Monday, April 4, 2016

Biển Đông : Mỹ sẽ mở cuộc tuần tra thứ ba gần các đảo tranh chấp

Biển Đông : Mỹ sẽ mở cuộc tuần tra thứ ba gần các đảo tranh chấp

mediaHình ảnh do máy bay trinh sát Mỹ P-8A chụp được ngày 21/05/2015 cho thấy nhiều tàu hút cát của Trung Quốc hoạt động trong vùng đá Vành Khăn.REUTERS/U.S. Navy/Handout via Reuters/Files
Hãng tin Reuters, trích dẫn một nguồn tin từ Washington, hôm qua, 01/04/2016, cho biết hải quân Mỹ dự trù mở cuộc tuần tra thứ ba vào đầu tháng 4 tới gần các đảo tranh chấp trên Biển Đông, bất chấp những phản đối của Trung Quốc về hai cuộc tuần tra đầu tiên.
Hiện giờ chưa rõ thời điểm của cuộc tuần tra thứ ba này, cũng như chiếm hạm nào sẽ tuần tra vào khu vực 12 hải lý chung quanh một đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Trong những tháng gần đây, hải quân Hoa Kỳ vẫn tiến hành những chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, đưa tàu đến gần các đảo tranh chấp trên Biển Đông, để khẳng định quyền lưu thông qua những vùng biển này.
Hiện giờ, đội tàu của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Stennis đang hoạt động ở vùng Biển Đông. Nhưng theo một nguồn tin do Reuters trích dẫn, rất có thể cuộc tuần tra sắp tới sẽ do một chiến hạm nhỏ hơn tiến hành.
Theo dự đoán của các chuyên gia, chuyến tuần tra lần tới sẽ diễn ra gần Đá Vành Khăn ( Mischief Reef ), đảo tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Đài Loan, đã bị Trung Quốc chiếm từ năm 1995 và đã được Bắc Kinh đắp thành đảo nhân tạo. Đây cũng là nơi mà Trung Quốc đã xây một phi đạo quân sự.
Thông tin về chuyến tuần tra của hải quân Mỹ gần các đảo tranh chấp trên Biển Đông được đưa ra một ngày sau khi tổng thống Obama tiếp chủ tịch Tập Cận Bình ngày 31/03 bên lề hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân ở Washington. Tại cuộc gặp gỡ này, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố với tổng thống Hoa Kỳ rằng Bắc Kinh sẽ « kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc » ở Biển Đông.
Mặc dù nói rằng Trung Quốc « tôn trọng và bảo vệ tự do hàng hải và hàng không » ở Biển Đông, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận việc lấy cớ tự do hàng hải « để xâm phạm chủ quyền và các lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc ».


Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment