Việt Nam bắt tàu nhiên liệu Trung Quốc
- 8 giờ trước
Tàu Trung Quốc tên Quỳnh Dương Phổ số hiệu 13056 và ba thuyền viên người Trung Quốc bị bộ đội biên phòng Hải Phòng bắt giữ từ đảo Bạch Long Vĩ, các báo tại Việt Nam đưa tin.
Thông tấn xã Việt Nam nói tàu bị bắt khi giả làm tàu đánh cá.
Phía Việt Nam cũng cho biết con tàu chở 100.000 lít dầu, mà theo thông tin các báo Việt Nam đưa lại là "bán số dầu trên cho các tàu đánh cá Trung Quốc đánh bắt trái phép tại vùng biển của Việt Nam."
Báo chí Việt Nam trích thuật giới chức trách nói thủy thủ đoàn đã không đưa ra được giấy phép cần thiết và giấy tờ về nguồn gốc của khối lượng dầu này.
Cho tới nay chưa có bình luận gì từ phía Trung Quốc.
Con tàu có màu xanh, tên viết bằng tiếng Trung Quốc, với ba người thủy thủ đoàn có quốc tịch Trung Quốc, cư trú ở tỉnh Quảng Đông điều khiển, báo Thanh Niêntường thuật.
Tờ Vnexpress nói con tàu bị bắt tại tọa độ 190 44’N 1070 20’ E cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ 12 hải lý về phía Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ.
Ông Phạm Đình Thành - phó Hải đội 2, bộ đội Biên phòng Hải Phòng nói với báo Thanh Niên họ đã lập biên bản hơn 20 tàu cá Trung Quốc và xua đuổi 110 lượt tàu đang đánh bắt trên vùng biển Việt Nam.
Bộ đội biên phòng Việt Nam cũng nói gần đây các tàu Trung Quốc liên tục gia tăng hoạt động "xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam".
'Tốn công sức'
Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Lê Kế Lâm, cựu Chuẩn Đô đốc hải quân Việt Nam, Nguyên giám đốc Học viện Hải quân nhận định: "Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã được hai nước ký từ năm 2000. Hiệp định đó đến nay đã có hiệu lực. Trong Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ thì có Hiệp định hợp tác nghề cá. Nhưng thực ra các tàu cá của Việt Nam so với các tàu cá của Trung Quốc ít hơn rất nhiều và sự hành nghề của những ngư dân Trung Quốc cũng liều lĩnh xâm phạm vùng biển các nước khác nhiều hơn.”
“Cho nên các tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, đi sang phía Tây đường phân định Vịnh Bắc Bộ để đánh bắt hải sản thì đương nhiên biên phòng của Bạch Long Vỹ ở Hải Phòng nói việc đó xảy ra thường xuyên và VN chỉ xua đuổi và lập biên bản thôi.”
Tuy nhiên, ông Lâm cũng phân tích: “Xua đuổi là việc làm rất tốn công sức và không có kết quả vì đuổi ở trên biển thì họ chỉ chạy dăm hải lý là sang vùng biển của họ và mình không có quyền gì giải quyết xâm phạm vùng biển của họ.”
Ông Lâm nhận định việc lập biên bản và bắt tàu cá Trung Quốc là “có bước tiến” nhưng “chưa đủ”.
Vị cựu Chuẩn đô đốc hải quân Việt Nam so sánh các vụ tàu Trung Quốc vào khu vực Vịnh Bắc Bộ và tàu Việt Nam ra khu vực Hoàng Sa. Ông nói: “Bao nhiêu tàu cá của mình đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa là một vùng biển thuộc truyền thống của ngư dân Việt Nam.
"Họ biết mùa nào cá gì, cá ở đâu, họ ra đánh bắt. Trung Quốc chẳng lập biên bản, chẳng xua đuổi gì hết mà họ bắt, tịch thu ngư cụ, tịch thu dầu, tịch thu phương tiện làm ăn, hoặc đâm chìm bỏ ngư dân mặc kệ đó. Hoặc họ bắt hai ba tàu, dồn người lên một tàu, tịch thu hết tất cả phương tiện làm ăn xong đuổi về.
"Quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam. Mà thực tế Trung Quốc đã xâm chiếm và quản lý. Họ đối xử với ngư dân của VN như vậy. Vậy mà trong lúc đó họ xâm phạm vùng biển của mình ở Vịnh Bắc Bộ thì ta chỉ xua đuổi thôi, đến đây là lập biên bản.”
Ông Lâm đặt câu hỏi: “Lập biên bản để làm gì? Tôi nghĩ cái này chưa giải đáp được, và như thế thì quá nhẹ nhàng, không cân xứng khi mà cách làm của họ với Hoàng Sa và cách làm của mình ở Vịnh Bắc Bộ.”
Nguyên nhân?
Giải thích nguyên nhân vì sao tàu cá Trung Quốc thường đi qua đường phân định ranh giới ở Vịnh Bắc Bộ, ông Lâm cho BBC biết: “Mùa này là mùa ở Vịnh Bắc Bộ rất nhiều sương mù. Mà có nhiều sương mù thì có điều kiện thuận lợi cho đàn cá di trú và kiếm thức ăn. Vì vậy cá vào vịnh Bắc Bộ mùa này nhiều hơn và nhiều loại cá ngon hơn.
Trong lúc đó các tàu cá Trung quá nhiều. Họ đánh bên phía biển của họ hầu như cạn kiệt rồi, nên họ lấn sang phía Việt Nam đánh bắt.” - Ông Lâm nói.
Báo Thanh Niên trích thuật ông Phạm Đình Thành, phó Hải đội 2, bộ đội Biên phòng Hải Phòng, nói hôm nay ngày 4/4 là họ đã lập biên bản hơn 20 tàu cá Trung Quốc và xua đuổi 110 lượt tàu đang đánh bắt trên vùng biển Việt Nam.
Bộ đội biên phòng Việt Nam cũng cho biết gần đây các tàu Trung Quốc liên tục gia tăng hoạt động "xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam".
No comments:
Post a Comment