danh nhà văn tự định nghĩa mình là “người sống sót cố sống sót cuộc đời của kẻ sống sót”, biểu tượng của hy vọng và tinh thần châu Âu hợp nhất. Cái chết của Imre Kertesz là một “mất mát đắng cay trong bối cảnh giá trị bản sắc của châu Âu bị chao đảo, mất niềm tin”, theo nhân định của hàn lâm viện sĩ Thụy Điển Horace Engdahl, người vận động cho nhà văn Hungary được giải thưởng Nobel văn học năm 2012.
No comments:
Post a Comment