Việt Nam vẫn vi phạm nhân quyền nghiêm trọng
Phúc trình nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm 2015 vừa công bố cho thấy bất kể một số cải cải thiện về mặt pháp lý, Việt Nam vẫn vi phạm quyền làm người của công dân một cách nghiêm trọng.
Tình hình nhân quyền toàn cầu năm 2015, được ngoại trưởng John Kerry và phụ tá ngoại trưởng đặc trách dân chủ nhân quyền Tom Malinowski công bố hôm thứ Tư ngày 13 vừa qua, là công việc thường niên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, mục đích nhắc nhở mọi quốc gia đang vi phạm phải cải thiện hồ sơ nhân quyền yếu kém của mình sao cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế hầu tiến tới một thể chế dân chủ và công bằng hơn.
Dựa vào thực tế
Ngoại trưởng John Kerry khẳng định bản phúc trình nhân quyền các nước năm 2015 là công việc nghiêm túc và rõ ràng chứ không phải ý kiến tùy tiện và quyết đoán nhắm vào từng quốc gia.
Đây là bản phúc trình có tính cách phổ quát và có tiêu chuẩn quốc tế, ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh, mọi báo cáo đều phải dựa căn bản thực tế chứ không thể bịa đặt và càng không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bước sang năm 2015 vẫn là một quốc gia toàn trị bởi một đảng duy nhất là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Dù đã có dấu hiệu ganh đua trong chừng mực nào đó giữa các ứng cử viên, cuộc bẩu cử quốc hội năm 2011, được coi là gần đây nhất, cũng chưa được đánh giá là tự do và công bằng, công an cảnh sát dường như đang muốn lấn lướt và kiểm soát các thế lực dân sự.
Tôi nghĩ về mặt ngoại giao, nói như thế nào, ai phản đối thế nào thì chính quyền Việt Nam vẫn vi phạm, vẫn chà đạp nhân quyền, chà đạp lên pháp luật, chà đạp lên hiến pháp.
- Ông Nguyễn Tường Thụy
Đó là phần mở đầu tập báo cáo chi tiết về nhân quyền Việt Nam năm 2015. Phúc trình cho thấy bất kể trong năm 2015 Việt Nam đã chú tâm nhiều hơn trong việc sửa đổi Bộ Luật Hình Sự, cải thiện những điều lệ về bắt giữ, tạm giam, xét xử, kể cả quyền được giữ im lặng khi bị bắt. Thế nhưng, phúc trình nói tiếp, vẫn còn nhiều đinh nghĩa mơ hồ trong Bộ Luật Hình Sự như xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm lợi ích nhà nước mà chính phủ dựa vào để chận đứng những hoạt động chính trị của người dân cũng như các tổ chức xã hội dân sự.
Mặt khác, Việt Nam không có tự do tôn giáo, Việt Nam vi phạm nhân quyền vì những hành động như bắt giữ công dân một cách tùy tiện, tra tấn đánh đập người bị bắt mà có khi dẫn đến những trường hợp tử vong, người bị buộc tội không được xét xử bằng những phiên tòa công bằng, trong lúc hệ thống tư pháp thiếu công minh, không độc lập mà còn bị lũng đoạn.
Phúc trình đã nêu đích danh những người bị công an đánh chết khi đang bị giam như Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Đức Duẩn, Đỗ Đăng Dư, Nguyễn Hoàng Quân, vân vân...
Bên cạnh đó, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin ở Việt Nam còn bị giới hạn, nhà nước sử dụng mọi biện pháp kiểm duyệt, ngăn chận và cấm đoán Internet. Những điều cấm kỵ này được áp dụng luôn cho cả các tôn giáo trong nước.
Tóm lại, bất dung tôn giáo, kiểm soát, khủng bố, tra tấn, án tù nhiều năm, gây trở ngại đời sống, hạn chế thông tin, bắt giữ tùy tiện, đàn áp người dân đòi quyền lợi, ngụy tạo bằng chứng để buộc tội người vô tội, đều là những hành vi chà đạp quyền con người của chính phủ Việt Nam mà bản phúc trình nhân quyền 2015 của Bộ Ngoại Giao Mỹ lần lượt nêu ra.
Thật quan trọng để nhấn mạnh là phúc trình nhân quyền mà Bộ Ngoại Giao cho công bố hôm nay, nhìn thì tưởng là dày cộm và công phu, thực tế không thể nào thể hiện đúng mức nỗ lực thăng tiến và phát huy những quyền chính đáng của con người tại các quốc gia thường có sự vi phạm.
Chính vì thế nhân quyền luôn là đề tài trong nghị trình làm việc của Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng như nằm trong nghị trình quan hệ đa phương giữa Hoa Kỳ với các quốc gia bạn.
Việt Nam là một thí dụ của trường hợp này, ngoại trưởng John Kerry nói, đất nước Việt Nam vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng, thế nhưng Hà Nội đã cam kết sẽ cho thành lập công đoàn độc lập một khi gia nhập TPP - Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương. Đây là một bước tiến rất có ý nghĩa về quyền tự do lập hội của người lao động.
Chương cuối phần phúc trình nói về Việt Nam còn đề cập đến những thiếu sót mà Việt Nam cần phải cải thiện, đó là vấn đề lương hướng của công nhân, những thanh phần thấp cở bé miệng trong xã hội Việt Nam, đẩy mạnh việc thành lập Công Đoàn Độc Lập nhằm bảo vệ người lao động, chấm dứt việc cấm đoán các tổ chức NGO ngoài chính phủ muốn hỗ trợ công nhân lao động trong nước.
Nhân quyền là khát vọng của người dân
Từ Hà Nội, cựu chiến binh, nhà báo, nhà văn Nguyễn Tường Thụy, cho rằng tôn trọng nhân quyền là chuyện không có ở Việt Nam:
Khi nói chạm đến Việt Nam về vấn đề vi phạm nhân quyền thì người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam vẫn bác bỏ, thông thường là như vậy. Chuyện đánh giá của Mỹ hay các nước, nếu nhận xét tốt thì thôi, nhận xét xấu thì họ bác bỏ, điều này xảy ra là lẽ thường. Đại khái tôi cũng đã gặp nhiều cán bộ đại sứ quán các nước Mỹ, Úc, Canada hay Hà Lan, tôi có lưu tâm đến vấn đề là những tuyên bố của Việt Nam khác xa thực tế rất nhiều thì họ bảo là họ biết cả. Tôi nghĩ về mặt ngoại giao, nói như thế nào, ai phản đối thế nào thì chính quyền Việt Nam vẫn vi phạm, vẫn chà đạp nhân quyền, chà đạp lên pháp luật, chà đạp lên hiến pháp.
Về vấn đề cho thành lập công đoàn độc lập mà Việt Nam cam kết khi vào TPP, được nhắc lại bởi ngoại trưởng Mỹ khi công bố bản phúc trình nhân quyền 2015 phần nói về Việt Nam, bạn trẻ Nguyễn Hoàng Vi thuộc nhóm NO U Sài Gòn, góp ý:
Em nghĩ rằng tình hình nhân quyền Việt Nam càng ngày càng tệ hơn chứ không có gì sáng sủa, nhất là khi mà phe bảo thủ của ông Nguyễn Phú Trọng đang nắm thế hiện nay. Em thấy hàng loạt vụ đàn áp và bắt bớ vẫn tiếp tục xảy ra.
Với những sửa đổi trong Bộ Luật Hình Sự thì căn bản những điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia vẫn còn giữ mà thậm chí nó còn nặng hơn nữa, cho nên em nghĩ sẽ không có thay đổi. Thêm nữa, nếu họ cho thành lập công đoàn độc lập thì họ cũng sẽ có những động thái kềm chế những hoạt động của công đoàn, hoặc là gây ra những rủi ro những khó khăn cho phía công đoàn độc lập.
Vấn đề là nhân quyền đã trở thành khát vọng của Việt Nam nhưng vì cộng sản không coi đó là việc của mình nên không làm đến nơi đến chốn.
- Ông Nguyễn Khắc Mai
Đối với ông Nguyễn Khắc Mai, rất khó để nói chuyện nhân quyền ở Việt Nam và cũng rất khó để kêu gọi nhà nước Việt Nam bảo vệ quyền con người như từng hứa hẹn:
Tôi nói là Việt Nam cộng sản có cái lịch sử từ chối nhân quyền, luôn luôn cho nhân quyền là vấn đề của tư sản, của chủ nghĩa tư bản, của kẻ thù nó lợi dụng để chống lại Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa và chống lại đảng. Đấy là luận điệu rất lâu rồi.
Vấn đề là nhân quyền đã trở thành khát vọng của Việt Nam nhưng vì cộng sản không coi đó là việc của mình nên không làm đến nơi đến chốn. Vì sao thế giới chọn nhân quyền để công kích Việt Nam, vì đấy là mặt yếu nhất của Việt Nam, Việt Nam rất kém về vấn đề này. Thế nhưng cho đến nay tôi thấy vấn đề vẫn không được cải thiện, càng ngày sự vi phạm nhân quyền càng rõ. Hai tầng lớp người ta gọi là nền tảng của xã hội là công nông, cuộc sống vật chất đã xứng đáng con người hay không thì đang là một vấn đề lớn.
Cho đến lúc này, chưa thấy chính quyền Hà Nội lên tiếng gì về phúc trình thường niên mà Bộ Ngoại Giao Mỹ vửa công bố.
No comments:
Post a Comment